Sửa Luật Bảo hiểm Y tế: Phải nhằm nâng chất lượng dịch vụ
Sửa Luật Bảo hiểm Y tế cần hướng đến nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và các dịch vụ đi kèm (Ảnh: Petrotimes)
Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế lần này tập trung sửa đổi, bổ sung về các nội dung như: nhóm đối tượng, hình thức tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình; tạm ứng, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế.
Ý kiến của các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm Y tế là rất cần thiết để khắc phục những tồn tại bất hợp lý trong bảo hiểm y tế hiện nay, đặc biệt là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và các dịch vụ đi kèm.
Đại biểu Trần Du Lịch, đoàn thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Phải nâng chất lượng bảo hiểm lên, kể cả bảo hiểm tự nguyện và bắt buộc, để người mua bảo hiểm không có cảm nhận sự phân biệt trong điều trị. Ngay cả cán bộ hưu trí cũng phản ánh với chúng tôi việc đi khám bảo hiểm y tế chất lượng phục vụ, kể cả loại thuốc cũng có phân biệt đối xử. Nếu tự trả tiền toa khác, nếu bảo hiểm toa khác. Ngay cả bảo hiểm bắt buộc, mức độ thỏa mãn chưa thỏa mãn được nhưng ngành y tế phải thể hiện quan điểm không phân biệt đối xử”.
Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Đặng Ngọc Tùng, đoàn Đồng Nai đề nghị cùng với việc nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, Luật Bảo hiểm Y tế cần có những điều khoản thay đổi để thu hút người dân tham gia, tiến dần đến bảo hiểm y tế toàn dân . Bên cạnh đó cần quy định chặt chẽ để hạn chế tình trạng lợi dụng kẽ hở của luật để trục lợi”.
Liên quan tới việc hạn chế tình trạng trục lợi từ bảo hiểm như đã xảy ra ở một số bệnh viện, nhiều đại biểu cho rằng cần có quy định và có cơ chế giám sát để đảm bảo việc tính đúng, tính đủ cho người khám bệnh bằng bảo hiểm y tế. Đây chính là cách để đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế và đảm bảo sự bền vững của quỹ bảo hiểm y tế góp phần giảm gánh nặng chi phí trực tiếp từ tiền túi của cá nhân, hộ gia đình và ngân sách Nhà nước.
Đại biểu Lê Minh Thông, đoàn Thanh Hoá góp ý: “Điều quan trọng nhất vẫn là cải cách phương thức phục vụ. Bởi vì tính đúng, tính đủ gắn liền với chất lượng phục vụ. Một loạt vấn đề về thuốc, thanh toán viện phí… phải công khai, minh bạch thì sẽ tạo điều kiện cho tính đúng, tính đủ”.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Phương Đào, đoàn Bến Tre, đối với lĩnh vực quản lý nhà nước, các nội dung sửa đổi cần hướng tới củng cố và nâng cao vai trò của cơ quan chức năng về bảo hiểm y tế, việc triển khai chính sách này đảm bảo sự công bằng đối với người dân ở các vùng miền. Việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế cũng cần có sự điều chỉnh hợp lý để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế, tránh tình trạng kết dư, hoặc hao hụt quỹ.
Một số đại biểu cũng cho rằng, phải xác định tính kinh tế, tính chuyên nghiệp của bảo hiểm y tế bên cạnh tính xã hội và cần có sự cân bằng giữa các bên, nếu không chính sách bảo hiểm y tế sẽ bị méo mó, không đạt được mục tiêu đề ra. Điều quan trọng nhất đối với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế là cải tiến mạnh mẽ các thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia bảo hiểm y tế, tiếp cận dịch vụ, thanh toán, công khai minh bạch trong vấn đề chi trả, sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế…/.
(PT- VOV – Trung tâm Tin)