Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 6 về Lãnh đạo học và Chính sách công Việt Nam
Là một sinh viên đang theo học khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật, Trường Đại học văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, vừa qua em vinh hạnh được cùng với TS. Phạm Văn Luân tham dự Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 6 về Lãnh đạo học và Chính sách công Việt Nam. Sự kiện do AVSE Global, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, và Học viện Chính trị Khu vực II đồng tổ chức nhằm trao đổi về các vấn đề quan trọng trong phát triển lãnh đạo và quản lý công. Đây là một trải nghiệm đầy cảm hứng, mở ra cho em nhiều hướng tư duy mới mẻ và tầm nhìn rộng lớn hơn về sự phát triển bền vững và đổi mới lãnh đạo trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Tác giả tại Hội thảo. Ảnh: PVL
Tại hội thảo, em rất ấn tượng với sự chuyên nghiệp, cởi mở và tính quốc tế của các bên phối hợp tổ chức sự kiện. Tham luận của các chuyên gia hàng đầu như Giáo sư Ron Boschma (Đại học Utrecht, Hà Lan) và Giáo sư Richard M. Walker (Đại học Thành phố Hồng Kông)… không chỉ chứa đựng kiến thức chuyên sâu mà còn mang tính thực tiễn cao. Đặc biệt, khái niệm “bẫy thu nhập trung bình” được Giáo sư Boschma phân tích đã giúp em nhận ra sự đổi mới độc đáo và khác biệt không chỉ là chìa khóa cho các quốc gia, mà còn là bài học quý báu cho thế hệ trẻ – những người cần dám nghĩ, dám làm để vượt qua những giới hạn của chính mình.
Hội thảo không chỉ là nơi cung cấp tri thức, mà còn là không gian để kết nối và học hỏi. Các chủ đề như xây dựng thương hiệu đô thị, phát triển thành phố thông minh và quản trị đầu tư công khiến em nhận thức rõ hơn vai trò của lãnh đạo trong việc tạo dựng tương lai bền vững. Những thách thức đặt ra trong phiên thảo luận bàn tròn về “Bẫy phát triển đô thị” đã mở ra những góc nhìn sâu sắc về thực trạng đô thị Việt Nam, đồng thời khơi gợi tinh thần trách nhiệm của giới trẻ trong việc tìm kiếm giải pháp sáng tạo cho quê hương mình.
Là một sinh viên, em cảm nhận rõ tầm quan trọng của việc kết nối tri thức quốc tế với thực tiễn địa phương. Hội thảo đã giúp em hiểu rõ học tập không chỉ dừng lại ở sách vở, mà còn cần sự cọ xát với các vấn đề thực tế, qua đó rèn luyện tư duy phản biện và kỹ năng giải quyết vấn đề. Những bài học từ hội thảo từ trong Hội trường cũng như hoạt động bên lề mà rm may mắn được tham gia đã truyền cảm hứng giúp em tự tin bước ra khỏi “vùng an toàn”, tham gia nhiều hơn vào các hoạt động nghiên cứu và thực tế để chuẩn bị hành trang tốt nhất cho tương lai.
Với em, Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 6 về Lãnh đạo học và Chính sách công Việt Nam là một sự kiện quan trọng thúc đẩy đổi mới tư duy, kết nối quốc tế năm 2024, không chỉ là một sự kiện khoa học, mà còn là cầu nối đưa thế hệ trẻ đến gần hơn với tri thức toàn cầu, thúc đẩy đổi mới tư duy và phát triển bản thân. Em tin rằng những giá trị từ hội thảo sẽ đồng hành cùng em trên hành trình chinh phục ước mơ và góp phần cống hiến cho cộng đồng. Đặc biệt là việc vận dụng kiến thức, các mối quan hệ được xác lập cùng giảng viên phụ trách Học phần để có thể khai thác kiến thức bổ ích từ Hội thảo vào Học phần Di sản văn hóa gắn với du lịch. Ví dụ như xoay quanh các kiến trúc cổ của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát được TS Phạm Văn Luân trình bày trong bài tham luận Ý tưởng cốt lõi của chiến lược phát triển không gian vùng xuất phát từ tư tưởng “thuận thiên” và văn hóa sáng tạo của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát.
Cảm nhận sau cùng của em về sự kiện lần đầu tiên trong đời dược tham gia là Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 6 về Lãnh đạo học và Chính sách công Việt Nam không chỉ là nơi chia sẻ kiến thức mà còn mở ra cơ hội kết nối hợp tác giữa các học giả, chuyên gia Việt Nam và cộng đồng nghiên cứu quốc tế, đóng góp vào việc xây dựng nền tảng lý luận và thực tiễn phát triển bền vững cho Việt Nam trong bối cảnh mới, trong đó có phát triển du lịch – một mũi nhọn của kinh tế nước ta hện nay.
Tạ Thanh Tâm
Ảnh bên lề sự kiện của TG và PVL: