Tin Tức & Sự Kiện
CHUYẾN ĐI TRẢI NGHIỆM 

CHUYẾN ĐI TRẢI NGHIỆM 

Vào lúc 8h00 sáng ngày 20 tháng 6, tôi và nhóm sinh viên thực tập lớp Đại học Quản lý văn hóa 16.1 đã có một trải nghiệm vô cùng đặc biệt khi được đặt chân đến Di tích “Trường Dục Thanh” và “Bảo tàng Hồ Chí Minh” tại mảnh đất Bình Thuận. Đây không chỉ là Di tích văn hóa lịch sử mà còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa tinh thần to lớn về lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc.

Điểm đến đầu tiên chúng tôi tham quan địa điểm “Trường Dục Thanh” – là nơi gắn liền với khoảng thời gian dạy học của Bác Hồ. Trước đây trường tên là Dục Thanh Học Hiệu được thành lập vào năm 1907, tọa lạc tại làng Thành Đức, nay là số 39 đường Trưng Nhị, phường Đức Nghĩa, Phan Thiết. 

Hình ảnh 01: Cổng trường – Ảnh: Thành Phúc
Hình ảnh 02: Khuôn viên của trường – Ảnh: Thành Phúc

Khi bước qua cổng trường, tôi và các bạn như được quay ngược thời gian trở về lại với những năm đầu thế kỷ XX, nơi Bác Hồ còn là một người thầy giáo trẻ nhất ở trường, khi đó Bác chỉ mới 20 tuổi với tên gọi là Nguyễn Tất Thành đã ươm mầm cho những hạt giống yêu nước. Lúc dạy Người được phân công dạy môn Quốc Văn, Hán Văn và có cả môn thể dục. Khi giáo viên dạy Pháp Văn vắng mặt thì Bác đảm nhận dạy luôn cả tiếng Pháp. Trong khoảng thời gian dạy học tại trường Bác Hồ luôn luôn truyền cho những học trò của mình lòng yêu nước. Nơi đây lưu giữ những hiện vật quý giá gắn liền với thời gian dạy học của Bác tại Trường Dục Thanh. 

Tiếp nối hành trình, nhóm sinh viên tiếp tục đến với “Bảo tàng Hồ Chí Minh” được thành lập vào ngày 19/5/1986 nhân diệp kỷ niệm 96 năm ngày sinh của Bác. Bảo tàng là một di sản văn hoá quý báu, là niềm vinh dự và tự hào của Nhân dân Bình Thuận. Tọa lạc bên dòng sông Cà Ty tại Số 39 Trưng Nhị, thành phố Phan Thiết.

Hình ảnh 04: Tượng đài Bác với các cháu thiếu nhi – Ảnh: Thành Phúc
Hình ảnh 05: Bảo tàng – Ảnh: Thành Phúc

Khi bước vào Bảo tàng tôi và các bạn cảm nhận được không khí trang nghiêm và cho chúng ta cảm nhận thêm sự vĩ đại của Hồ Chủ tịch cũng như được đến gần hơn chân dung vị lãnh tụ kính yêu của cả dân tộc. Từng hiện vật, hình ảnh, tư liệu được trưng bày theo trình tự thời gian gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp của Bác. Đặc biệt ấn tượng với tôi là nơi trưng bày hiện vật về thời kỳ Bác hoạt động cách mạng ở nước ngoài. Với những bức thư Bác gửi cho đồng bào, chiến sĩ, những vật dụng Bác sử dụng trong cuộc sống gian khổ đã cho tôi thấy một vị lãnh tụ gần gũi, giản dị nhưng cũng vô cùng ý chí và nghị lực phi thường. 

Tiếp tục tham quan các khu trưng bày khác, tôi được tìm hiểu về những giai đoạn lịch sử quan trọng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Bác. Mỗi hiện vật, hình ảnh như một trang sử hào hùng, sống động, giúp tôi hiểu thêm về những hy sinh to lớn của các thế hệ cha ông để giành độc lập tự do. Bên cạnh đó, tôi còn ấn tượng sâu sắc với căn phòng tái hiện không gian làm việc của Bác tại Hà Nội. Những vật dụng đơn sơ, giản dị như chiếc giường gỗ, chiếc bàn làm việc,… đã cho tôi thấy Bác Hồ giản dị, gần gũi đến nhường nào. Bác dành cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân.

Hình ảnh 06: Mô hình nhà sàn của Bác – Ảnh: Thành Phúc

Là một điểm đến mang giá trị lịch sử và văn hóa to lớn, Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Bình Thuận đã thu hút du khách không chỉ trong nước mà cả ngoài nước đến tham quan và tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp vĩ đại của Bác. Khi đến tham quan và quan sát Bảo tàng tôi cảm nhận được những hiện vật, những tư liệu lịch sử liên quan đến Bác đều được gìn giữ và bảo quản rất cẩn thận và chỉn chu. Chất lượng việc trưng bày các hiện vật, tư liệu rất sinh động, cụ thể, dễ hiểu, phù hợp với đối tượng tham quan và thường xuyên bổ sung đổi mới những nội dung trưng bày. Ngoài ra Bảo tàng còn chú trọng đến việc đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ thuyết minh viên, phối hợp với các đơn vị trong và ngoài tỉnh với các công ty lữ hành để đẩy mạng các hoạt động tuyên truyền, giáo dục với nhiều hình thức. Bảo tàng Hồ Chí Minh luôn đi đầu trong công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, lưu giữ và trưng bày, giáo dục, quảng bá, phát huy lâu dài giá trị di sản văn hóa, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tạo cơ hội học tập suốt đời, thúc đẩy đam mê tự khám phá, tìm hiểu, trải nghiệm, tương tác của người dân, học sinh sinh viên về di sản văn hóa, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Bảo tàng luôn cởi mở, sẵn sàng tiếp nhận, ứng dụng những thành tựu, quan điểm mới về phát triển bảo tàng, nghiên cứu mới về Hồ Chí Minh. Luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, thành quả hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, nghiên cứu khoa học tới cộng đồng. Và luôn chú trọng kết nối, giao lưu, hợp tác văn hóa, trao đổi kinh nghiệm bảo tàng học với các bảo tàng trong nước và quốc tế. Bảo tàng Hồ Chí Minh thừa nhận sự đóng góp của công chúng đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh nói chung và sự nghiệp phát triển Bảo tàng nói riêng.

Bên cạnh đó không chỉ có người dân trong tỉnh tham quan tại Bảo tàng mà còn có khách ở các tỉnh khác cũng ghé đến và đặc biệt hơn là có cả khách du lịch nước ngoài. Hầu hết các du khách đến với Bảo tàng đều đi theo đoàn và đều có tâm thế muốn được biết, tìm hiểu thêm về Bác. Qua đó có thấy được việc có nhiều du khách đến tham quan tại bảo tàng đã góp phần bảo tồn và phát huy tốt giá trị lịch sử – văn hóa. 

Bảo tàng cũng liên kết với nhiều trường học để tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh và sinh viên. Đặc biệt vào mỗi dịp tháng 5 về tại Di tích Dục Thanh và Bảo tàng Hồ Chí Minh đã thu hút đông đảo người dân khắp cả nước và du khách đến viếng thăm và tìm hiểu. Tháng 5 cũng là tháng mà Bảo tàng và Trường Dục Thanh có nhiều hoạt động tháng 5 nhớ Bác. Không chỉ đêm đến các hoạt động ý nghĩa mà còn tưởng nhớ, biết ơn đến công lao của Bác. Các hoạt động ý nghĩa đó đang được các cấp bộ đoàn và địa phương triển khai để qua đó tiếp tục lan tỏa tấm gương, đạo đức sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới các bạn trẻ với những việc làm thiết thực. 

Hình ảnh 07: Sảnh của bảo tàng – Ảnh: Thành Phúc

Trường Dục Thanh và Bảo tàng Hồ Chí Minh không chỉ dành cho người lớn mà còn là điểm đến giáo dục lý tưởng cho học sinh và sinh viên. Những trải nghiệm này khiến bảo tàng trở thành một điểm đến thú vị. Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận nói chung và Khu Di tích Dục Thanh nói riêng là nơi hội tụ nhiều giá trị nhân văn, những hiện vật quý giá, nhiều kỷ niệm, dấu ấn sâu sắc về những năm tháng Bác sống ở Phan Thiết – Bình Thuận. Kết hợp với vốn di sản quý giá đó, trong những năm qua, tỉnh đã không ngừng nghiên cứu, bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị những hiện vật quý giá về những năm tháng mà Bác Hồ đã từng sống, dạy học tại Phan Thiết Bình Thuận.

Là một sinh viên ngành quản lý hoạt động văn hóa xã hội cũng là một du khách, tôi mong muốn rằng mỗi người khi đến tham quan những di tích lịch sử này sẽ có ý thức gìn giữ và bảo vệ những giá trị văn hóa quý báu của dân tộc. Đồng thời, noi theo tấm gương của Bác Hồ, ra sức học tập, rèn luyện để góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh. Trải nghiệm tại hai di tích lịch sử này đã cho tôi hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chuyến đi đã để lại cho tôi và nhóm sinh viên những ấn tượng sâu sắc và những bài học lịch sử vô cùng quý giá. Đây sẽ là hành trang tinh thần cho tôi trên con đường học tập và trưởng thành.

Tin: Thành Phúc