NHÀ BÁC HỌC TRƯƠNG VĨNH KÝ – ĐIỂM NHẤN CỦA LÀNG VĂN HÓA DU LỊCH CHỢ LÁCH
Đầu tháng 6/2019, Hội thảo Quốc gia Tiềm năng và giải pháp phát triển Làng Văn hóa du lịch huyện Chợ Lách trên nền tảng phát triển du lịch nông thôn đã diễn ra tại Hội trường Trung tâm Hành chính huyện Chợ Lách với sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, ĐH Quốc giá và lãnh đạo cao nhất tỉnh Bến Tre: Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo, UVBCH Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Phan Văn Mãi…và gần 500 đại biểu, các nhà khoa học, chuyên gia… đến từ các trường, viện, tổ chức quốc tế, các tỉnh, thành từ Lai Châu, Hà Nội, Quảng Nam, Tp Hồ Chí Minh đến các tỉnh thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long, các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh, các huyện, đại diện các hộ dân trên địa bàn huyện Chợ Lách.
Sức hút của Hội thảo với quy mô lớn nhất Bến Tre trong nhiều năm trở lại đây không chỉ ở việc bàn thảo về một đề án mới và duy nhất cả vùng đồng bằng sông Cửu Long, một hoạt động trong khuôn khổ Hội chợ trưng bày sản phẩm OCOP tỉnh Bến Tre lần thứ I năm 2019 (từ ngày 6 đến 10-6-2019) mà còn ở điểm nhấn từ nhà bác học Trương Vĩnh Ký cho câu chuyện của làng văn hóa du lịch… Khi ngay phần phát biểu gợi ý thảo luận và bế mạc hội thảo của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đều nhấn mạnh Hội thảo đã tập trung bàn 2 nội dung chính là lý luận và thực tiễn phát triển du lịch nông thôn, những kinh nghiệm triển khai và cơ chế quản lý làng văn hóa du lịch; kết nối đầu tư xây dựng và thương mại hóa sản phẩm du lịch tỉnh Bến Tre trên nền tảng của điểm nhấn làm nên sự khác biệt của cây trái, hoa kiểng, kinh tế du lịch Chợ Lách nói riêng và Bến Tre nói chung là “lợi thế từ truyền thống văn hóa mà tiêu điểm là nhà bác học Trương Vĩnh Ký, một nhà bác học có tầm cỡ thế giới, cần khai thác để làm thấm vào từng sản phẩm nông nghiệp của Chợ Lách – Cái Mơn câu chuyện của danh nhân văn hóa lơn này…”
Trong phần trình bày Đề án Làng Văn hóa du lịch huyện Chợ Lách PGS.TS Ngô Thị Phương Lan – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh- đơn vị chủ trì xây dựng Đề án đã nhấn mạnh, Đề án Làng Văn hóa du lịch huyện Chợ Lách là một sản phẩm của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), là biểu trưng cho tính đặc thù của địa phương, hướng tới lợi ích cộng đồng và hợp tác cùng phát triển với cách tiếp cận mở; do đó việc khu biệt về mặt địa giới chỉ mang tính hành chính đề có phân kỳ và lộ trình xây dựng và phát triển phù hợp; theo giới hạn đó phạm vị của làng Du lịch văn hóa Chợ Lách gồm 4 ấp: Vĩnh Nam (xã Vĩnh Thành); Đông Kinh (xã Vĩnh Hòa); Lân Đông (xã Phú Sơn) và An Hòa ( xã Long Thới) được kết nối thành một vòng khép kín qua các trục đường chính là Huyện lộ 34, 35 và 37 và quốc lộ 57. Vòng tròn khép kín này trong khu vực 04 xã, đi qua nhiều ấp với tổng diện tích hơn 1490 ha, trong đó có 534 ha thuộc địa bàn 4 ấp nêu trên được chọn là điểm nhấn để xây dựng thiết kế hạ tầng và ý tưởng cảnh quan cho Làng. Làng lấy điểm trung tâm là ấp Vĩnh Nam –cửa ngõ làng mà tâm điểm là Nhà Bia Trương Vĩnh Ký – vừa được công nhận là Di tích cấp tỉnh vào tháng 2/2019; đặc biệt trong số các Trung tâm làng văn hóa du lịch Chợ Lách có Trung tâm Nghiên cứu về Trương Vĩnh Ký.
Trình bày tham luận tại hội thảo, TS Từ Minh Thiện, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao Tp Hồ Chí Minh, một Cựu học sinh trường Petrus Ký (nay là THPT Lê Hồng Phong) từng học ngôi trường này 7 năm đã cho biết “tài nguyên nhân văn, những nét văn hóa truyền thống đặc sắc… là những điều kiện cần và đủ để phát triển nông nhiệp du lịch” (Kỷ yếu Hội thảo Tiềm năng và giải pháp phát triển Làng Văn hóa du lịch huyện Chợ Lách trên nền tảng phát triển du lịch nông thôn- trang 98-99) và với tỉnh Bến Tre, làng văn hóa du lịch huyện Chợ Lách sẽ tạo nên sự khác biệt không lẫn vào bất cứ làng văn hóa du lịch nào khi biết khai thác câu chuyện văn hóa của nhà bác học Trương Vĩnh Ký.
Theo TS Phạm Văn Luân, Trường ĐH Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh; câu chuyện nhà bác học Trương Vĩnh Ký đi vào sản phẩm nông nghiệp sẽ làm cho Làng Văn hóa du lịch huyện Chợ Lách trở thành ngôi nhà chung cho các nhà nghiên cứu văn hóa, nông học, giáo dục… tiếp tục tìm về ông tổ của nghề cây trái, hoa kiểng mà Cái Mơn được mệnh danh và vương quốc; bởi theo sách Kiến Hòa (Bến Tre) Xưa– NXB Thanh Niên – 2001 của tác giả Huỳnh Minh (trang 158), chính nhà bác học Trương Vĩnh Ký là người đã có công lao tạo ra tác động rất lớn đến sự kiện “…nhơn các cuộc đi về từ Cái Mơn xuống Mã Lai, các linh mục đã đem nhiều giống cây ăn trái trồng thử lần đầu tiên tại Việt Nam: chôm chôm, soài riêng, bòn bon, măng cụt… Đất Cái Mơn có thể gọi là nơi chôn nhau cắt rún và nơi gìn giữ dấu tích cụ Trương Vĩnh Ký”. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Lư Văn Hội trong “Di sản văn hóa phi vật thể miệt vườn huyện Chợ Lách”- NXB Văn hóa Dân tộc, 2011 (trang 233-234) sau gần 10 năm dày công nghiên cứu đã đặt ra vấn đề rất đáng để chúng ta suy nghĩ khi mà Lễ hội Cây trái ngon, an toàn hàng năm của tỉnh Bến Tre ở huyện Chợ Lách cho đến nay vẫn chưa xác định điểm nhấn là cái “Lõi tín ngưỡng dân gian nghề làm vườn” (từ dùng của TS Phạm Văn Luân), thì câu hỏi của nhà nghiên cứu Lư Văn Hội lại càng có giá trị và tạo ra lực hấp dẫn cho Làng Văn hóa du lịch huyện Chợ Lách “Tại sao không chọn thêm một ngày có ý nghĩa như ngày 16 tháng 7 âm lịch hàng năm- ngày mất của nhà bác học Trương Vĩnh Ký để tổ chức Lễ Hội làng nghề ươm cây, chiết cành”, qua đó không chỉ tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống của làng nghề, mà còn tạo cơ hội cho hội viên có dịp thi thố tài năng, góp phần thúc đẩy làng nghề không ngừng phát triển cả số lượng và chất lượng?”
Hay trong câu chuyện điệu lý Cái Mơn làm nên bắc sắc của Làng mà một đại biểu đã nêu, bóng dáng nhà bác học Trương Vĩnh Ký cũng in đậm với việc ông là người đã “công bố “Sáu câu hát” trên số đầu tiên của bộ Miscellanees (Impriimerie Commerciale Rey Curiol, 1888)- được coi là cái mốc khởi đầu của công việc sưu tầm về ca dao – dân ca Nam bộ” (Ca dao dân ca Nam kỳ lục tỉnh, Huỳnh Ngọc Trảng biên soạn- Phân viện Nghiên cứu Văn hóa – Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Tp Hồ Chí Minh ấn hành, NXB Đồng Nai – 1988, trang 5)…
Không chỉ những trích dẫn về tài liệu xưa cho câu chuyện văn hóa từ nhà bác học Trương Vĩnh Ký làm sáng tỏ và gây chấn động trong Hội thảo bàn về việc xây dựng và phát triển làng Văn hóa du lịch Chợ Lách, mà từ tháng 6/2019, trước thềm hội thảo đoàn chuyên gia, các nhà khoa học và các đại biểu ngành tỉnh đã khảo sát các điểm du lịch nằm trong tuyến quy hoạch Làng văn hóa du lịch huyện Chợ Lách đã đến Khu Ứng dụng công nghệ sinh học Cái Mơn, Nhà bia Trương Vĩnh Ký, Nhà thờ cổ Cái Mơn,…đã làm cho câu chuyện văn hóa xoay quanh nhà bác học Trương Vĩnh Ký như một đường dẫn góp phần phục hồi và phát triển các giá trị văn hóa và nghề truyền thống, khai thác các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tạo ra tài nguyên du lịch có giá trị, phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa, tham quan du lịch của du khách, mang lại lợi ích kinh tế và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, cải tạo môi trường sinh sống khu vực nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân đây mới chính là mục tiêu của đề án Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách, điều mà cả cuộc đời nhà bác học Trương Vĩnh Ký luôn mong mỏi trở thành hiện trên quê hương mình cách nay gần 2 thế kỷ!
Khôi Nguyên