Tin Tức & Sự Kiện
CHÚC MỪNG NỮ NGHỆ SĨ NHÂN DÂN ĐẦU TIÊN CỦA QUÊ HƯƠNG ĐỒNG NAI

CHÚC MỪNG NỮ NGHỆ SĨ NHÂN DÂN ĐẦU TIÊN CỦA QUÊ HƯƠNG ĐỒNG NAI

NSND Quế Anh nhận Danh hiệu NSND (Ảnh: NSND Quế Anh)

Vinh dự là sinh viên trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh đang thực tập tốt nghiệp tại Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai, và được NSND Quế Anh trực tiếp hướng dẫn. Một lần nữa, xin được chúc mừng nữ nghệ sĩ nhân dân đầu tiên của quê hương Đồng Nai- tự hào truyền thống quê hương anh hùng.

Ngày 6/3, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức trọng thể Lễ trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân cho 125 nghệ sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú cho 264 nghệ sĩ. Trong đợt trao tặng lần thứ 10 này, Đồng Nai có Nghệ sĩ Ưu tú Đồng Thị Quế Anh (Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai) được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân trên lĩnh vực sân khấu đầu tiên của Đồng Nai.

NSND Quế Anh chụp hình cùng chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và toàn thể NSND được trao tặng danh hiệu lần thứ 10. (Ảnh: NSND Quế Anh)

Từ khi còn là học sinh Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Đồng Nai (năm 1992) đến nay, nghệ sĩ Quế Anh đã tham gia hơn 50 vai diễn trong các vở cải lương, trích đoạn cải lương, đoạt nhiều huy chương vàng, huy chương bạc qua các kỳ liên hoan, hội diễn sân khấu chuyên nghiệp trong nước và quốc tế. Năm 2007, nghệ sĩ Quế Anh được phong tặng danh hiệu NSƯT và được bổ nhiệm làm Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai từ năm 2019 đến nay.

Đồng Thị Quế Anh là nữ nghệ sĩ cải lương duy nhất của Đồng Nai vinh dự được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND) sau hơn 30 năm lao động miệt mài trên sân khấu cải lương Nam bộ. Ở nghệ sĩ nhân dân Đồng Thị Quế Anh đã hội đủ các yếu tố: thanh – sắc – tài – đức, nhiều năm qua NSND Quế Anh đã ghi dấu vào lòng công chúng những ấn tượng đẹp. Không chỉ đẹp ở nhân cách sống mà trong nghệ thuật cô còn tích cực sáng tạo, đổi mới qua các vai diễn, vở diễn, kịch bản và chương trình sân khấu, nghệ thuật.

Nghệ sĩ Quế Anh tham gia hoạt động nghệ thuật khá sớm, từ những năm 90 của thế kỷ trước. Cô là người gốc miền Trung, sinh ra ở miền Bắc nhưng từ nhỏ đã lớn lên, sinh sống và làm việc ở miền Nam. Sớm bộc lộ năng khiếu, đam mê cải lương khi còn ngồi trên ghế nhà trường, thêm vào đó, được “trời phú” cho giọng ca ngọt ngào, chân phương, diễn xuất đa dạng đã giúp nghệ sĩ Quế Anh được khán giả yêu mến, nhanh chóng khẳng định vị trí, tên tuổi của mình trong làng sân khấu cải lương Nam bộ.

Bên cạnh cải lương, NSND Quế Anh còn thử sức ở nhiều lĩnh vực khác như: bolero, ngâm thơ, nhạc cách mạng, quê hương…

Năm 2019, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai và Đoàn Ca múa nhạc Đồng Nai hợp nhất thành Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai, nghệ sĩ Quế Anh được bổ nhiệm làm Giám đốc. Đây cũng là thời điểm sân khấu Đồng Nai thiếu các kịch bản mới và thiếu vắng cả khán giả. Không đành lòng nhìn sân khấu “tuột dốc”, nghệ sĩ Quế Anh cùng với Ban giám đốc nhà hát dốc sức tìm kiếm hướng đi mới, vực dậy sân khấu.

Không chỉ mời các đạo diễn giỏi, có tên tuổi trong làng sân khấu như: NSND Trần Ngọc Giàu, NSND Giang Mạnh Hà, NSND Nguyễn Hoàng Tuấn… dàn dựng các vở cải lương, múa rối nước và các chương trình ca múa nhạc, nghệ sĩ Quế Anh còn tự mình nghiên cứu, sáng tác các kịch bản sân khấu mới. Chị vừa là tác giả kịch bản, vừa là đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật hàng chục vở diễn, trích đoạn cải lương, chương trình nghệ thuật mang đậm dấu ấn, chiều sâu và hơi thở của thời đại.

Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai ứng dụng công nghệ 4.0 trong xây dựng cảnh trí, trang phục diễn viên… cho các vở diễn mới

Một trong những dấu “mốc” quan trọng trong hoạt động nghệ thuật của NSND Quế Anh là khi chị mang vở diễn Niềm khát (do chính chị viết kịch bản và đạo diễn) tham gia Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm lần IV-2019 tại Hà Nội. Vở diễn lấy cảm hứng từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xuất sắc đoạt 1 huy chương vàng, 2 huy chương bạc cá nhân cho các diễn viên. Riêng nghệ sĩ Quế Anh đoạt giải tác giả triển vọng.

Mơ ước và khát khao đưa sân khấu đến gần hơn với công chúng trong và ngoài nước càng thôi thúc NSND Quế Anh đổi mới sân khấu, nhất là vào thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát.

Trong gần 5 tháng đầu năm 2020, nhà hát không thể tổ chức biểu diễn phục vụ khán giả, các chỉ tiêu, kế hoạch có nguy cơ không hoàn thành, viên chức, người lao động gặp khó khăn về đời sống khi không được hưởng chế độ đặc thù ngoài lương… Với trách nhiệm người đứng đầu, chị đã tìm lối đi mới để nhà hát vươn lên, tạo bước chuyển mình phù hợp với thực tiễn.

“Chúng tôi chuyển đổi mô hình biểu diễn trực tiếp sang hình thức biểu diễn trực tuyến trên kênh YouTube và live stream qua Facebook của nhà hát. Đây là mô hình quản lý và như một giải pháp nhằm phát huy, mở rộng khả năng phục vụ đông đảo nhân dân. Cải lương cùng với nhiều loại hình nghệ thuật như: ca múa nhạc, ảo thuật, đờn ca tài tử, nghệ thuật rối nước, rối cạn, kịch nói… đã tạo nên đời sống văn hóa lành mạnh, bổ ích và phong phú. Điều đáng mừng là những buổi diễn đã được khán giả trong và ngoài tỉnh đón nhận” – NSND Quế Anh chia sẻ.

Sinh viên thực tập tham gia hỗ trợ Livetream chương trình Biểu diễn nghệ thuật
“Cảm Ơn Mẹ”(Ảnh: Thành Đạt)

Đặc biệt, đầu năm 2024, nghệ sĩ Quế Anh vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu NSND. Đây không chỉ là niềm vui, hạnh phúc, niềm vinh dự của riêng cô mà danh hiệu cao quý này còn là động lực tiếp thêm sức mạnh để cô và các nghệ sĩ, diễn viên của Đồng Nai tiếp tục theo đuổi, cống hiến cho nghệ thuật. “Các danh hiệu, huy chương là bằng chứng ghi nhận nỗ lực của một quá trình lao động nghệ thuật. Nhưng chính niềm yêu mến của công chúng khán giả mới là người đưa tên tuổi Quế Anh vượt khỏi sàn diễn sân khấu” – NSND Quế Anh chia sẻ.

Và đặc biệt, là sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh, tôi rất lấy niềm vinh dự khi được cô là người hướng dẫn trực tiếp thực tập tốt nghiệp khóa 2020-2024 tại Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai. Đây là một diễm phúc lớn của em khi được về với Nhà hát trong mùa thực tập cuối khóa mà không phải sinh viên nào của trường có được. Một lần nữa xin trân trọng chúc mừng NSND Quế Anh đã gặt hái được quả ngọt thành công xứng đáng sau hơn 30 năm tận tâm phấn đấu, cống hiến vì một hoài bão bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu cải lương cho dân tộc. Quả ngọt này cũng là một niềm tự hào vô cùng to lớn của khán giả mộ điệu cải lương nói riêng và người dân Đồng Nai nói chung.

Sinh viên thực tập trường ĐH Văn hóa Tp. HCM hỗ trợ điều phối chương trình biểu diễn nghệ thuật Chào mừng kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ tại xã Mã Đà (Ảnh: Thành Đạt)
Sinh viên thực tập trường ĐH Văn hóa Tp. HCM tham gia hỗ trợ Livetream chương trình Biểu diễn nghệ thuật tổng hợp (Ảnh: Thành Đạt)
Sinh viên thực tập trường ĐH Văn hóa Tp. HCM hỗ trợ điều phối chương trình biểu diễn nghệ thuật Chào mừng kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ tại xã TTVH huyện Vĩnh Cửu (Ảnh: Thành Đạt).

(Thành Đạt- Nguồn tổng hợp từ các báo)