Chuyến đi thực tế bộ môn Phát triển đời sống văn hóa cộng đồng- Đến với Xuân Thiện, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai – Nghĩ về văn hóa Chru Jro
Bổ sung tư liệu “sống” cho bài thi kết thúc học phần “Phát triển đời sống văn hóa cộng đồng” do thầy Phạm Văn Luân và cô Vũ Thị Phương giảng dạy, hai lớp đại học quản lý 17.2 và lớp 17.3 đã tổ chức chuyến đi thực tế 2 ngày 1 đêm tại xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai vào ngày 25 – 26/11/2024 vừa qua. Chuyến đi thực tế là một hành trình đầy ý nghĩa và đáng nhớ đối với chúng em. Trong suốt hành trình chuyến đi đầy ắp kỷ niện này về với đồng bào Chru Jro, cùng ăn, cùng ngủ, cùng đánh cồng chiêng…ở Nhà văn hóa dân tộc Chru Jro, chúng em không chỉ được hòa mình vào cuộc sống của người dân địa phương mà còn được trải nghiệm, học hỏi nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng dân tộc Chru Jro.
Ngày đầu tiên khi đặt chân đến xã, chúng em rất vinh khi được gặp Nghệ nhân Điểu Tám, đặc biệt là ông Trần Đức Hòa – Phó chủ tịch UBND huyện Thống Nhất. Sau đó, Nghệ nhân Điểu Tám, cũng như ông Trần Đức Hòa đã chia sẻ về nguồn gốc, lịch sử, những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Chru Jro
Tiếp tục chuyến đi là hành trình khám phá núi Cúi, đâylà công trình tâm linh Công giáo lớn nhất Đông Nam Á – Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Núi Cúi, công trình được xây dựng với quimô hoành tránh, kiến trúc trang nghiêm và độc đáo
Đây là nơi thu hút đông đảo du khách hành hương, đặc biệt là các tín đồ Công giáo. Tới đây, chúng em đã chiêm ngưỡng bức tượng Đức Mẹ cao lớn, đứng sừng sững giữa thiên nhiên, mang lại cảm giác bình an và thiêng liêng. Núi Cúi không chỉ là một danh thắng thiên nhiên mà còn là nơi gắn liền với đời sống tinh thần, văn hóa của người dân Đồng Nai. Đây là điểm đến mà mỗi ai ghé thăm đều cảm nhận được sự giao thoa giữa thiên nhiên và con người, giữa hiện tại và những giá trị truyền thống.
Kết thúc chuyến đi Núi Cúi, chúng em trở về lại nhà văn hóa dân tộc Chru Jro. Đến tối hôm đó, chúng em đã tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tại nhà văn hóa, đây là một trải nghiệm không thể nào quên. Tiếng cồng chiêng vang lên giữa núi rừng, tiếng hát sâu lắng của nghệ nhân Điểu Tám và cô Thị Nhung, cùng các anh chị khác đã khiến chúng em cảm nhận được cái hồn, cái tình của văn hóa của đồng bào dân tộc Chru Jro. Không những thế, các bạn sinh viên lớp đại học QLVH 17.3 cũng đã góp vui qua 3 tiết mục, trong đó 1 tiết mục hát đơn ca do bạn Ngô Viết Duy Tân thể hiện và 2 tiết mục múa Vui hội làng, Âm vang đại ngàn do bạn Nhật Trường, Hồng Anh, Nga Hoàng, Vũ Đăng, Văn Thông, Lan Anh biểu diễn vô cùng ấn tượng.
Không chỉ dừng lại ở đó, chuyến đi này cũng mang lại cho chúng tôi cơ hội được trò chuyện và phỏng vấn trực tiếp những người giữ lửa văn hóa nơi đây, đó chính là nghệ nhân Điểu Tám. Ông là người đã truyền dạy về Cồng chiêng và chữ viết Chru Jro. Thông qua buổi phỏng vấn với ông Điểu Tám, chúng em đã thu thập được nhiều thông tin bổ ích về lễ hội Sayangva, hay về trang phục, cồng chiêng, nhà sàn, đặc biệt nhất là ngôn ngữ Chru Jrovà tâm huyết của ông cùng gia đình – em trai hai con trai và gái đã hết lòng chăm lo, gìn giữ, bảo tồn văn hóa đồng bào Chru Jro.
Đây là một trong những vấn đề đang được chính quyền địa phương, cũng như ông Điểu Tám quan tâm bảo tồn và phát huy, giúp đồng bào dân tộc này lấy lại được nguồn cội của ngôn ngữ đó. Tuy nhiên, quá trình bảo tồn và phát huy vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn như: thiếu kinh phí, cơ sở vật chất và trang thiết bị cần thiết, ngôn ngữ chủ yếu dựa vào phương pháp truyền miệng từ người lớn tuổi, dễ dẫn đến thất truyền hoặc sai lệch nội dung gốc, hay thế hệ trẻ thường sử dụng tiếng Việt trong học tập và sinh hoạt, dẫn đến ít cơ hội tiếp cận tiếng Chrau Jro. Thời gian học tập trên lớp chiếm phần lớn quỹ thời gian, gây khó khăn cho việc mở các lớp học ngôn ngữ dân tộc,…
Từ những vấn đề trên, chúng em đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp để góp phần vào công cuộc khôi phục, bảo tồn, và phát huy giá trị ngôn ngữ Chru Jro như sau:
+ Nhiệm vụ đặt ra cho việc khôi phục, bảo tồn và phát huy ngôn ngữ Chru Jro:
Một là, thống kê những cán bộ, công chức, viên chức, nghệ nhân người dân tộc thiểu số (DTTS), người có uy tín trong đồng bào DTTS thông thạo tiếng DTTS, có khả năng, điều kiện, tâm huyết trong việc truyền dạy tiếng dân tộc Chrau Jro. Chúng tôi đưa ra giải pháp này là vì, trong quá trình tìm hiểu có một vài người dân họ rất muốn được đóng góp vào việc tìm và khôi phục lại chữ viết, tuy nhiên vì thời gian, cũng như chưa có tổ chức rõ ràng nên họ chưa thể tham gia. Và chúng tôi xác định, họ là những người có truyền tải thông điệp về những nội dung của Đề án tới đồng bào các DTTS, cũng như họ có thể là những người truyền dạy ngôn ngữ này, nổi bật là Nghệ nhân Điểu Tám.
Hai là, xây dựng Kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng sư phạm cho lực lượng truyền dạy tiếng DTTS
Có nhiều người DTTS thông thạo tiếng dân tộc, có điều kiện, tâm huyết trong việc bảo tồn ngôn ngữ của dân tộc mình; nhưng do không có kỹ năng sư phạm cơ bản, nên việc tự giác tổ chức các lớp truyền dạy tiếng dân tộc hiệu quả chưa cao. Vì thế, chính quyền địa phương và nhà nước áp dụng, thực hiện những chính sách đã đưa ra một cách triệt để và hiệu quả.
Ba là, xây dựng bộ tài liệu truyền dạy tiếng dân tộc (tài liệu lưu hành nội bộ).
Vấn đề khó khăn nhất trong việc bảo tồn ngôn ngữ của dân tộc Chru Jro không có chữ viết riêng; không có tài liệu truyền dạy tiếng dân tộc thiểu số được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định (Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc Chủ tịch UBND tỉnh), nên hiệu quả các lớp học tiếng dân tộc vừa qua chưa cao. Mặc dù, nghệ nhân Điểu Tám đã xây dựng, biên soạn được nhiều tài liệu khác nhau nhưng do kỹ thuật, cũng như kỹ năng về phần mềm máy tính còn yếu nên chưa thể xuất bản và đưa vào giảng dạy.
Bốn là, xây dựng kế hoạch của UBND huyện về truyền dạy tiếng DTTS trong các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú và trong cộng đồng.
Cần một Kế hoạch như vậy, để huy động được sự vào cuộc của các cấp, các ngành từ tỉnh tới cơ sở; tạo sự nhận thức chung, đồng thuận trong thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy tiếng DTTS trên địa bàn.
+ Đề xuất một số giải pháp khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị ngôn ngữ Chru Jro:
Thứ nhất, đề nghị Phòng Giáo dục và Đào tạo đưa nội dung môn học tiếng dân tộc Chru Jro vào hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa của các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú trên địa bàn xã. Và nhà trường cần tích hợp các bài học về ngôn ngữ Chru Jro vào chương trình giảng dạy, tạo điều kiện cho học sinh được tìm hiểu về lịch sử, văn hóa và con người Chru Jro. Đây cũng là yêu cầu của Chính phủ tại Nghị định số 82/2010/NĐ-CP quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên. Chúng tôi nghĩ đây là giải pháp quan trọng, để lan tỏa phong trào học và sử dụng tiếng DTTS trong nhà trường và cộng đồng; đây cũng là những thế hệ chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số những người DTTS không còn nói được tiếng mẹ đẻ, nhưng lại có trách nhiệm gìn giữ, bản tồn văn hóa các DTTS cho muôn đời sau.
Thứ hai, để việc truyền dạy ngôn ngữ Chru Jro được hiệu quả cao hơn, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng. Gia đình có vai trò quan trọng trong việc tạo môi trường sự dụng ngôn ngữ Chru Jro hằng ngày, giúp trẻ em làm quen và yêu thích ngôn ngữ của dân tộc mình.
Thứ ba, xây dựng cơ chế chính sách của huyện hỗ trợ cho người học, người truyền dạy tiếng DTTS, trong đó có nghệ nhân Điểu Tám đang rất cần sự hỗ trợ về kỹ thuật, cũng như kinh phí để xuất bản sách và tài liệu chữu Chro Jro. Bảo tồn, phát huy ngôn ngữ các DTTS là trách nhiệm của nhà nước, của cộng đồng như yêu cầu tại Điều 9 Nghị định số 82/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chế độ chính sách đối với người dạy, người học tiếng DTTS.
Thứ tư, áp dụng việc chuyển đổi số trong giáo dục vào Đề án, đó là phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác truyền dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình truyền dạy; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến… để mọi người, mọi miền, ở bất cứ nơi đâu đều có thể tự học được tiếng dân tộc của Chru Jro, bởi vì dân tộc này còn tập trung ở nhiều nơi khác nên việc ứng dụng công nghệ số là điều vô cùng thuận tiện.
Thứ năm, tuyên truyền về sự cần thiết của bảo tồn, phát huy tiếng DTTS; khuyến khích việc sử dụng tiếng DTTS trong cộng đồng, để tạo môi trường phát huy ngôn ngữ dân tộc. Môi trường sử dụng tiếng DTTS đang dần bị mất đi, giờ đây cần phải tạo lập lại thông qua việc truyền dạy tiếng DTTS trong cộng đồng, nhà trường và hoạt động giao tiếp, sinh hoạt hằng ngày của chính người DTTS. Hơn ai hết, họ chính là những người phải có trách nhiệm truyền dạy ngôn ngữ mẹ đẻ cho con em mình. Vì vậy, để tạo môi trường sử dụng ngôn ngữ DTTS trong cộng đồng, thì công tác tuyên truyền, giáo dục phải được tăng cường thường xuyên liên tục.
Thứ sáu, để việc tuyên truyền dễ dàng hơn, giúp giới trẻ thích thú hơn thì ngoài việc mở lớp học, có thể tuyên truyền thông qua các buổi sinh hoạt, hay lễ hội. Và trong những buổi này hoàn toàn dùng bằng tiếng Chru Jro, vì vậy cần có sự hỗ trợ về kinh phí từ xã, huyện giúp cho người dân có thể tổ chức, tuyên truyền bảo tồn ngôn ngữ – tiếng mẹ đẻ của mình.
Ngày cuối cùng, chúng em có dịp tham quan di tích đồn cao su – một chứng tích lịch sử gắn liền với vùng đất Xuân Thiện. Được tận mắt nhìn thấy những cây cao su gần 100 năm tuổi và nghe kể về những câu chuyện gắn liền với di tích này, thực sự chúng em cảm thấy rất tự hào.
Không chỉ có những trải nghiệm phong phú về văn hóa và lịch sử, điều khiến chúng em xúc động nhất chính là sự đón tiếp nồng hậu và lòng hiếu khách của người dân nơi đây. Sự quan tâm, chăm sóc tận tình của họ đã khiến chúng em cảm thấy như được sống trong chính ngôi nhà của mình.
Và chuyến đi kết thúc suôn sẻ, thành công tốt đẹp. Tất cả là nhờ vào sự hỗ trợ nhiệt tình từ bà con tại xã Xuân Thiện, đặc biệt là anh Điểu Tám, Già làng Thổ Nơi, cô Thị Nhung, và chú Trần Đức Hòa – Phó Chủ tịch huyện Thống Nhất. Chúng em xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến anh Điểu Tám và bà con dân tộc Chơ Ro tại ấp Xuân Thiện, những người đã tận tình chia sẻ những câu chuyện và giá trị quý báu về ngôn ngữ và văn hóa của cộng đồng mình. Đặc biệt, chúng em trân trọng cảm ơn Thầy Phạm Văn Luân, Cô Vũ Thị Phương, và Thầy Nguyễn Hồ Phong, những người đã đồng hành, hướng dẫn tận tình trong quá trình học tập và tạo điều kiện cho chuyến đi thực tế đầy ý nghĩa này.
Qua đây, chúng em hi vọng rằng những đề tài này có thể đóng góp một phần nhỏ vào công cuộc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Chrau Jro. Đặc biệt, có thể giúp cho dân tộc Chrau Jro có thể tìm lại chữ viết này. Bên cạnh đó, giúp cho thế hệ trẻ không chỉ có cơ hội tiếp cận và hiểu biết sâu sắc hơn về ngôn ngữ mẹ đẻ mà còn thêm tự hào về nguồn cội và văn hóa nơi mình sinh ra.
Kiều Trang