Tin Tức & Sự Kiện
TRẢI NGHIỆM CỦA NHÓM SINH VIÊN LỚP ĐẠI HỌC QUẢN LÝ VĂN HÓA 16.1 TẠI BẢO TÀNG BÌNH THUẬN

TRẢI NGHIỆM CỦA NHÓM SINH VIÊN LỚP ĐẠI HỌC QUẢN LÝ VĂN HÓA 16.1 TẠI BẢO TÀNG BÌNH THUẬN

Sáng ngày 21/6, nhóm sinh viên thực tập lớp Đại học Quản lý văn hóa 16.1 đã có chuyến tham quan thực tế ở Bảo tàng Bình Thuận tọa lạc tại Số 4 Bà Triệu, Phường Phú Trinh, Thành phố Phan Thiết, Tỉnh Bình Thuận.

Bảo tàng Bình Thuận là một điểm đến không thể bỏ qua đối với những ai yêu thích khám phá về văn hóa và lịch sử miền Trung Việt Nam. Mặc dù không gian trưng bày chỉ là một tầng lầu nhưng các triển lãm vẫn được trưng bày một cách cẩn thận và tỉ mỉ. Nhóm sinh viên được chiêm ngưỡng những hiện vật về lịch sử, văn hóa của các dân tộc tại Bình Thuận từ những thế kỷ trước, qua những bức tượng khắc họa lại những nét sinh hoạt của người dân, cho đến các đồ gốm sứ và công cụ lao động truyền thống.

Hình 1: Bảo tàng Bình Thuận. Ảnh: Thanh Ngân.
Hình 2: Bộ sưu tập trang phục Chăm Bà LaMôn. Ảnh: Thanh Ngân.
Hình 3: Lọ gốm men nâu của dân tộc Chăm. Ảnh: Thanh Ngân.
Hình 4: Bàn nghiên của dân tộc Chăm. Ảnh: Thanh Ngân.

Ngoài ra, phần trưng bày về các lễ hội văn hóa đặc trưng của người Chăm, từ lễ hội Kate cho đến các nghi lễ tín ngưỡng đã đem lại cho nhóm sinh viên một cái nhìn sâu sắc về sự phát triển và bền vững của văn hóa dân tộc tại Bình Thuận qua hàng ngàn năm lịch sử.

Hình 5: Ảnh chụp lễ hội Kate của đồng bào dân tộc Chăm. Ảnh: Thanh Ngân.

Đặc biệt, Bảo tàng Bình Thuận còn lưu giữ những hình ảnh về chữ viết cổ. Tiêu biểu là dòng chữ Phạn in trên bia đá được phát hiện vào năm 710. Như vậy tính từ khi có tấm bia này đến nay đã có 1304 năm. Đây là một bằng chứng đầy sức thuyết phục để khẳng định về niên đại tuyệt đối của nhóm đền tháp Po Dam (còn sớm hơn cả một số tháp ở thánh địa Mỹ Sơn, Quảng Nam) đồng thời đây cũng là bằng chứng để bác bỏ những suy đoán lâu nay của một số nhà nghiên cứu khi cho rằng các nhóm đền tháp Chăm ở Bình Thuận có niên đại muộn hơn so với tháp Chăm ở các tỉnh miền Trung. Trong quá trình hình thành và phát triển của mình, người Chăm đã khắc lên bia những kí tự nhằm lưu lại những nét đẹp trong văn hóa, truyền thống.

Hình 6: Dòng chữ Phạn phát hiện trên bia đá tại Tháp Chăm Po Dam, Xã Phú Lạc, Huyện Tuy Phong, niên đại năm 710. Ảnh: Thanh Ngân

Bên cạnh đó, tại bảo tàng còn có các sắc phong viết bằng chữ Nôm của những vị vua vào thế kỷ XIX. Chữ Nôm ra đời từ trên cơ sở của chữ Hán. Nói cách khác, khi ta muốn viết và diễn giải chữ Nôm, cũng phải trải qua ngần ấy năm để học chữ Hán. Nhưng do chữ Hán có sự bất tương đồng khi diễn giải từ tiếng Việt sang chữ Hán, nên chữ Nôm đã ra đời để bù đắp vào chỗ mà chữ Hán không thể đáp ứng được.

Tương truyền hơn 5000 năm trước, ông Thương Hiệt, sử quan thời kỳ Hoàng Đế sáng tạo ra chữ Hán. Sau hàng nghìn năm diễn biến và phát triển, chữ Hán cổ kính, tao nhã không những ghi lại lịch sử lâu đời và văn hoá rực rỡ của Trung Quốc, mà còn trở thành giá trị truyền tải và tượng trưng văn hóa Trung Hoa. Quan niệm kế thừa văn hóa “vừa coi trọng văn hóa truyền thống, vừa coi trọng văn hóa hiện đại” chính là mục tiêu phát triển của Viện bảo tàng Chữ viết Trung Quốc: trở thành Trung tâm Nghiên cứu văn hóa chữ Hán hiện đại và Trung tâm Giao lưu văn hóa mang tính quốc tế, kế thừa và tuyên truyền ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc, thúc đẩy đối thoại giữa nền văn hóa Trung Hoa với nước ngoài.

Hình 7: Sắc phong Vua Tự Đức thứ 17 (1864) ban cho ông Lê Non, người xã Bình Thạnh huyện Tuy Phong. Ảnh: Thanh Ngân.

Bảo tàng Bình Thuận không chỉ là nơi giữ gìn di sản quý giá mà còn là địa điểm giáo dục về lịch sử và văn hóa đặc trưng của vùng đất miền Trung Việt Nam, làm giàu thêm những trải nghiệm văn hóa cho nhóm sinh viên tới thăm.

Tin: Thanh Ngân