
NHỮNG BÀI HỌC BỔ ÍCH TỪ HỘI THẢOPHYGITAL – XU HƯỚNG CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG NGÀNH DU LỊCH
Dưới sự dẫn dắt của thầy TS. Phạm Văn Luân, Trưởng nhóm Nghiên cứu Du lịch trường ĐH Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh và quý thầy cô trong nhóm, chúng em – những thành viên Câu lạc bộ SV NCKH của Khoa Quản lý Văn hóa, nghệ thuật, trường ĐH Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh cùng các anh chị SV của trường đang đi thực tập cuối khóa, các bạn SV trường ĐH Công Thương TP. Hồ Chí Minh… đã được tham dự, học hỏi nhiều nội dung thú vị tại Hội thảo Phygital – Xu hướng chuyển đổi số trong ngành Du lịch tổ chức tại Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Hiện đang là sinh viên theo học ngành Quản lý Văn hoá, đặc biệt là chuyên ngành Tổ chức sự kiện Văn hoá, Thể thao, Du lịch thì những vấn đề mà chúng em được cập nhật tại buổi Hội thảo là một bài học lớn vô cùng hữu ích. Không chỉ gói gọn ở những thực trạng hiện tại của lĩnh vực Du lịch mà còn có những giải pháp, cách thức làm Du lịch mới mẻ phù hợp với thị trường chuyển đổi số hiện nay. Hội thảo này không chỉ là một buổi thảo luận học thuật mà còn giúp chúng em – những người tham dự hội thảo hiểu rõ hơn tầm quan trọng của công nghệ. Tiếp cận công nghệ không còn là học tập mà còn là kỹ năng cần có của mỗi người trong cuộc sống hiện nay.

Thông qua buổi Hội thảo lần này, chúng em đã có những góc nhìn mới và được trải nghiệm sự chuyên nghiệp của cả Ban tổ chức và các bên liên quan. Điều làm chúng em ấn tượng nhất là các chuyên gia nhấn mạnh việc chuyển đổi số không còn là xu hướng mà còn là yêu cầu tất yếu. Với sự trình bày tâm huyết qua các tham luận của đại diện cơ quan quản lý đầu ngành như TS. Lê Trương Hiền Hoà (Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM) cùng các chuyên gia và công ty đi đầu về Phygital trong lĩnh vực Du lịch đã mang lại nhiều kiến thức mới và những sự trao đổi vô cùng chất lượng. TS Lê Trương Hiền Hòa đã nêu rõ du lịch đang ngày càng thay đổi, chuyển dịch trong du lịch hiện đại không chỉ là xu hướng công nghệ mà còn là cuộc cách mạng mà chúng ta thiết kế thông qua trải nghiệm du lịch của du khách. TS Lê Trương Hiền Hòa đã chỉ ra “chìa khóa” thiết thực nhất trong phát triển du lịch là cần phải đồng bộ các ban ngành liên quan thì mới tạo ra nền “Du lịch bền vững”.
Trong phần tham luận của ThS. Hoàng Lê Nam Hải – Giảng viên Viện Đô thị thông minh và quản lý có nhận xét: “Physical đã vừa ở mức đủ đẹp vì thế sẽ cần có Phygital để làm đẹp và hay hơn thế nữa”, điều đó cho thấy sự cần thiết của Phygital ở hiện tại. ThS. Hoàng Lê Nam Hải đã cho chúng em tiếp cận và hiểu thêm về “nền kinh tế đêm”. Theo cảm nhận của em, “kinh tế đêm” rất cần được phát triển vì nền “kinh tế đêm” còn nhiều dư địa gắn với khởi nghiệp sáng tạo và văn hóa. Việc ứng dụng công nghệ số vào việc quản lý các khu vực “kinh tế đêm” sẽ tối ưu hóa trải nghiệm cho du khách cũng như cải thiện nó một cách hiệu quả.

BBên cạnh đó Hệ thống Trạm Check-in Thông minh thông qua phần tham luận của Tổng Giám đốc Nguyễn Huy – Nhà sáng lập Công ty Cổ phần Phygital Labs đã cho chúng em một cái nhìn thực tiễn khi đã ứng dụng công nghệ vào thực tế tại Huế, Tây Ninh

Đến với hội thảo lần này chúng em được cung cấp thêm nhiều tri thức, là nơi để trao đổi với những người đã có nhiều kinh nghiệm trong ngành. Các chủ đề mà những tham luận viên mang lại vô cùng đặc sắc và mang tính cập nhật trong thời đại hiện nay.
Là sinh viên, chúng em tuy đã tiếp cận phần nào nhưng vẫn chưa đủ về những vấn đề thực tế của lĩnh vực Du lịch nhất là trong tiến trình chuyển dổi số. Hội thảo đã giúp chúng em mở rộng thêm vốn kiến thức của bản thân không chỉ dừng lại ở sách vở mà còn phải có sự học hỏi ở thực tiễn, ở những người có nhiều kinh nghiệm. Những công nghệ như thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) hay trí tuệ nhân tạo (AI) đang mở ra những cơ hội mới để thu hút du khách, đồng thời quản lý điểm đến hiệu quả hơn. Đặc biệt, hệ thống Trạm Check-in Thông minh làm cho chúng em thay đổi hoàn toàn nhận thức về du lịch, khiến chúng em cảm thấy rất hào hứng về tiềm năng phát triển du lịch số Việt Nam.

Chúng em cảm thấy hứng thú với những định hướng, cơ hội mà hội thảo mang lại và qua hội thảo chúng em cũng có những góc nhìn mới mẻ về ngành du lịch trong thời đại số. Chúng em nhận ra rằng sự kết hợp giữa công nghệ số không chỉ nâng cao chất lượng dịch vụ mà còn tối ưu hóa cách các doanh nghiệp và cơ quan quản lý vận hành. Hiểu biết thêm về ngành du lịch trong nước và hiểu làm thế nào để phát triển nên nền kinh tế “Du lịch bền vững”. Đến với Hội thảo chúng em may mắn dược học nhiều bài học quý giá, được rèn luyện thêm về tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề thông qua việc lắng nghe cũng như trong phần tham luận của các diễn giả và trao đổi bên lề Hội thảo.

Cuối cùng, những kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm từ hội thảo “Phygital – Xu hướng chuyển đổi số trong ngành du lịch” và cả những hoạt động bên lề (nhất là sự kiện gặp gỡ tác giả 2 Đồ án Tốt nghiệp ĐH Kiến trúc đạt giải xuất sắc- Phan Nguyễn Mạnh Tân) mà em được thầy cô và các anh chị SV cùng dự chia sẻ lại là những hành trang quý giá của chúng em, giúp chúng em đồng thời nhận biết được bản thân còn thiếu sót ở điểm nào và có kế hoạch tự bồi dưỡng thêm để phát triển trong tương lai. Em rất mong được quý thầy cô nhóm Nghiên cứu Du lịch trường ĐH Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh, Ban Tổ chức Hội thảo, các diễn giả… quan tâm hỗ trợ tạo điều kiện cho chúng em – những thành viên Câu lạc bộ SV NCKH của Khoa Quản lý VHNT, trường ĐH Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh được tiếp cận và tham gia những diễn đàn học thuật bổ ích như thế này trong thời gian tới./.
Một số hình ảnh hoạt động bên lề


Bên lề Hội thảo, TS. Phạm Văn Luân, Trưởng nhóm Nghiên cứu Du lịch, trường ĐH Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh đã có cuộc gặp gỡ và chúc mừng Kiến trúc sư trẻ Phan Nguyễn Mạnh Tân, cựu học sinh trường Chuyên Bến Tre vừa tốt nghiệp Kiến trúc sư cảnh quan năm 2024, trường ĐH Kiến trúc Tp. Hồ Chí Minh đã xuất sắc đạt Giải Nhất, giải thưởng đồ án sinh viên tốt nghiệp xuất sắc ngành Kiến trúc cảnh quan năm 2024 do Chi hội Kiến trúc sư cảnh quan Việt Nam trao tặng và Giải Nhất, giải thưởng đồ án xuất sắc chuyên ngành Quy hoạch đô thị và nông thôn năm 2024 do Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam trao tặng.

Ảnh: STT
Đồ án Thiết kế kiến trúc cảnh quan làng Cù lao Đất, xã An Hiệp, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre của Phan Nguyễn Mạnh Tân do TS.KTS Nguyễn Anh Tuấn hướng dẫn là một Đồ án đặc biệt cùng lúc giành 2 giải thưởng.


Trần Thu – Thu Quyên