Tin Tức & Sự Kiện
HỘI THẢO KHOA HỌC PHÁT TRIỂN KINH TẾ TUẦN HOÀN Ở VIỆT NAM – NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

HỘI THẢO KHOA HỌC PHÁT TRIỂN KINH TẾ TUẦN HOÀN Ở VIỆT NAM – NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

Trong khuôn khổ triển khai Chiến lược phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 của trường Đại học Ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh, đảm bảo hiện thực hóa triết lý giáo dục KHAI PHÓNG – LIÊN NGÀNH – TRẢI NGHIỆM, sáng 7/9/2023, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học PHÁT TRIỂN KINH TẾ TUẦN HOÀN Ở VIỆT NAM – NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN.

Các diễn giả và đại biểu dự Hội thảo

Hội thảo có sự tham gia của PGS. TS. Nguyễn Đức Trung – Hiệu trưởng nhà trường; TS. Nguyễn Trần Phúc – Phó Hiệu trưởng nhà trường; PGS. TS. Nguyễn Hồng Quân – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn; PGS. TS. Nguyễn Tiến Dũng – Tổng biên tập Tạp chí Phát triển Khoa học Công nghệ – Kinh tế – Luật & Quản lý; TS. Cung Thị Tuyết Mai – Trưởng Khoa Lý luận chính trị; GS Wang Xiang, Viện trưởng Viện chủ nghĩa Mác, Đại học Trung Nam, Hồ Nam Trung Quốc; TS. Ngô Minh Đức – Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Miền Đông; TS. Nguyễn Thanh Đoàn – Trưởng Phòng Khoa giáo, Ban Tuyên giáo Thành uỷ TP.HCM; TS. Nguyễn Thị Luyện – Phó Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học xã hội; Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng; Ông Nguyễn Viết Vị – Chủ nhiệm CLB Nông dân Tỷ phú tỉnh Bình Phước, TS. Phạm Văn Luân, khoa QLVHNT, trường Đại học Văn hóa Tp. HCM – Cố vấn nhóm Sáng tạo Trẻ Bến Tre, cùng nhiều nhà khoa học đến từ các các Trường đại học, Viện đào tạo và trung tâm khoa học trong và ngoài nước.

Phát biểu đề dẫn, PGS.TS. Nguyễn Đức Trung – Chủ tọa Hội thảo đã xác định 5 vấn đề trọng tâm cần bàn luận: (1) cơ sở khoa học của kinh tế tuần hoàn; (2) kinh nghiệm quốc tế về phát triển kinh tế tuần hoàn; (3) thực trạng phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam; (4) giải pháp sáng tạo để thúc đẩy sự phát triển kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; (5) các chính sách, biện pháp khuyến khích và nguồn lực tài chính để hỗ trợ sự phát triển kinh tế tuần hoàn.

Theo đó, Hội thảo đã nghe và thảo luận 04 bài trình bày của các chuyên gia gồm: PGS. TS. Nguyễn Hồng Quân – Kinh tế tuần hoàn – giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế hài hòa với bảo vệ môi trường ở Việt Nam; TS. Nguyễn Mạnh Hùng – Sự cần thiết phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam; GS. Wang Xiang, ThS. Trần Quốc Hưng – Phát triển kinh tế tuần ở Trung Quốc hiện nay và kinh nghiệm cho Việt Nam; TS. Phạm Văn Luân – Phát triển kinh tế tuần hoàn từ cây dừa ở Bến Tre; trong bài trình bày của mình TS. Phạm Văn Luân đã chia sẻ và kết nối các chương trình, dự án tiềm năng được đông đảo đại biểu Hôi thảo quan tâm như: Dự án thảm/ chỉ xơ dừa của GS Jang Jing (Hàn Quốc, khảo sát thực địa 8/23); Dự án Cocomake – Phát triển nghiên cứu vật liệu và đồ vật được thiết kế từ Dừa Bến Tre do GS. Jane kết nối SSEAC và SVAN hỗ trợ, tháng 9/2023 khảo sát tại Bến Tre về hoạt động thiết kế đồ vật và thủ công sáng tạo nhằm thu hút cộng đồng Bến Tre, Đồng bằng sông Cửu Long… Hội thảo KHQT Cô lập carbon và duy trì trái đất: Khai thác tiềm năng của hệ sinh thái dừa”, Indonesia vào tháng 10/2023; Vòng 4 Hợp phần tài trợ Đối tác Đổi mới sáng tạo thuộc chương trình Aus4Innovation đang nhận đề xuất với tổng ngân sách tài trợ 2 triệu đô la Úc. Số tiền tài trợ từ 250 nghìn đến 700 nghìn đô la Úc sẽ trao cho các ý tưởng có chủ đề “Đổi mới sáng tạo công nghệ cao giải quyết các thách thức trong nông nghiệp hướng đến phát triển bền vững”…

Các bài trình bày đều chứa đựng những kiến thức quý báu về một tương lai kinh tế Việt Nam mà sự phát triển và bảo vệ môi trường không còn xung đột mà hòa quyện với nhau. Hơn thế nữa, trong khuôn khổ buổi hội thảo, đã có nhiều lượt trao đổi, thảo luận, bình luận sôi nổi, thẳng thắn, cởi mở, chuyên sâu theo phương châm gắn kết tính khoa học, tính thực tiễn và tính sáng tạo. Các bài tham luận cũng như các ý kiến trao đổi tại Hội thảo đã xác định rằng kinh tế tuần hoàn không chỉ là một lý thuyết mà còn là một chiến lược thực tế cho sự phát triển bền vững. Kinh nghiệm quốc tế đã chứng minh khả năng tạo ra giá trị gia tăng, tối ưu hóa sử dụng tài nguyên và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Những ví dụ về phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam đã thể hiện rõ sự đổi mới và tận dụng cơ hội trong nhiều lĩnh vực. Các doanh nghiệp, cộng đồng và chính quyền đã cùng nhau thực hiện các mô hình kinh tế tuần hoàn từ việc tái chế vải thải đến tái sử dụng nước trong nông nghiệp.

Kết luận Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh: Trong tương lai, chúng ta cần cùng nhau xây dựng nền kinh tế tuần hoàn mạnh mẽ tại Việt Nam. Điều này đòi hỏi sự tham gia và hợp tác từ tất cả các bên gồm Chính phủ, doanh nghiệp, cộng đồng và cá nhân. Thay mặt đơn vị tổ chức, PGS.TS. Nguyễn Đức Trung – Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM cảm ơn các nhà giáo, nhà khoa học đã đến tham dự và góp phần vào sự thành công của Hội thảo. Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM kính chúc quí thầy cô, các chuyên gia, khách mời sức khỏe và thành công.

Nhân dịp về dự Hội thảo, TS. Phạm Văn Luân thay mặt nhóm Sáng tạo Trẻ Bến Tre, đã tặng sách Lục Vân Tiên, tác giả Nguyễn Đình Chiểu song ngữ Việt – Hàn cho PGS.TS. Nguyễn Đức Trung và trao đổi về sách quý nhầy bên lề Hội thảo.

Một số hình ảnh hoạt động của đại diện nhóm STT Bến Tre tại Hội thảo:

Trao đổi tài liệu với Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng
Với HVCH ĐH KH Tự nhiên
Kỷ yếu Hội thảo

(Biên tập tin: PT, ảnh: nhóm STT BT, nguồn Ban Tổ chức Hội thảo)