Khai mạc Trưng bày chuyên đề: “PHÚ XUÂN – GIA ĐỊNH NHỮNG DẤU ẤN LỊCH SỬ”Khai mạc Trưng bày chuyên đề: tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh
Sáng ngày 29/11/2024 tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh (số 65 đường Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế tổ chức lễ Khai mạc Trưng bày chuyên đề: “PHÚ XUÂN – GIA ĐỊNH NHỮNG DẤU ẤN LỊCH SỬ”. Đây là sự kiện kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam và hướng đến kỷ niệm 65 năm kết nghĩa của ba Thành phố Hà Nội – Huế – Sài Gòn (8.10.1960 – 8.10.2025). Tham dự khai mạc có Giám đốc Sở VHTT TP.HCM Trần Thế Thuận; Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Thanh Hải; Phó Giám đốc Phụ trách Bảo tàng TP.HCM Đoàn Thị Trang, TS Phạm Văn Luân cùng 50 sinh viên trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, khách tham quan trong và ngoài nước và đại diện các đơn vị liên quan.
Chuyên đề trưng bày với bộ sưu tập hện vật, tranh ảnh, không gian tái hiện làng nghề truyền thống phong phú đã khẳng định, tôn vinh và lan tỏa giá trị độc đáo của di sản văn hóa, đồng thời quảng bá các sản phẩm làng nghề thủ công truyền thống và nét đặc sắc trong sản phẩm du lịch của vùng đất Phú Xuân – Huế và Gia Định – Sài Gòn, sự kiện hướng đến mọi tầng lớp nhân dân và du khách trong nước lẫn quốc tế. Trưng bày giới thiệu 300 hình ảnh và tư liệu tiểu biểu theo hai “mạch chuyện”: Mạch thứ nhất là Từ Thuận Hóa – Phú Xuân đến Cố đô Huế. Mạch thứ hai là không gian trưng bày Từ Nam Bộ thế kỷ XVII – XIX đến Sài Gòn nay. Triển lãm tái hiện những thành tựu đáng chú ý về kinh tế, văn hóa và hành trình đầy thử thách trong việc khẳng định chủ quyền lãnh thổ Việt Nam dưới các triều đại phong kiến. Bên cạnh đó, triển lãm còn tôn vinh nét văn hóa đặc trưng trong đời sống, phong tục tập quán, cùng sự hòa quyện tinh tế giữa văn hóa cung đình và dân gian, làm nên bản sắc riêng biệt của vùng đất Nam Bộ thuở trước.
Tại không gian trải nghiệm, sinh viên chúng em được trực tiếp khám phá và tham gia vào các công đoạn tạo nên những sản phẩm thủ công truyền thống đặc sắc của xứ Huế, như làm hoa giấy Thanh Tiên hay tô tượng ông Công, ông Táo,…
Thông qua hoạt động này, sự kiện gửi gắm thông điệp ý nghĩa về việc bảo tồn di sản văn hóa, tôn vinh vẻ đẹp độc đáo của các nghề thủ công truyền thống của xứ Huế và Sài Gòn – Nam Bộ. Đồng thời, đây cũng là dịp để giáo dục thế hệ trẻ về trách nhiệm gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống và tri ân những đóng góp to lớn của các nghệ nhân dân gian trong việc duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống.
Hữu Nhân