Tin Tức & Sự Kiện
Chuỗi hoạt động kỷ niệm 10 năm thành phố Bến Tre có Cây Di sản Việt Nam

Chuỗi hoạt động kỷ niệm 10 năm thành phố Bến Tre có Cây Di sản Việt Nam

Thành phố Bến Tre vừa triển khai chuỗi hoạt động kỷ niệm 10 năm thành phố có Cây Di sản Việt Nam với sự kiện Hội nghị báo cáo viên chuyên đề tháng 11 năm 2024 chủ đề: Cây di sản Việt Nam, góc nhìn từ thành phố Bến Tre. Đây là sự kiện diễn ra vào chiều ngày 22/11/2024 do Ban Thường vụ Thành ủy Bến Tre tổ chức. Tham gia hội nghị cógần 200 đại biểubao gồmcác đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XII; bí thư chi, đảng bộ cơ sở trực thuộc Thành ủy; Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, cán bộ tuyên giáo xã, phường; các đồng chí là Hiệu trưởng các trường học từ mầm non đến trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn thành phố.

. TS. Phạm Văn Luân, báo cáo chuyên đề tại hội nghị. Ảnh: Ngọc Hân

Báo cáo Chuyên đề Cây di sản Việt Nam, góc nhìn từ thành phố Bến Tre do TS. Phạm Văn Luân, trường ĐH Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh trình bày đã điểm qua tình hình chăm sóc, bảo vệ cây cổ thụ, cây xanh ở các nước trên thế giới với tên gọi chung là cây/ vườn cây/ rừng cây di sản; chia sẻ kinh nghiệm tốt, cách làm hay từ các chương trình cây di sản ở các nước Singapore, Malaixia, Nhật Bản…TS. Phạm Văn Luân đã dành thời gian giới thiệu về quá trình hình thành sáng kiến Cây Di sản Việt Nam. Sáng kiến này đã thu hút sự quan tâm của nhiều tổ chức và cá nhân, khẳng định giá trị to lớn của cây cổ thụ; vai trò của cộng đồng trong bảo vệ môi trường, ngày 18/3/2010, nhân sự kiện năm mở đầu Thập kỷ Đa dạng Sinh học do Liên hợp quốc khởi xướng, hưởng ứng Năm quốc tế về đa dạng sinh học (2010), thực hiện Kế hoạch quốc gia bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE), đã phát động sáng kiến Cây Di sản Việt Nam (Cây di sản). Qua 14 năm thực hiện sáng kiến Cây Di sản đã để lại nhiều dữ liệu hữu ích cho khoa học và kho tàng kinh nghiệm dân gian vô giá trong quy hoạch không gian bảo tồn, chăm sóc và bảo vệ cây xanh, cây cổ thụ. Theo TS. Luân, hiện nay “ngân hàng dữ liệu Cây Di sản Việt Nam” với trên 7.000 Cây Di sản. Hệ thống Cây Di sản có nhiều loài khác nhau và thường nằm ở các khu vực công cộng: đình, chùa chiền, nhà thờ, di tích,… Báo cáo tại Hội nghị, TS. Luân đã đi sâu vào 2 trường hợp điển hình Cây Di sản ở Tp. Bến Tre, phác thảo bức tranh Cây Di sản Việt Nam trong quá trình phát triển bền vững đô thị cùng vai trò, vị trí “dấu hiệu nhận diện” của sự bền vững từ thông điệp sống  “thuận thiên” ở Tp. Bến Tre.

Trưởng phòng VHTT Tp. Bến Tre (bìa trái) và đại diện nhóm Sáng tạo Trẻ Bến Tre khảo sát xây dựng Hồ sơ cây Di sản ở định Phú Nhuận, tháng 5/2024- Ảnh trái. Chuyên gia nước ngoài khảo sát Cây Bạch Mai, 5/2012 – Ảnh phải.  Ảnh: STTBT

Nhận thức được giá trị và ý nghĩa to lớn của cây Di sản ở Tp. Bến Tre, địa phương thường xuyên phối hợp với các bên liên quan, các trường, viện nghiên cứu, áp dụng những tiến bộ khoa học – công nghệ vào bảo vệ, căm sóc cây Di sản gắn với bảo tồn, tu bổ và nâng cấp di tích, danh thắng, góp phần bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái và phục vụ giới nghiên cứu và du khách trong nước cũng như khách quốc tế. Tp. Bến Tre có lợi thế về môi trường sinh thái, vị trí địa lý với đặc thù sông nước… trong những năm qua Tp. Bến Tre đã tập trung đầu tư, phát triển du lịch, nhất là du dịch sinh thái theo hướng xanh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Trong tiến trình đó, Cây Di sản Việt Nam được quan tâm tiếp cận từ năm 2012 với sự tiên phong của nhóm Sáng tạo Trẻ Bến Tre, sau khi Hội Sinh viên trường CĐSP Bến Tre được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam trao Giải thưởng Môi trường- 2002.

Chủ tịch Hội Sinh viên trường CĐSP Bến Tre (bìa phải) nhận Giải thưởng Môi trường- 2002. Ảnh: Tư liệu

Người dân Tp. Bến Tre bao đời nay vẫn lưu giữ cho mình nét văn hóa truyền thống của cư dân sông nước miền Tây Nam Bộ với con sông Bến Tre đặc trưng từng được Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát căn dặn phải giữ gìn  cho trong xanh, trở thành trục sinh thái cho cả thành phố. Cộng đồng ở đây biết bảo tồn và gìn giữ những nét nguyên sơ của văn hóa miệt vườn, giữ được môi trường sinh thái với màu xanh ngút ngàn của những vườn dừa, vườn trái cây đủ chủng loại và các loại cây xanh tạo bóng mát, che chắn gió bão cùng với nguồn tài nguyên động, thực vật phong phú… Tất cả tạo cho Tp. Bến Tre một tiềm năng phát triển bền vững, trong đó có thế mạnh phát triển bền vững dựa vào cây cổ thụ, mà ngay nay là một yếu tố hình thành du lịch sinh thái gắn liền với du lịch cộng đồng ở thành phố Bến Tre.

GS. Shimizu Masaaki (bìa trái), TS. Mika Kondo (giữa) bên Cây Di sản Bạc Mai tháng 6/2022. Ảnh: STTBT

 Tại Hội nghị, TS. Phạm Văn Luân đã thông tin: Ngày 13/9/2024, tại Hà Nội, Hội đồng Cây Di sản Việt Nam đã họp phiên toàn thể xét duyệt Hồ sơ cây Di sản Việt Nam, tại cuộc họp này, Hội đồng đã thông qua Hồ sơ và kết luận Cây Thiên Tuế tại Đình Phú Nhuận, Ấp 2, xã Phú Nhuận, Tp. Bến Tre, tỉnh Bến Tre đã hội đủ các tiêu chí cây Di sản Việt Nam. Ngày 17/9/2024, TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã ký Công văn số 297 Thông báo tình hình xét duyệt Hồ sơ cây Di sản Việt Nam gửi đến UBND Tp. Bến Tre, UBND xã Phú Nhận và Ban Quản lý Đình Phú Nhuận, theo đó Hội Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã thông báo chính thức Cây Thiên Tuế tại Đình Phú Nhuận là cây Di sản Việt Nam. Đây không chỉ là tin vui lớn đối với chính quyền và Nhân dân xã Phú Nhuận mà còn là niềm vui mừng của Tp. Bến Tre vì đây là cây Di sản thứ hai của thành phố, sau 10 năm, lần đầu tiên tỉnh Bến Tre có cây Di sản Việt Nam là Cội Bạch Mai, Đình Phú Tự, xã Phú Hưng – 1 trong 10 cây cổ thụ độc đáo nhất Việt Nam (8 cây ở miền Bắc 1 cây ở miền Trung và miền Nam có duy nhấy là cây Bạch Mai ở Bến Tre).

Chuyên gia nước ngoài khảo sát Cây Bạch Mai, 2/2014.  Ảnh: STTBT

Tại buổi báo cáo chuyên đề, TS. Phạm Văn Luân đã phân tích, nêu rõ những giá trị và vấn đề phát triển bền vững ở Thành phố Bến Tre từ 2 cây Di sản là Cây Bạch Mai, Đình Phú Tự và Cây Thiên Tuế, Đình Phú Nhuận. Với tầm quan trọng và vai trò của cây Di sản, TS. Phạm Văn Luân còn đề xuất 6 khuyến nghịđịnh hướng cho thành phố Bến Trephát triển bền vững từ kinh tế đến xã hội, văn hoá, môi trường mà chủ thể trung tâm là con người theo bóng Cây di sản Việt Nam.

Chuyên gia Sinh học Nishja Nuss, University Nebraska – Lincoln, Hoa Kỳ (phải)  thăm Bạch Mai cổ thụ, tháng 8/2016. Ảnh: STTBT

Cũng tại Hội nghị, TS. Phạm Văn Luân đã bày tỏ lòng tri ân đến các bậc cao niên xã Phú Hưng, các chuyên gia trong và ngoài nước, bà con cộng đồng cây Di sản Bạch Mai, chính quyền địa phương các cấp đã quan tâm, dành nhiều tình cảm, công sức nghiên cứu, chăm sóc, bảo vệ và quảng bá cây Di sản Bạch Mai – báu vật sinh thái nhân văn độc đáo không đâu có được…

Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Nề người cả đời gắn bó với cội Bạch Mai… Ảnh: Đoàn An và STTBT

Được biết, tiếp sau Hội nghị này, Tp. Bến Tre khẩn trương chỉnh trang khuôn viên Đình Phú Nhuận và tích cực chuẩn bị tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận cây Thiên Tuế là cây Di sản dự kiến vào dịp kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh Bến Tre, 65 năm ngày Bến Tre Đồng Khởi (tháng 1/2025). Đây là sự kiện quan trọng huy động sự tham gia, chia sẻ trách nhiệm và sự ủng hộ của cộng đồng khắp mọi miền đất nước hỗ trợ, thúc đẩy nâng cao hiệu quả hoạt động bảo vệ, chăm sóc Cây Di sản Việt Nam ở Tp. Bến Tre, để Cây Di sản thực sự là “cây cao bóng cả” nơi gắn kết nuôi dưỡng tinh thần dân tộc sống “thuận thiên”, nhắc nhớ những hình ảnh quen thuộc của làng quê, cây xanh trong cuộc sống đương đại, nơi hiệu triệu người dân Tp. Bến Tre cố kết sức mạnh cộng đồng, đùm bọc sẻ chia, đoàn kết vươn lên, gìn giữ và phát huy truyền thống hiếu học, yêu nước, sáng tạo năng động, tính khí khảng khái, dẻo dai và mạnh mẽ, kiên cường của người Bến Tre với căn tính yêu hòa bình, thân thiện môi trường và sống hài hòa với thiên nhiên theo lẽ sống “thuận thiên”./

Ông Bùi Hoàng Phương- Phó Chủ tịch UBND Tp. Bến Tre (phải) tặng quà lưu niệm cho TS. Phạm Văn Luân. Ảnh: Ngọc Hân

Bài: KN, STTBT