Tin Tức & Sự Kiện
Chúc mừng năm mới – Xuân Quý Tỵ – 2013

Chúc mừng năm mới – Xuân Quý Tỵ – 2013

5

Người xưa đã đúc kết: “Tuổi già tóc bạc, cái râu bạc”. Triết lý phương Đông khái quát vòng quay cuộc đời qua bốn chữ: “Sinh, lão, bệnh, tử”. Các bậc cao niên hơn ai hết hiểu được cái lẽ của tự nhiên “tre già măng mọc”.

Song, với người cao tuổi ở Việt Nam đã từ lâu vẫn duy trì một nếp sống đẹp. Người cao tuổi là cây cao bóng cả, luôn noi gương và động viên con, cháu chăm học, chăm làm để lập thân, lập nghiệp, trước là báo hiếu ông, bà, cha, mẹ; sau là báo hiếu với nhân dân. Nhân mùa xuân mới, nâng chén trà xuân kính chúc các cụ, các bác luôn vui, khỏe cùng nước non, con cháu đón chào vận hội tươi đẹp của cả dân tộc trên bước đường đổi mới và phát triển. Dịp xuân về, xin hầu chuyện và tâm tình với các cụ, các bác mấy lời tâm huyết.
          Các bậc cao niên thường có thú vui uống trà. Uống trà để tâm giao bằng hữu, uống trà để bàn thế sự, uống trà để tinh thần minh mẫn, sảng khoái. Các cụ thường nói: trà ngon trước có vị đắng, chát, nhưng hậu có vị ngọt. Tinh tuý của đất trời đọng lại nơi búp trà xuân. Trà ngon còn bởi đất lành và bàn tay lao động của con người. Quả là, uống trà không chỉ là thú vui tao nhã, phép chữa nhiều bệnh mà còn ẩn chứa đạo lý làm người. Đã bao mùa xuân đi qua, các vị cao niên Việt Nam đúc kết nên cái đẹp của người già
Có già mới thấy già là quí
Biết sống bao giờ sống cũng vui!
          Cái quí của người cao tuổi trước hết là ở bề dày kiến thức và kinh nghiệm sống mà qua bao tháng năm mới tích luỹ được. Đây chính là vốn sống, là kho tàng trí thức mà lớp con cháu được thừa hưởng. Ở Bến Tre, có cụ ông gần một đời sống với nghề trồng mai, cây kiểng mới cô đúc nên bí quyết chăm sóc mai theo thời vụ, thời tiết để mỗi độ xuân về mai nở đúng dịp xuân, khoe sắc, toả hương. Cụ bà ru cháu ầu ơ bên cánh võng, lời ru chan chứa tình người, tình nước non. Và người cựu chiến binh hào sảng kể cho lớp cháu con những huyền thoại về kháng chiến. Bao cơ cực, gian khó, hy sinh thời đánh giặc mới có được ngày hòa bình vĩnh hằng. Thời nay, con cháu được hưởng cái vị ngọt hậu ấy làm sao quên những mất mát thời chiến tranh! Một nhạc sĩ tài hoa đất Bến Tre đã từng viết: Điện sáng lung linh không thể quên ngọn đuốc lá dừa. Cái qúi của người cao tuổi còn tỏa sáng ở cái chí yêu nước, thương nòi
Đầu bạc lòng còn tráng kiện
Mây xanh chí vẫn kiên cường
          Có một sự thật rất đáng trân trọng là các vị cao niên hôm nay đều là người sống vắt qua hai thế kỷ, là chứng nhân, là người trong cuộc, là người góp sức làm nên lịch sử oai hùng của một dân tộc anh hùng. Lớp người cao niên đáng kính ấy khi đã mang tuổi thanh xuân chiến đấu dưới ngọn cờ Đảng để dân tộc từ cảnh mất nước, nhà tan đi qua bao chặng đường xuân. Mùa xuân thành lập Đảng, Mùa xuân Chiến khu chống Pháp, Mùa xuân Đồng Khởi chống Mỹ, Mùa xuân Đại thắng 1975, Mùa xuân của đổi mới, Mùa xuân của đẩy mạnh công nghiệp hóa- hiện đại hóa. Cái chí của bậc cao niên Việt Nam gắn với vận mệnh dân tộc, trái tim và bầu nhiệt huyết luôn vang lên tiếng gọi non sông.
          Điều đáng quí của nguời cao tuổi Việt Nam không chỉ là kho tàng tri thức, chí khí cứu nước, tự hào dân tộc mà còn là nhịp cầu xuân mang ngọn lửa của Tổ tiên truyền cho con cháu và các thế hệ nối tiếp.
Trên nối nghiệp Tổ tiên truyền lại
Dưới nêu gương con cháu noi theo!
          Có một sự kiện lịch sử đáng ghi nhớ. Ngay sau khi Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945, Người đã viết “Thư gửi các vị phụ lão” (ngày 20-9-1945). Trong thư ngay từ đầu, Hồ Chủ tịch đã nêu rõ tư tưởng không tán thành quan niệm xưa “Lão lai tài tận”, “Lão giả an chi”. Người khẳng định vai trò to lớn của bậc cao niên; “Con cháu ta, thanh niên thì gánh việc nặng, chúng ta già cả, không làm được công việc nặng nề, thì khua gậy đi trước, để khuyến khích thanh niên và san sẻ kinh nghiệm của chúng ta cho họ. Chúng ta là bậc phụ lão, cần phải tinh thần đoàn kết trước để làm gương cho con cháu ta theo”. Và bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu gương về tập thể dục, tăng gia sản xuất, giáo dục thanh niên, lạc quan yêu đời ngay cả khi Người ở vào tuổi thất thập. Năm 1950, khi 60 tuổi, Hồ Chủ tịch viết “Sáu mươi tuổi hãy còn xuân chán”. Năm 1960, khi 70 tuổi, Hồ chủ tịch viết bài thơ “Tặng các cụ phụ lão”
Càng già càng dẻo, lại càng dai
Tinh thần gương mẫu chẳng nhường ai
Đôn đốc con em làm nhiệm vụ
Vuốt râu mừng xã hội tương lai.
          Đến lúc đã 78 tuổi, cả dân tộc đang trên đà thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, Bác Hồ vẫn lạc quan, dí dỏm, tự tin
Bảy mươi tám tuổi chưa già lắm
Vẫn vững hai vai việc nước nhà
Kháng chiến dân ta đang thắng lớn
Tiến bước ta cùng con em ta.
          Mùa xuân đến người cao tuổi như trẻ lại. Hội Người Cao tuổi Bến Tre đã tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đẹp biết bao hình ảnh mái đầu bạc của người cao tuổi bên những mái đầu xanh trong ngày hội “Mùa xuân là tết trồng cây”. Tiếng nói nhiều sức thuyết phục của bậc cao niên luôn được mọi người lắng nghe, trân trọng khi bàn về các biện pháp tổ chức tốt ngày hội thanh niên tòng quân lên đường nhập ngũ, thực hiện an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, chăm sóc giúp đỡ gia đình khó khăn. Các vị cao niên tiến bước cùng con cháu xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
          Bên bàn thờ gia tiên, đón xuân mới Quý Tỵ -2013, các vị cao niên vui vầy bên con cháu, động viên cháu con học tập chăm ngoan, tương thân tương ái, thi đua rèn đức luyện tài, nỗ lực lập thân lập nghiệp. Con cháu thành đạt, hiếu thảo là niềm vui của người cao tuổi. Sống vui, sống khỏe giúp người cao tuổi thêm trường thọ. Ông bà, cha mẹ sống lâu là phúc của con cháu.
Trời thêm ngày tháng, người thêm thọ
Xuân tỏa non sông, phúc tỏa nhà./.
                                                          (TVN-STT- TH)