Tin Tức & Sự Kiện
“NHỮNG KHÚC CA VỀ KAMUI” – SUY NGHĨ VÀ BÀI HỌC VÈ BẢO TỒN DI SẢN VĂN HÓA TỪ NHẬT BẢN

“NHỮNG KHÚC CA VỀ KAMUI” – SUY NGHĨ VÀ BÀI HỌC VÈ BẢO TỒN DI SẢN VĂN HÓA TỪ NHẬT BẢN

GS. Shimizu Masaaki, ĐH Osaka (giữa) trao đổi học thuật với GV và SV khoa QLVHNT, trường ĐH Văn hóa Tp. HCM – GS. Shimizu Masaaki như một nhịp cầu kết nối giao lưu văn hóa giữa các bạn Nhật Bản và Tp. HCM- Ảnh: STT
Poster phim “Những khúc ca về Kamui”

Nhân kỉ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản, bộ phim điện ảnh “Những khúc ca về Kamui” (Songs of Kamui) do Thị trấn Higashikawa, tỉnh Hokkaido, Nhật Bản sản xuất đã được trình chiếu tại rạp Cineplex ở Việt Nam từ ngày 9-10/03/2024. Có may mắn được xem bộ phim mà tôi hằng ao ước được xem, những cảm nhận về bộ phim dưới đây của tôi xin được chia sẻ thay lời tri ân nhà tổ chức đã tạo nên một sự kiện văn hóa đặc sắc nhân Lễ hội Nhật Bản ở Tp. Hồ Chí Minh năm 2024. Bài viết này còn là thông điệp hưởng ứng của sinh viên chúng tôi đến Diễn đàn giao lưu học thuật giữa các nhà nghiên cứu của Trường Đại học Văn hóa TP.HCM và Đại học Osaka Nhật Bản sẽ diễn ra vào 20/3/2024 –sự kiện đặc biệt, làcông trình duy nhất của khối các trường ĐH trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh tổ chức trong năm 2024, Tọa đàm này đã được Trưởng Ban Tổ chức kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam của phía Nhật Bản công nhậnlà công trình kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam – Link đăng ký tham dự

https://forms.gle/oxvtAx8W8ZEfBfCGA

Phim dựa trên cuộc đời của Yukie Chiri – một huyền thoại, người đã lập được kỳ tích vĩ đại trong việc lưu giữ văn hóa và chữ viết của người Ainu – một dân tộc bản địa không có chữ viết ở Hokkaido vào 100 năm trước. Bộ phim được quay trong bối cảnh thiên nhiên hùng vĩ của Hokkaido nhằm quảng bá phong cảnh nơi đây và thu hút khách du lịch. Đồng thời, thông qua bộ phim, nhà sản xuất muốn lan tỏa những nét văn hóa của người Ainu và thông điệp sống không phân biệt đối xử đến với bạn bè quốc tế.

Phim được công chiếu tại rạp Cineplex BHD

Nội dung phim tập trung xoay quanh câu chuyện kể về những người con của dân tộc Ainu trong thời đại Đế quốc Nhật, bị người Nhật áp dụng các chính sách đồng hóa, xóa sổ tiếng nói, văn hóa truyền thống và phân biệt đối xử nặng nề. Nhân vật chính Teru dựa trên hình tượng Yukie Chiri là một cô gái dân tộc Ainu mạnh mẽ, thông minh. Trước sự phân biệt đối xử nặng nề từ xã hội, cô vẫn cố gắng học tập vươn lên và cố gắng bảo tồn văn hóa của dân tộc mình qua việc ghi chép lại và dịch các bài Yukar – bài hát truyền thống của người Ainu.

Những người Ainu bị người Nhật cướp đi đất đai, nhà ở, văn hóa, tiếng nói bị coi là những người man rợ và phân biệt đối xử trong việc đi học. Trong câu chuyện đó, có những người không chịu nổi số phận mà từ giã cõi đời, cũng có người vì muốn được công nhận mà tiếp tay cho người Nhật phá hoại đời sống của dân tộc mình. Nhưng hơn hết, vẫn có những người như Teru khi dám đứng lên đấu tranh, tự hào mình là một người Ainu và cố gắng bảo tồn văn hóa của dân tộc.

Tác giả bài viết (thứ 3 từ phải qua) cùng đoàn GV, SV trường ĐH Văn hóa Tp. HCM trong một chuyến viếng thăm Dinh thự Tổng lãnh sự Nhật Bản tại Tp. HCM- Ảnh: STT

Nhà sản xuất phim đã rất tinh tế khi lựa chọn chủ đề phân biệt đối xử làm câu chuyện chính cho bộ phim. Từ đó, đặt câu chuyện của người Ainu trong dòng chảy của một vấn nạn chung của toàn thế giới – nạn phân biệt chủng tộc! Tất cả hướng đến tiêu điểm giúp khán giả dù là dân tộc nào cũng có thể chia sẻ, đồng cảm với số phận của người Ainu nói riêng và những dân tộc bị phân biệt đối xử nói chung. Bộ phim đã gây ra tác động sâu sắc về nạn phân biệt chủng tộc, khẳng định rằng phân biệt chủng tộc chỉ là “thành kiến sinh ra từ sự ngu dốt” và nói lên “tiếng nói của những người bị mất đi tiếng nói”.

Bên cạnh đó, bộ phim còn đem đến cho khán giả một bức tranh không gian văn hóa của người Ainu – một dân tộc sống hòa hợp với thiên nhiên và có nhiều nét văn hóa độc đáo. Đặc biệt, những bài yukar được lồng ghép trong bối cảnh sinh hoạt cộng đồng của người Ainu và phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ của Hokkaido đã kể lên một câu chuyện không lời về đời sống của người Ainu. Khán giả mặc dù không hiểu lời bài hát nhưng vẫn có thể cảm nhận được những cảm xúc truyền đạt qua bài hát về niềm tin thần linh tồn tại trong mọi vật thông qua những giai điệu và hình ảnh.

TS.Phạm Văn Luân, trường ĐH Văn hóa Tp. HCM tặng truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên cho ngài Tổng lãnh sự Nhật Bản tại Tp. HCM- Ảnh: STT

Thông qua bộ phim này, Nhật Bản một lần nữa khẳng định khả năng tuyên truyền văn hóa mạnh mẽ của mình và là tấm gương cho những người làm trong ngành văn hóa tại Việt Nam. Đất nước Việt Nam với 54 dân tộc anh em cùng chung sống tạo nên một bức tranh văn hóa phong phú, đa dạng. Dẫu vậy, thực tế cho thấy chúng ta vẫn chưa khai thác hiệu quả những nguồn tài nguyên văn hóa quý giá này, nhiều di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số bị mai một dần trước thời đại công nghệ ngày càng phát triển, vẫn còn quá ít các tour du lịch và sự kiện văn hóa để giới thiệu văn hóa của các dân tộc ta đến với bạn bè quốc tế. Như vậy, để văn hóa của dân tộc được phát triển mạnh mẽ và lan truyền được những giá trị phổ quát, nhân bản một cách hiệu quả, những người làm công tác quản lý văn hóa và chính những người dân trong cộng đồng các dân tộc dù nhỏ hay lớn, dù giàu hay nghèo đều cần phải khẳng định được bản sắc, đặc trưng văn hóa của dân tộc mình và đưa những đặc trưng đó đến gần hơn với công chúng thông qua các sản phẩm nghệ thuật, đặt nền văn hóa Việt Nam vào dòng chảy, sánh vai  với các nền văn hóa trên thế giới.

(Minh Anh, CLB SVNCKH, Khoa QLVHNT, ĐH Văn hóa TP. HCM)