Tin Tức & Sự Kiện
Góp sức ủng hộ và chuẩn bị xây dựng hồ sơ khoa học trình UNESCO vinh danh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là Danh nhân văn hóa thế giới

Góp sức ủng hộ và chuẩn bị xây dựng hồ sơ khoa học trình UNESCO vinh danh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là Danh nhân văn hóa thế giới

Ngày 2/8/2022, tại nhà khách La Thành, Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp 2 tỉnh tỉnh Hà Tĩnh và Hưng Yên tổ chức hội thảo “Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác – Thân thế, sự nghiệp và tầm ảnh hưởng”. 

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác – Ảnh: https: khoahocdoisong.vn

Hội thảo được tổ chức trên cơ sở đề nghị phối hợp của UBND tỉnh Hà Tĩnh và UBND tỉnh Hưng Yên nhằm xúc tiến các hoạt động chuẩn bị xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO vinh danh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác – ông tổ của ngành y học cổ truyền Việt Nam là Danh nhân văn hóa thế giới.

Quang cảnh Hội thảo – Ảnh tư liệu STT

Tại hội thảo, các nhà khoa học đã có cùng nhận định: Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác trong suốt cuộc đời làm thuốc của mình đã đúc kết tinh hoa của y học nhân loại và y dược cổ truyền Việt Nam trong một bộ sách đồ sộ quý giá “Hải Thượng Lãn Ông y tông tâm lĩnh” gồm 28 tập, 66 quyển chắt lọc tinh hoa của y học cổ truyền, được đánh giá là công trình y học xuất sắc nhất thời trung đại Việt Nam. và nhiều tác phẩm khác liên quan đến y học, văn học. Di sản của ông để lại vẫn còn nguyên giá trị và được các thế hệ ngành y tế Việt Nam kế thừa, sử dụng, nhằm góp phần vào công cuộc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Cuộc đời của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là hình ảnh cao đẹp của người thầy thuốc với kiến thức uyên thâm, tinh thần trách nhiệm cao cả trong nghề nghiệp, lòng nhẫn nại, tận tâm, đức hy sinh và lòng thương yêu người bệnh vô bờ bến. Ông xứng đáng được tôn vinh là ông Tổ của nền y học cổ truyền nước nhà, là tấm gương sáng chói về y đức, y đạo, y thuật cho hậu thế học tập. Hiện nay tại xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh có Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được xếp hạng Di tích quốc gia năm 1990. 

Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác – Ảnh tư liệu STT

Tham gia Hội thảo “Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác – Thân thế, sự nghiệp và tầm ảnh hưởng” với tâm niệm góp sức ủng hộ và chuẩn bị xây dựng hồ sơ khoa học trình UNESCO vinh danh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là Danh nhân văn hóa thế giới, Nhóm Sáng tạo Trẻ Bến Tre có bài tham luận Dấu ấn của Hải Thượng Lãn Ông ở Bến Tre của nhóm tác giả Nguyễn Kim Thư và Phạm Văn Luân; bài nghiên cứu đã khẳng định: “Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720 – 1791) là một danh y nổi tiếng được tôn vinh làông tổ của y học cổ truyền Việt Nam. Tuy ở tận miền Bắc nhưng từ xa xưa, với người dân Bến Tre Hải Thượng Lãn Ông luôn để lại những dấu ấn sâu sắc. Khi nói đến cụ Đồ Chiểu với vị thế thầy thuốc được suy tôn là ông tổ của nghề thuốc Nam, người dân Bến Tre luôn nhắc đến Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác”. Bài nghiên cứu này là 1 trong 41 bài tham luận được chọn từ các bài viết của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà văn hóa, nhà sử học, thầy thuốc… với các chủ đề khác nhau liên quan đến tầm ảnh hưởng của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đối với nền y học và văn hóa dân tộc. Đáng chú ý, có các tham luận về góp phần cải chính năm sinh và năm mất của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và Hải Thượng Y tông tâm lĩnh từ điểm nhìn thế kỷ XXI; kế thừa và phát huy những di sản quý báu của Hải Thượng Lãn Ông tại Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh…

Bịa Giấy mời Hội thảo và Mục lục Kỷ yếu – Ảnh tư liệu STT

Tại Hội thảo, 10 bài báo cáo được chọn lọc trình bày từ 41 tham luận của các tác giả với sự đa dạng các chủ đề như: “Lê Hữu Trác và Hải Thượng y tông tâm lĩnh từ điểm nhìn thế kỷ XXI” – PGS. TS Biện Minh Điền; “Y đức của Hải Thượng Lãn Ông, những giá trị trường tồn” – Thiếu tướng, PGS. TS Phạm Xuân Phong; “Kiểu tác giả văn sĩ – nho sĩ – thầy thuốc Lê Hữu Trác trong “Thượng kinh ký sự” – PGS. TS Nguyễn Hữu Sơn; “Ảnh hưởng của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác với nền y học cổ truyền Việt Nam”… 

Hội thảo đã công bố rộng rãi các nghiên cứu, phát hiện mới, các vấn đề liên quan đến thân thế sự nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác: Đính chính và khẳng định lại năm sinh – năm mất, cuộc đời, sự nghiệp, các mối quan hệ xã hội – lịch sử,… của đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác; xác định tầm ảnh hưởng của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đối với nền y học, văn hóa, văn học, giáo dục, lịch sử trong nước, khu vực cũng như trên thế giới. Đồng thời quảng bá rộng rãi về thân thế, sự nghiệp và những đóng góp, cống hiến, tầm ảnh hưởng của giá trị tư tưởng, di sản do Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác để lại đối với nền y học, nền văn hóa trong nước và quốc tế. Kết quả hội thảo sẽ được sử dụng để chuẩn bị Hồ sơ khoa học trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là Danh nhân văn hóa thế giới trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua Khen thưởng (Bộ Y tế), sau hội thảo này ban tổ chức sẽ phát động cuộc thi viết về tấm gương y đức của đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác trong toàn ngành y tế (từ tháng 10-2022 đến 8-2024). Được biết, xudua.com sẽ thông tin đến bạn đọc về cuộc thi này và các sự kiện liên quan đến hoạt động trình Hồ sơ khoa học Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác lên UNESCO vinh danh Ông là Danh nhân văn hóa thế giới trong thời gian tới.

Đại danh y Lê Hữu Trác hiệu Hải Thượng Lãn Ông, sinh ra trong một gia đình có 6 tiến sĩ (quê tại xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Tuy nhiên, cuộc đời ông phần nhiều (từ năm 26 tuổi đến lúc mất) gắn bó với quê mẹ ở thôn Bàu Thượng, xã Tĩnh Diệm, huyện Hương Sơn, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay là xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), đây cũng là giai đoạn mà ông có duyên nghiệp với nghề y, hành nghề bốc thuốc và trở thành đại danh y của nước ta.

Ông đã đúc kết hàng nghìn bài thuốc hay và phát hiện bổ sung hơn 350 vị thuốc mới để đồng nghiệp đương thời và thế hệ mai sau cùng nghiên cứu, sử dụng.

Cuộc đời của Đại danh Y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là hình ảnh cao đẹp của người thầy thuốc với kiến thức uyên thâm, tinh thần trách nhiệm cao cả trong nghề nghiệp; lòng nhẫn nại, tận tâm, đức hy sinh và lòng thương yêu người bệnh vô bờ bến. Ông xứng đáng là người đã dựng “ngọn cờ đỏ thắm” trong nền y học nước nhà, là tấm gương sáng chói về y đức, y thuật và y đạo cho đời sau noi theo.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác không những là một nhà y dược học vĩ đại mà còn là nhà thơ, nhà văn xuất sắc, nhà tư tưởng tiến bộ, có tinh thần nhân đạo sâu sắc. Sau khi mất, ông được nhân dân và giới y học cả nước suy tôn là bậc y thánh của Việt Nam.

(KN, Tổng hợp)