Tin Tức & Sự Kiện
Ra mắt sách về Nguyễn Đình Chiểu

Ra mắt sách về Nguyễn Đình Chiểu

BDK – Trong những ngày tỉnh Bến Tre và cả nước hướng tới kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, nhiều nhà xuất bản (NXB) đã công bố các công trình nghiên cứu về Nguyễn Đình Chiểu. Xung quanh nội dung này, GS.TS Nguyễn Chí Bền – nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho biết:

Bìa của 4 quyển sách về cụ Đồ Chiểu.

– Có 4 cuốn sách về Cụ Đồ ra mắt bạn đọc trong những ngày nửa cuối tháng 6-2022. Cuốn sách đầu tiên là “Hướng tới 200 năm nghiên cứu Nguyễn Đình Chiểu”, do NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh xuất bản. Đây là kết quả đề tài khoa học cấp tỉnh do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre giao cho Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh thực hiện. Từ 11 thành viên thực hiện đề tài, Ban Giám hiệu Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh đã thành lập một Ban tuyển chọn gồm có tôi (Trưởng ban) với 3 nhà khoa học công tác tại Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam: GS.TS Từ Thị Loan, PGS.TS Phạm Lan Oanh, TS Vũ Anh Tú, cùng 2 nhà khoa học tại Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh: PGS.TS Nguyễn Thế Dũng, TS Nguyễn Thị Hồng Thắm và TS Phạm Văn Luân (Trường Cao đẳng Bến Tre) đã khẩn trương đọc những chuyên luận, tiểu luận viết về Nguyễn Đình Chiểu ở trong nước và nước ngoài gần 160 năm qua, tuyển chọn, đưa vào tập sách này. Có 150 bài viết về Cụ Đồ của các tác giả được đưa vào bộ sách.

Cuốn thứ hai là “Nguyễn Đình Chiểu, Danh nhân văn hóa thế giới”, do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản. Phần thứ nhất của cuốn sách là một chuyên luận của các nhà khoa học: Tôi (chủ biên), GS.TS Từ Thị Loan, PGS.TS Phạm Lan Oanh, TS Vũ Anh Tú. Phần thứ hai của cuốn sách là các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu do Ban tuyển chọn gồm: Tôi, PGS.TS Lâm Nhân, PGS.TS Phạm Lan Oanh, TS Nguyễn Hoàng thực hiện. Ba truyện thơ: Lục Vân Tiên, Dương Từ – Hà Mậu, Ngư tiều y thuật vấn đáp, các bài văn tế, thơ điếu, thơ luật Đường, cùng một số sáng tác khác.

Cuốn thứ ba là “Sáng tạo văn hóa nghệ thuật về Nguyễn Đình Chiểu”, do NXB Văn hóa dân tộc xuất bản. Đây là cuốn sách do Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu (tỉnh Bến Tre) giao cho một Ban tuyển chọn gồm: Tôi, nhà thơ Kim Ba, nhà thơ Hồ Trường, nhà báo Cao Văn Dũng, TS Phạm Văn Luân, tập hợp tư liệu, tuyển chọn. Từ ca dao, dân ca đến truyện kể dân gian, các bài thơ viết theo lối cổ, các bài thơ mới từ trường ca đến truyện thơ, truyện lịch sử và các vở tuồng, cải lương, kịch nói, tranh, tượng… về cụ Đồ Chiểu, về các nhân vật trong sáng tác của cụ Đồ Chiểu hơn trăm năm qua đều được tuyển chọn. Cuốn sách còn có một tổng luận Nguyễn Đình Chiểu, cội nguồn của sáng tạo văn hóa nghệ thuật do tôi chấp bút.

Cuốn thứ tư là “Truyện thơ nôm Lục Vân Tiên”, in song ngữ Việt – Hàn do NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh xuất bản. Đây là cuốn sách được Hội Di sản văn hóa tỉnh Bến Tre phát hành, được sự tài trợ của một số doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam thực hiện. Cùng với phần chính của cuốn sách là bản in song ngữ Hàn – Việt truyện thơ Lục Vân Tiên là một tiểu luận về Nguyễn Đình Chiểu do TS Phạm Văn Luân chủ biên, một bài ghi chép của tôi, nghiên cứu của GS Shimizu Masaaki (Nhật Bản) về dạy tiếng Việt ở Nhật Bản qua truyện thơ Lục Vân Tiên… Cuốn sách được Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam viết lời giới thiệu.

* Theo GS, các cuốn sách này có khẳng định tầm nhân loại của một danh nhân Việt Nam mà Đại hội đồng UNESCO đã thông qua Nghị quyết 41C/15 vinh danh cùng kỷ niệm 200 năm ngày sinh của cụ?

– Ở lĩnh vực nghiên cứu khoa học, cuốn sách “Hướng tới 200 năm nghiên cứu Nguyễn Đình Chiểu” là sự tổng hợp, chọn lựa các công trình nghiên cứu về Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. Những năm qua, đã có một số tuyển tập các bài nghiên cứu về Nguyễn Đình Chiểu được ra mắt bạn đọc như “Mấy vấn đề về cuộc đời và thơ văn Nguyễn Đình Chiểu” (1964/1969), “Sưu tập những bài báo về Nguyễn Đình Chiểu” (1971), “Sưu tập bổ túc những bài báo về Nguyễn Đình Chiểu” (1971), “Nguyễn Đình Chiểu tấm gương yêu nước và lao động nghệ thuật” (1973), “Nguyễn Đình Chiểu, kỷ yếu hội nghị khoa học năm 1982” (1984), “Nguyễn Đình Chiểu, về tác giả và tác phẩm” (1999). Nhưng “Hướng tới 200 năm nghiên cứu Nguyễn Đình Chiểu” là cuốn sách bao quát, đầy đủ các công trình nghiên cứu về Nguyễn Đình Chiểu của các thế hệ nghiên cứu Cụ Đồ ở trong nước, cũng như ở nước ngoài. Hơn ngàn trang sách đều khẳng định Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu xứng đáng ở tầm nhân loại.

 Nếu cuốn “Hướng tới 200 năm nghiên cứu Nguyễn Đình Chiểu” là kết quả nghiên cứu của hơn 150 tác giả thì “Nguyễn Đình Chiểu danh nhân văn hóa thế giới” là kết quả nghiên cứu của một nhóm tác giả. Chuyên luận in trong cuốn sách đã đề cập các phương diện: thời đại, quê hương, con người và sự nghiệp, nhà thơ lớn, nhà văn hóa lớn, vấn đề bảo vệ và phát huy di sản của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu một cách khoa học.

Trong khi đó, cuốn “Sáng tạo văn hóa nghệ thuật về Nguyễn Đình Chiểu” lại nghiêng về một phương diện khác. Cách nay 40 năm, Ty Văn hóa và Thông tin Bến Tre đã xuất bản cuốn sách “Nguyễn Đình Chiểu trong cuộc đời” thì lần này Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu (tỉnh Bến Tre) lại tập hợp được rất nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật do các văn nghệ sĩ sáng tạo về Cụ Đồ, nhân vật trong tác phẩm của Cụ Đồ.

Sự kính trọng, ngưỡng mộ Cụ Đồ là cội nguồn cảm xúc cho các sáng tạo văn học nghệ thuật về cụ của các văn nghệ sĩ. Không phải danh nhân nào cũng là cội nguồn cho sáng tạo văn học nghệ thuật như Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. Quý và lạ là cuốn sách do Hội Di sản văn hóa tỉnh Bến Tre chủ trương thực hiện. Như thế, sau khi được dịch sang tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nhật, truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu được dịch sang tiếng Hàn.

Cả 4 cuốn sách trên đều là những nén hương tâm linh mà các tác giả, các nhà xuất bản đã thành kính dâng lên Nguyễn Đình Chiểu, đúng vào thời gian UNESCO cùng kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Nguyễn Đình Chiểu.

* Sau những cuốn sách GS tham gia tích cực, đã được các nhà xuất bản đưa đến với bạn đọc, GS mong muốn điều gì trên bước đường nghiên cứu về Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu?

– Quê tôi ở tỉnh Bắc Ninh, sinh ra và lớn lên ở quê hương Bắc Ninh, nhưng một thời trai trẻ, tôi gắn bó với Bến Tre, dạy học và nghiên cứu về văn hóa, văn học Bến Tre. Với tôi, Bến Tre là vùng quê nghiên cứu và sáng tác. Quý trọng đóng góp của tôi về văn học nghệ thuật Bến Tre, năm 2017, UBND tỉnh Bến Tre đã trao tặng tôi Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu. Năm 2020, nhận trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh, tôi viết báo cáo khoa học về Nguyễn Đình Chiểu trình UNESCO và kết quả ngày 23-11-2021, UNESCO đã vinh danh Cụ Đồ qua Nghị quyết 41C/15. 2 năm qua, cùng các đồng nghiệp yêu quý và kính trọng Cụ Đồ, tôi đã viết các cuốn sách trên. Thâm tâm, tôi vẫn nghĩ cần tiếp tục nghiên cứu cuộc đời, sự nghiệp của cụ. Nếu có hai hạt dẻ, tôi mong hạt dẻ thứ nhất là phải giới thiệu tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu, những công trình nghiên cứu về Nguyễn Đình Chiểu ra nước ngoài, bằng tiếng nước ngoài; hạt dẻ thứ hai là ứng dụng thành tựu công nghệ thông tin vào nghiên cứu, giảng dạy, quảng bá Nguyễn Đình Chiểu. Nói cách khác, phải số hóa tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu, các nghiên cứu, sáng tác về Nguyễn Đình Chiểu.

* Xin chân thành cảm ơn GS.TS. Nguyễn Chí Bền!

  H. Thi (thực hiện)

Nguồn: Đồng Khởi Online

https://baodongkhoi.vn/ra-mat-sach-ve-nguyen-dinh-chieu-22062022-a102041.html