Tin Tức & Sự Kiện
Sinh viên ngành Quản lý văn hóa, trường ĐH Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh học tập và nghiên cứu phát triển đời sống văn hóa cộng đồng tại Tây Ninh

Sinh viên ngành Quản lý văn hóa, trường ĐH Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh học tập và nghiên cứu phát triển đời sống văn hóa cộng đồng tại Tây Ninh

Với phương châm “Học đi đôi với hành”, trong ngày 29/10/2023, khoa Quản lý Văn hoá-Nghệ thuật, trường Đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh đã tổ chức cho sinh viên lớp Đại học Quản lý văn hoá 16.3, 17.3 cùng giảng viên phụ trách học phần Phát triển đời sống văn hóa cộng đồng tham gia chuyến đi thực tế tại thị xã Trảng Bàng và thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh.

TS. Phạm Văn Luân (phải), giảng viên học phần Phát triển đời sống văn hóa cộng đồng, trưởng đoàn – Ảnh K’ Brỳ

Hoạt động thực tế này năm trong khuôn khổ chương trình thể nghiệm học tập và nghiên cứu cộng đồng theo định hướng “ĐH ứng dụng”, giúp sinh viên tìm hiểu văn hóa cộng đồng ở tỉnh Tây Ninh, vận dụng những kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tiễn ngành Quản lý văn hóa. Đồng thời, thông qua chuyến đi, sinh viên có thể nhận thức đúng đắn về đời sống văn hóa cộng đồng  với các điểm nhấn như làng nghề truyền thống, di tích lịch sử văn hóa… qua phương pháp học tập trải nghiệm; đồng thời nâng cao kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp…, thúc đẩy tinh thần đoàn kết giữa sinh viên trong lớp, trong Khoa và kết nối với cộng đồng tại địa phương. Bên cạnh đó, sinh viên còn có cơ hội tiếp thu được những bài học và kinh nghiệm có giá trị trong việc kết hợp học lý thuyết và thực hành, góp phần nâng cao kỹ năng làm việc ở cộng đồng của sinh viên khi ra trường.

Tham quan làng Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

Điểm đến đầu tiên của đoàn là làng nghề Bánh tráng Trảng Bàng, khu phố Lộc Du, phường Trảng Bàng, thị xã Trảng Bàng, cách trung tâm thành phố Tây Ninh khoảng hơn 40km. Theo chia sẻ của Nghệ nhân tráng bánh Trịnh Thị Kim Yến, nghề làm bánh tráng Trảng Bàng đã lưu truyền qua nhiều thế hệ và trở thành một nét đẹp truyền thống đặc trưng của tỉnh Tây Ninh. Tại đây, sinh viên đã được tìm hiểu quy trình làm ra bánh tráng phơi sương, từ khâu chọn nguyên liệu, làm bột, tráng bánh, phơi khô bánh, nướng bánh, phơi sương bánh. Để tráng được một chiếc bánh tráng mỏng, đòi hỏi người thợ phải có tính chịu khó và có đôi tay khéo léo cùng sự ủng hộ của “trời đất” là không có mưa…

Nghệ nhân Trần Thị Kim Yến (ngồi) hướng dẫn sinh viên tráng bánh – Ảnh K’ Brỳ
Tác giả bài viết- Sinh viên lớp Quản lý văn hóa 17.3 thực hành tráng bánh – Ảnh K’ Brỳ

Nghề cực nhọc nhưng thu nhập bấp bênh

Để cho ra những chiếc bánh tráng hoàn hảo, những nghệ nhân ở đây ngày qua ngày đều phải thức khuya, dậy sớm và phơi nắng phơi sương cùng với nghề. Đây là cái nghề không những cực nhọc mà còn phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết bởi khi trời mưa thì không thể làm được.

Bánh sau khi tráng được phơi khô dưới nắng sớm – Ảnh K’ Brỳ
Sau khi phơi khô, người dân tiến hành nướng tráng bánh trong lò làm bằng một cái nồi đáy tròn đặt nghiêng trước khi phơi sương – Ảnh K’ Brỳ

Chia sẻ với đoàn sinh viên, anh Phí Thành Phát – Phó Bí thư Đoàn phường Gia Bình, Chi hội phó Chi hội Văn nghệ dân gian tỉnh Tây Ninh cho biết, nghề bánh tráng phơi sương truyền thống ở Trảng Bàng ngày càng mai một, nhiều hộ đã đổi sang nghề khác do thu nhập không ổn định. Lý do là để làm bánh tráng truyền thống phải qua nhiều công đoạn thủ công, mất nhiều công sức trong khi đó các loại bánh tráng máy (công nghiệp) đang phát triển, mẫu mã đẹp, ít tốn công, cho năng suất cao hơn nên bánh tráng truyền thống không thể cạnh tranh lại. Hiện nay, bánh tráng truyền thống chỉ bán được cho người quen dùng, bỏ mối ở các tiệm bánh canh (bán đặc sản) tại địa phương và một số vùng lân cận.

Đại diện sinh viên trao đổi cùng Anh Phí Thành Phát (phải)- Ảnh K’ Brỳ

Nỗ lực của địa phương trong phát triển làng nghề truyền thống

Năm 2014, nghề làm Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ghi danh vào Danh mục Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia. Trong những năm qua, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Tây Ninh đã không ngừng đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, thu hút du khách đến với các làng nghề làm bánh. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh Tây Ninh đã tổ chức 4 Lễ hội Văn hóa – Du lịch Nghề làm Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng để người dân khắp nơi có cơ hội tìm hiểu nhiều hơn về làng nghề truyền thống rất đặc biệt này.

Lễ hội văn hoá, du lịch Nghề làm Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng năm 2022 – Ảnh baotayninh.vn

Theo anh Phí Thành Phát, địa phương cần tiến hành một số giải pháp như hỗ trợ vốn giúp các hộ làm bánh tráng truyền thống nâng cấp dụng cụ làm bánh, thành lập Hợp tác xã nghề truyền thống Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, giải quyết đầu ra ổn định cho bánh tráng truyền thống, quảng bá hình ảnh, kết hợp du lịch cộng đồng hướng dẫn khách tham quan đến trải nghiệm. Từ đó, người dân có thêm nguồn thu trang trải cuộc sống và duy trì nghề truyền thống Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng. Khi thu nhập ổn định, các nghệ nhân sẽ cố gắng bám nghề, thu hút nguồn nhân lực trẻ kế thừa, bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng.

Bằng khen nghệ nhân Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng Trịnh Thị Kim Yến do Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh trao tặng – Ảnh K’ Brỳ

Tìm hiểu nghệ thuật trình diễn dân gian múa Bóng rỗi

Rời khu phố Lộc Du phường Trảng Bàng, xe tiếp tục lăn bánh đến phường Gia Bình, cũng thuộc địa phận thị xã Trảng Bàng. Tại đây, sinh viên đã được giao lưu cùng hai nghệ nhân múa Bóng rỗi Ngọc Phượng (tên thật Nguyễn Thị Mướp, sinh năm 1949) và Phan Thị Ngọc Diễm (sinh năm 1979) tìm hiểu loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian độc đáo này.

TS. Phạm Văn Luân và đại diện sinh viên chụp ảnh lưu niệm cùng hai nghệ nhân Ngọc Phượng (thứ ba từ trái) và Ngọc Diễm (thứ tư từ trái) – Ảnh K’ Brỳ

Nghệ nhân Ngọc Phượng cho biết, từ năm 15 tuổi đã theo nghề múa Bóng rỗi, nối nghiệp gia tộc. Nghệ thuật múa Bóng rỗi đã trở thành một phương tiện để người dân Nam Bộ thể hiện sự giao tiếp với thần linh. Cao điểm, từ tháng giêng đến tháng ba âm lịch là mùa giao xuân nên người dân thường mời các “bà Bóng” về cúng bái cầu an. Múa Bóng rỗi có hai bộ phận là múa Bóng và hát Rỗi. Múa là động tác dâng lễ vật lên thần linh, chẳng hạn như múa dâng bông, dâng mâm vàng, dâng lộc (mâm trầu cau). Các động tác múa phần lớn chỉ sử dụng đầu, cổ và trán như đội mâm, đội bông nhằm thể hiện sự tôn kính ơn trên.

Nghệ nhân Ngọc Diễm trình diễn múa Bóng tại Hội trường Ủy ban nhân dân phường Gia Bình trước đoàn sinh viên ngành Quản lý văn hóa – Ảnh K’ Brỳ

Múa Bóng rỗi – Di sản văn hóa phi vật thể cần được gìn giữ

Năm 2016, nghệ thuật diễn xướng văn hóa dân gian múa Bóng rỗi Nam Bộ đã được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Tuy nhiên, theo chia sẻ từ anh Phí Thành Phát, hiện nay trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đều có một số người theo nghiệp Bóng rỗi nhưng họ hoạt động riêng lẻ hay theo nhóm nhỏ dưới hình thức thầy dạy rồi dẫn các học trò đi thực hành diễn xướng. Nơi biểu diễn chính vẫn là các cơ sở tín ngưỡng như đình, chùa, miếu… hay cúng trang tại tư gia cầu an theo nhu cầu của người dân. Để tập hợp được nghệ nhân, ngành Văn hóa, các Hội nghệ nghiệp liên quan cần thành lập các câu lạc bộ, tổ chức giao lưu, truyền dạy hay hằng năm tổ chức liên hoan, hội diễn, hội thi, tôn vinh các nghệ nhân, giới thiệu nghệ thuật dân gian này đến gần hơn với đại chúng, trường học,…

Hai nghệ nhân biểu diễn hát Rỗi với trống và nhịp – Ảnh K’ Brỳ

Tìm hiểu nhạc lễ Cao Đài ở Toà thánh Tây Ninh

Và điểm dừng chân cuối cùng của đoàn là ở Tòa thánh Tây Ninh, thuộc phường Long Hoa, thị xã Hòa Thành. Tại đây, sinh viên đã nhận được ựu tận tình tiếp đón, chỉ dẫn của các chức sắc Tòa thánh, đồng thời tìm hiểu về ban nhạc lễ của Tòa thánh. Theo chia sẻ, ban nhạc lễ được thành lập từ 1926. Bộ môn nhạc lễ này gồm có ban nhạc nam và ban nhạc nữ, trong đó ban nhạc nam có nhạc cụ chủ lực là đàn cò, ban nhạc nữ nhạc cụ chủ lực là đàn tranh. Người muốn tham gia ban nhạc phải làm lễ nhập môn theo đạo. Sau khi tìm hiểu nhạc lễ, đoàn sinh viên được tham quan những kiến trúc nghệ thuật và tôn giáo bên trong Tòa thánh, cách đạo phục của các tín đồ đạo Cao Đài và kết thúc hành trình tại Tây Ninh.

Ban nhạc tòa Thánh biểu diễn nhạc lễ – Ảnh K’ Brỳ

Mặc dù chuyến đi thực tế chỉ diễn ra trong một ngày và gặp thời tiết không thuận lợi về, đoàn sinh viên khoa Quản lý Văn hoá-Nghệ thuật vẫn được có cơ hội thực hành các kỹ năng đã học trên lớp như quan sát tham dự, phỏng vấn, cung cấp thông tin, tư liệu, đồng thời có các buổi trao đổi để tăng cường nhận thức, bổ sung kinh nghiệm thực tiễn về quản lý, tổ chức các sự kiện văn hóa trong cộng đồng, cũng như bài học về bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, hoạt động quảng bá du lịch cộng đồng tại đây.

Trong suốt chuyến đi thực tế, đoàn giảng viên – sinh viên đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của các ban ngành liên quan. Đại diện trưởng đoàn, TS. Phạm Văn Luân đã gửi lời cảm ơn chân thành đến chính quyền, cán bộ địa phương và các nghệ nhân, dù bận rộn nhưng đã sắp xếp thời gian, tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể để đoàn hoàn thành chuyến thực tập thực tế.

TS. Phạm Văn Luân và đoàn sinh viên chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ địa phương và các nghệ nhân – Ảnh K’ Brỳ

Hình ảnh về chuyến đi – Nguồn CTV STT

Tặng sách Lục Vân Tiên cho anh Phí Thành Phát Chi hội phó Chi hội Văn nghệ dân gian tỉnh Tây Ninh
Tặng sách Lục Vân Tiên cho Trưởng phiên Nhạc 2
Đại diện Đoàn ở cổng Ban Nhạc
Tặng quà, chụp ảnh lưu niệm với Ban Nhạc

Hải Sơn – 17.3