Tin Tức & Sự Kiện
TRƯƠNG VĨNH KÝ VÀ CÂU CHUYỆN NGHIÊN CỨU VỀ DÂN SỐ -KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH

TRƯƠNG VĨNH KÝ VÀ CÂU CHUYỆN NGHIÊN CỨU VỀ DÂN SỐ -KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH

Nhân kỷ niệm 186 năm sinh Trương Vĩnh Ký, thể theo nguyện vọng và nhu cầu có thêm tư liệu về nhà bác học của giới nghiên cứu gần xa, được sự đồng ý của tác giả, chúng tôi xin giới thiệu toàn văn bài viết dưới đây… Bài này đã được in trên Bản tin Dân số Bến Tre số 110 – tháng 2/2018, nhân đây chúng tôi xin phép Bản tin được đăng lại nguyên bản bài viết này vì mục đích phát triển bền vững cộng đồng học thuật.

Năm 2018, tròn 120 năm ngày Trương Vĩnh Ký (1837 – 1898) qua đời, nhớ về nhà bác học tài ba “kinh bang tế thế” của quê hương Cái Mơn, Vĩnh Thành, Chợ Lách, Bến Tre, càng nhớ về bài học tri ân một người con ưu tú của quê hương cả đời dấn thân cho các khoa học liên ngành…

Trương Vĩnh Ký biết thông thạo 27 thứ tiếng Đông-Tây, là hội viên Hội nhân chủng học và khoa học miền Tây nước Pháp, Hội chuyên học nói tiếng Phương Đông, Hội chuyên khảo văn hóa châu Á, người chủ bút tờ báo đầu tiên tại Việt Nam – tờ Gia Định báo (Một chuyên đề trưng bày tại Hội trường Thống nhất, Tp Hồ Chí Minh từ tháng 6/2018, thu hút sự quan tâm của đông đảo học giả trong và ngoài nước, riêng tuần đầu khai mạc đã có 11.000 người đến tham quan) …

Trương Vĩnh Ký được liệt vào hàng 18 nhà bác học đương thời đã để lại cho hậu thế 121 tác phẩm. Trong số đó đã ấn hành 118 tác phẩm về: lịch sử, địa lý, văn học… Đến nay còn nhiều bản thảo chép tay rất tỉ mỉ, công phu, viết bằng bút sắt, mực đen trên giấy học trò (kể cả ở Thư viện Khoa học Xã hội Việt Nam (Hà Nội), nhà lưu niệm Trương Vĩnh Ký (520, Trần Hưng Đạo, phường 2, quận 5. Tp Hồ Chí Minh) có những cuốn viết dưới dạng bút ký khoa học bằng tiếng Pháp, tiếng Trung và tiếng Việt… như cuốn được giới thiệu trên báo Tuổi Trẻ “131 năm bút tích bác học Trương Vĩnh Ký” ngày 09/01/2005(xin xem ở link https://tuoitre.vn/131-nam-but-tich-bac-hoc-truong-vinh-ky-62909.htm) trang đầu tiên ghi năm 1873-1874, có chữ ký của Trương Vĩnh Ký. “…Xem cuốn sách thật lý thú vì có chỗ viết rất sâu về cây tre, lũy tre Việt Nam từ loại tre xanh để đan lát cho đến loại tre vàng có mấu lớn để làm ba-toong… Trong sách còn có chỗ tả về Chợ Quán, Sài Gòn.” . Trương Vĩnh Ký được tôn vinh là “Toàn cầu bác học danh gia”, một trong 18 người được thế giới bầu chọn “Thế giới thập bát văn hào” Dẫn theo “Góc nhìn sử Việt”, Khổng Xuân Thu – Tái bản theo bản in năm 1958, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội – 2016 một trong 14 quyển sách viết về danh nhân Trương Vĩnh Ký đã được công bố mà chúng tôi tiếp cận được.

    GSTS. Vũ Gia Hiền (bìa phải) và ông Cao Văn Dũng, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bến Tre (thứ hai từ phải qua) tại nhà Bia Trương Vĩnh Ký – Ảnh: TG.

Đầu năm 2018, khi đọc bài viết “Sự phát triển trên quê hương Trương Vĩnh Ký” trên Bản tin Dân số Bến Tre số 110 – tháng 2/2018 rồi về viếng Bia lưu niệm Trương Vĩnh Ký tại quê hương ông, chúng tôi bất giác suy nghĩ về một mối liên hệ giữa hậu thế và nhà bác học Trương Vĩnh Ký ở quê hương ông. Điều kỳ diệu là sau gần nửa năm nghiên cứu, chúng tôi đã tìm ra một câu chuyện thú vị…

Bên cạnh các công trình, trước tác của nhà bác học về ngôn ngữ, văn học, báo chí, giống cây trồng… Trương Vĩnh Ký đã nghiên cứu rất thành công với Đề án “Sinh sản điều chỉnh theo hành vi có lợi của con người”, ông định công bố vào năm 1900 nhưng rất tiếc đã không thực hiện được vì ông đã qua đời trước đó 2 năm. Tìm hiểu về công trình với những nghiên cứu, chúng tôi được biết, Trương Vĩnh Ký dành rất nhiều tâm sức cho chương trình nghiên cứu về một lĩnh vực hết sức gần gũi, quan trọng và “nhạy cảm” mà lâu nay chưa được đề cập đến nhiều – chúng tôi tạm gọi là “chất lượng dân số và kế hoạch hóa gia đình”.

Nhà Bia Trương Vĩnh Ký, phía xa bên phải ảnh là Nhà thơ Cái Mơn.
 – Ảnh Tư liệu nhóm STT Bến Tre.

          Từ nhỏ Trương Vĩnh Ký đã thích các môn học giải phẫu về tâm lý và sinh lý, về vấn đề hôn nhân về sau ông đã có sách biên khảo về chủ đề này…[1] dưới 2 góc độ quan sát và đối tượng quan sát. Sự kiện Trương Vĩnh Ký lập gia đình năm 24 tuổi, cưới vợ là Vương Thị Thọ ngày mồng 1 tháng 5 năm Tân Dậu (6/6/1861) là dịp để Trương Vĩnh Ký nghiên cứu kỹ hơn vấn đề hôn nhân và sinh sản học. Trương Vĩnh Ký đã từng trình bày với bác sĩ Chavanne (New Caledonia hay còn gọi là Tân Thế giới) thuyết “Con trai hay con gái theo ý muốn”, trong thuyết này Trương Vĩnh Ký có ý tưởng nghiên cứu những qui luật riêng về sự sinh sản của loài người trên cơ sở nghiên cứu các sách y học Đông – Tây, Trương Vĩnh Ký nhận thấy các nhà y học thế giới chỉ mới “mon men chung quanh một sự thật mà không dám minh định lại” và Trương Vĩnh Ký có cách tiếp cận nghiên cứu mới riêng của mình là đi đến cùng cho ra kết quả của sự tìm tòi và thí nghiệm bằng cách dựa vào sự tương phản của 2 nguyên lý âm – dương, giống đực – giống cái đối nhau…

Một ngày, Trương Vĩnh Ký tìm được khởi điểm và thời hạn (điểm X) – Trương Vĩnh Ký lấy vợ và nhà bác học đã thành công trong việc điều chỉnh sinh sản theo hành vi có lợi cho con người, hướng tới mục tiêu vì chất lượng dân số, chăm sóc, nuôi dưỡng tốt con cái, Trương Vĩnh Ký đã có 4 con, 2 trai, 2 gái với khoảng cách sinh điều chỉnh theo kế hoạch của riêng mình không phải theo kiểu sinh con tự nhiên “trời sinh voi, sinh cỏ”… Khi thăm Thủy sư Đô đốc Dupre’ có cả bác sĩ Laccroix, sở Y tế cùng chánh văn phòng, Trương Vĩnh Ký đã có giao kèo về việc áp dụng kết quả nghiên cứu về sinh sản học của mình, Trương Vĩnh Ký cam kết sẽ sinh con thứ 5 là con trai và 10 tháng sau vợ Trương Vĩnh Ký đã hạ sinh 1 con trai! Từ kết quả nghiên cứu này, Trương Vĩnh Ký có ý định đem chứng minh thuyết của mình ở Paris vào năm 1900 thông qua những cuộc diễn thuyết giữa công chúng và trường Đại học, thật đáng tiếc là ý định khoa học này đã không kịp để Trương Vĩnh Ký thực hiện!

Sinh hoạt học thuật về Trương Vĩnh Ký và Bản tin Dân số Bến Tre.
 – Ảnh Tư liệu nhóm STT Bến Tre.

           Với mục tiêu “nâng cao chất lượng dân số và kế hoạch hóa gia đình”, chúng tôi rút ra một bài học rất độc đáo đã được Trương Vĩnh Ký khởi xướng và thực hành trên 150 năm nay là: Trong nghiên cứu, nhà bác học Trương Vĩnh Ký không để mất nhiều thời gian để chứng minh cho kết quả nghiên cứu của mình, Trương Vĩnh Ký chỉ cần dành một thời gian ngắn, dùng một lĩnh vực nhỏ để đào sâu nghiên cứu, hành trình khoa học của nhà bác học tầm cỡ thế giới (duy nhất của Việt Nam cho đến nay) dấn thân đến hơi thở cuối cùng là: dựa vào những minh chứng thực tế, dựa vào lý luận có tính chất Đông phương – Đạo học, về luật Âm Dương để nghiên cứu và cái cốt lõi, là dựa vào sự đam mê, tâm huyết, trải nghiệm khoa học của chính bản thân mình. Điều đó cho thấy, vượt lên trên hết ở Trương Vĩnh Ký là hiện thân hùng hồn của một con người yêu nước, thương dân, có tinh thần ham học, thích thực tiễn, yêu sáng tạo, là con người của những phát kiến, phát minh với cách tiếp cận “hỗn dung” vì mục đích cao cả nhất là phục vụ cuộc sống, phụng sự nhân loại.

Logo Giải thưởng Trương Vĩnh Ký của tỉnh Bến Tre.
 – Ảnh Tư liệu nhóm STT Bến Tre.

Chính vì vậy, các công trình nghiên cứu dày công của Trương Vĩnh Ký từ ngôn ngữ, báo chí, lịch sử đến văn học, văn hóa, cây kiểng và hôm nay chúng tôi mới biết đến cả nghiên cứu sinh sản học, hôn nhân, gia phả[2]… đã thành tựu, dù đã công bố hay cả khi chưa công bố chính thức vẫn để lại cho hậu thế những bài học, những câu chuyện luân lý và khoa học liên ngành kinh điển vô giá, những câu chuyện chỉ có ở nhà bác học tài ba “kinh bang tế thế” xưa nay của chúng ta – Trương Vĩnh Ký. 

Khắc Kỳ (Liên hệ tác giả qua email: sangtaotre2010@gmail.com)


[1] Trương Vĩnh Ký (1882), Nữ tắc, Bản in Nhà hàng C.Guilland et Martinon (Sài Gòn).
  Trương Vĩnh Ký (1885), Thơ dạy làm dâu (La Bru), Bản in Nhà hàng C.Guilland et Martinon, in lần 2.

[2] Trong quá trình chuyển ngữ truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên sang chữ Quốc ngữ, chỉ trong năm 1886 Trương Vĩnh Ký đã thực hiện 2 công trình: Cours d’Annamite aux elèves Européens – Explication du Lục Vân Tiên (Giáo trình tiếng An Nam dành cho học sinh châu Âu – Diễn giải từ truyện Lục Vân Tiên) và Cours d’Annamite aux elèves Annamites – Explication du Lục Vân Tiên (Giáo trình tiếng An Nam dành cho học sinh An Nam – Diễn giải từ truyện Lục Vân Tiên), ông đã dành nhiều tâm sức cho tác phẩm nổi tiếng nhất của Nguyễn Đình Chiểu – Lục Vân Tiên. Thông qua dịch thuật, nghiên cứu Lục Vân Tiên, với tinh thần công tâm, khoa học và tư duy lịch sử, tầm nhìn nhân học và gia phả học sâu sắc, Trương Vĩnh Ký đã “chính xác hóa thân thế, gia phả, gia đình” nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu trong bối cảnh lúc bấy giờ có ý kiến cho rằng tác phẩm này là sáng tác tập thể của dòng văn học dân gian… (TG).