Tin Tức & Sự Kiện
CHUYẾN TRẢI NGHIỆM ĐÁNG NHỚ CỦA SINH VIÊN KHOA QUẢN LÝ VĂN HÓA, NGHỆ THUẬT TẠI “ĐÌNH VẠN THỦY TÚ – TỈNH BÌNH THUẬN”

CHUYẾN TRẢI NGHIỆM ĐÁNG NHỚ CỦA SINH VIÊN KHOA QUẢN LÝ VĂN HÓA, NGHỆ THUẬT TẠI “ĐÌNH VẠN THỦY TÚ – TỈNH BÌNH THUẬN”

Sáng ngày 18/6/2024, nhóm sinh viên lớp Đại học Quản lý văn hóa 16.1 – Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật đã có dịp đến tham quan và trải nghiệm tại “Đình Vạn Thủy Tú”. Đây là nơi lưu trữ bộ xương cá Ông lớn nhất Đông Nam Á với chiều dài 22m và nặng 65 tấn được bảo quản nguyên vẹn không mất một phần xương nào với niên đại lên đến 1 thế kỷ. 

Cổng chính của Đình Vạn Thủy Tú. Ảnh: Quỳnh Diễm
Cổng phụ Đình Vạn Thủy Tú. Ảnh: Gia Huy

Đình Vạn Thủy Tú được xây dựng vào năm 1762 bởi các ngư dân làng Thủy Tú để thờ cá Ông. Đây là nơi gắn liền với lịch sử phát triển của biển Phan Thiết và có ý nghĩa rất lớn đối với ngư dân nơi đây. Bên cạnh lưu trữ bộ xương cá voi khổng lồ trên, Đình Vạn Thủy Tú còn lưu giữ, bài trí, thờ phụng gần khoảng 600 bộ hài cốt của các “Ông”, “Bà” và “Cậu”, là những loài cá lớn như cá voi, cá heo…, được xem như những hải thần phò trợ, cứu mạng người đi biển theo quan niệm và tín ngưỡng của ngư dân vùng biển

Sinh viên chụp cùng với bộ xương cá Voi to nhất Đông Nam Á.  Ảnh: Gia Huy
Kho lưu trữ bộ hài cốt của các “Ông”, “Bà” và “Cậu” cá voi, cá heo. Ảnh: Quỳnh Diễm

Đến đây, nhóm sinh viên chúng tôi không chỉ được chiêm ngưỡng bộ xương cá Ông lớn nhất Đông Nam Á mà còn được chiêm ngưỡng lối kiến trúc “tứ trụ” được biểu hiện rõ thông qua các vì, kèo, cột đều xuất phát từ đỉnh các tứ trụ, đi cùng với đó là các loại gỗ trong vạn đều là những chất liệu gỗ tốt, được chau chuốt tỉ mỉ với những nét hoa văn được chạm trổ một cách vô cùng tinh tế, công phu. 

Tòa Chính điện – Nơi thờ cúng cá Ông. Ảnh: Quỳnh Diễm

Đặc biệt, nhóm sinh viên chúng tôi có dịp gặp gỡ và trò chuyện cùng Ban quản lý của Đình Vạn Thủy Tú. Chú chia sẻ: “Ngoài việc thờ cúng cá Ông Nam Hải thì ở đây còn có những lễ hội lớn nhằm mục đích tôn thờ những vị thần của vùng biển theo tín ngưỡng của ngư dân tại đây. Điển hình là Lễ Tế Xuân (ngày 20 tháng 2 âm lịch), Lễ Hạ Nghệ (ngày 20 tháng 4 âm lịch để cầu cho mưa thuận gió hòa), Lễ Tế Thu (ngày 20 tháng 7 âm lịch để cúng của chèo dọc), và Lễ Mãn Mùa (ngày 25 tháng 8 âm lịch)”

Sinh viên trò chuyện với Ban Quản lý Đình Vạn Thủy Tú. Ảnh: Gia Huy

Năm 1996, Đình Vạn Thủy Tú được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Bên cạnh đó, Đình cũng nhận được những giải thưởng lớn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch như: Xác lập kỷ lục Đình Vạn Thủy Tú có bộ xương cá Ông lớn nhất Việt Nam, chứng nhận lễ hội Cầu ngư ở Vạn Thủy Tú được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia…

Đình Vạn Thủy Tú được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.  Ảnh: Quỳnh Diễm
Xác lập kỷ lục Đình Vạn Thủy Tú có bộ xương cá Ông lớn nhất Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Diễm
Chứng nhận lễ hội Cầu ngư ở Vạn Thủy Tú được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ảnh: Quỳnh Diễm

Là một sinh viên đang theo học chuyên ngành Quản lý các hoạt động văn hóa, xã hội, bản thân tôi nhận thức được tầm quan trọng của việc gìn giữ và bảo tồn các di tích mà ông cha ta đã để lại. Có như vậy thì những di tích ấy mới sống mãi trong lòng của người dân địa phương và du khách đến tham quan

Tin: Quỳnh Diễm