Tin Tức & Sự Kiện
DI TÍCH CỔ Ở THÁP CHĂM PÔ SAH INƯ BÌNH THUẬN

DI TÍCH CỔ Ở THÁP CHĂM PÔ SAH INƯ BÌNH THUẬN

Đến Bình Thuận, du khách khó có thể bỏ qua một điểm du lịch hấp dẫn với vẻ đẹp hoang sơ, bí ẩn và tâm linh. Đó là tháp Po Sah Inư hay còn gọi là Tháp Chăm Phố Hài.

Tháp Po Sah Inư (còn gọi là Tháp Chăm Phố Hài) là một nhóm di tích đền tháp Chăm còn sót lại của Vương quốc Chăm Pa xưa, nằm trên đồi Bà Nài, thuộc phường Phú Hài, cách trung tâm thành phố Phan Thiết 7 km về hướng Đông-Bắc. Nhóm đền tháp Po Sah Inư được xây dựng cách đây hơn 1.200 năm đến nay chỉ còn 3 tháp chính, vừa, nhỏ, hay còn gọi là Tháp A, tháp B, Tháp C. Theo các nghiên cứu và khai quật khảo cổ, nhóm tháp này được xây dựng từ khoảng cuối thế kỷ thứ VIII, đầu thế kỷ thứ IX. Không cầu kỳ với những họa tiết trên bề mặt, không có cửa vòm nhưng những ngôi tháp đã tạo được những ấn tượng mang đậm văn hóa của người Chăm xưa. Trong quần thể các tháp này, các nhà khảo cổ còn tìm thấy nhiều nền móng của một ngôi đền bị sụp đổ. Hiện nay, quần thể này chỉ còn 3 tháp. Trong đó, tháp lớn nhất còn khá nguyên vẹn, thờ thần Shiva với bộ Linga-Yoni làm bằng đá đen nguyên khối. Gần đó là 2 ngôi tháp nhỏ, bị hư hỏng khá nặng. Tháp nhỏ nhất, nằm sát tháp lớn thờ thần Lửa. Cách đó khoảng 50 m là tháp thờ thần Bò và thần Nandin.

Vẻ đẹp hoang sơ của tháp Pô Sah Inư. Ảnh: Hà Viên
Khách du lịch nước ngoài hòa theo nhịp trống của các nghệ nhân. Ảnh: Hà Viên

Đến với tháp Po Sah Inư, du khách có thể cảm nhận được kiến trúc tháp độc đáo, tinh tế của các cụm tháp. Điêu khắc theo cách trang trí đặc trưng của người Chăm xưa tạo nên vẻ uy nghiêm và kỳ bí. Tháp tọa lạc trên đồi Bà Nài, đỉnh cao nhất là lầu Ông Hoàng được nhiều người biết đến qua thi ca Hàn Mặc Tử.

Lầu Ông Hoàng. Ảnh: Hà Viên

Từ Tháp Po Sah Inư bạn sẽ được nhìn ngắm khung cảnh biển Phan Thiết ở xa xa. Và dạo bước trong khuôn viên đầy những cây hoa giấy nở rộ và có cả màu tím đặc trưng của hoa bằng lăng nữa. Có khi sẽ được chiêm ngưỡng những sản phẩm thủ công mỹ nghệ vô cùng tinh tế của người Chăm được trang trí và trưng bày tại đây. Du khách có thể mua về làm quà.

Phong cảnh từ trên cao nhìn xuống. Ảnh: Hà Viên
Các gian hàng đồ thủ công mĩ nghệ do chính tay người dân làm. Ảnh: Hà Viên

Là người con đất Bình Thuận và còn là người dân tộc Chăm khi đặt chân đến nơi này trong tôi luôn có cảm xúc tự hào về vẻ đẹp hùng vĩ nơi đây, nơi có những người dân hiền hòa mến khách, khi trò chuyện với các nghệ nhân họ chia sẻ: Các ông phục vụ âm nhạc để du khách thưởng thức, để biết nhiều hơn về văn hóa dân tộc mình con à.

Hàng năm, khu di tích Tháp Pô Sah Inư được đông đảo người Chăm từ các vùng lân cận đến cúng viếng cầu bình an, làm lễ cầu mưa, hay cầu cho những chuyến đi biển được bình yên, cùng những nghi lễ truyền thống khác thể hiện sự tưởng nhớ công ơn của người xưa và sự sùng bái thần linh… được lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Ngoài ra, ở tháp còn diễn ra những lễ hội chính như:

Các lễ hội Rija Nưga, Poh Mbăng Yang được tổ chức vào tháng giêng âm lịch ngay dưới chân Tháp Pô Sah Inư. Lễ hội Katê với nhiều tiết mục đặc sắc được diễn ra vào tháng 7 Chăm lịch là vào khoảng tháng 9 – 10 dương lịch. Vào ngày này sẽ có các điệu múa nhịp nhàng uyển chuyển đi kèm với những nhạc cụ truyền thống như: trống Ginăng, trống Paranưng, chiêng, kèn Xaranai, Grong (lục lạc), đàn Kanhi… làm say đắm khách phương xa.Vào những ngày thường, khách du lịch đến tham quan Tháp Pô Sah Inư vẫn có thể thưởng thức những tiết mục nghệ thuật dân gian Chăm được ban quản lý tổ chức theo yêu cầu và xem nghệ nhân trình diễn nghề dệt vải thủ công.

Hiện nay, tháp Po Sah Inư được công nhận là di tích cấp quốc gia và là một điểm du lịch hấp dẫn, thu hút nhiều khách thăm quan bởi vẻ đẹp nguyên thủy, thêm phần linh thiêng. Tại đây, còn giữ lại các di tích thờ cúng của người Chăm xưa.

Tin: Hà Viên