Tin Tức & Sự Kiện
“Phú Xuân – Gia Định, Những dấu ấn lịch sử”

“Phú Xuân – Gia Định, Những dấu ấn lịch sử”

Em tên là Trần Thanh Toàn – sinh viên năm hai, lớp Đại học Quản lý văn hóa 18.2, Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật, trường ĐH Văn hóa TP. Hồ Chí Minh (TP. HCM). Em rất vinh dự khi được tham gia Lễ khai mạc trưng bày chuyên đề: “Phú Xuân – Gia Định, Những dấu ấn lịch sử” tại Bảo tàng Tp. Hồ Chí Minh (Bảo tàng TP. HCM) nhân kỉ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam và hướng đến kỷ niệm 65 năm kết nghĩa ba TP. Hà Nội – Huế – Sài Gòn (08/10/1960 – 08/10/2025).

Hình 01: ThS. Đoàn Thị Trang, Phó GĐ phụ trách Bảo tàng TP. HCM phát biểu chào mừng. Nguồn: TTT
Hình 02: Ông Nguyễn Đức Lộc, GĐ Bảo tàng lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu khai mạc. Nguồn: TTT

Lễ khai mạc trưng bày được Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế phối hợp với Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức là một sự kiện có ý nghĩa tôn vinh và quảng bá các giá trị di sản văn hoá, các sản phẩm các làng nghề thủ công truyền thống, sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng đất Phú Xuân – Huế và vùng đất Gia Định – Sài Gòn đến với các tầng lớp nhân dân, du khách tham quan trong và ngoài nước.

Hình 03: Ban tổ chức, đại biểu và khách mời tham gia Lễ khai mạc. Nguồn: TTT
Hình 04 Lãnh đạo hai sở VHTT, 2 Bảo tàng cắt băng khai mạc trưng bày.  Nguồn: TTT

Tham dự lễ khai mạc có ông Trần Thế Thuận-Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP. HCM, TS. Phan Thanh Hải, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên – Huế, Bà Đoàn Thị Trang-Phó Giám đốc phụ trách Bào tàng TP. HCM; ông Nguyễn Đức Lộc-Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế; Ông Dương Hoàng Lam-Trưởng phòng Quản lý Di sản Văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao TP. HCM; ông Mai Quốc Thắng-Phó Chủ tịch Hội Cổ vật TP. HCM; và nhiều đại biểu cùng khách mời khác. Mở đầu lễ Khai mạc, ThS Đoàn Thị Trang phát biểu chào mừng, ông Nguyễn Đức Lộc phát biểu khai mạc, nghi thức cắt băng khai mạc được thực hiện bởi ông Trần Thế Thuận, TS. Phan Thanh Hải, ThS Đoàn Thị Trang, ông Nguyễn Đức Lộc, ông Mai Quốc Thắng và ông Dương Hoàng Lam. Sau phần cắt băng khai mạc đại biểu tự do tham quan trưng bày.

Hình 05: Đại biểu tham quan khu trưng bày không gian làng nghề Huế. Nguồn: TTT

Chuyên đề trưng bày 300 hình ảnh, tư liệu, hiện vật tiêu biểu thông qua 02 phần:

Phần 1: Từ Thuận Hóa – Phú Xuân đến Cố đô Huế – nơi hội tụ và kết tinh di sản văn hóa dân tộc. Ở phần này, em được trải nghiệm thấy được quá trình hình thành và phát triển từ Thuận Hóa – Phú Xuân – Huế thông qua những hiện vật, những hình ảnh tái hiện khung cảnh xưa. Em được biết thêm về lịch sử hơn 700 năm Thừa Thiên – Huế, nơi đây đã trở thành vùng đất hội tụ tinh hoa, văn hoá nghệ thuật với hệ thống các loại hình di tích lịch sử văn hóa, các hiện vật, cổ vật phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình, độc đáo về giá trị mỹ thuật.

Hình 06: Đại biểu và sinh viên tìm hiểu về những dấu ấn lịch sử. Nguồn: TTT
Hình 07: Sinh viên trường ĐH Văn hóa Tp. HCM và nhà nhiếp ảnh kỳ cựu Giản Thanh Sơn. Nguồn: Trần Thanh Toàn

Phần 2 được trưng bày với chủ đề: Từ Nam Bộ thế kỷ XVII – XIX đến Sài Gòn nay, giới thiệu quá trình hình thành và phát triển vùng đất Sài Gòn – Gia Định từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, đặc biệt là những sưu tập ấn, sắc phong, tờ truyền thể hiện sự quản lý của Nhà nước trong những buổi đầu xác lập nền hành chính. Đây là nguồn sử liệu quan trọng, quý hiếm hiện được lưu giữ tại Bảo tàng TPHCM.

Hình 8: Giảng viên và sinh viên trường Đại học Văn hóa TP. HCM tại sảnh trung tâm Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh. Nguồn: Trần Thanh Toàn

Đến với trưng bày chuyên đề “Phú Xuân – Gia Định, Những dấu ấn lịch sử”, sinh viên chúng em đã hình dung được một cách tổng thể về lịch sử hình thành trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội của Phú Xuân – Huế (từ năm 1558); lịch sử thành lập thành Gia Định – Sài Gòn và quá trình khai phá lãnh thổ về phương Nam của ông cha ta (từ năm 1698). Đồng thời, biết được những thành tựu đã đạt được về kinh tế, văn hoá và những khó khăn thử thách của việc xác lập chủ quyền nước Việt Nam qua các triều đại phong kiến. Những dấu ấn văn hoá đậm nét trong sinh hoạt, phong tục tập quán,… sự giao thoa, hoà quyện giữa văn hoá cung đình và văn hoá dân gian để hình thành nên đặc trưng văn hoá vùng miền của cư dân Nam Bộ xưa.

Hình 9: Giảng viên và sinh viên trường Đại học Văn Hóa TP. HCM trải nghiệm làng nghề truyền thống.  Nguồn: Trần Thanh Toàn

Thông qua các không gian trải nghiệm thực tế, du khách sẽ được tham gia các hoạt động làm các sản phẩm thủ công truyền thống đặc trưng của xứ Huế như: Làm hoa giấy Thanh Tiên (làng Thanh Tiên); tô tượng ông Công, ông Táo (làng Địa Linh)… trong Lễ khai mạc và 01 lần/tháng trong thời gian diễn ra trưng bày). Điều này góp phần giới thiệu, quảng bá và làm phong phú thêm các giá trị văn hóa của nghề thủ công truyền thống xứ Huế nói riêng và Việt Nam nói chung. Đồng thời, tôn vinh những đóng góp thầm lặng của các nghệ nhân dân gian với các nghề thủ công truyền thống.

Hình 10: Các đại biểu và sinh viên trao đổi với nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn (thứ 2 từ phải). Nguồn: TTT

Em xin chân thành cảm ơn 2 Bảo tàng đã phối hợp tổ chức Lễ khai mạc trưng bày này, nhờ đó em hiểu biết thêm nhiều kiến thức về giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất Phú Xuân-Gia Đình, những di sản văn hóa giá trị, biết thêm nhiều làng nghề truyền thống gắn liền với con người nơi đây. Là một người trẻ, em cảm thấy việc bảo tồn và phát huy những giá trị thuộc về văn hóa, lịch sử là rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Từ sự kiện này, em nhận biết được đâu là việc người trẻ phải làm để kế thừa và phát huy những giá trị đó, đâu là việc giới trẻ phải tránh xa giữa giao lộ đầy sự biến động của “trend”, bắt kịp thời đại, trong khi những giá trị hồn cốt làm nên sự thịnh trị, bản sắc dân tộc đang đứng trước ngưỡng mai một. Từ chuyên đề “Phú Xuân – Gia Định, Những dấu ấn lịch sử” đã hình thành trong em biết bao câu hỏi về văn hóa, về lịch sử, về dân tộc, về trách  nhiệm của giới trẻ hiện nay.Một điều nữa để tạo nên những câu hỏi này trong em đó chính là số lượng người tham gia trong buổi khai mạc trưng bày hầu như giới trẻ chiếm thiểu số, khả năng tiếp cận của giới trẻ đối với những di sản văn hóa, lịch sử dân tộc liệu có thể được đánh giá qua điều này hay là do phương hướng truyền thông để giới trẻ tiếp cận chưa đủ, chưa rộng để đến những người trẻ?

Hình 11: TS. Phạm Văn Luân và sinh viên tìm về lịch sử Phú Xuân. Nguồn: TTT

Tiếp theo, em xin chân thành cảm ơn TS. Phạm Văn Luân-giảng viên trường Đại học Văn hóa TP. HCM đã tạo điều kiện, kết nối để em có thể tham gia được Lễ khai mạc trưng bày này. Qua những kiến thức lý thuyết và thực hành học phần Lý luận văn hóa mà thầy đã tận tâm chỉ dạy, em đã được hiểu thêm sâu sắc về những khía cạnh khác nhau của văn hóa, của việc bảo tồn, tri ân và phát huy những giá trị của dân tộc để lại. Hiểu biết một các đa chiều và sâu sắc hơn những giá trị văn hóa được tiếp xúc sau này, tieu biểu như trưng bày chuyên đề “Phú Xuân – Gia Định, Những dấu ấn lịch sử”.

Hình 12: TS. Phạm Văn Luân hướng dẫn SV trường ĐH Văn hóa TP HCM tìm hiểu Chiếu chỉ của vua Quang Trung về chữ Nôm -Nguồn: PTH

Bên lề các hoạt động của trưng bày, em đã được thầy giới thiệu về bệ tượng Trương Vĩnh Ký thời Pháp, giờ đã bị quên lãng sau lùm cây. Câu hỏi đặt ra ngay lúc này, những giá trị văn hóa của dân tộc liệu đã được bảo tồn, được giữ gìn như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, như điểu mà hiển nhiên chúng ta phải khơi dậy những giá trị ấy – cội nguồn sức sống của dân tộc!

Hình 13: Bên chân tượng Trương Vĩnh Ký. Nguồn: TTT

Đối với em đang là một sinh viên ngành Quản lý văn hóa, tham gia Lễ khai mạc trưng bày này rất có ý nghĩa với em, là môi trường giúp em học hỏi những kiến thức bổ túc cho hoạt động chuyên môn về văn hóa của mình và công tác tổ chức một sự kiện văn hóa đầy ắp những trải nghiệm thực tiễn làm hành trang cho tương lai. Thông qua buổi khai mạc trưng bày chuyên đề, em được tìm hiểu về giá trị văn hóa của Thừa Thiên Huế và Thành phố Hồ Chí Minh. Em cảm thấy sự kiện này là món quà ý nghĩa để chào mừng ngày Di sản văn hóa Việt Nam và chào mừng 65 năm kết nghĩa của ba thành phố Hà Nội, Huế và Sài Gòn. Trên cơ sở đó, tạo mới quan hệ hợp tác giữa Sở Văn hóa và Thể thao TP. HCM và Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế.

Hình 14: TS. Phan Thanh Hải (thứ 8 từ phải) và GV, SV trường ĐH Văn hóa TP HCM-Nguồn: PTH

Em hy vọng rằng với nền tảng này, sẽ mở rộng hơn nữa về nhiều chuyên đề cùng hợp tác với các tỉnh để phát huy giá trị di sản trên địa bàn thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Với sự cố gắng, nỗ lực của tỉnh Thừa Thiên Huế quyết tâm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, với sự kiện vừa qua tỉnh đã chính thức đón nhận danh hiệu Di sản phi vật thể quốc gia “Tri thức May và Mặc áo dài Huế”, đồng thời vinh danh những tổ chức, cá nhân đã có đóng góp tích cực bảo tồn, phát huy di sản quý báu này.

Trần Thanh Toàn