Tin Tức & Sự Kiện
Khoa học – công nghệ và văn hóa dân gian –  con đường tốt nhất để bào tồn và phát huy giá trị xã An toàn khu, vùng An toàn khu trên địa bàn tỉnh Bến Tre 

Khoa học – công nghệ và văn hóa dân gian –  con đường tốt nhất để bào tồn và phát huy giá trị xã An toàn khu, vùng An toàn khu trên địa bàn tỉnh Bến Tre 

Thời gian gần đây người dân tỉnh Bến Tre rất phấn khởi, tự hào khi hay tin, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 683/QĐ-TTg ngày 4/6/2019 về việc công nhận xã An toàn khu, vùng An toàn khu trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Theo Quyết định này, ở cấp xãAn toàn khu Bến Tre lần đầu tiên có 11 xã đạt danh hiệu xã An toàn khu của Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; bao gồm: Xã An Phước, xã Phước Thạnh thuộc huyện Châu Thành; xã Thạnh Phong, xã Thạnh Hải, xã Giao Thạnh, xã An Nhơn, xã An Qui, xã An Điền, xã Mỹ An, xã An Thạnh thuộc huyện Thạnh Phú và xã Tân Phú Tây thuộc huyện Mỏ Cày Bắc. Cũng theo Quyết định này huyện Thạnh Phú, bao gồm địa bàn của 18 xã, thị trấn: xã An Điền, xã An Nhơn, xã An Qui, xã An Thạnh, xã An Thuận, xã Bình Thạnh, xã Đại Điền, xã Giao Thạnh, xã Hòa Lợi, xã Mỹ An, xã Mỹ Hưng, xã Phú Khánh, xã Quới Điền, xã Tân Phong, xã Thạnh Hải, xã Thạnh Phong, xã Thới Thạnh và thị trấn Thạnh Phú là vùng An toàn khu của Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đặt ở tỉnh Bến Tre. Tháng 7 vừa qua tỉnh và các huyện Châu Thành, Mỏ Cày Bắc và Thạnh Phú đã long trọng phối hợp tổ chức lễ công bố danh hiệu xã An toàn khu, vùng An toàn khu, nhiều bài viết đã đưa tin, giới thiệu sự kiện này nhưng vẫn chưa đề cập một cách đầy đủ, toàn diện giá trị và hiệu ứng của danh hiệu xã An toàn khu, vùng An toàn khu trong đời sống xã hội, nhất là bàn đến vấn đề cấp bách đặt ra khi người dân hồ hởi đón nhận thông tin vui này: – Khi có xã An toàn khu, vùng An toàn khu thì cộng đồng, xã hội nơi có các địa danh lịch sử được phong hạng đó sẽ được lợi gì? – Làm sao để bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử – văn hóa của danh hiệu xã An toàn khu, vùng An toàn khu trong cuộc sống người dân một cách bền vững để danh hiệu xã An toàn khu, vùng An toàn khu không chỉ là “danh hiệu” mà là niềm tin, nỗi tự hào, là cuộc sống của người dân nơi đây??

Theo qui định của nhà nước, xã, vùng An toàn khu (ATK) là những khu vực tương đối an toàn so với các khu vực khác trong chiến tranh. Tại ATK thường có các cơ quan đầu não của quân cách mạng, cơ sở hậu cần và là nơi tập trung dân cư.

Cửa ngõ vào huyện Thạnh Phú-  vùng An toàn khu đầu tiên ở Bến Tre (Ảnh TL)

Theo Quyết định Số: 897/QĐ-TTg ngày 27 tháng 05 năm 2016 của Thủ tướng chính phủ Ban hành tiêu chí công nhận xã ATK, vùng ATK. Xã ATK phải đạt tối thiểu 3 trong số 5 tiêu chí sau:

Tiêu chí 1: Được cấp ủy đảng từ Khu ủy, Quân khu ủy trở lên chỉ đạo xây dựng ATK cách mạng (nơi có các điều kiện về địa hình, địa thế, chính trị, quân sự, kinh tế – xã hội, dân cư và bảo đảm an toàn cho các hoạt động lãnh đạo cách mạng của Đảng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ).

Tiêu chí 2: Nơi ở (nuôi, giấu, giữ bí mật), làm việc và hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng phong trào cách mạng trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của các đồng chí cán bộ của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội từ cấp Khu và Quân khu trở lên.

Tiêu chí 3: Nơi diễn ra các sự kiện đặc biệt quan trọng, có các quyết sách chiến lược của Đảng mang tính chất bước ngoặt trong các giai đoạn của 02 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hoặc nơi đóng trụ sở các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội từ cấp Khu và Quân khu trở lên, trụ sở ngoại giao (Sứ quán, Tổng Lãnh sự quán,…) của nước ngoài, cơ quan Bộ Chỉ huy Mặt trận cấp chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.

Tiêu chí 4: Nơi đóng quân, đào tạo, huấn luyện, tập kết, trung chuyển của các lực lượng vũ trang (quân đội, công an) từ cấp đại đội trở lên; nơi có kho cất trữ lương thực, thực phẩm, vũ khí, khí tài, quân trang, quân dụng,… trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ phục vụ cho Mặt trận cấp chiến dịch hoặc cấp Quân khu trở lên.

Tiêu chí 5: Nơi có cơ sở và phong trào cách mạng vững mạnh trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; đồng thời, lực lượng vũ trang của địa phương đã chủ động hoặc phối hợp với lực lượng vũ trang chính quy tổ chức các trận đánh địch để bảo vệ an toàn cho cán bộ, cơ quan, tổ chức của Đảng và Nhà nước đóng trên địa bàn hoặc là nơi đã diễn ra trận đánh thắng lợi quan trọng góp phần tạo ra cục diện chiến trường lợi thế cho cách mạng và kháng chiến tại địa bàn và khu vực lân cận.

Đối với vùng ATK phải có đủ 2 tiêu chí:

Tiêu chí 1: Vùng có địa bàn thuộc 01 hoặc một số đơn vị hành chính cấp huyện liền kề của 01 hoặc một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các đơn vị hành chính cấp xã trong vùng này có cơ sở và phong trào cách mạng vững mạnh trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.

Tiêu chí 2: Có từ 30% trở lên số đơn vị hành chính cấp xã trong vùng được công nhận xã ATK, trong đó có đơn vị hành chính cấp xã được phong tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang hoặc có các Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia, các công trình di tích lịch sử cách mạng được các tổ chức, cơ quan từ cấp Khu ủy, Quân khu trở lên đầu tư xây dựng trên địa bàn.

Góc nhìn từ văn bản qui phạm pháp luật cho thấy việc được công nhận các danh hiệu xã ATK, vùng ATK là cả một quá trình không chỉ có vận dụng tiêu chí, tiêu chuẩn theo qui định hành chính mà còn có cả quá trình dày công sưu khảo, nghiên cứu tìm ra các minh chứng lịch sử và khoa học, do đó cho đến nay số xã, vùng ATK trên cả nước không nhiều, ở miền Nam lại càng hiếm, chỉ đếm trên đầu ngón nay, việc ra đời các xã, vùng ATK vì vậy ngay từ đầu đã gắn liền với hoạt động khoa học công nghệ rất chặt chẽ và chính những minh chứng khoa học, quá trình điều nghiên, sưu khảo tìm ra đủ các minh chứng lịch sử để trình Thủ tướng xét công nhận danh hiệu xã, vùng ATK. Khi được công nhận xã ATK, về mặt hành chính các xã thuộc diện này được hưởng chế độ theo Quyết định số 900/QĐ-TTg ngày 20/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã ATK thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2017 – 2020. Đây là một nguồn lực rất quan trọng đối với các xã, vùng được công nhận ATK lần này tất cả đều là xã, vùng khó khăn ở Bến Tre, từ đó mở ra những cơ hội lớn để triển khai các hoạt động khai thác quảng bá xã, vùng ATK như những địa chỉ đỏ, những điểm đếm du lịch hấp dẫn, trở thành một nguồn lực mới để xây dựng nông thôn mới. Chính vì vậy không phải ngẫu nhiên đầu tháng 6/2019 Thủ tướng ký Quyết định công nhận xã, vùng ATK ở Bến Tre thì ngày 19/6 trại viết năm 2019 của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã có các trại sinh đến từ các tỉnh, thành trong cả nước chọn Thạnh Phú, biển cồn Bửng để đi điền dã, tìm cảm hứng sưu khảo,  sáng tác, …

Hoạt động của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam kết nối với xã, vùng ATK Thạnh Phú  (Ảnh TL)

Sự kiện Bến Tre có 11 xã và 1 huyện lần đầu tiên được công nhận là xã ATK, vùng ATK đã đưa Bến Tre lên hàng “thủ đô” của kháng chiến ở miền Nam như vùng ATK Việt Bắc, là tỉnh tập trung xã An toàn khu, vùng An toàn khu nhiều nhất ở miền Nam. Sự kiện này không chỉ có giá trị về mặt chính trị – xã hội mà còn thể hiện lòng tri ân, đề cao giá trị những bài học lịch sử dành cho thế hệ hôm nay đối với các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh xương máu trong quá trình đấu tranh xây dựng, bảo vệ ATK trên địa bàn tỉnh. Từ đó mở ra cơ hội đẩy mạnh công tác giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng quê hương Đồng Khởi, quảng bá hình ảnh Bến Tre gắn với phát triển du lịch về nguồn, du lịch giáo dục lịch sử truyền thống với các di tích lịch sử cấp quốc gia, các địa danh, anh hùng liệt sĩ, nhân vật đã đi vào lịch sử dân tộc như:

+ Vùng ATK Thạnh Phú và 8 xã ATK: Thạnh Phong, Thạnh Hải, Giao Thạnh, An Nhơn, An Qui, An Điền, Mỹ An và An Thạnh gắn với Đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc – Nam; Đường Hồ Chí Minh trên biển Bến Tre – với biển Cồn Bửng, nhà cổ Đại Điền và lễ hội Nghinh Ông Nam Hải.

+ Xã ATK Tân Phú Tây, huyện Mỏ Cày Bắc gắn với căn cứ Khu ủy Sài Gòn – Gia Định – Di tích Quốc gia Đặc biệt Đồng Khởi – xã Định Thủy và tuyến du lịch làng nghề cây kiểng Cái Mơn – nhà bia Trương Vĩnh Ký.

+ Hai xã ATK An Phước, Phước Thạnh, huyện Châu Thành gắn với các giai đoạn hoạt động cách mạng của Nữ tướng Nguyễn Thị Định tại đây, gắn với tên tuổi anh hùng liệt sĩ Trần Văn Ơn – danh thắng Cồng Phụng – Đạo Dừa, dòng sông Ba Lai huyền thoại…

Các nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian đến từ Tuyên Quang, Lao Cai, Hà Nội, Đồng Tháp trên phà từ Trà Vinh sang Thạnh Phú (Ảnh TL)

Đó là chưa kể sự kết nối với các tuyến, điểm du lịch nổi tiếng từ địa bàn có xã, vùng ATK với gần 70 di tích đã được xếp hạng từ vật thể đến phi vật thể, với nguồn tài nguyên văn hóa dân gian phong phú, đậm chất bản địa của Bến Tre …

Trại viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tại một điểm đến ở Thạnh Phú (Ảnh TL)

Tuy nhiên để có thể vận dụng khai thác được tiềm năng từ tài nguyên nhân văn, lịc sử và thiên nhiên sinh thái đó, vấn đề quan trọng nhất đặt ra hiện nay là cần có một chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp tỉnh, huyện, xã do sở KHCN tỉnh Bến Tre chủ trì cùng các ngành liên quan huy động sự tham gia của cộng đồng tập trung đầu tư, nghiên cứu, sưu khảo một cách căn cơ, thiết thực kết nối hiệu quả danh hiệu xã, vùng ATK với cuộc sống người dân qua kênh du lịch văn hóa như cách làm của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam vừa qua đã cho thấy sức hút của xã, vùng ATK Thạnh Phú đến các trại sinh của các tỉnh, thành, chính chiều sâu văn hóa biển, độ dài của dòng chảy các câu chuyện dân gian, lịch sử văn hóa – kháng chiến của một vùng ATK là cội nguồn cảm hứng cho các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian điền dã, tìm sưu khảo, sáng tác. Chỉ có một chương trình KHCN có tính kết nối cao như vậy mới có thể cho ra những sản phẩm khoa học – lịch sử, những câu chuyện văn hóa, những mô hình, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội mang đặc trưng xã, vùng ATK đem lại nguồn lợi thực sự cho người dân qua kênh du lịch.

GSTS Vũ Gia Hiền phát biểu về du lịch Cù lao Minh (Ảnh: KK)

Bởi theo GSTS Vũ Gia Hiền, Gián đốc Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng Văn hóa Du lịch trực thuộc Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam, người gắn bó, tâm huyết với vùng ATK Thạnh Phú cách nay 15 năm, Bến Tre nói chung, 11 xã và huyện Thạnh Phú  được công nhận xã, vùng ATK mới đây vẫn đang còn thiếu sự đầu tư nghiên cứu, hệ thống hóa, tư liệu hóa các cứ liệu khoa học và lịch sử cần thiết đủ để có thể khai thác thành sản phẩm du lịch “có hồn”, những câu chuyện văn hóa, sự tích, địa danh… thực sự hấp dẫn du khách, làm điểm nhấn cho xã, vùng ATK như GS đang ấp ủ xây dựng một Giếng thề ở Cồn Bửng, một tượng đài bà mẹ liệt sĩ ở Thạnh Phong từ khi những nơi này chưa là ATK. Những tâm huyết, ý tưởng sáng tạo đó qua kênh KHCN, văn hóa dân gian sẽ làm sâu sắc và phong phú hơn nữa giá trị của các xã, vùng ATK ở Bến Tre trong cuộc sống đương đại.

Bìa sách của GSTS Vũ Gia Hiền nơi ấp ủ xây dựng một Giếng thề ở Cồn Bửng. (Ảnh KK)

Khắc K