Tin Tức & Sự Kiện
Tọa đàm “50 năm gắn bó Việt Nam – Nhật Bản: – Nhịp cầu Văn hóa Bến Tre”.

Tọa đàm “50 năm gắn bó Việt Nam – Nhật Bản: – Nhịp cầu Văn hóa Bến Tre”.

Ngày 16/2/2024, Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Nhật Bản, Nhóm Sáng tạo Khởi nghiệp Bến Tre trực thuộc Viện Khoa học Quản trị & Nhượng quyền Quốc tế phối hợp Chi hội Sáng tạo Trẻ Bến Tre phối hợp cùng GS. Shimizu Masahaki, Khoa sau Đại học Khoa học Nhân văn, ĐH Osaka, tổ chức tọa đàm trực tuyến “50 năm gắn bó Việt Nam – Nhật Bản: – Nhịp cầu Văn hóa Bến Tre”. Tọa đàm này đã được Văn phòng Ban tổ chức kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam công nhận là Công trình kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam.

Tọa đàm được tổ chức bằng hình thức online với các đại biểu Nhật Bản và ngoài tỉnh và trực tiếp với các đại biểu trong tỉnh. Tham dự buổi tọa đàm, tại đầu cầu Nhật Bản có sự tham gia của Bà Bando Akemi, Tổng Thư ký Hội trợ giúp trẻ em Việt Nam-Nhật Bản; GS. Shimizu, Khoa sau Đại học Khoa học Nhân văn, ĐH Osaka, cùng các giảng viên, sinh viên của Trường. Tại đầu cầu trực tiếp ở Bến Tre có sự tham gia của Ông Hồ Châu Xuân Trường, Viện Trưởng Viện Khoa học Quản trị & Nhượng quyền quốc tế; Ông Trần Công Ngữ, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre, Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Bến Tre; Ông Trương Minh Nhựt, Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị tỉnh Bến Tre; Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp Hội Dừa Việt Nam; Ông Nguyễn Diên Tùng, Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh Bến Tre; Bà Trần Thị Kiều Tôn, PGĐ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; TS. BS Ngô Văn Tán, Nguyên Giám đốc Sở Y tế Bến Tre. BS Huỳnh Văn Công, Nguyên Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bến Tre. Tham dự trực tuyến có sự tham gia của Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch thường trực Câu lạc bộ Doanh nhân Nhật Bản. TS. Olivier Tessier, Giám đốc Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp; PGS. Pascal Bourdeaux, Viện Khảo cứu Cao cấp Pháp; PGSTS. Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản Tp. Hồ Chí Minh.

Cùng sự tham gia trực tiếp tại đầu cầu Bến Tre cũng như trực tuyến của Đại diện Ban Liên lạc Đồng hương Bến Tre tại Tp. HCM, Câu lạc bộ Doanh nhân Bến Tre tại Tp. HCM; các giảng viên và sinh viên khoa Quản lý Văn hóa, nghệ thuật -Trường ĐH Văn hóa Tp. HCM; Khoa Nhật Bản học – Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Tp. HCM; Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên; Trường ĐH Công thương Tp. HCM; Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế; trường ĐH Tiền Giang; Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang; Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tp.HCM ; Viện Nghiên cứu Nhận thức và giáo dục Thăng Long- Đại học Thăng Long; Phân hiệu ĐHQG Tp. HCM tại tỉnh Bến Tre; Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc; Viện Nghiên cứu phát triển Tp.HCM; Hội Mỹ thuật Tp. HCM; Tỉnh đoàn Bến Tre, Quỹ học bổng KTS. Huỳnh Tấn Phát; Nông trại sân chim Vàm Hồ; Trường Nuôi dạy Trẻ em Khuyết tật tỉnh Bến Tre; Lãnh đạo và giáo viên các trường THPT, THCS, Tiểu học tại Tp. HCM và Bến Tre; Báo Đồng Khởi; Nhóm Sáng tạo Trẻ Bến Tre; các công ty cung cấp dịch vụ văn hóa cùng các tập thể, cá nhân có mối quan tâm đến chủ đề Tọa đàm cùng đại diện các cơ quan truyền thông đại chúng trong tỉnh.

Ông Hồ Châu Xuân Trường, Viện Trưởng Viện Khoa học Quản trị & Nhượng quyền Quốc tế, phát biểu khai mạc Tọa đàm

Sau phần khai mạc Tọa đàm của Ông Hồ Châu Xuân Trường, 3 diễn giả chính Tọa đàm đã lần lượt trình bày báo cáo; Nhà nghiên cứu Đỗ Văn Công, Chi hội Di sản văn hóa Sáng tạo Trẻ, Hội Di sản Văn hóa tỉnh Bến Tre với báo cáo: “50 NĂM GẮN BÓ VIỆT – NHẬT”;

Nhà nghiên cứu Đỗ Văn Công trình bày báo cáo tại Tọa đàm

TS. Phạm Văn Luân, Trường ĐH Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh, Ủy viên BCH Hội Di sản Văn hóa tỉnh Bến Tre trình bày Báo cáo: “NHỊP CẦU VĂN HÓA BẾN TRE”.

TS. Phạm Văn Luân trình bày báo cáo tại Tọa đàm

GS. Shimizu, Khoa sau Đại học Khoa học Nhân văn, ĐH Osaka, Nhật Bản trình bày báo cáo từ đầu cầu ĐH Osaka “BẾN TRE QUÊ HƯƠNG TRONG LÒNG TÔI”.

GS. Shimizu trình bày báo cáo tại Tọa đàm

Trong phần thảo luận của Tọa đàm, Ban Tổ chức đã nhận được nhiều ý kiến chia sẻ của các đại biểu tham dự Tọa đàm ở 2 đầu cầu về những kỷ niệm sâu sắc về tình hữu nghị Việt Nam –Nhật Bản ở Bến Tre cách nay trên 30 năm …như sự gửi gắm tình cảm, tri ân và gợi mở, kỳ vọng trong chặng đường tới hoạt động hữu nghị, hợp tác với Nhật Bản của tỉnh nhà trên các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học, trong đó đặc biệt là hoạt động nghiên cứu văn hóa và kết nối văn hóa của Bến Tre ngày càng tốt hơn với mục tiêu nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, khai thác quảng bá văn hóa tỉnh Bến Tre đến bè bạn gần xa thông qua Khoa sau Đại học Khoa học Nhân văn, Trường Đại học Osaka. Mong muốn GS. Shimizu và các cộng sự là nhịp cầu hỗ trợ kết nối, đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ với trường, doanh nghiệp, địa phương và hỗ trợ sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp ở tỉnh Bến Tre và cả nước.

Ông Trần Công Ngữ (giữa) phát biểu
Bà Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam phát biểu
Bà Huỳnh Phượng phát biểu chia sẻ những kỷ niệm với các bạn Nhật Bản tại Tọa đàm
PGSTS. Dương Thu Hằng (thứ 3 từ trái, ảnh giữa) phát biểu (ảnh chụp qua màn hình)

Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, nhân dịp tưởng niệm 111 năm ngày sinh KTS Huỳnh Tấn Phát – người thiết kế dinh thự Tổng lãnh sự Nhật Bản tại Tp. HCM hiện nay (15/2/1913- 15/2/2024), TS. Phạm Văn Luân thay mặt Tạp chí Cao Đài đã gửi tặng các đại biểu số Tạp chí có bài chuyên để về KTS Huỳnh Tấn Phát.

Đại biểu đến từ Ban liên lạc Đồng hương Bến Tre tại Tp. HCM nhận Tạp chí
Cao Đài số có bài viết chuyên để về KTS Huỳnh Tấn Phát.

Kết thúc Tọa đàm, Ban Tổ chức đã trao những bó hoa tươi thắm thay lời tri ân các diễn giả và quý đại biểu có nhiều đóng góp, góp phần tạo nên thành công của Tọa đàm.

Ông Hồ Châu Xuân Trường, ông Trần Công Ngữ tặng hoa diễn gia và đại biểu Tọa đàm.

Tọa đàm đã nhận được nhiều hiệu ứng tích cực từ các đại biểu tham dự. Đặc biệt, thể theo nguyện vọng của đại biểu dự Tọa đàm trực tuyến và trực tiếp; Ban Tổ chức Tọa đàm đã ra thông báo kính mời Quý học giả, nhà quản lý, cán bộ lão thành và các đối tượng có cùng mối quan tâm viết tham luận – ý kiến / cảm nhận, chia sẻ thông tin, tư liệu xây dựng kỷ yếu Tọa đàm “50 năm gắn bó Việt Nam – Nhật Bản: – Nhịp cầu văn hóa Bến Tre”.

Với kết quả tốt đẹp từ buổi Tọa đàm, tin rằng hợp tác văn hóa, giáo dục, địa phương, giao lưu nhân dân hai nước Việt – Nhật ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, Văn hóa Bến Tre trở thành điểm sáng và nhịp cầu nối vững chắc góp phần xây dựng mối quan hệ hai nước phát triển bền vững và lâu dài, đúng với những chia sẻ của TS. Phạm Văn Luân trong bài báo cáo của mình: “Những nội dung chia sẻ trên đây không ngoài mục đích mong muốn và kỳ vọng Tọa đàm “50 năm gắn bó Việt Nam – Nhật Bản: – Nhịp cầu Văn hóa Bến Tre” sẽ tiếp tục quan tâm bàn thảo sâu hơn về mối liên hệ kỳ diệu giữa văn hoá và sự phát triển bền vững của tình hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản mà GS. Shimizu Masaaki là một trong những người đầu tiên đã khai mở nhịp cầu. Sự phát hiện và chia sẻ từ diễn đàn “50 năm gắn bó Việt Nam – Nhật Bản: – Nhịp cầu Văn hóa Bến Tre” không chỉ thể hiện sự tri ân sâu sắc của chúng tôi với các bạn Nhật Bản, trong đó trước tiên phải kể đến Giáo sư Shimizu Masaaki về những cống hiến đã qua; mà trong hướng tới, đem đến cho Bến Tre một nguồn lực nội sinh vĩ đại, tạo nên “sức mạnh mềm” cho Bến Tre tiến nhanh, tiến mạnh trở thành tỉnh giàu mạnh và xanh tươi phát triển bền vững. Nhân đây, chúng tôi thiết tha đề nghị các ngành, các cấp của hai nước, trước hết là ĐH Osaka và cá nhân Giáo sư Shimizu Masaaki quan tâm, tiếp tục nghiên cứu, rút ra những bài học tốt, cách làm hay trong quan hệ hợp tác 50 năm qua, có những hoạt động cụ thể, thiết thực hơn từ nhịp cầu Văn hóa đã khai mở như: tiếp tục đưa Văn hóa Bến Tre lan tỏa trong các trường học của 2 nước trên chặng đường mới khi quan hệ hai nước là Đối tác chiến lược toàn diện thông qua dự án văn hóa Truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên, tác giả Nguyễn Đình Chiểu song ngữ Việt – Nhật; Hợp tác nghiên cứu, đưa Nói thơ Vân Tiên, Múa rối nước Lục Vân Tiên vào nhà trường Nhật Bản góp phần thúc đẩy học tiếng Việt và tìm hiểu Văn hóa Việt Nam từ nhịp cầu Văn hóa Bến Tre”.  

Được biết để có được Tọa đàm“50 năm gắn bó Việt Nam – Nhật Bản: – Nhịp cầu Văn hóa Bến Tre” – Sự kiện duy nhât ở tỉnh Bến Tre được phê duyệt của Trưởng Ban Tổ chức Kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Nhật Bản là Công trình  kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam, thời gian qua Ban Cố vấn, Cơ quan chủ quản Nhóm Sáng tạo Khởi nghiệp Bến Tre đã tích cực vận động và có 3 cuộc làm việc trực tiếp với Tổng lãnh sự Nhật Bản tại Tp. HCM thông qua bà Huỳnh Xuân Thảo, Giám đốc Quỹ Học bổng Huỳnh Tấn Phát, với GS. Shimizu Masaaki, Cty Du lịch sinh thái Hải Vân – Nông trại Sân chim Vàm Hồ, Tập đoàn TTC, Cơ sở bánh tráng Mỹ Lồng Thiện Thật và các bên liên quan… Tọa đàm đã nhận được cũng như sự đồng tình ủng hộ của các cán bộ lãnh đạo ngành văn hóa, ngành y tế lão thành tỉnh Bến Tre và các doanh nghiệp đồng hành. Hoạt động này góp phần ôn lại những thành tựu đạt được trong quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước từ góc nhìn của một địa phương có nhiều tình cảm gắn bó với Nhật Bản là tỉnh Bến Tre, đồng thời nhận định những cơ hội và thách thức trong thời gian tới. Từ đó nhấn mạnh vai trò của Văn hóa Bến Tre trong quá trình thúc đẩy giao lưu, hội nhập giữa Việt Nam và Nhật Bản. Văn hóa là cầu nối giữa các dân tộc, giúp tăng cường hiểu biết, gắn kết giữa người dân hai nước, trong đó quan hệ Nhật Bản với tỉnh Bến Tre là một hình mẫu và Văn hóa Bến Tre là 1 điểm nhấn.

(UTCV, Ảnh BTC Tọa đàm)