Tin Tức & Sự Kiện
Dự án Tương lai đến Bến Tre
“Cái tên ‘Tương lai’ ngụ ý về sự tin tưởng của chúng ta vào việc đáp ứng những nhu cầu và cung cấp cơ hội để giúp trẻ em nghèo cơ nhỡ lang thang xây dựng tương lai tươi sáng” – ông Nguyễn Ngọc Phúc, điều phối viên Dự án Tương lai cho biết.
Sự hình thành và phát triển của Dự án
Tháng 6/1998, Hội BTTE TP.HCM thành lập DATL với sự tài trợ kinh phí và trợ giúp kỹ thuật ban đầu của Tổ chức Education For Development (EFD)
Tháng 2/2003, DATL có Văn phòng làm việc tại 280/10 Cách mạng Tháng Tám, phường 10, quận 3, TP.HCM. Văn phòng mới này được Hội BTTE TP.HCM mua và sử dụng từ nguồn kinh phí tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Úc (AUSAID) và tổ chức EFD để làm văn phòng tư vấn. Qua đó, cung cấp kiến thức, thông tin, học chữ, học nghề, giới thiệu việc làm, giải trí, thể thao miễn phí… cho trẻ em cơ nhỡ, lang thang, trẻ em nghèo ở cộng đồng, trẻ em ở các cơ sở xã hội.
Để có kinh phí hoạt động, DATL được nhiều tổ chức ngoài nước tài trợ. Đó là các tổ chức UNICEF Việt Nam, AUSAID, Tổ chức EFD, Terre des hommes Foundation – Lausanne, World Bank (Việt Nam), Target Foundation, Trung tâm Hỗ trợ phát triển cộng đồng Lin, Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP).
Bên cạnh đó, DATL còn nhận được sự hỗ trợ của các cá nhân, tổ chức trong nước. “Đến giờ này, các tổ chức tổ chức ở ngoài nước đã hỗ trợ hơn 10 tỷ đồng cho DATL” – ông Phúc nói.
Mô hình hiện tại của Dự án
DATL là một hợp phần của Dự án “Cùng nhau làm việc để bảo vệ và thúc đẩy các quyền trẻ em và thanh thiếu niên có nguy cơ” do UBND thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp), Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thành phố Cần Thơ và Hội BTTE TP.HCM phối hợp thực hiện dưới sự tài trợ của Liên minh Châu Âu (EU).
Mục tiêu của DATL là sau ba năm thành lập có 900 trẻ em và thanh thiếu niên có nguy cơ cao tại TP.HCM được hưởng các dịch vụ xã hội do Dự án cung cấp thông qua sự liên kết với chính quyền, các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức từ thiện trong và ngoài nước.
Hiện tại, DATL đạt 4 kết quả chủ yếu tại TP.HCM. Đó là: Xây dựng mạng lưới; xây dựng năng lực; truyền thông vận động và dịch vụ.
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Phúc, chỉ tính từ tháng 1/2011 đến 6/2012, DATL tại TP.HCM đã thực hiện được 11 hoạt động, giúp được 5.521 trẻ em.
Bến Tre sẵn sàng tiếp nhận Dự án
Ngày 30/7/2012, tại hội thảo giới thiệu mô hình DATL, nhiều đại biểu trong tỉnh rất hài lòng khi biết DATL của TP.HCM về Bến Tre.
Theo ông Nguyễn Ngọc Xinh – chuyên viên Phòng GD-ĐT thành phố Bến Tre, năm 1996-1998, Phòng GD-ĐT thành phố Bến Tre đã tham gia dự án của Đan Mạch về trẻ em cơ nhỡ lang thang và trẻ em có nguy cơ bỏ học. Dự án này rất hay đã giúp được nhiều trẻ.
“Hiện nay, nhóm có nguy cơ mới là học sinh nghèo từ miền Trung theo cha mẹ vào Bến Tre mua phế liệu. Tôi giải quyết bằng cách cho các em vào học rồi bổ sung hồ sơ sau. Hôm nay, có DATL về với Bến Tre là rất tốt, chúng tôi sẵn sàng tham gia” – thầy Xinh nói.
Ông Nguyễn Hoàng Dân – Trưởng Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bến Tre) chia sẻ: “Chúng tôi rất cần sự có mặt của DATL tại Bến Tre, sẵn sàng tạo điều kiện cho Dự án hoạt động. Năm 1998-1999, Bến Tre có thành lập Câu lạc bộ trẻ em đường phố cho các em học chữ, học nghề. Nhiều em đã được giúp đỡ về giấy tờ tùy thân. Hiện tại, trẻ em cơ nhỡ lang thang ở Bến Tre chủ yếu là trẻ em ở các tỉnh khác đến bán vé số, nguy cơ bỏ học cũng từ đây.”
Theo bác sĩ Huỳnh Văn Công – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, thành viên tham gia DATL phải có năng lực, trình độ văn hóa từ cao đẳng trở lên, tâm huyết với công việc.
“Hiện nay, Bến Tre có một số chùa nuôi dưỡng các em nghèo, cơ nhỡ lang thang. Dù được chùa nuôi no cơm ấm áo, học hành nhưng các em vẫn còn thiếu về kỹ năng sống. Do đó, chúng tôi sẵn sàng tham gia DATL để giúp các em. Qua đó, giúp các em cơ nhỡ lang thang về giấy tờ tùy thân” – bác sĩ Công nói.
Các hoạt động chủ yếu của DATL
– Tiếp cận trẻ và gia đình của trẻ.
– Xây dựng mối quan hệ với các phường/xã (thỏa thuận hợp tác trong công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em).
– Tập huấn công tác xã hội, quyền trẻ em cho nhân viên/cán bộ có liên quan.
– Tổ chức hội thảo chuyên đề về quyền trẻ em.
– Tư vấn, hỗ trợ trẻ học chữ.
– Tư vấn, hỗ trợ trẻ học nghề.
– Tìm việc làm thích hợp cho trẻ.
– Tập huấn kỹ năng sống, quyền trẻ em cho trẻ.
– Tổ chức hội trại, diễn đàn liên quan đến quyền trẻ em.
– Tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí.
– Hỗ trợ trẻ làm giấy tờ tùy thân (giấy khai sinh, giấy CMND).
– Tổ chức tham quan thực tế, giới thiệu mô hình dự án.
– Tổ chức các buổi họp chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con cái giữa các phụ huynh.
– Quản lý lực lượng tình nguyện viên tham gia các hoạt động của Dự án.
(TNV-STT)
Quang cảnh hội nghị triển khai dự án. (Ảnh: Th.Hiền)
|
Xứ Dừa
0