NĂNG LƯỢNG BỀN VỮNG CHO VÙNG BIỂN BẾN TRE TỪ SÁNG TẠO XANH
Huỳnh Thị Phương Thảo
Chương trình tập huấn về năng lượng bền vững diễn ra từ ngày 22-24/03/2024 tại huyện Thạnh Phú, Bến Tre với sự tham gia của các thành viên Công ty Sáng tạo Xanh Việt Nam (Green In); 25 học viên đến từ mọi miền tổ quôc và các thành viên của các câu lạc bộ sáng tạo của Bến Tre, trong đó có nhóm Sáng tạo Trẻ Bến Tre. Chương trình bao gồm một chuỗi các hoạt động giao lưu, học tập, tìm hiểu về năng lượng bền vững ứng dụng trong đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân địa phương.
Lớp tập huấn đã tạo điều kiện cho các bạn học viên có cơ hội được trải nghiệm thực tế các giải pháp năng lượng bền vững (tham quan các mô hình do Green In tài trợ tại huyện Thạnh Phú). Qua chuyến đi này học viên có cơ hội được khảo sát thực tế, tìm hiểu về những ứng dụng của năng lượng mặt trời vào trong đời sống, sản xuất, sinh hoạt của người dân huyện Thạnh Phú, đồng thời thu thập dữ liệu khi tham quan các mô hình ứng dụng của pin năng lượng mặt trời chuẩn bị cho báo cáo thực địa sau chuyến đi tại các địa điểm: hệ thống lọc nước sử dụng điện mặt trời tại trường Tiểu học An Điền, ứng dụng điện mặt trời cho đầm nuôi tôm, đèn đường năng lượng tại xã Bình Thạnh, …
Chuyến đi trải nghiệm thực tế là cơ hội giúp học viên tìm hiểu sâu hơn về đời sống người dân, được lắng nghe những chia sẻ, những kinh nghiệm bổ ích khi áp dụng công nghệ mới. Việc sử dụng năng lượng pin mặt trời giúp người dân chủ động cung cấp điện cho sinh hoạt và sản xuất, giảm bớt phụ thuộc vào lưới điện quốc gia, từ đó tiết kiệm chi phí sử dụng điện hàng tháng. Giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân Thạnh Phú, đảm bảo nguồn điện ổn định cho sinh hoạt và sản xuất.
Thạnh Phú là một huyện ven biển của Bến Tre, nước thường xuyên bị nhiễm mặn, để đảm bảo đủ nước sinh hoạt sản xuất người dân phải lọc nước mặn thành nước ngọt để sử dụng. Để vận hành máy lọc nước phải tốn nhiều chi phí, được sự hỗ trợ của Công ty Sáng tạo Xanh Việt Nam, người dân Thạnh Phú đã dần chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời thay thế cho điện lưới hoặc máy phát điện, giúp giảm đáng kể chi phí vận hành máy lọc nước, giảm ổ nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, người dân sử dụng pin năng lượng mặt trời trong nuôi trồng thuỷ hải sản, giúp tiết kiệm chi phí, đảm bảo đủ điện vận hành máy móc, điện dư doanh nghiệp có thể bán lại cho nhà nước tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, chi phí mua và lắp đặt pin năng lượng mặt trời khá cao so với thu nhập người dân huyện Thạnh Phú. Hiệu suất của hệ thống điện mặt trời phụ thuộc vào lượng ánh sáng mặt trời, hiệu suất sẽ thấp hơn vào những ngày nhiều mây hoặc mưa.
Chuyến tập huấn do Công ty Sáng tạo Xanh Việt Nam phối hợp tổ chức đã giúp học viên được trải nghiệm và trang bị những kiến thức cơ bản, cập nhật về năng lượng bền vững, hướng dẫn thiết kế hoạt động theo mẫu TOR, vừa học và hoàn thiện đề án của mình theo bối cảnh, mục tiêu, đối tượng, kết quả đầu ra. Tìm hiểu về các công nghệ pin mặt trời hiện nay, cũng như ứng dụng vào các lĩnh vực hộ gia đình, doanh nghiệp, công nghiệp. Giúp học viên giao lưu, học hỏi kinh ngiệm từ mọi người xung quanh. Trong suốt quá trình lớp tập huấn diễn ra, học viên học được cung cấp nhiều bài học bổ ích, tiếp thu một lượng lớn thông tin cần thiết từ các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Được tìm hiểu về nguyên lý hoạt động, ưu điểm, nhược điểm, ứng dụng vào trong đời sống, sản xuất, sinh hoạt như thế nào.
Ngoài ra học viên đến từ mọi miền tổ quốc được tập huấn về công tác tổ chức các hoạt động: Kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng hậu cần, kỹ năng xử lý các vấn đề phát sinh khi thực hiện dự án. Giúp học viên có cái nhìn toàn diện hơn để đưa ra những ý tưởng, giải pháp sáng tạo thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững.
Thông qua các hoạt động do Green In tổ chức tại Bến Tre lần này, là một thành viên tham gia lớp tập huấn đến từ nhóm Sáng tạo Trẻ Bến Tre, chúng em đã nắm vững các kiến thức về năng lượng bền vững từ pin mặt trời. Phát triển kỹ năng phân tích và đánh giá tiềm năng của năng lượng pin mặt trời. Được tham quan trực tiếp các mô hình ứng dụng của pin năng lượng mặt trời, gặp gỡ và trao đổi kiến thức kinh nghiệm, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường, phát huy tư duy sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề, rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm và hợp tác hiệu quả. Những kiến thức, kỹ năng này rất cần thiết, bổ sung cho sinh viên chuyên ngành Quản lý Văn hóa như chúng em từ trường ĐH Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh những kiến thức căn bản về năng lượng tái tạo để vận dụng, tiếp cận từ góc nhìn văn hóa, gắn kết câu chuyện năng lượng bền vững cho vùng biển Thạnh Phú, Bến Tre từ sáng tạo Xanh nền tảng sinh thái nhân văn./.