TRƯỜNG ĐH VĂN HÓA TP. HỒ CHÍ MINH DỰ HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ KẾT NỐI VIỆT NAM: ĐỐI THOẠI LIÊN NGÀNH 14 “SỐNG CÙNG DI SẢN, TÁI TẠO/TẠO DI SẢN: VIỆT NAM VÀ THẾ GIỚI”(14TH ENGAGING WITH VIETNAM CONFERENCE)
Trong các ngày từ 1-6/8/2023, giảng viên và sinh viên đang sinh hoạt tại Câu lạc bộ SV NCKH thuộc khoa Quản lý Văn hóa, nghệ thuật, trường ĐH Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh đã tham dự Hội thảo Khoa học Quốc tế: Kết nối Việt Nam: Đối thoại Liên ngành 14 “Sống cùng Di sản, Tái tạo/Tạo Di sản: Việt Nam và Thế giới”. Hội thảo do các đơn vị đồng tổ chức: Engaging With Vietnam, Sở Văn hóa Thể thao, Ủy ban Nhân dân Tỉnh Thừa Thiên Huế, ĐH Nghệ thuật, ĐH Huế, cùng các đơn vị hỗ trợ và đồng hành: Hải Đăng – Studio & Events, Trường Quốc Học Huế, Bảo tàng Mỹ thuật Huế, ACCESS Design lab, HITO Entertainment, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế , Câu lạc bộ khối đào tạo Giáo viên Nghệ thuật, Nhà xuất bản Springer Nature và Nhà xuất bản Đại học Amsterdam.
Hội thảo Engaging With Vietnam (EWV) là hội thảo học thuật thường niên do GSTS Phan Lê Hà sáng lập năm 2009 cùng PGSTS Liam C. Kelley xây dựng và phát triển trong 14 năm qua. Mỗi năm hội thảo EWV có một chủ đề bên cạnh các chủ đề khác phản ánh tính chất đa ngành và liên ngành của EWV. Đây là diễn đàn dành cho các học giả trình bày nghiên cứu mới nhất của mình và là nơi các nhà khoa học được tiếp xúc với các quan điểm liên ngành về chủ đề của hội thảo thông qua các phiên thảo luận… Đồng chủ trì hội thảo EWV14 có GSTS Phan Lê Hà (Đại học Brunei Darussalam và Đại học University College London), PGSTS Liam C. Kelley (Đại học Brunei Darussalam), và TS Phan Thanh Hải (Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tại Hội thảo EWV14, khoa Quản lý Văn hóa, nghệ thuật, trường ĐH Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh có 3 tham luận được trình bày: TS. Phạm Văn Luân với bài “Di tích khảo cổ ở Bến Tre và bài học kinh nghiệm cho quá trình chuyển đổi đô thị trong bối cảnh mới” trong phiên thảo luận 14 – Lịch sử, Khảo cổ học và Di sản diễn ra ngày 2/8. TS. Nguyễn Hồ Phong với bài “Tri thức dân gian trong một số công trình kiến trúc của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát” trong phiên thảo luận 56 – Văn hóa và Kiến trúc diễn ra ngày 5/8 và sinh viên Lê Hồ Hoàng Yến, lớp 21DQL với bài “Bảo tồn và Phát huy nghệ thuật Tuồng ở Hội An” trong phiên 39 – Trình diễn nghệ thuật diễn ra ngày 3/8. Các bài trình bày của trường ĐH Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh đã thu hút sự quan tâm của các học giả trong và ngoài nước, gợi mở nhiều vấn đề học thật cần hợp tác trao đổi trong thời gian tới như: Hoa văn lá dừa trên các hiện vật khảo cổ ở di chỉ khảo cổ học Giồng Nổi, Bến Tre trong bài nghiên cứu của TS. Phạm Văn Luân và tư tưởng “thuận thiên” từ “Tri thức dân gian trong một số công trình kiến trúc của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát trong bài nghiên cứu của TS. Nguyễn Hồ Phong …
Ngoài 3 tham luận được chọn trình bày tại Hội thảo, TS. Phạm Văn Luân và TS. Nguyễn Hồ Phong còn tham gia chủ trì phiên thảo luận bàn tròn “Văn hóa dân gian trong công nghiệp văn hóa”.
Hội thảo EWV14 là cơ hội tốt để giảng viên và sinh viên nhà trường học tập, trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu với nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước, qua đó cải thiện, nâng cao khả năng nghiên cứu khoa học và hợp tác giao lưu văn hóa – khoa học.
Bên lề Hội thảo, các giảng viên và sinh viên trường đã giao lưu trao đổi với các học giả trong và ngoài ngước về các sản phẩm khoa học, Tạp chí Văn hóa và Nguồn lực của trường… GSTS Thái Kim Lan – Bảo tàng Cổ vật sông Hương đã đưa ra ý tưởng phối hợp tổ chức 1 Tọa đàm khoa học về Nguyễn Đình Chiểu và Triển lãm tượng Danh nhân văn hóa Nam Bộ của nhà điêu khắc Nguyễn Sang – Kim Thanh tại Huế trong thời gian tới…
(VL)