Tọa đàm giới thiệu sách Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu tại Ucraina
Nằm trong chuỗi các hoạt động văn hoá kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Ucraina; kỷ niệm 200 năm ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu theo Nghị quyết của UNESCO, ngày 18/7/2022, tại Thư viện sách thiếu nhi thành phố Kyiv, Đại sứ quán Việt Nam phối hợp với Tổ chức “Sáng kiến Ucraina” và các đơn vị liên quan của Ucraina tổ chức Tọa đàm giới thiệu sách Lục Vân Tiên của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu tiếng Ucraina vừa được tái bản.
Tham dự Tọa đàm, về phía Ucraina có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ucraia Nguyễn Hồng Thạch cùng cán bộ các phòng chức năng của Đại sứ quán; đại diện đơn vị đồng tổ chức, Hội Tri thức thành phố Kyiv, Viện Ngôn ngữ học thuộc Đại học Tổng hợp Quốc gia Kyiv mang tên T. Shevchenko, Hội Hữu nghị Ucraina – Việt Nam, Hội Nghị sỹ Hữu nghị Ucraina – Việt Nam, Trường phổ thông liên cấp I – III số 251 thành phố Kyiv mang tên Hồ Chí Minh và đông đảo bạn bè Ucraina yêu mến văn học Việt Nam.
Đặc biệt, Tọa đàm còn có sự tham gia bằng hình thức online qua nền tảng Zoom của sinh viên Ucraina đang theo học tiếng Việt và những người yêu thơ Lục Vân Tiên ở cả hai nước Ucraina và Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch đã cảm ơn các bạn Ucraina rất tích cực trong việc tái bản và giới thiệu cuốn sách Lục Vân Tiên tiếng Ucraina, sách Lục Vân Tiên được dịch sang tiếng Ucraina và xuất bản lần đầu tiên tại Ucraina vào năm 1983. Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch nhấn mạnh trong điều kiện Ucraina đang có chiến sự, nhiều chương trình kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước không thể thực hiện theo kế hoạch; do đó việc tổ chức giới thiệu Lục Vân Tiên tiếng Ucraina đến đông đảo người dân Ucraina, mặc dù trong phạm vi khiêm tốn, là hoạt động rất có ý nghĩa góp phần mở rộng giao lưu văn hoá, hiểu biết giữa nhân dân hai nước, một minh chứng hùng hồn cho tình hữu nghị Việt Nam – Ucraina luôn luôn bất diệt, phát triển bất chấp mọi khó khăn trở ngại.
Cũng theo Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch, ngoài bản dịch tiếng Pháp đầu tiên từ thời Việt Nam còn là thuộc địa của Pháp, bản dịch Lục Vân Tiên tiếng Ukraina của M. Kashel năm 1983  là bản dịch tiếng nước ngoài đầu tiên, đến năm 1986 Lục Vân Tiên mới được dịch sang tiếng Nhật. Vị trí đặc biệt của bản dịch Lục Vân Tiên sang tiếng Ukraina còn được ghi dấu cho hậu thế đời đời với dịch giả M.Kashel – Bà đã làm một điều phi thường khi tự học tiếng Việt và trao đổi với các bạn Việt Nam để hiểu và dịch Lục Vân Tiên. Chính vì vậy, Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine đã nỗ lực tổ chức Tọa đàm giới thiệu Lục Vân Tiên tiếng Ucraina và tác giả Nguyễn Đình Chiểu.
Phát biểu tại Tọa dàm, Giám đốc Tổ chức Sáng kiến Ucraina Yuri Kosenko nhấn mạnh năm 2022 có nhiều ngày kỷ niệm các nhân vật vĩ đại của Việt Nam được UNESCO tôn vinh như: 200 năm ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu, 250 năm ngày sinh và 200 năm ngày mất của nữ đại thi hào Hồ Xuân Hương và 580 năm ngày mất của danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi. Năm 2022 cũng là năm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Ucraina.
Ông Yuri Kosenko cho rằng đây là thời điểm thích hợp để đẩy mạnh nghiên cứu về Việt Nam vì dân tộc và kinh nghiệm của Việt Nam là độc đáo, nhất là trong nghệ thuật quân sự nước nhỏ chiến thắng nước lớn, ông nhấn mạnh Nguyễn Đình Chiểu không chỉ là nhà thơ lớn mà còn là một thi sỹ – chiến sỹ chống thực dân tiêu biểu, thể hiện một sức mạnh đạo đức phi thường ở một nhà thơ mù lòa. Do đó, việc giới thiệu tác phẩm Lục Vân Tiên bằng tiếng Ucraina nhân kỷ niệm tròn 200 năm ngày sinh của nhà thơ là sự kiện có ý nghĩa lớn thiết thực tôn vinh và lan tỏa những gá trị vô giá của di sản văn hóa của Nguyễn Đình Chiểu trên thế giới (Bài phát biểu này chúng tôi sẽ giới thiệu toàn văn trong một bài viết khác)..
Trong phát biểu của mình, Chủ tịch Hội Tri thức thành phố Kyiv – Vasili Vasilievich cho rằng tác phẩm Lục Vân Tiên có nhiều nội dung triết lý sâu sắc, do đó vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay. Nội dung truyện thơ giống như một vở kịch. Nhà hát dưới sự bảo trợ của Hội Tri thức Ucraina đã và đang bắt đầu công việc “kịch hoá” tác phẩm nổi tiếng nhất của Nguyễn Đình Chiểu để đưa lên sân khấu. Ông hi vọng nếu kịp tiến độ, cuối tháng 9 năm 2022 tới đây có thể ra mắt vở kịch này.
Đặc biệt, tại Tọa đàm, những người tham dự còn được nghe Nhà Ngôn ngữ học Hoàng Tuấn Vũ, giảng viên Khoa tiếng Việt thuộc Viện Ngôn ngữ, Đại học Tổng hợp Quốc gia Kyiv mang tên T. Shevchenko trình bày tham luận về hoàn cảnh sáng tác và giá trị thơ văn của Lục Vân Tiên.
(KK. Biên tập từ nguồn của ĐSQ Việt Nam tại Ucraina.
Link https://vnembassy-kiev.mofa.gov.vn/vi-vn/News/EmbassyNews/ -UCRAINA.aspx)