Tin Tức & Sự Kiện
Giới thiệu các bài nghiên cứu nổi bật trong Sổ tay phục vụ ngoại khóa Giáo dục liêm chính cho TTN Bến Tre

Giới thiệu các bài nghiên cứu nổi bật trong Sổ tay phục vụ ngoại khóa Giáo dục liêm chính cho TTN Bến Tre

5

 
NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC CỦA SINH VIÊN Ở ĐH CHICAGO, HOA KỲ VÀ MỘT VÀI GỢI Ý CHO CÔNG TÁC GIÁO DỤC
ĐẠO ĐỨC CHO SINH VIÊN TRƯỜNG CĐ BẾN TRE, VIỆT NAM
 
Jefferson Viet-Anh Day*
“right”>Phạm Văn Luân* *
Nguyễn Ngọc Ý***
 
 
Thầy Jefferson đến Bến Tre, Việt Nam với vai trò một Trợ giảng tiếng Anh trong năm học 2012 – 2013; để chuẩn bị cho “sứ mệnh” đặc biệt này, trước khi sang Việt Nam, thầy Jefferson đã tiếp cận và tìm hiểu công việc của mình từ hoạt động của nhóm Sáng tạo Trẻ Bến Tre. Những thông tin về hoạt động của nhóm Sáng tạo Trẻ và Trợ giảng tiếng Anh, cô Adelina trên diễn đàn học thuật của Viện Nghiên cứu Giáo dục, ĐHSP Tp Hồ Chí Minh năm 2012, thông tin từ dự án Giáo dục liêm chính (P/141) do Nhóm Sáng tạo Trẻ thực hiện và cuộc gặp gỡ thú vị nhân Hội thảo Giữa kỳ các dự án VACI2011 tại Hà Nội vào tháng 8/2012 giữa thầy Jefferson và đoàn đại biểu của dự án P141 là nguồn cổ vũ rất lớn, thôi thúc thầy Jefferson có ý tưởng và hợp tác thực hiện bài viết NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC CỦA SINH VIÊN Ở ĐH CHICAGO, HOA KỲ VÀ MỘT VÀI GỢI Ý CHO CÔNG TÁC GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC CHO SINH VIÊN TRƯỜNG CĐ BẾN TRE, VIỆT NAMgửi đến Dự án “Hội thi thiết kế bài giảng ngoại khóa giáo dục liêm chính cho thanh thiếu niên Bến Tre”- P.141 như một đóng góp nhỏ cho dự án trong giai đoạn tổng kết, nhân rộng – một tham khảo xin giới thiệu cho các trường  ĐH – CĐ Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Trong bài tham luận, chúng tôi xin được trao đổi 2 phần chính: – Những kinh nghiệm trong công tác giáo dục đạo đức dưới góc nhìn của những sinh viên Đại học Chicago, bang Chicago – một trường đại học hàng đầu ở Mỹ hay Đại học Scripps ở Claremont, bang California ; – Từ những cảm nhận ban đầu của một Trợ giảng tiếng Anh về hoạt động giáo dục đạo đức ở góc nhìn dự án Giáo dục liêm chính – trường CĐ Bến Tre; chúng tôi muốn đưa ra một vài gợi ý ban đầu cho hoạt động cần thiết và bổ ích trên lĩnh vực giáo dục đạo đức, giáo dục liêm chính trong các trường ĐH – CĐ Việt Nam, trước hết là Bến Tre.
 
I- Những kinh nghiệm giáo dục đạo đức trong các trường Đại học ở Hoa Kỳ
 Đầu tiên là cách tiếp cận về giáo dục đạo đức cho sinh viên ở ĐH Chicago hay Đại học Scripps; ngay khi chưa bước vào giảng đường ĐH nơi đây, mọi người có thể tìm thấy khá dễ dàng thông tin cần thiết và chính xác những quy định về giáo dục đạo đức của nhà trường trong cuốn Sổ tay sinh viên online.
 


* Trợ giảng tiếng Anh Fulbrigh tại Trường CĐ Bến Tre
** Ths. Phó trưởng phòng NCKH-QHQT, Trường CĐ Bến Tre
*** Giảng viên tiếng Anh Trường CĐ Bến Tre
Có thể mỗi trường sẽ có những quy định chi tiết khác nhau, và những điều chúng tôi đề cập đến tuy là những điều có thể là quy định rất riêng của trường Đại học Chicago, hay Đại học Scripps song chúng diều phản ánh được nét chung nhất về giáo dục đạo đức trong các trường ĐH Hoa Kỳ.
 
Ví dụ như ở Đại học Chicago, những nội quy của trường có thể được chia thành ba lĩnh vực: – Trung thực trong học tập; – Tình yêu, tình bạn học đường và Ngôn phong của SV.
 
Trong tất cả các trường hợp vi phạm đạo đức, kỷ luật học đường trong các ĐH ở Hoa Kỳ thì qui trình xử lý kỉ luật đều bình đẳng như nhau. Thông thường, khi có vấn đề nảy sinh có liên quan đến phạm trù đạo đức, SV phản ánh trường hợp riêng của mình cho trưởng phòng công tác sinh viên. Trưởng phòng công tác sinh viên sẽ thảo luận vấn đề đó với phó hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng chuyên trách về đời sống học đường và sinh viên, sau đó họ sẽ cùng nhau quyết định xem sẽ hủy bỏ lời phản ánh đó, hay giải quyết nó một cách nhẹ nhàng, hay là phải triệu tập hội đồng kỉ luật. Hội đồng kỉ luật trong các ĐH của Hoa Kỳ có quyền ra hình phạt ví dụ như đuổi học, đình chỉ tạm thời hoặc thu hồi lại bằng cấp đã cấp.
 
Trung thực trong học tập
 
Tính Trung thực trong học tập, rèn luyện trong các ĐH Hoa Kỳ có thể nói thể hiện rất rõ ở hành vi phi đạo đức: – Đạo văn; đây là vấn đề bị chỉ trích, lên án một cách gay gắt đến mức nghiêm trọng ở các trường Đại học Hoa Kỳ, đặc biệt là ĐH Chicago; ĐH Scripps…Việc SV không trung thực trong học tập sẽ bị nhận hình phạt kỷ luật rất nghiêm khắc, và trong tất cả các trường hợp đạo văn sẽ không được thông cảm, xử lý nội bộ, nhẹ tay gì cả. Đặc biệt là không có chuyện vì chạy theo “thành tích” mà che dấu những hành vi phi đạo đức này!
 
Trường ĐH Hoa Kỳ làm gì để dạy bài học đạo đức đầu tiên cho SV là tính trung thực trong học tập ? Mọi việc khá đơn giản nhưng kiên trì và kiên quyết: – Làm gì thì làm, cứ mỗi trước khi bắt đầu vào một lớp học, giáo viên phải đọc bản ghi chú về những quy định hình phạt khi đạo văn hay không trung thực trong học tập, rèn luyện. Chuyện đạo văn tuyệt nhiên  không bao giờ được chấp nhận trong các ĐH Hoa Kỳ. Và điều này thể hiện rất thuyết phục trong các chuyên ngành đào tạo liên quan nhiều đến lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, ví dự như chuyên ngành Lịch sử… Trong các chuyên ngành thuôc khoa học tự nhiên như: Toán… thì việc chia nhóm, làm việc nhóm, hợp tác cùng nhau giải quyết vấn đề được khuyến khích, trên thực tế dĩ nhiên sẽ có chuyện SV chép bài giải Toán của nhau….Chúng tôi cảm thấy khó chịu khi phải đối mặt với những trường hợp như thế này, nhưng đây không phải là những vấn đề lớn; bởi lý do của những trường hợp chép bài Toán của nhau là vì những sinh viên trong tình huống đó không có đầy đủ sách vở… vấn đề là khi thi cử, những SV chép bài Toán của nhau sẽ làm bài không tốt, như thế đây cũng được xem như là một hình phạt dành cho họ. Trong lớp học khối khoa học xã hội, những bài tập về nhà là bài viết, thì chuyện đạo văn là một vấn đề đau đầu…
 
Đó là những lỗi trích dẫn nguồn , hoặc có chủ ý lấy bài của người khác làm bài của mình sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Các ĐH Hoa Kỳ có cơ chế giúp  giáo viên luôn luôn cảnh báo về việc đạo văn, thầy cô giáo nói rằng nếu như sinh viên nào cảm thấy cần phải chép, trích dẫn bài của ai đó, hoặc không biết rõ thì nên liên hệ với giáo viên để được nhận trợ giúp. Các cố vấn học tập cũng thường xuyên cảnh báo SV không được chép bài trên mạng internet, vì nhà trường có phần mềm để phát hiện những người gian lận.
 
Trong lớp học của chúng tôi cũng có vài trường hợp đạo văn đã từng xảy ra. Mỗi lần vi phạm như vậy, hình thức kỉ luật đối với họ đều khá nghiêm khắc. Ít nhất là SV đó sẽ bị đánh rớt môn học. Đối với những trường hợp kỉ luật nặng hơn, đặc biệt với những SV bị nghi ngờ gian lận nhiều lần, họ sẽ bị đình chỉ hoặc buộc thôi học. Chúng tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu như ai đó gian lận nhiều lần mà vẫn ung dung học tập và được tốt nghiệp ở trường ĐH Chicago hay ĐH Scripps. Theo kinh nghiệm của tôi, không chỉ ở các trường ĐH Chicago hay ĐH Scripps, hầu như tất cả các trường ĐH Hoa Kỳ đều có nội quy tương tự như vậy về chống đạo văn hay rèn luyện tính trung thực trong học tập.
 
Vấn đề tình yên, tình bạn trong nhà trường
 
Quan niệm về tình yêu, tình bạn trong các ĐH Hoa Kỳ khá thoáng, có lẽ vì vậy mà nạn quấy rối tình dục và ép buộc quan hệ tình dục được xem là những vấn đề được đặc biệt coi trọng ở trường đại học. Chính vì vậy, bài học đạo đức thứ hai mà có lẽ SV nào khi bắt đầu đi học đều được thầy cô nhắc nhở ngay trong thời gian học định hướng đầu năm, đầu khóa để hiểu thế nào là tình bạn, tình yêu trong nhà trường, nạn quấy rối tình dục, cách thức tiếp cận, phát hiện, xử lý một cách cụ thể, bvi1 dụ như; sẽ báo cho ai nếu điều đó xảy ra…
Về quy trình xử lý những vụ việc có liên quan đến tình bạn, tình yêu, quấy rối tình dục trong nhà trường; trong bất cứ trường hợp nào, tất cả những vụ việc đều được xử lý cẩn trọng. Trường, khoa không thể xử lý nhẹ nhàng cho qua chuyện. Ấn tượng lớn nhất của chúng tôi là mọi vụ việc có liên quan đến tình bạn, tình yêu trong nhà trường dẫn đến quấy rối tình dục đều được nhà trường quan tâm chặt chẽ, giải quyết thấu đáo, nếu như vụ việc diễn ra thật thì người phạm tội sẽ bị trừng phạt rất nặng. Nói chung, ở các trường ĐH Hoa Kỳ,  những vấn đế liên quan đến hành vi không đúng đắn về tình dục sẽ được giải quyết với những hình thức kỉ luật thích đáng.
 
Ngôn phong của SV trong nhà trường
 
Có một thực tế là hiện nay, các trường ĐH ở Mỹ đang đối mặt với thách thức giữa việc cho duy trì một môi trường thoải mái, thân thiện khi thảo luận và việc ngăn chặn những ngôn luận có ý xuyên tạc; hay nói đúng hơn là vấn đề ngôn phong của SV trong nhà trường. Trong môi trường được cho là khá thoải mái, tự do, thường ngôn phong của SV dễ có nguy cơ không chín chắn, đúng mực, từ đó dẫn đến những phát biểu xuyên tạc, không đúng sự thực, hành vi phi đạo đức sẽ có cơ hội được bùng phát.
Tuy nhiên việc quan tâm đến liều lượng, bối cảnh và tư cách phát ngôn như thế nào mới là đều quan trọng, bởi nhà trường ĐH nào cũng muốn SV của mình có đủ năng lực, tự tin khi phát ngôn, nói mạnh dạn ở những nơi cần nói, tinh thần sáng tạo cũng từ sự phát ngôn mà ra. Do đó đây là một bài toán khó cho các trường, nếu quá khắt khe, chỉn chu từng lời ăn tiếng nói thì sẽ dẫn đến hạn chế tinh thần cởi mở, cùng chung sống thân thiện, cùng học tập và trưởng thành, việc thảo luận sẽ có giới hạn, SV sẽ rụt rè, thiếu tự tin trước cộng đồng. Theo cảm nhận của chúng tôi, riêng ở trường ĐH Chicago, ĐH Scrips những quy định của nhà trường đều theo hướng đã mở, thoáng cho SV làm việc, học tập, nghiên cứu; cụ thể như việc nhà trường khuyến khích lập diễn đàn mở để thảo luận. Tuy nhiên, các trường cũng cũng có quy định cụ thể nhằm ngăn chặn những ý kiến theo kiểu “lạc điệu”, xuyên tạc, không là ngôn phong SV… và từ đó những SV có ngôn phong không chuẩn, phát biểu không đứng đằn sẽ bị kỉ luật thẳng tay.
 
Vấn đề ngôn phong SV được cộng đồng trường ĐH Chicago, ĐH Scrips thảo luận rất nhiều. Đặc biệt, trong lớp học, khi tập trung vào những vấn đề nhạy cảm như: tình yêu, tình bạn, liêm chính, trung thực học thuật, thi cử, quyền phụ nữ… một câu hỏi được đặt ra là không khí thảo luận bình thường, ý kiến đóng góp, xây dựng là gì, nên như thế nào thì tốt hơn …và phát biểu xuyên tạc là gì, nói dối sẽ có tác hại như thế nào??? Từ đó, trường ĐH nào cũng đặt ra những nội qui trong ứng xử, ngôn phong SV, đưa ra những giới hạn nhất định, những điều khuyến khích phát biểu, theo tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm về những phát ngôn của mình.
 
Ngoài ba vấn đề nêu trên, còn một số vấn đề chưa được đề cập cụ thể lắm trong sổ tay sinh viên của các trường ĐH, ví dụ như ĐH Chicago, đó là về nạn trộm cắp, gây hỏa hoạn, tấn công…có thể những hành vi nãn chưa đến mức được đưa vào nội dunbg giáo dục đạo đức như ba vấn đề đã nêu. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, vai trò của hầu hết các trường ĐH ở Hoa Kỳ đều định hướng đến giáo dục giá trị đạo đức cho SV. Theo những quy định chung, khi SV vi phạm những vấn đề tuy chưa được nói nhiều trên đây đều bị xử lý nghiêm khắc, có thể bị đình chỉ hoặc đuổi học.
 
Tóm lại, theo chúng tôi, vấn đề lớn nhất trong nội dung giáo dục đạo đức, giáo dục liêm chính mà các trường ĐH Hoa Kỳ muốn SV ghi nhớ là việc đạo văn, đây là lỗi vi phạm nghiêm trọng nhất. Các trường ĐH ở Hoa Kỳ đều không chấp nhận sự không trung thực trong học hành, thi cử, nhất là việc đạo văn, vi phạm này một khi bị phát hiện sẽ bị kỷ luật rất nặng. SV vi phạm khuyết điểm này không những là sự vi phạm thuần túy về nội quy mà còn dẫn đến hệ lụy đạo đức không tốt. Ở các ĐH Hoa Kỳ, nhiều người phản đối việc đạo văn và thầy cô giáo nào cũng luôn sẵng sàng hướng dẫn cho SV nhận biết tầm quan trọng của việc trung thực trong học hành thi cử, cũng như những hình phạt nặng dành cho những ai đạo văn. Đối với những sai phạm có tính bạo lực học đường như đánh nhau, trộm cắp,… phụ huynh và nhà trường cùng phối hợp để giáo dục con cái.
 
II- Vài gợi ý ban đầu cho công tác giáo dục đạo đức trong các trường ĐH – CĐ Việt Nam (trong trường hợp Bến Tre)
 
Tìm hiểu phong trào SV các trường ĐH, CĐ Việt Nam, chúng tôi nhận thấy vấn đề giáo dục đạo đức cho SV được đặt lên hàng đầu, dù rằng SV Việt Nam rất hiền hậu, thân thiện, có ý chí lập thân, lập nghiệp… Ví dụ như trường hợp trường Cao đẳng Bến Tre, công tác giáo dục đạo đức nói chung (không tính các bài, môn học đạo đức chuyên ngành, bắt buộc theo qui định của chương trình) không chỉ được nhà trường quán triệt xuyên suốt quá trình SV theo học tại trường, trở thành một hoạt động “chính khóa” mà còn được SV tự thân thúc đẩy, nhà trường cùng hợp tác huy động nguồn lực bên ngoài tham gia giáo dục đạo đức cho SV, có những chương trình mang tính biểu tượng rất cao. Ví dụ như việc nghiên cứu thành công và nhận được tài trợ từ WB để thực hiện dự án Giáo dục liêm chính thông qua Hội thi thiết kế bài giảng phục vụ ngoại khóa giáo dục liêm chính cho thanh thiếu niên Bến Tre do Nhóm Sáng tạo Trẻ, trường Cao đẳng Bến Tre thực hiện.
 Theo chúng tôi, đây là mô hình tốt, có nhiều tiềm năng kết nối sự hợp tác giữa nhà trường và cộng đồng chung tay giáo dục đạo đức cho SV, đây cũng chính là cơ sở, là nơi truyền cảm hứng cho chúng tôi khi bàn về giáo dục đạo đức và mạnh dạn đưa ra ba gợi ý ban đầu thay lời kết cho bài tham luận này nhằm góp phần gia tăng hiệu quả giáo dục đạo đức trong các trường học Bến Tre đồng thời là câu chuyện cho các trường ĐH – CĐ khác tham khảo…
Đầu tiên, chúng tôi muốn nói đến cách tiếp cận giáo dục đạo đức trong nhà trường, cần chọn trọng tâm, trọng điểm và làm đến nơi đến chốn hơn là làm theo kiểu “mặt trận”. Chúng tôi rất tâm đắc với ba thành tố trong phương châm giáo dục đạo đức “Dạy chữ, dạy nghề và dạy người” của nhà trường Việt Nam, tuy nhiên chúng tôi muốn đưa ra cách tiếp cận giáo dục sắp xếp theo một chu trình hợp lý hơn “Dạy người, dạy chữ và dạy nghề”, theo chúng tôi, vấn đề không chỉ ở thứ tự câu, chữ, mà quan trọng hơn là chúng tôi muốn đưa ra một gợi ý để diễn đàn Hội thảo Giáo dục đạo đức cho sinh viên trong các trường cao đẳng, đại học Việt Nam” tập trung thảo luận sâu hơn nhằm xác định cách tiếp cận trong giáo dục đạo đức cho SV một cách cụ thể hơn. Ví dụ như  việc chọn điểm, chọn diện trong giáo dục đạo đức từ cách tiếp cận của dự án giáo dục liêm chính tại Bến Tre, chúng tôi nhận thầy rất gần với cách tiếp cận của các trường ĐH Chicago, Scrips, Hoa Kỳ; nên chăng các trường ĐH – CĐ Việt Nam bắt đầu bài học đạo đức từ giáo dục liêm chính trong học thuật cho SV ?
Thứ hai, làm sao khắc phục tính rụt rè, ngại nói, ngại tiếp cận của SV nhất là SV các trường ĐH – CĐ địa phương, từ đó nhà trường hiểu được SV đang gặp vấn đề gì trong rèn luyện, tu dưỡng đạo đức và có cách hỗ trợ kịp thời; nhiều người cho rằng tính nhút nhát tạo nên sự hiền lành ở SV là một nét tính cách đáng trân trọng, theo chúng tôi sẽ đáng trân trọng hơn nữa nếu SV chúng ta tự tin, mạnh dạn, biết tự khẳng định mình bằng chính nhân cách, sự hiểu biết và khả năng làm chủ bản thân. Ví dụ như sự tự tin của SV thể hiện như thế nào trong cách đặt nickname khi giao dịch qua email? Chúng tôi rất ngạc nhiên khi các bạn SV lại không dùng chính những cái tên đẹp đẽ cha mẹ đã đặt cho mình để giao dịch qua thư điện tử, trong các trường ĐH Hoa Kỳ, thật khó tìm thấy những nickname kiểu như : bongmabenthem@yahoo.com hay matbuonmuonkhoc@gmail.com… (đây là những địa chỉ email rất phổ biến trong giới SV hiện nay); ai dám chắc những chủ nhân của các nickname này nằm ngoài vòng nghi vấn của những bức thư điện tử nặc danh có nội dung không chín chắn hay là xuyên tạc, nói xấu nhau…nhà trường phải rất đau đầu với vấn nạn “không chính danh này”.
Thứ ba, sự nhập cuộc, chung tay tham gia giáo dục đạo đức cho SV, trong khi ở các ĐH Hoa Kỳ, nhiều người lầm tưởng sự chuyên nghiệp đã di vào mọi ngõ ngách của giáo dục đạo đức đến mức có giáo viên làm việc riêng với SV trong nội dung giáo dục đạo đức. Sẽ không có thành công trong đào luyện nên đạo đức SV nếu không có sự cộng đồng trách nhiệm. Ví dụ như, giúp nhà trường khắc phục tình trạng “không chính danh” trong giao dịch thư điện tử thì không bài giảng đạo đức, nội qui nào làm tốt hơn thầy giáo dạy Tin học, ngay bài học “vỡ lòng” cho SV khi đến với máy tính đã chú trọng dạy trò của mình cách đặt nickname. Sự chung tay liên thông, liên tục từ các bậc dưới ĐH – CĐ, từ nhà trường đến gia đình, từ SV đang ngồi trên ghế nhà trường với cựu SV.
Bến Tre, tháng 9/2012
Tài liệu tham khảo
1. Bridget Murray (2000). Professos’most grating habits. Monitor on psychology, 1/2000.
2. Daniel Goleman (2006). The socially Intelligent Leader.
3. Daniel Goleman (1995). Emotional Intelligent. New York: McGraw Hill, USA.
4. Richard I.Arends. Learning to teach. Mc Graus – Hill Companies, 1998.
5. Bộ Giáo dục & Đào tạo. Quyết định số 16/QĐ- BGDĐT ngày 16/4/2008, Ban hành Qui đạo đức nhà giáo, H.2008
6. PGS.TS Đào Thị Oanh, Viện NCSP, ĐHSP Hà NộiMột khía cạnh xây dựng văn hoá học đường nhìn từ góc độ tâm lí học
7.http://bentre.xudua.com/news.php?id=191
9. Tài liệu Dự án VACI2011- P/141