Tin Tức & Sự Kiện
QUẢN LÝ CHẤT THẢI NGUY HẠI VÀ TIỀM NĂNG KẾT NỐI CÁC ĐỐI TÁC THÔNG QUA CẦU NỐI LIÊN HIỆP CÁC TỔ CHỨC HỮU NGHỊ Ở BẾN TRE

QUẢN LÝ CHẤT THẢI NGUY HẠI VÀ TIỀM NĂNG KẾT NỐI CÁC ĐỐI TÁC THÔNG QUA CẦU NỐI LIÊN HIỆP CÁC TỔ CHỨC HỮU NGHỊ Ở BẾN TRE

Ngày 18/3/2022 Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo nguồn nhân lực ASEAN (CAHRRT) – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh, Viện Tài nguyên và Môi trường (IER) – Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh phối hợp cùng Hội hữu nghị Việt Nam – Đông Nam Á (VAFA) – Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Tp. Hồ Chí Minh và Trung tâm Bảo tồn và Đổi mới môi trường Malaysia (EPIC) tổ chức Khóa học ngắn hạn Dẫn luận về quản lý chất thải nguy hại. Cùng tham dự chương trình với trên 50 đại biểu dự trực tiếp và trực tuyến là các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, Sinh viên, Học viên Cao học, Nghiên cứu sinh các trường đại học, Viện nghiên cứu ở Tp. Hồ Chí Minh, tỉnh Bến Tre có Ông Lê Xuân Viên – Phó Trưởng Ban đô thị, HĐND Tp. Hồ Chí Minh, Ông Đặng Bảo Quốc – Trưởng đại diện phía Nam – Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam, Ths. Trần Hoàng Khánh Vân – Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Tp. Hồ Chí Minh, GS.TS. Lê Thanh Hải – Viện Trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên, PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo nguồn nhân lực ASEAN, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Đông Nam Á Tp. Hồ Chí Minh, Bà Cồ Phi Hường – Ủy viên Ban chấp hành Hội Bảo vệ Thiên nhiên, môi trường Tp. Hồ Chí Minh, TS. Phạm Văn Luân – Quyền Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học và Quan hệ Quốc tế, Trường Cao đẳng Bến Tre, TS. Sarawasthy – Điều phối viên chương trình quốc tế, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo nguồn nhân lực ASEAN; Ths. Uch Leang – Phó Trưởng phòng Nghiên cứu Châu Á, Châu Mỹ và Trung Đông, Viện Quan hệ quốc tế (IRIC), Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia ((IDIR); Ông Phan Hoàng Long – Trợ lý nghiên cứu Trung tâm nghiên cứu đô thị sáng tạo Lý Quang Diệu, Singapore; Ông Gan Yee Chun – Tổng giám đốc Samtec, Việt Nam, Ông Seang Teak Tan – Giám đốc điều hành Heliconia Capital tại Việt Nam; TS. Sivapalan Kathiravale – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Đổi mới Môi trường (EPIC) Pte Ltd, Malaysia; Ông Noor Mohd Syeqqal Ismail; TS. Shanmuga Kittappa – chuyên gia đào tạo tại EPIC.

Các diễn giả chính và đại biểu dự Khóa học.

Phát biểu khai mạc khóa tập huấn, PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân cho rằng: Quản lý chất thải nói chung và chất thải nguy hại nói riêng là một vấn đề quan trọng đối với sức khỏe, đời sống của con người và môi trường, với tầm quan trọng của vấn đề quản lý chất thải trong bối cảnh hiện nay ở các tỉnh phiá Nam, Khóa học ngắn hạn Dẫn luận về quản lý chất thải nguy hại là kết quả của sự hợp tác bước đầu của Viện Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Bảo tồn và Đổi mới môi trường Malaysia và Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo nguồn nhân lực ASEAN, Hội hữu nghị Việt Nam – Đông Nam Á thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Tp. Hồ Chí Minh và lớp đầu tiên khai mạc ngày 18/3/2022 là hoạt động mở đầu cho chuỗi chương trình đào tạo rất có ý nghĩa và thiết thực cho các tỉnh, thành phía Nam.

PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân (ảnh lớn) phát biểu khai mạc Khóa học.

Trong suốt qúa trình diễn ra khóa học, các diễn giả với chuyên môn sâu như: TS. Shanmuga Kittappa – Giảng viên chính, Trung tâm Bảo tồn & Đổi mới Môi trường (EPIC), trình bày Tổng quan về Quản lý chất thải nguy hại. TS. Shanmuga Kittappa đã có bài chia sẻ về cách phân loại rác thải, quy trình quản lý rác thải ở Malaysia, các đặc điểm của rác thải nguy hại và mức phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về quản lý chất thải ở Malaysia và so sánh với Việt Nam. Rác thải đến từ nhiều nguồn như sinh hoạt gia đình, hoạt động công nghiệp, y tế, giáo dục…và có những loại rác thải nguy hại mà nhiều khi chúng ta không nghĩ chúng là rác thải nguy hại như bình đựng hóa chất, giẻ lau hóa chất, kit xét nghiệm covid… TS. Sivapalan Kathiravale, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Đổi mới Môi trường, Malaysia giới thiệu Những kinh nghiệm của Malaysia trong quản lý chất thải nguy hại, vai trò và hoạt động nghiên cứu đào tạo, huấn luyện các nhân viên, thành phần liên quan đến xử lý rác thải của EPIC và những dự án mà EPIC cũng như Cenviro đang tiến hành. Đặc biệt TS. Sivapalan Kathiravale đã đưa ra mô hình Eco Park (công viên môi trường) – một mô hình tích hợp, bố trí các doanh nghiệp với khu xử lý rác thải vào chung một khu vực, nhằm giảm thời gian và chi phí vận chuyển rác thải, đồng thời tái chế rác thành nguyên liệu, năng lượng cung cấp lại cho các xí nghiệp trong công viên.

TS. Sivapalan Kathiravale, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Đổi mới Môi trường, Malaysia báo cáo tại Khóa học.

Ông Noor Mohd Syeqqal Ismail – Phòng nghiên cứu và phát triển, Trung tâm Bảo tồn và Đổi mới môi trường trình bày báo cáo về Những thách thức & cơ hội trong việc quản lý chất thải nguy hại. Ông đi sâu vào các mô hình xử lý chất thải nói chung và chất thải nguy hại nói riêng. Hai mô hình đang được sử dụng hiện nay là mô hình xử lý rác thải truyền thống, trong đó rác thải sinh ra được phân loại, vận chuyển đến nhà máy xử lý để đốt, chôn lấp và mô hình xử lý rác thải hiện đại theo đó rác thải được tái sử dụng, tái chế, xử lý để biến thành nguyên liệu đầu vào của các ngành khác. Việc này hướng đến mục tiêu biến rác thành “tài nguyên”, tạo ra những giá trị kinh tế từ rác, giảm đáng kể lượng rác thải ra môi trường.

Ông Noor Mohd Syeqqal Ismail (ảnh lớn) trình bày báo cáo tại Khóa học.

Sau phần thuyết trình của các diễn giả đến từ Trung tâm Bảo tồn và Đổi mới Môi trường Malaysia với nguồn tư liệu phong phú, thông tin cập nhật về vấn đề quản lý chất thải nguy hại; lớp học đã mở ra một diễn đàn trao đổi hữu ích, các đại biểu đã sôi nổi thảo luận khả năng hợp tác ứng dụng các mô hình thành công từ Malaysia vào thực tiễn xử lý chất thải nguy hại ở một số địa phương cụ thể của Việt Nam. Trong phát biểu của mình, TS. Phạm Văn Luân, Trường Cao đẳng Bến Tre đưa ra kiến nghị Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo nguồn nhân lực ASEAN làm cầu nối với Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Bến Tre cùng các đơn vị có liên xúc tiến xây dựng một dự án thí điểm về mô hình quản lý rác thải tại Bến Tre.

TS. Phạm Văn Luân, Trường Cao đẳng Bến Tre  (trên cùng bên trái) phát biểu.

GS.TS Lê Thanh Hải với kinh nghiệm trong thực tiễn nghiên cứu môi trường đã chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong quy hoạch, quản lý và xử lý chất thải nguy hại ở Việt Nam và gợi mở phía EPIC quan tâm cùng giúp các địa phương của Việt Nam. Các đồng nghiệp từ Trung tâm Bảo tồn và Đổi mới Môi trường Malaysia rất quan tâm đến đề nghị của Bến Tre và đề nghị sớm hợp tác tổ chức đoàn tham quan trực tiếp các mô hình quản lý rác thải tại Malaysia sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt. Đây là con đường ngắn nhất để đáp ứng mong muốn đổi mới hoạt động bảo vệ môi trường và huy động nguồn lực quản lý chất thải nguy hại ở Việt Nam.

Kim Thư