Tin Tức & Sự Kiện
Cảm nhận từ một Hội thảo khoa học quốc tế thường niên 2023 của SISS

Cảm nhận từ một Hội thảo khoa học quốc tế thường niên 2023 của SISS

Hội thảo Khoa học Quốc tế thường niên năm 2023 về Phát triển bền vững vùng do Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ (viết tắt tiếng Anh: Southern Institute of Social Siences – SISS) phối hợp Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ và Trường Kinh doanh EM Normandie (Cộng hòa Pháp) tổ chức trong hai ngày 17, 18/7/2023 tại SISS số 49, Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bến Nghé, Quận 1, TP. HCM). Hội thảo có hai chủ đề lớn: – Biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững vùng; – Phát triển bền vững ngành du lịch vùng Nam Bộ trong bối cảnh mới. Hội thảo thực sự là một diễn đàn khoa học của các học giả trong và ngoài nước trao đổi, chia sẻ các vấn đề lý luận, thực tiễn, tìm ra giải pháp cho phát triển bền vững vùng Nam Bộ và Trung Bộ hướng tới mục tiêu phát triển bền vững kinh tế, xã hội ở Việt Nam.

Các nhà khoa học trong và ngoài nước tại Hội thảo (Ảnh TL)

Do điều kiện riêng, ngày 18/7/2023 tôi vinh dự được đại diện nhóm Sinh viên thuộc Câu lạc bộ Sinh viên Nghiên cứu khoa học Khoa Quản lý Văn hóa, Nghệ thuật, trường ĐH Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh tham dự ngày thứ hai của Hội thảo. Tuy nhiên tôi có may mắn được TS. Phạm Văn Luân tham dự Hội thảo ngày thứ nhất – 17/7/2023 với chủ đề Biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững vùng trao đổi về kết quả Hội thảo. Dưới đây là những cảm nhận từ Hội thảo xin được chia sẻ… 

Hội thảo Biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững vùng

GS. TS. Sylvaine Castellano khai mạc Hội thảo (Ảnh TL)

Tham dự Hội thảo, khách mời trong nước có TS. Trần Thế Lưu, nguyên ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM; PGS.TS. Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng Phụ trách SISS; TS. Hoàng Hồng Hiệp, Quyền Viện trưởng Viện KHXH vùng Trung Bộ; TS. Phú Văn Hẳn, TS. Nguyễn Khánh Trung Kiên, Phó Viện trưởng SISS; TS. Trần Minh Đức, Phó Viện trưởng Viện KHXH vùng Trung Bộ; PGS.TS. Nguyễn Đình Tứ, Chánh Văn phòng ĐH Quốc gia TP.HCM; PGS.TS. Hồ Việt Hạnh, nguyên Viện trưởng Viện KHXH vùng Trung Bộ; PGS.TS. Lê Thanh Sang, nguyên Viện trưởng SISS; Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó Giám đốc sở Nội vụ TP.HCM. Khách mời quốc tế: GS. TS. Joseph Lema, Đại học Nevada, Mỹ; PGS. TS. Rolland Condor, Trường Kinh doanh EM Normandie, Pháp; PGS. TS. Amélie Robert, Đại học Picardie Jules Verne, Pháp; các nhà khoa học trong và ngoài nước, đại diện cơ quan báo chí. Trường ĐH Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh có 3 đại biểu: TS. Nguyễn Hồ Phong, TS. Phạm Văn Luân và ThS. Lê Thị Vương Nguyệt tham dự Hội thảo. 

Báo cáo đề dẫn Hội thảo, TS. Hoàng Hồng Hiệp nhấn mạnh: Biến đổi khí hậu (BĐKH) là vấn đề toàn cầu, là thách thức nghiêm trọng đối với toàn nhân loại chúng ta trong thế kỷ 21. Việt Nam được xác định là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi BĐKH. Trong bối cảnh của tác động BĐKH ngày càng gia tăng, tăng trưởng xanh được mô tả như là một cách thức theo đuổi mục tiêu tăng trưởng và phát triển kinh tế, đồng thời đảm bảo ngăn chặn suy thoái môi trường, suy giảm đa dạng sinh học hướng đến sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên và tăng khả năng thích ứng đối với biến đổi khí hậu”.

Với chủ đề Biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững vùng Hội thảo có 138 bài viết của các tác giả trong và ngoài nước, trong đó có 52 bài tiếng Anh, 86 bài tiếng Việt, 13 bài nghiên cứu quốc tế đến từ các trường ĐH Quốc tế có uy tín như Trường Kinh doanh EM Normandie Cộng hòa Pháp, Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia, Trường Đại học Ambedkar Ấn Độ, Viện Nghiên cứu Quốc tế và Kinh doanh du lịch In-đô-nê-si-a, Đại học Ubon Ratchathani Thái Lan, Đại học Nevada Mỹ. Nội dung Hội thảo xoay quanh 3 chủ đề chính: 1) Biến đổi khí hậu và phát triển bền vững vùng; 2) Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững vùng; và 3) Kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Ban tổ chức đã lựa chọn 65 bài viết có chất lượng để in sách kỷ yếu có chỉ số ISBN, trong đó có 1 bài nghiên cứu của TS. Nguyễn Hồ Phong dược trình bày tại Hội thảo. 

TS. Nguyễn Hồ Phong trình bày tham luận tại Hội thảo – Ảnh: TL.

Đặc biệt ở ngày thứ hai của Hội thảo, ngày 18/7/2023, tôi may mắn được đại diện nhóm Sinh viên Nghiên cứu khoa học do TS. Phạm Văn Luân hướng dẫn tham dự Hội thảo với chủ đề: “Phát triển bền vững ngành du lịch vùng Nam Bộ trong bối cảnh mới”.

Hội thảo “Phát triển bền vững ngành du lịch vùng Nam Bộ trong bối cảnh mới”

Đây thực sự là một diễn đàn khoa học quốc tế để các nhà khoa học trao đổi, chia sẻ những vấn đề lý luận, thực tiễn, từ đó đề xuất các giải pháp cho phát triển bền vững ngành du lịch nói riêng và phát triển bền vững vùng nói chung. Buổi Hội thảo diễn ra hơn 3 tiếng đồng hồ, đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia đông đảo của 150 chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, trong đó có 13 đại biểu đến từ Cộng hòa Pháp, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Inđônexia, Thái Lan, Senegan,….

Về dự Hội thảo có TS Huỳnh Thành Lập, Nguyên UVBTV, Nguyên Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, Phó chủ tich Hội người cao tuổi Việt Nam, Chủ tich Hội người cao tuổi TPHCM; PGS.TS Trương Thị Hiền, Nguyên giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM, Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học và Hội nữ Tri thức TPHCM; TS Phan Công Khanh, Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực 4; TS Trần Văn Khuyên, Bí thư Huyện ủy, Huyện Hóc Môn, TS Nguyên Thị Hồng Thắm, Phó giám đốc Sở Nội vụ TPHCM; TS Nguyễn Việt Long, Giám đốc Sở KHCN tỉnh Bình Dương; TS Hồ Thị Trinh Anh Đại diên Ban Tuyên Giáo Thành ủy TPHCM; Ông Nguyễn Công Khánh, đại diện Sở KHCN Tỉnh Đồng Nai; Ông Nguyễn Văn Thanh, Đại diện Sở KHCN TPHCM. TS Từ Minh Thiện, Nguyên Phó Trưởng Ban quản lý KCNC TPHCM, Chủ tịch HĐQT STATA Việt Nam,… và đại biểu, nhà khoa học, chuyên gia từ các Trường, viện của Việt Nam và Thế giới, trong đó có trường ĐH Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh.

SV Hoài Linh (dấu X) cùng các đại biểu dự Hội thảo – Ảnh: TL.

Chủ đề hội thảo rộng và liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau, trong bối cảnh nhiều ngành kinh tế, nhiều địa phương vẫn chưa hoàn toàn hồi phục sau những tổn thất do đại dịch. Tập trung vào 3 nhóm chủ đề: – Phát triển bền vững ngành du lịch trong bối cảnh hiện nay; – Di sản văn hóa và tiềm năng phát triển du lịch; – Các bài học kinh nghiệm, giải pháp và chính sách phát triển bền vững du lịch Nam Bộ. 

Hội thảo đã nhận được gần 200 bài viết, qua phản biện, biên tập, Ban tổ chức lựa chọn được 85 bài viết (tiếng Anh và tiếng Việt) xuất bản trong Kỷ yếu Hội thảo quốc tế có chỉ số ISBN.Trong số này có 3 bài nghiên cứu của PGS.TS. Lâm Nhân, TS. Phạm Văn Luân và ThS. Lê Thị Vương Nguyệt đến từ trường trường ĐH Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh.

 Phát biểu chào mừng và khai mạc hội thảo, GS.TS Sylvaine CASTELLANO Giám đốc Nghiên cứu kiêm Trưởng khoa, Trường Kinh doanh EM Normandie (Cộng hòa Pháp) đã cảm ơn và chào mừng các đại biểu, các nhà khoa học, các nhà quản lý, cơ quan báo chí, các đơn vị đã hợp tác tổ chức hội thảo khoa học ý nghĩa và thiết thực này.

Trong báo cáo đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Vũ Tuấn Hưng đã nhấn mạnh vai trò và tiềm năng của ngành du lịch nói chung trong đó có ngành du lịch Việt Nam và vùng Nam Bộ. Theo đó, du lịch là ngành công nghiệp không khói và là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 chỉ rõ: Phát triển du lịch bền vững, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại. Phát triển du lịch bền vững cũng là một trong những trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của nhiều địa phương, giúp khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển kinh tế, thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo vệ môi trường, giữ gìn các giá trị, bản sắc văn hóa, bảo đảm công bằng và tiến bộ xã hội.

Vùng Nam Bộ với Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ bao gồm 19 tỉnh với nhiều địa hình sinh thái khác nhau của hệ sinh thái sông, biển, đồng bằng và một phần đất đỏ bazan tiếp giáp cao nguyên, với nhiều cộng đồng dân tộc sinh sống và nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với Thành phố Hồ Chí Minh – một đô thị lớn nhất của Việt Nam… đã tạo ra nhiều tiềm năng cho phát triển ngành du lịch. Với tiềm năng du lịch to lớn đó, các bài viết gửi đến Hội thảo rất đa dạng, từ những vấn đề lý thuyết cho đến những vấn đề thực tiễn đặt ra trong phát triển bền vững du lịch của cả vùng Nam Bộ hay những phạm vi hẹp hơn ở một số địa phương, khu vực cụ thể. Một số tác giả bài viết nghiên cứu, nhận diện cơ hội, tiềm năng và đưa ra ý tưởng khai thác các yếu tố văn hóa truyền thống, từ những di tích lịch sử – văn hóa – khảo cổ, các di sản Hán Nôm, văn học, âm nhạc và nghệ thuật trình diễn dân gian cho đến du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp – nông thôn, du lịch ẩm thực, du lịch tâm linh, du lịch xanh, du lịch từ cây Dừa… và vai trò của truyền thông trong phát triển ngành “kinh tế không khói” theo các xu hướng bền vững, kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh hiện đang được thế giới quan tâm. Bên cạnh đó, hội thảo còn có nhiều bài viết về thích ứng với Covid-19 và biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long, các tư vấn chính sách liên quan đến giải pháp phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch, liên kết phát triển du lịch, thu hút đầu tư cũng như những bài học kinh nghiệm từ quốc tế có thể áp dụng phát triển bền vững ngành du lịch ở vùng Nam Bộ.

Tại hội thảo, các nhà khoa học, nghiên cứu đã thảo luận, trao đổi về cơ hội, tiềm năng và đưa ra ý tưởng khai thác các yếu tố văn hóa truyền thống, từ những di tích lịch sử – văn hóa – khảo cổ, các di sản Hán Nôm, văn học, âm nhạc và nghệ thuật trình diễn dân gian cho đến du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp – nông thôn, du lịch ẩm thực, du lịch tâm linh, du lịch xanh và vai trò của truyền thông trong việc phát triển ngành “kinh tế không khói” theo các xu hướng bền vững, tuần hoàn và tăng trưởng xanh hiện đang được thế giới quan tâm qua các bài nghiên cứu: 

– Tối ưu hóa sức cuốn hút của bãi biển Toronipa trong du lịch biển tại quận Soropia, phủ Konawa, tỉnh Đông Nam Sulawesi, Indonesia (do nhóm sinh viên Indonesia nghiên cứu, Dr. Francisca Titing Koerniawaty Lolita Saraswati Puguh – Viện Du lịch và Kinh doanh Quốc tế trình bày tham luận);

– Những yếu tố thành công then chốt trong quản lý du lịch dựa vào cộng đồng: Nghiên cứu trường hợp Ban Khok, Cộng đồng hình mẫu đầu tiên tại tỉnh Buriram, Thái Lan (do Pariwat Somneuk Pornchai Saksirisopon Nawathiwa Sehanam – Đại học Ubon Ratchathani trình bày tham luận);

– Văn hóa dân tộc Chăm tỉnh An Giang trong phát triển bền vững du lịch hiện nay (do TS. Phú Văn Hẳn – Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ trình bày tham luận);

– Di tích khảo cổ và danh thắng ở lưu vực sông Đồng Nai: tiềm năng phát triển du lịch (do TS. Nguyễn Khánh Trung Kiên – Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ trình bày tham luận);

– Liên kết phát triển du lịch đường sông TP. HCM (do TS. Nguyễn Phước Hiền – Trường Đại học Nguyễn Tất Thành trình bày tham luận).

Các vấn đề bàn thảo tại Hội thảo xoay quanh nội dung về phát triển du lịch bền vững trong bối cảnh hiện nay vốn đang là vấn đề “nóng”: Chủ trương, định hướng, chính sách phát triển du lịch trong bối cảnh mới; Kinh nghiệm quốc tế và bài học về phát triển du lịch bền vững; Những vấn đề đặt ra cho phát triển du lịch bền vững; Khai thác, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử phục vụ phát triển du lịch bền vững; Thực trạng hoạt động và giải pháp phát triển du lịch, du lịch bền vững trong bối cảnh mới hiện nay; Ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế với thúc đẩy phát triển du lịch bền vững; Giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch; Thu hút đầu tư du lịch xanh, du lịch sinh thái trong xu thế hiện nay;… Bên cạnh đó, vào buổi chiều, các đại biểu quốc tế còn có chuyến trải nghiệm thú vị ở Địa đạo Củ Chi, tuy không trực tiếp tham gia sự kiện thực địa sinh động này, nhưng với sự quan tâm sâu sắc đến các Địa đạo ở Tp. Hồ Chí Minh như Địa đạo Phú Thọ Hòa, quan Tân Phú… Câu lạc bộ Sinh viên Nghiên cứu khoa học Khoa Quản lý Văn hóa, Nghệ thuật, chúng tôi đã nhận được sự chia sẻ hình ảnh rất sinh động của các học giả trong và ngoài nước về 1 điểm nhấn độc đáo của du lịch bền vững ở thành phố thân yêu của chúng ta – Địa đạo Củ Chi.

Bên lề Hội thảo, thầy cô Khoa Quản lý Văn hóa, Nghệ thuật, Câu lạc bộ Sinh viên Nghiên cứu khoa học trường ĐH Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh đã có nhiều hoạt động giao lưu rất ấn tượng với các học giả đến từ Pháp, Hoa Kỳ, Inđônexia… và học giả tâm huyết trong nước mở ra tiền đề kết nối, giao lưu học thuật rất quan trọng cho thầy và trò nhà trường.

Là một sinh viên ngành Quản lý văn hóa, tôi rất vui mừng và vinh dự khi được tham dự buổi Hội thảo đầy ý nghĩa và bổ ích như thế này. Qua Hội thảao, tôi đã rút ra nhiều kinh nghiệm và học hỏi được nhiều điều từ các chuyên gia. Tôi mong rằng bản thân cũng sẽ giống như các học giả đã đến với Hội thảo, tôi phấn đấu trở thành một nhà nghiên cứu xuất sắc giúp ích cho Tổ quốc hình chữ S thân yêu.

Và cuối cùng, tôi xin chân thành cảm ơn Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, các đối tác đồng tổ chức Hội thảo, thầy cô Khoa Quản lý Văn hóa, Nghệ thuật, Câu lạc bộ Sinh viên Nghiên cứu khoa học trường ĐH Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện để tôi có cơ hội tham dự buổi Hội thảo rất bổ ích này. 

(Hoài Linh cảm nhận và tổng hợp từ SISS, Ảnh: TL)

Tác giả bài viết

HÌNH ẢNH GHI NHẬN TỪ HỘI THẢO
(Ảnh: cô Vương Nguyệt, thầy Hồ Phong, thầy Văn Luân, Huỳnh Diễm và TL…)

Lưu niệm “Đeo vòng tay may mắn” của các học giả Indonesia
GV trường ĐH Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh và diễn giả đến từ Hoa Kỳ
Nhà nghiên cứu Uch Leang – Một trong những tác giả của Hội thảo đến từ Cam Pu Chia tuy không đến dự Hội thảo nhưng rất quan tâm và chia sẻ về bài nghiên cứu của mình với TS. Phạm Văn Luân
Giao lưu với các nhà khoa học trong nước
Giảng viên trường ĐH Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh giao lưu với các nhà khoa học trong nước
TS. Phạm Văn Luân và TS. Phú Văn Hẳn
Thầy Phan Đình Huê – Cty Vòng tròn Việt phát biểu tại Hội thảo
Trao đổi với Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó Giám đốc sở Nội vụ TP.HCM bên lề Hội thảo
Các học giả nước ngoài đến với Địa đạo Củ Chi