Tin Tức & Sự Kiện
NGHỀ THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG, TRI THỨC DÂN GIAN NGHỀ LÀM TÔM KHÔ TỈNH CÀ MAU ĐƯỢC GHI DANHLÀ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ QUỐC GIA

NGHỀ THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG, TRI THỨC DÂN GIAN NGHỀ LÀM TÔM KHÔ TỈNH CÀ MAU ĐƯỢC GHI DANHLÀ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ QUỐC GIA

Nghề đánh bắt tôm đã hình thành ở Cà Mau qua hàng trăm năm, từ khi những lưu dân đầu tiên tìm đến vùng đất này khai hoang, mở cõi, dựng làng, lập ấp. Nếu tính từ khi Cà Mau có vị xã trưởng đầu tiên tương truyền có tên là Tân Thái Nghiệp mà ngôi mộ tọa lạc tại Số 34 A, đường Nguyễn Trãi, Phường 9, Thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau, theo nhà nghiên cứu Tục Tâm (Bến Tre) ngày lập mộ: mùng 10 tháng 4 năm Quý Mùi (1823) đến nay tròn 200 năm.

Vốn là vùng đất “lắm tôm nhiều cá” với nguồn lợi con tôm được đánh bắt quá nhiều và không thể sử dụng hết, điều kiện buôn bán, trao đổi với các địa phương khác cũng khó khăn, nên cư dân địa phương nghĩ ra cách phơi khô để bảo quản lâu dài. Nghề làm tôm khô từ đó được hình thành và sớm là 1 nghề truyền thống ở vùng đất Mũi.

Hiện nay tại tỉnh Cà Mau có 2 hình thức thực hành nghề làm tôm khô, hình thức thực hành truyền thống ra đời từ xa xưa và hình thức hiện đại, máy móc. Theo cách truyền thống, nghề làm tôm khô có 3 công đoạn chính:

Nghề làm tôm khô truyền thống – Nguồn ảnh: TVK

Luộc tôm: Con tôm sau khi đánh bắt về sẽ được lựa chọn, phân loại ra từng cỡ lớn nhỏ khác nhau, sau đó tôm được cho vào xoong, nồi (hoặc chảo lá sen) để luộc. Quá trình luộc phải canh lửa, canh nước theo đúng công thức và quy trình chặt chẽ. Đầu tiên cho nước vào nồi nấu thật sôi, đổ tôm tươi vào luộc từ 5 đến 6 phút, sau đó cho muối vào với tỉ lệ hợp lý, nêm vừa đủ mặn và đảo sơ qua để con tôm thấm muối rồi tiếp tục luộc khoảng 4 phút cho vừa chín tới, sau đó phải vớt tôm ra ngay và để vào rổ cho con tôm ráo nước và nguội dần chờ mang đi phơi.

Phơi tôm khô truyền thống – Nguồn ảnh: TVK

– Phơi tôm: Sau khi luộc tôm xong, chờ cho con tôm nguội tự nhiên rồi mang đổ lên giàn phơi. Tôm luộc được trải ra phơi dưới nắng tự nhiên ngoài trời, tôm phơi nắng phải được đảo thường xuyên cho con tôm khô đều từ đầu tới đuôi. Theo kinh nghiệm dân gian nếu trời nắng tốt, không bị mưa bất chợt, một mẻ tôm luộc xong đem phơi đủ 3 ngày nắng tự nhiên là đủ độ khô và giữ được độ dẻo, độ ngon ngọt của thịt tôm.

– Tách vỏ: Sau khi phơi đủ nắng, tôm khô được cho vào bao bố và đập cho tróc hết vỏ, trong quá trình đập phải khéo vừa đủ cho tôm tróc vỏ mà không bị gãy nát con tôm. Tôm khô sau khi đập vỏ sẽ được đưa lên sàn để sàn nhiền lần nhằm tách riêng vỏ mịn và ruột của con tôm khô. Vỏ mịn của con tôm trở thành phân bón cây trồng hoặc thức ăn trong chăn nuôi, còn ruột con tôm tiếp tục được làm sạch bằng dao nhỏ để loại bỏ hoàn toàn những chỗ chưa sạch vỏ, để làm đẹp con tôm khô trước khi đưa đi đóng gói bảo quản và sử dụng.

Khâu quan trọng nhất của nghề làm tôm khô là khâu luộc tôm, trong khi luộc phải canh lửa cháy đều, nêm muối vừa tay, phải chọn đúng thời điểm vớt tôm để mang đi phơi, có kỳ công như vậy khi thành phẩm tôm khô mới ngon và đạt chất lượng cao nhất.

Nghề làm tôm khô ở Cà Mau là nghề truyền thống tồn tại lâu đời và đang được tiếp tục phát triển, với cách chế biến độc đáo từ nguồn nguyên liệu tươi sống có sẵn trong tự nhiên, con tôm khô Cà Mau mang một hương vị đậm đà, hòa trộn giữa vị ngọt của đất, vị mặn của biển và dưới ánh nắng tự nhiên đã tạo nên món đặc sản riêng có của vùng đất Cà Mau.Từ lâu tôm khô đã trở thành món ăn truyền thống trong các dịp lễ tết của người Nam bộ nói chung, người Cà Mau nói riêng. Trong đó, món tôm khô – dưa kiệu trong ngày Tết Nguyên Đán hầu như nhà nào cũng có, trở thành nét văn hóa ẩm thực đặc sắc không chỉ của người Cà Mau mà cả dân Nam Bộ. 

Nghề làm tôm khô truyền thống trong cuộc sống đương đại  – Nguồn ảnh: TVK

Nghề làm tôm khô là một trong những nghề thủ công truyền thống ra đời sớm ở Cà Mau. Không chỉ đơn thuần là nghề chế biến hải sản khô phục vụ bữa ăn hàng ngày, nghề làm tôm khô còn tạo nên nhịp cầu gắn bó mật thiết của người dân vùng đất Mũi trong đời sống cộng đồng từ bao đời nay, gắn liền với lịch sử khai phá vùng đất Cà Mau. Con tôm là sản vật quen thuộc nhất, phổ biến nhất cư dân Cà Mau khai thác phục vụ mục đích sinh tồn trên vùng đất mới. Khi trữ lượng tôm dồi dào, từ kinh nghiệm của ngư dân trong đánh bắt, chế biến thủy hải sản, sự bền chí và sáng tạo trong lao động của cư dân vùng biển đã hình thành nghề làm tôm khô, một nghề truyền thống đặc biệt được phổ biến ở đất Mũi Cà Mau.

Phơi tôm khô ngày nay – Nguồn ảnh: TVK

Tin vui đến với bà con vùng đất Mũi, nhất là cộng đồng nghề làm tôm khô truyền thống sau hàng trăm năm hình thảnh và phát triển, ngày 10/11/2023, Nghề thủ công truyền thống, Tri thức dân gian NGHỀ LÀM TÔM KHÔ tỉnh Cà Mau đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 3441/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục Di sản văn hóa phi thể quốc gia, 2023.

Tác giả bài viết (phải) và TS. Phạm Văn Luân – Cố vấn nhóm STT Bến Tre trong chuyến đi điền dã tại Cà Mau 5/11/2023 – Ảnh: STT

Tăng Vũ Khắc- STT-BT

0