Tin Tức & Sự Kiện
KHẮC GHI BÀI HỌC TRI ÂN TIỀN NHÂN – CẢM NHẬN TỪ HỘI THẢOKHOA HỌC HỌ TRƯƠNG TRONG LỊCH SỬ NAM BỘ THẾ KỶ XVIII – XIX

KHẮC GHI BÀI HỌC TRI ÂN TIỀN NHÂN – CẢM NHẬN TỪ HỘI THẢOKHOA HỌC HỌ TRƯƠNG TRONG LỊCH SỬ NAM BỘ THẾ KỶ XVIII – XIX

Tuy không phải “họ Trương” nhưng sức hút của Hội thảo khoa học “Họ Trương trong lịch sử Nam bộ thế kỷ XVIII-XIX” do Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Quỹ Phát triển Sử học Việt Nam, Họ Trương Thanh Hóa, Tạp chí Xưa và Nay phối hợp tổ chức ngày 16/12/2023 với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử đầu ngành và tâm huyết từ mọi miền đất nước đã giúp em cảm nhận được bài học tri ân các bậc tiền nhân của tất cả các thế hệ nối tiếp dòng họ con Hồng cháu Lạc đã tận hiến cho dải đất hình chữ “S” thân yêu của chúng ta ngày hôm nay.

Chủ trì Hội thảo. – Ảnh PVL

Trong phát biểu khai mạc hội thảo của PGSTS. Vũ Tuấn Hưng – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ đã nhấn mạnh về vị trí, vai trò vùng đất Nam Bộ – vùng đất “Địa linh nhân kiệt” mà tiêu biểu trong sự tiếp nối khai mở, giữ gìn vùng đất phương Nam đến hôm nay có 5 danh nhân họ Trương tiêu biểu. Báo cáo đề dẫn hội thảo PGSTS. Nguyễn Minh Tường – Viện Sử học đã thông tin tình hình tổ chức, nhận định, phân loại và đánh giá các bài tham luận của các đơn vị như: Viện Sử học, Trường Đại học KHXH và NV TPHCM, Trường Đại học Văn hóa TPHCM, Hội khoa học Lịch sử An Giang, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng, Trường Đại học Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ, Đại học Sư phạm Hà Nội, Chi hội Khoa học Lịch sử Tạp chí Xưa và Nay… gửi về hội thảo. Ban Tổ chức Hội thảo khoa học “Họ Trương trong lịch sử Nam Bộ thế kỷ XVIII-XIX” đã nhận được 63 báo cáo tham luận của các nhà khoa học trong khắp cả nước, đây là những nghiên cứu, tham luận làm rõ những đóng góp của các nhân vật lịch sử Việt Nam, trong đó có những người họ Trương tiêu biểu, gắn liền với lịch sử phát triển vùng đất Nam Bộ thế kỷ XVIII – XIX gồm: Long Vân Hầu Trương Tấn Bửu – Phó Tổng trấn Gia Định Thành; Trương Minh Giảng – Danh tướng,  góp phần đánh bại quân Xiêm xâm lược; Trương Đăng Quế – Chủ biên bộ sách  Đại Nam thực lục,  duyệt tuyển địa bạ vùng đất Nam Kỳ; Trương Định – Bình Tây Đại Nguyên soái và Trương Vĩnh Ký – Nhà bác học, nhà giáo, nhà báo, nhà khảo cứu tài ba. Trong số 5 danh nhân họ Trương được Hội thảo chọn làm chủ đề thảo luận có đến 2 danh nhân người Bến Tre là Trương Tấn Bửu và Trương Vĩnh Ký. Đặc biệt, tại hội thảo có đến 18 bài tham luận về Nhà bác học Trương Vĩnh Ký chiếm gần 1/3 tổng số bài nghiên cứu in trong kỷ yếu Hội thảo.

Tại Hội thảo, không chỉ ở các tham luận được chọn trình bày của các diễn giả, ý kiên thảo luận của đại biểu Hội thảo đã thống nhất phát thông điệp kêu gọi các cấp chính quyền quan tâm đến việc tu bổ nhà thờ, dựng tượng đài kỷ niệm, xuất bản các ấn phẩm,.. tôn vinh 5 danh nhân họ Trương ở Nam Bộ có nhiều đóng góp cho đất nước. Nhằm giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Hội thảo đã đưa ra nhiều cứ liệu sử học có tính liên ngành hữu ích cho công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị di sản lịch sử, văn hóa dân tộc đối với nhân dân trong nước và thế giới.

Diễn giả và chuyên gia của Hội thảo. – Ảnh: Tuấn Anh
Nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến trình bày tham luận. – Ảnh: PVL

Nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến trong bài chia sẻ của mình tại Hội thảo đã làm cho toàn thể đại biểu Hội thảo cảm kích khi công bố bức thư gửi đến Hội thảo của 2 hậu duệ Trương Vĩnh Ký gửi từ Pháp và Thái Lan…Nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến nhấn mạnh: “…Gia đình hậu duệ của Trương Vĩnh Ký được mời tham dự, tuy nhiên do ở xa, thời điểm bận rộn nên đại diện gia đình đã gởi thư cảm ơn và góp ý công việc tôn vinh danh nhân”. Cùng với công bó bức thư, Nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến đã làm rõ “các chứng tích cho thấy Petrus Ký “không ra bưng kháng chiến” nhưng vẫn có cách yêu nước riêng của mình bằng ngòi bút tâm huyết, cần mẫn và vốn kiến thức uyên bác”, bằng sức cống hiến trong lĩnh vực khoa học và giáo dục đến cuối đời…

Bức thư gửi đến Hội thảo của hậu duệ Trương Vĩnh Ký. – Ảnh: STT

Trong phát biểu tổng kết Hội thảo, Nhà Sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh “…thời gian là “thuốc hiện hình” giúp chúng ta nhìn lại rõ hơn, đúng hơn những gì chưa rõ hay chưa đúng về lịch sử và những nhân vật lịch sử “!

SV Đặng Lê Tuấn Anh (Trái) cùng NSH. Dương Trung Quốc (Phải) – Ảnh: PVL

Tuy chỉ vỏn vẹn hơn 4 giờ làm việc, được truyền cảm hứng và chia sẻ dữ liệu từ các diễn giả giàu kinh nghiệm, em được học hỏi, bổ sung rất nhiều kiến thức chuyên sâu mà có lẽ 4 năm trên giảng đường Đại học em khó mà tự tìm hiểu được, Hội thảo còn giúp em có thêm động lực tiếp tục tìm hiểu thêm nhiều nhân vật lịch sử mà quasách vở em chưa biết nhiều như: Long Vân Hầu Trương Tấn Bửu, danh tướng Trương Minh Giảng, Thái sư Trương Đăng Quế, Trương Định, Trương Vĩnh Ký. Em xin gửi lời cảm ơn đến TS. Phạm Văn Luân, cố vấn học tập của Lớp Đại học Quản lý văn hóa 17.1B, Cố vấn CLB NCKH SV khoa Quản lý Văn hóa, nghệ thuật, trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đã cho em cơ hội quý được tiếp cận Hội thảo khoa học với quy mô lớn với sự góp mặt của nhiều Sử gia trên khắp cả nước. Là sinh viên thuộc ngành Quản lý văn hóa, xã hội và cũng là sinh viên duy nhất được tham gia buổi hội thảo khoa học ngày hôm nay em rất lấy làm vinh dự và xem đây là sự khích lệ để em có trách nhiệm cũng như ý thức phải tìm hiểu sâu hơn về ngành học của mình. Đặc biệt là có cách tiếp cận mới từ bài học tri ân tiền nhân vào chuyên ngành đào tạo của mình để góp sức cho công cuộc bảo tồn, phát huy, lan tỏa các giá trị từ di sản văn hóa danh nhân, trước hết là 5 danh nhân họ Trương được Hội thảo khẳng định không chỉ trong nước mà cả trên thế giới.

SV Đặng Lê Tuấn Anh (Trái) cùng TS. Phạm Văn Luân (Phải) – Ảnh: PVL

 Đến với Hội thảo em còn nhận được Kỷ yếu Hội thảo và Tạp chí Xưa và Nay rấy quý giá. Sau cùng, lần nữa em xin gửi lời cảm ơn chân thành đến ban tổ chức hội thảo, các diễn giả, … và đặc biệt là thầy Phạm Văn Luân vì đã cho em trải nghiệm tuyệt vời tại Hội thảo. Em rất mong trong thời gian tới sẽ được tiếp tục tham gia các hội thảo ý nghĩa như thế này.

(Đặng Lê Tuấn Anh, Lớp 22DQL2
CLB SV NCKH, Khoa QLVH, NT, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM)

Ảnh về hoạt động của sự kiện: Tuấn Anh, PVL, STT