Tin Tức & Sự Kiện
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Điều quan trọng là chia sẻ những suy nghĩ thật với các bạn trẻ!

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Điều quan trọng là chia sẻ những suy nghĩ thật với các bạn trẻ!

5

Trưởng BĐH P/141 và GSTS Nguyễn Minh Thuyết (phải)
– Là một thầy giáo, một người làm công tác quản lý trong lĩnh vực giáo dục và thanh thiếu niên, ông nghĩ sao về sự cần thiết của một diễn đàn mở như Đối thoại trẻ với chủ đề về bằng cấp?
 
 – Theo tôi thì bất kỳ ai cũng có mơ ước đạt được đỉnh cao của học vấn và có bằng cấp cao, để có vị trí xứng đáng trong xã hội cũng như để đóng góp nhiều hơn cho công việc chung. Chính vì thế việc người ta mong muốn có bằng cấp cao là chuyện hết sức bình thường, đặc biệt là với giới trẻ. Cho nên, theo tôi diễn đàn này mở ra với các bạn trẻ là hoàn toàn đúng và cần thiết.
 
 Tuy nhiên trên con đường phấn đấu để vươn lên các nấc thang học vấn, có một số tình trạng tiêu cực mà chúng ta phải bàn. Thứ nhất, nhiều bạn trẻ cho rằng chỉ có thể thăng tiến sau khi tốt nghiệp trường phổ thông bằng con đường đại học, cao đẳng. Chính vì lý do này mà nhiều bạn có thể quá kỳ vọng việc thi vào đại học, cao đẳng đến mức có những biểu hiện lệch lạc. Có những bạn sử dụng cả biện pháp gian dối để được vào trường đại học, cao đẳng. Có những bạn không đạt được yêu cầu vào đại học, cao đẳng đã buồn bã cả mấy tháng trời; thậm chí có bạn còn tìm cách quyên sinh (!). Vì vậy phải mở ra một diễn đàn cho tuổi trẻ để nói với tuổi trẻ, trao đổi với tuổi trẻ xem thực sự đó có phải là con đường duy nhất hay là có nhiều con đường khác, có phải chỉ có những người có bằng cấp cao mới có thể có đóng góp cho xã hội hay không?
 
Một tình trạng tiêu cực khác là việc gian dối trong sử dụng bằng cấp. Việc này không chỉ diễn ra với các bạn trẻ nhưng bạn trẻ là tầng lớp đang có cơ hội phấn đấu để vươn lên nên vấn đề này đặt ra với các bạn trẻ là rất phù hợp.
 
                                                                                        
GSTS Nguyễn Minh Thuyết (thứ 6 từ phải qua) và đoàn đại biểu các giáo viên HSSV đạt giải nhất Hội thi thiết kế bài giảng, ngoại khóa GDLC cho TTN Bến Tre, P/141 tại Hà Nội tháng 8/2012
– Bằng cấp là vấn đề rất "nóng". Vậy khi tham gia một diễn đàn rất mở với nhiều câu hỏi đến từ nhiều nguồn khác nhau ông có cảm thấy áp lực?
 
– Thực ra khi nhận lời với các bạn bên truyền hình làm chương trình này tôi rất hào hứng. Làm việc với học sinh, sinh viên nhiều năm, bản thân tôi luôn có thiện cảm với các bạn trẻ, luôn mong muốn được trò chuyện, đối thoại nhiều hơn với các bạn trẻ trong nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề bằng cấp và học vấn. Chính vì thế, tôi rất hào hứng trong trao đổi.
 
Tất nhiên trong trao đổi có thể có những ý kiến trái chiều và cũng có những câu hỏi đặt ra không dễ trả lời. Có những trường hợp không thể trả lời được thuyết phục vì hiểu biết của mình trong lĩnh vực ấy có hạn. Hoặc cũng có thể khó trả lời vì, trên thực tế, cải tạo xã hội là rất khó. Là một cá nhân, mình có thể có đóng góp nhưng chưa thể thay đổi được ngay những thực trạng đáng buồn. Chắc chắn sẽ có những câu hỏi khó nhưng điều quan trọng nhất là mình phải trung thực. Gặp câu hỏi khó, tôi sẽ trung thực nói rằng câu hỏi với tôi là rất khó.
 
– Trước khi công tác tại Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, ông từng làm công tác giảng dạy và quản lý tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn trong một thời gian khá dài. Vậy dưới góc độ của một thầy giáo, ông thấy các bạn trẻ hiện nay nhìn nhận  như thế nào về vấn đề bằng cấp?
 
– Hiện nay, có thể, nhiều người nhìn thấy ở các bạn trẻ nhiêu tiêu cực nhưng với riêng tôi, cả dưới góc độ là một thầy giáo lẫn người làm quản lý, tôi có rất nhiều ấn tượng tốt về các bạn trẻ. Thanh niên các bạn bây giờ giỏi hơn, năng động hơn, nhanh nhạy hơn thế hệ chúng tôi lúc bằng tuổi các bạn. Chính vì thế tôi rất tin tưởng và luôn luôn tin tưởng vào các bạn.
 
Tuy nhiên, dưới góc độ của một thầy giáo, tôi nhận thấy, để các bạn có thể đi đúng hướng, có thể vươn lên, những người đi trước cần là tấm gương cho các bạn noi theo. Hơn nữa, những người đi trước cũng cần tâm sự, chia sẻ với các bạn trẻ về những vấn đề mà tuổi trẻ quan tâm. Tôi nghĩ thế hệ trước không nên áp đặt mà nên cùng suy nghĩ, cùng sẻ chia với các bạn.
 
Với chủ đề khá nhạy cảm như chuyện bằng cấp, ông muốn gửi gắm thông điệp gì với các bạn trẻ trong chương trình này?
 
– Ai cũng mong có học vấn cao nhưng cái còn cao hơn mong muốn ấy là lý tưởng sống. Điều quan trọng nhất không phải là chúng ta đạt bằng cấp gì mà là chúng ta góp phần như thế nào cho sự phát triển chung của đất nước. Đó là một trong những điều tôi muốn gửi gắm tới các bạn trẻ trong chương trình này.
 
– Vậy ông đã có sự chuẩn bị gì cho cuộc đối thoại dự kiến sẽ kéo dài tới hai giờ với các bạn trẻ vào ngày 15/5 tới?
 
– Dù đã tham gia vào một số chương trình của Đài truyền hình và làm công tác giảng dạy trong nhiều năm, tôi nghĩ rằng sự chuẩn bị khi nhận lời tham gia chương trình là điều không thể thiếu. Tuy nhiên, với chương trình như Đối thoại trẻ, tôi nghĩ điều quan trọng nhất là cần nói thật những suy nghĩ của mình với các bạn trẻ. Tất nhiên sẽ có những ý kiến phản hồi đồng thuận và những ý kiến trái chiều. Đó là điều bình thường. Quan trọng nhất là những điều mình nói ra với các bạn trẻ thực sự xuất phát từ cái tâm, với mong muốn chia sẻ với các bạn trẻ về vấn đề mà chính các bạn ấy đang rất quan tâm.
 
– Xin cảm ơn ông!
                                                                                                                 (TNV-STT – TH, nguồn VTV6, ảnh P/141)