Tin Tức & Sự Kiện
Thế giới hiểu gì mới về Nguyễn Đình Chiểu?

Thế giới hiểu gì mới về Nguyễn Đình Chiểu?

Nhà thơ mù yêu nước Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888) được Đại hội đồng UNESCO (Kỳ họp lần thứ 41) tôn vinh là Danh nhân văn hóa năm 2022 với những căn cứ trước tác thơ yêu nước; giàu có lý tưởng đạo đức; nhấn mạnh giá trị làm người; đề cao tinh thần vị tha; ca ngợi những tấm gương xả thân, trượng nghĩa,…

Trước đó, nhất là dịp kỉ niệm 200 năm ngày sinh danh nhân này, giới học thuật thế giới có những cách hiểu mới rất đáng chú ý về thời thế, cuộc đời và sáng tác của ông.

Về tính hiện đại, nhiều chuyên gia thế giới khẳng định Nguyễn Đình Chiểu là cây đại thụ “liên văn hóa” (intercultural) tiêu biểu. Câu cảm thán “Hỡi ôi!/ Súng giặc đất rền; lòng dân trời tỏ” trong “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” khái quát cao nhất về một thời cuộc loạn lạc, nhưng chính trong thời điểm “nước sôi lửa bỏng” tinh thần yêu nước của nhân dân mới thể hiện cao độ nhất.

Chịu ảnh hưởng sâu sắc Nho học nhưng rất gần gũi với dân nghèo, không ngẫu nhiên hầu hết các tác phẩm chính của ông đều được sáng tác bằng chữ Nôm. Thời đó đạo Phật vẫn có ảnh hưởng lớn, đạo Công giáo đang mạnh dần theo bước chân xâm lược của người Pháp. Nguyễn Đình Chiểu không ưa Phật giáo, phản đối Công giáo, nhưng như một quy luật phản tiếp nhận cũng là một tiếp nhận. Tức ông đã tìm hiểu đủ độ sâu sắc để hiểu rồi “ghét” hai tôn giáo này.

Lẽ tự nhiên trong tư tưởng và tác phẩm của ông vẫn có bóng dáng văn hóa Phật giáo và Công giáo. Giặc Pháp sang tất yếu kéo theo văn hóa phương Tây, mà một học giả như ông, ít nhiều cũng tìm hiểu và tiếp thu. Những điều ấy đủ cho thấy Nguyễn Đình Chiểu là một tác giả liên văn hóa tiêu biểu của thời đại bấy giờ!

Khai mạc Triển lãm Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu Cuộc đời và sự nghiệp

Cái không may của Nguyễn Đình Chiểu lại tạo ra sự may mắn cho văn học Việt Nam. Dấu ấn bi kịch cá nhân và bi kịch thời đại hằn sâu vào thế giới tác phẩm Đồ Chiểu để phát ra những ánh sáng lạ phản ánh chân thực, đau đớn và bi tráng về thời kỳ đau thương mất nước, đanh thép căm hờn tinh thần tố cáo tội ác kẻ thù xâm lược, với “Chạy giặc”, “Ngư tiều y thuật vấn đáp”, “Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh”; “Hịch kêu gọi nghĩa binh đánh Tây”; “Hịch đánh chuột”…

Câu thơ bất hủ “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” chúng ta vẫn hiểu là nói về sứ mệnh con thuyền nghệ thuật chở đạo lý, người nghệ sĩ là chiến sĩ dùng ngòi bút làm vũ khí chống lại kẻ xấu, kẻ gian. Cách hiểu của UNESCO có phần phổ quát rộng rãi hơn, ứng vào thời của truyền thông số: mỗi con thuyền nhân cách trên dòng sông cuộc đời đều mang sứ mệnh “chở đạo”. Bằng chữ viết/tiếng nói mỗi người vẫn có thể tham gia vào mặt trận bài trừ những thứ độc hại (ô nhiễm môi sinh, văn hóa phẩm…) đang ở chung quanh họ. Có vậy mới góp phần làm cho thế giới tốt đẹp, lành mạnh, thân ái hơn!     

Hai câu thơ “Thà đui mà giữ đạo nhà/ Còn hơn có mắt ông cha không thờ” cũng được hiểu rộng hơn, “đạo nhà” không chỉ là nếp nhà (gia phong) mà còn là “đạo Tổ quốc”, là đạo lý, phép tắc quốc gia. “Ông cha” là tổ tiên, là lịch sử. Người có đạo lý là người biết giữ gìn bảo vệ, biết hy sinh vì nước. Kẻ vô đạo là kẻ quên tổ tiên, quên lịch sử!

 Là một tấm gương sáng ngời về ý chí nghị lực phi thường, về đạo lý làm người, cứu giúp người, thế giới coi Nguyễn Đình Chiểu là hình mẫu cho người trí thức hôm nay về Trí tuệ, Tình thương, Trách nhiệm trước xã hội. Để lại di sản lớn mang tầm “mẫu số chung” với văn hóa nhân loại: ca ngợi con người, đấu tranh chống lại cái ác, cái xấu, nhà thơ còn thể hiện một quan niệm mỹ học về cái đẹp mãi mãi tỏa sáng: là sự hài hòa, tương xứng (qua tình yêu Vân Tiên/Nguyệt Nga), là khát vọng vươn lên vẻ đẹp tận thiện tận mỹ (qua tên gọi và phẩm chất, hành động các nhân vật Nguyệt Nga, Hớn Minh, Tử Trực…).

Ngoài “Lục Vân Tiên” được dịch ra ba thứ tiếng Anh, Pháp, Nhật đã có một đời sống riêng ở các xứ sở mới dù khác biệt về văn hóa nơi sinh ra, tác giả còn có “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” – một tượng đài người nghĩa sĩ điêu khắc bằng ngôn ngữ liên văn hóa. Hình tượng tiêu biểu cho truyền thống “ngụ binh ư nông” (gửi quân lính về làm nông dân) tức một chính sách “nội văn hóa” (intracultural) thành công ở các thời Lý, Trần, Lê… trước đó.

Ngôn từ “liên văn hóa” đã diễn tả rất sinh động cuộc chiến đấu giữa những người nghĩa sĩ trang bị rất thô sơ nhưng có trái tim cực kỳ dũng cảm: “Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia/ Gươm đeo dùng bằng lưỡi dao phay, cũng chém rớt đầu quan hai nọ/ Kẻ đâm ngang, người chém ngược, làm cho mã tà ma ní hồn kinh…”. Các từ chỉ hành động ở vị trí giữa câu thơ như cái bản lề khép mở hai không gian chiến trường: những nghĩa sĩ với “rơm con cúi”, “lưỡi dao phay” và “đốt”, “đâm”, “chém” (hành động) “nhà dạy đạo”, “quan hai”, “mã tà ma ní” (kẻ cướp nước). Đó là cuộc đấu tranh một mất một còn của hai luồng văn hóa, văn hóa yêu nước chính nghĩa và bọn xâm lược phản văn hóa. Hình tượng người nghĩa sĩ nông dân lồng lộng một vẻ đẹp của chủ nghĩa yêu nước mãi mãi đi vào lịch sử văn hóa nhân loại để rồi mãi mãi bất tử!

Nhiều học giả chứng minh hầu hết các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu đều sâu đậm tinh thần liên văn hóa. “Dương Từ – Hà Mậu” gồm 3.456 câu, trong đó phần lớn là thơ lục bát, có xen thơ luật Đường (33 bài) và các thể thơ khác là liên văn hóa về hình thức.Nội dung câu chuyện nói lên thái độ của tác giả đối với đạo Phật và đạo Công giáo là liên văn hóa tôn giáo. Có liên văn hóa không gian tâm linh tín ngưỡng (thiên đường, địa ngục) và quan niệm dân gian về “hóa kiếp” qua nhân vật tự “giải mê” trong cuộc hành trình dài đi tìm chân lý và trở về với gia đình, làng nước.

“Ngư tiều y thuật vấn đáp” gồm 3.642 câu, phần lớn là thơ lục bát, có xen 21 bài thơ và một số bài phú (tức liên văn hóa về hình thức) trích từ các sách thuốc Trung Hoa (là liên văn hóa nghề nghiệp ở hai quốc gia), qua đó bàn về đạo lý là liên văn hóa về tư tưởng. Các tư tưởng về nghề thuốc và đạo làm người xuyên thấm vào nhau để nói rất sâu sắc quan niệm: nghề nào cũng vậy, nhất là nghề thuốc phải coi đạo lý làm người lên trên hết. Hai nhân vật chính (ông ngư và ông tiều) đối thoại với nhau về sự kết hợp thuốc rừng núi, đồng bằng là tiêu biểu cho liên văn hóa miền ngược (ông tiều/tiều phu lấy củi) – miền sông nước (ông ngư/ngư phủ đánh cá)…

Thơ lẻ của Nguyễn Đình Chiểu cũng rất rõ tính liên văn hóa. Ví như câu: “Hoa cỏ bùi ngùi ngóng gió Đông/ Chúa Xuân đâu hỡi, có hay không?” (Ngóng gió Đông) thì thấp thoáng “liên văn hóa” câu thơ của Thôi Hộ (đời Đường – Trung Quốc): “Nhân diện bất tri hà xứ khứ/ Đào hoa y cựu tiếu Đông phong” (Người không biết đi đâu/ Hoa đào năm ngoái còn cười gió Đông). “Chúa Xuân” là một ước lệ thi ca cổ điển phương Đông chỉ bề trên, tức Vua. “Hịch đánh chuột” rất rõ một sự tiếp thu ngụ ngôn của cổ nhân: lấy hình tượng “chuột” để chỉ kẻ ác, kẻ xấu, kẻ tham tàn hại người, trong bài là chỉ giặc Pháp “mặt mũi xồm xoàm”…

Nhiều học giả châu Á cho rằng cấu trúc nhân cách của Nho sinh (Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…) thời trước cũng được đào tạo theo hướng liên văn hóa mà biểu hiện tập trung ở 4 chữ “Nho, Y, Lý, Số” tức nhà Nho nào cũng biết 4 phương diện: Nho/đạo Khổng; Y/ thầy thuốc; Lý/ thầy địa lý, phong thủy; Số/ thầy tướng, thầy bói. Người giỏi toàn diện như Nguyễn Đình Chiểu cả 4 phương diện trên không phải là hiếm. Điều này cắt nghĩa tại sao Cụ Đồ Chiểu lại chọn Ba Tri (Bến Tre) là nơi sống và an nghỉ cuối cùng.

Cụ giỏi phong thủy nên chọn đất lành, tương truyền cụ sống và an táng ở nơi có “long mạch” là hàm một con rồng đang vươn ra biển. Mộ Cụ gối đầu vào ba cái cù lao cũng nhìn hướng ra biển. Ngày nay Đền thờ được nhân dân Bến Tre xây dựng xứng đáng với tầm vóc lớn lao của Cụ. Khu Lăng mộ hoành tráng (tọa lạc tại xã An Đức huyện Ba Tri) được kiến trúc hài hòa theo lối “liên văn hóa” phong cảnh làng quê Việt kết hợp kiến trúc Phật giáo, Nho giáo. Ngôi đền thờ có ba tầng mái tiêu biểu cho ba tư cách của Cụ là Nhà giáo mẫu mực, Nhà thơ yêu nước, Danh y lớn. Cũng là một “liên văn hóa”! 

Với những cống hiến to lớn cho nhân loại về mặt tư tưởng, Nguyễn Đình Chiểu còn là một tấm gương sáng ngời về ý chí nghị lực phi thường, về đạo lý làm người. Nhà thơ vĩ đại ấy còn thể hiện một tinh thần liên văn hóa hiện đại, mới mẻ rất cần được tìm hiểu, nghiên cứu sâu hơn!

PGSTS- Đại tá Nguyễn Thanh Tú (thứ 2 từ phải) trong chuyến viếng thăm mộ Phan Thanh Giản trước khi vào Hội thảo KHQG Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và tihh thần yêu nước từ văn hóa phương Nam- Đồng Tháp – 15/5/2022-Ảnh STT Bến Tre

Nguyễn Thanh Tú

Nguồn: https://vnca.cand.com.vn/Ly-luan/the-gioi-hieu-gi-moi-ve-nguyen-dinh-chieu–i659845/