Hành trình và kết quả
BDK – Trong cuộc đời 67 năm, tính theo tuổi ta, Nguyễn Đình Chiểu gắn bó với bốn vùng quê. Thứ nhất là quê nội thôn Bồ Điền, xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Thứ hai là quê ngoại: phường Cầu Kho, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Thứ ba là quê vợ: ấp Thanh Ba, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Thứ tư là khu vực thị trấn Ba Tri, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre (hiện nay). 26 năm cuối đời, Nguyễn Đình Chiểu gắn bó với Bến Tre. Mộ phần nhà thơ cùng người vợ và con gái Nguyễn Thị Khuê (tức Sương Nguyệt Anh) hiện ở xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
Xây dựng hồ sơ danh nhân
Trong tâm thức người dân Bến Tre từ nửa cuối thế kỷ XIX đến nay, Nguyễn Đình Chiểu có một vị trí đặc biệt, cả về tác phẩm văn chương lẫn nhân cách người thầy giáo, người thầy thuốc. Chính vì thế, Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Năm 2018, trong báo cáo tư vấn Chiến lược xây dựng văn hóa, phát triển con người Bến Tre giai đoạn 2020 – 2025, tôi đã nêu ra nhiệm vụ xây dựng hồ sơ quốc gia trình UNESCO vinh danh Nguyễn Đình Chiểu. Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với tôi xây dựng kế hoạch cho công việc này.
Ý thức được công việc xây dựng hồ sơ Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu là công việc lớn, phức tạp, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức một cuộc tọa đàm khoa học với nội dung “Hướng tới kỷ niệm 200 năm Ngày sinh nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 2022)” vào ngày 30-6-2020, với sự tham gia của các nhà khoa học như GS.TS Bùi Quang Thanh, PGS.TS Nguyễn Xuân Hồng, PGS.TS Lâm Nhân, TS Vũ Anh Tú… Các nhà khoa học, các nhà quản lý đồng thuận đề nghị tỉnh Bến Tre xây dựng hồ sơ danh nhân để trình UNESCO xem xét. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy được sự cho phép của Thường trực Tỉnh ủy đã giao cho tôi nhiệm vụ nghiên cứu văn bản của UNESCO, tìm hiểu kinh nghiệm của các tỉnh đã thực hiện công việc này.
Đến năm 2020, Việt Nam có 4 danh nhân được UNESCO vinh danh: Nguyễn Trãi (năm 1980), Hồ Chí Minh (năm 1990), Nguyễn Du (năm 2015) và Chu Văn An (năm 2020). Trở về Hà Nội, ngày 15-7-2020, tôi đến làm việc với Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám để học hỏi kinh nghiệm của đơn vị vừa thành công trong việc xây dựng hồ sơ Danh nhân Chu Văn An trình UNESCO.
Sau đó là gặp gỡ các anh chị ở Vụ Văn hóa đối ngoại và Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam, xin văn bản hướng dẫn, nghe kinh nghiệm. Ngày 6-8-2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong Công văn số 2521 đề nghị tôi viết báo cáo khoa học trình UNESCO (bản tiếng Việt và tiếng Anh), viết sách về cụ Nguyễn Đình Chiểu (tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp), tham gia các đoàn công tác của tỉnh với các cơ quan Trung ương tại Hà Nội, bảo vệ hồ sơ tại UNESCO. Yêu cầu về thời gian rất chặt chẽ, mọi công việc hoàn thành trước ngày 15-12-2020. Báo cáo khoa học do tôi chấp bút thực sự khó khăn vì phải bám sát vào văn bản hướng dẫn của UNESCO, vì văn bản này khẳng định “Các cá nhân được kỷ niệm phải đáp ứng những lý tưởng của UNESCO trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, con người và truyền thông; đồng thời phải quảng bá quan hệ gần gũi hơn giữa con người với con người, lòng khoan dung, lý tưởng hòa bình, đối thoại văn hóa và hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc”. Nghĩa là Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu xứng đáng ở tầm nhân loại.
Ngày 4-9-2020, Tỉnh ủy tổ chức “Hội thảo khoa học về hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách tổ chức kỷ niệm vào năm 2022 nhân kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu”. Các nhà khoa học như GS.TS Nguyễn Xuân Kính, GS.TS Từ Thị Loan, PGS.TS Đoàn Lê Giang, PGS.TS Trần Hoài Anh, PGS.TS Lâm Nhân, PGS.TS Nguyễn Xuân Hồng, PGS.TS Phạm Lan Oanh, TS Vũ Anh Tú… các nhà quản lý như anh Cung Đức Hân – Phó tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO, ông Nguyễn Quang Trị – Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Bến Tre… đã góp ý chân thành, khách quan và sâu sắc cho báo cáo khoa học.
Tiếp thu góp ý của các nhà khoa học, các nhà quản lý, tôi sửa chữa báo cáo, rồi cho chuyển sang tiếng Anh. Khó nhất của việc xây dựng hồ sơ danh nhân là báo cáo khoa học phải gửi cho một số nước, để họ nghiên cứu rồi đồng giới thiệu hồ sơ với quốc gia đề nghị. So với các hồ sơ quốc gia trình UNESCO theo Công ước 2003, đây thực sự là một khó khăn. Làm sao qua bản tiếng Anh của báo cáo khoa học, thuyết phục được các nhà khoa học, các nhà quản lý của quốc gia đó đồng thuận. Làm sao để họ thấy tầm nhân loại của Cụ Đồ? Cả tháng 10 và những ngày đầu tháng 11-2020, các anh Phan Văn Mãi, Trần Ngọc Tam cùng lãnh đạo tỉnh và tôi rất sốt ruột trong tâm trạng chờ đợi. Đầu tiên là Hàn Quốc rồi Thái Lan, sau dó là Nhật Bản, Ấn Độ đồng ý cùng giới thiệu hồ sơ Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu với Việt Nam. Ngày 23-11-2020, UBND tỉnh ký báo cáo khoa học “Hồ sơ Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888) đề nghị UNESCO cùng kỷ niệm 200 năm sinh của Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888)”, gửi Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam. Thông thường, đến tháng 3 năm sau, các quốc gia mới nộp báo cáo khoa học cho UNESCO tại Thủ đô Paris (Cộng hòa Pháp), nhưng năm 2020, Ban Thư ký của UNESCO thông báo hồ sơ của các quốc gia phải nộp chậm nhất là ngày 15-12-2020. Thế là, những anh em công tác tại Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam lại chạy marathon rất vất vả, bởi bản tiếng Anh của báo cáo khoa học phải đảm bảo chất lượng tốt nhất, nên phải kiểm tra cẩn thận từng chữ, từng câu. Ngày 14-12-2020, báo cáo khoa học Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu được Đại sứ Lê Thị Thanh Vân – Trưởng phái đoàn đại diện Việt Nam tại UNESCO nộp cho Ban Thư ký của UNESCO ở Thủ đô Paris (Cộng hòa Pháp).
Trước đó, công văn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao trách nhiệm cho tôi viết quyển sách “Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888), nhà thơ lớn, nhà văn hóa kiệt xuất” in bằng tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp, để giới thiệu với các nhà ngoại giao của các nước ở UNESCO. Vì vậy, sau khi Nhà xuất bản Thế giới duyệt in, xuất bản, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã gửi bản giấy cho Đại sứ Lê Thị Thanh Vân. Bản điện tử, tôi đã chuyển cho đại sứ qua E-mail. Cuối năm 2020, nhà xuất bản của Đại học Tổng hợp Viễn Đông (Liên bang Nga) lại trao đổi với tôi đề nghị cho xuất bản ở Nga cuốn sách này. Thế là Nhà xuất bản FEFU tại Vladivostok, Liên bang Nga xuất bản cuốn sách bằng tiếng Nga và tiếng Việt. Như vậy, bạn đọc cũng như các nhà ngoại giao có thể hiểu Nguyễn Đình Chiểu bằng bản in tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Nga.
Từ tháng 1-2021, lịch trình xem xét các báo cáo của các quốc gia, từ Ban Thư ký đến Hội đồng chấp hành và bộ phận chuẩn bị nghị quyết để Đại hội đồng thông qua rất cẩn thận. Ngày 23-11-2021, Đại hội đồng UNESCO đã thông qua Nghị quyết 41C/15 nêu rõ, năm 2022 và năm 2023, UNESCO sẽ cùng kỷ niệm 67 sự kiện và các danh nhân do các quốc gia đề cử. Việt Nam có hai danh nhân: kỷ niệm 250 năm ngày sinh của nhà thơ Hồ Xuân Hương và 200 năm ngày sinh của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Công việc mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bến Tre thực hiện với Nguyễn Đình Chiểu đã có kết quả rõ ràng. Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu đã được xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt của Việt Nam, cuộc đời và sự nghiệp của cụ được UNESCO vinh danh, cùng tham gia kỷ niệm.
Hình ảnh Nguyễn Đình Chiểu sống động trong tâm thức mọi người
Công việc đặt ra với tỉnh khá nhiều, cơ hội có mà thách thức cũng có. Trước hết là xây dựng một trưng bày thực về cuộc đời và sự nghiệp của cụ tại khu lưu niệm. Người xem, khách du lịch khi về tham quan, phải thấy hấp dẫn, rung động. Ít nhất người xem có thể thấy tầm nhân loại của nhà thơ lớn, nhà văn hóa kiệt xuất Nguyễn Đình Chiểu, thấy sự lan tỏa tác phẩm Lục Vân Tiên, hơn 70 lần được xuất bản trong nước, được dân tộc Thái dịch sang tiếng Thái phổ biến trong cộng đồng người Thái ở tỉnh Sơn La, được dịch sang tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Hàn, thấy người thầy giáo Nguyễn Đình Chiểu dạy học thế nào, người thầy thuốc chữa bệnh cho bệnh nhân ra sao… Từ trưng bày thực mới có trưng bày ảo để gửi sang UNESCO ở Paris. Công việc này không hề đơn giản, nhất là phải có bản tiếng Anh, tiếng Pháp để gửi đi. Thứ hai là tổ chức một hội thảo khoa học quốc tế về Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay. Sự tham gia của các nhà khoa học quốc tế rất cần thiết và sự tham gia của các nhà khoa học trong nước lại càng quan trọng hơn. Cách nay 40 năm, năm 1982, lần đầu tiên, tỉnh Bến Tre phối hợp với Viện Khoa học Xã hội tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị khoa học quốc gia đầu tiên về Nguyễn Đình Chiểu. Hơn 100 tham luận đã được gửi đến Ban tổ chức hội thảo khi ấy. Còn năm nay, hội thảo khoa học quốc tế đầu tiên về Cụ Đồ được tổ chức. Thông tin của Ban tổ chức hội thảo, đã có 16 tham luận của các tác giả quốc tế gửi tham gia, gần 80 tham luận của các nhà khoa học trong nước được gửi đến, hầu hết đều là các vị có chức danh, có học vị.
Công việc lớn thứ ba là lễ kỷ niệm 200 năm Ngày sinh của Nguyễn Đình Chiểu. Đây là một sự kiện lớn, rất lớn với tỉnh Bến Tre. Thông qua các hoạt động này, uy tín quốc gia, quốc tế của tỉnh Bến Tre càng sâu sắc hơn. Khả năng gắn kết với hoạt động du lịch càng sâu sắc. Nhưng thách thức không hề nhỏ với các hoạt động này. Vấn đề là để hình ảnh nhà thơ lớn, nhà văn hóa kiệt xuất Nguyễn Đình Chiểu sống động trong tâm thức người Việt Nam và người nước ngoài, đang hành trình với thế hệ hôm nay xây dựng một xứ Dừa giàu đẹp, văn minh, một đất nước Việt Nam hùng cường, phát triểnn
Tháng 6-2022
GS.TS Nguyễn Chí Bền
Nguồn: Đồng Khởi Online.
https://baodongkhoi.vn/hanh-trinh-va-ket-qua-30062022-a102337.html