HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA Rà soát, xác định vấn đề xã hội cấp thiết với phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi; khuyến nghị, đề xuất nội dung, giải pháp vận động hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số giai đoạn tiếp theo – khu vực phía Nam
Trước tiên, em xin gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc đến TS.Phạm Văn Luân, trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh là giảng viên bộ môn môn Lý luận văn hóa của lớp em. Nhờ thầy đã nhiệt tình hỗ trợ, giúp đỡ, lần đầu tiên em được tham gia một Hội thảo khoa học tầm cỡ quốc gia với nhiều nội dung sâu sắc và thực tiễn cao góp phần nâng cao nhận thức cho bản thân em và trao cho em nhiều kiến thức, kỹ năng, mối quan hệ học thuật để có thể chia sẻ cho bạn bè…
Tại hội thảo em được vinh dự tiếp cận, giao lưu với rất nhiều nhà khoa học, nhà công tác xã hội, gặp gỡ các nhà quản lý ở trung ương và địa phương….đang tích cực hoạt động trên lĩnh vực xã hội về công tác phụ nữ, trẻ em, dân tộc thiểu số và miền núi, lĩnh vực văn hóa cũng như các lĩnh vực khác…
Là một sinh viên ngành Quản lý Văn hóa em thực sự cảm thấy thích thú và được truyền cảm hứng cho bản thân thông qua Hội thảo Khoa học Quốc gia “Rà soát, xác định vấn đề xã hội cấp thiết với phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi; khuyến nghị, đề xuất nội dung, giải pháp vận động hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số giai đoạn tiếp theo – khu vực phía Nam” Hội thảo được tổ chức bởi Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam trực thuộc Trung ương Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam vào lúc 08h00 ngày 12/09/2024 (thứ 5) tại Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh (Số 620 Đỗ Xuân Hợp, phường Phước Bình, Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh). Về dự Hội thảo có Bà Nguyễn Thị Thu Hiền Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, ThS. Nguyễn Thị Thu Hương Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, Giám đốc Phân hiệu, Đồng chí Lò Thị Thu Thủy, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Dân tộc Tôn giáo, Hội LHPN Việt Nam, PGS.TS. Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, GS. TS. Vũ Gia Hiền, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Khoa học công nghệ TP. Hồ Chí Minh và các đại biểu đến từ nhiều trường Đại học, viện nghiên cứu trong nước; đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh, các Sở, Ban, ngành thuộc khu vực phía Nam (địa bàn của dự án 8)…
Tham dự Hội thảo, ngay từ đầu em đã cảm nhận được sự chu đáo, tận tình của các anh chị hướng dẫn, giúp em không bị bỡ ngỡ và có cơ hội tham dự rất tốt trong suốt quá trình dự Hội Thảo. Không gian phòng tổ chức Hội thảo rộng rãi, mát mẻ và sạch sẽ, bàn ghế được sắp xếp ngay ngắn trang nghiêm, có bàn dành riêng cho trủ trì Hội Thảo, cách bố trí sắp xếp bàn ghế rất logic và ngay ngắn, tài liệu Hội thảo gần 500 trang với gần 40 bài nghiên cứu có hàm lượng khoa học và giá trị thực tiễn cao được tuyển chọn từ trên 70 bài viết gửi về Hội thảo) được cung cấp qua quét mã QR rất thuận tiện cho việc tập trung vào quá trình tham dự, góp ý kiến cho Hội thảo.
Hội thảo có 2 phiên, em tham gia phiên Hội thảo thứ nhất có chủ đề Kết quả triển khai Dự án 8 tại khu vực phía Nam giai đoạn 2022-2024, bài học kinh nghiệm và khuyến nghị, đề xuất và dành nhiều sự quan tâm về chủ đề rất thú vị này.
Tại phiên này em được nghe trình bày các bài chia sẻ: Thực trạng và giải pháp thành lập, vận hành CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi tại Trường do Ông Ngô Vân – Tổng Phụ trách Đội, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng trình bày. Hoạt động phối hợp của Hội LHPN các cấp trong việc vận động, phát huy tiếng nói, sự ảnh hưởng của người có uy tín trong tuyên truyền thay đổi nếp nghĩ, cách làm vùng đồng bào DTTS do Bà Trương Thị Tuyết Như – Trưởng ban Tuyên giáo Chính sách pháp luật, Hội LHPN tỉnh An Giang trình bày. Cơ hội, thách thức, thuận lợi, khó khăn trong việc triển khai dự án 8 tại tỉnh Trà Vinh và trong tiếp cận các dịch vụ liên quan tại các cơ sở giáo dục do Bà Bùi Thị Rảnh – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục tỉnh Trà Vinh trình bày. Khó khăn, thách thức trong nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho phụ nữ dân tộc thiểu số ở huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước do Bà Doanh Thị Thoa – Chủ tịch Hội LHPN xã Đák Nhau, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước trình bày.
Và đặc biệt vào giờ giải lao các nhà khoa học, các thầy cô giao lưu chụp ảnh lưu niệm cùng với đó là ăn nhẹ giữa buổi, trong khoảng thời gian này em được gặp gỡ và chụp ảnh cùng với thầy GS.TS Vũ Gia Hiền.
Tại đây TS. Phạm Văn Luân trao đổi, trò chuyện về chuyên đề cùng với GS.TS Vũ Gia Hiền. Từ cuộc trò chuyện của hai thầy giúp em có những hiểu biết về lĩnh vực văn hóa cũng như những kiến thức nền tảng giúp em phát triển bản thân, em cũng được học hỏi nhiều điều từ hai thầy.
Tại đây em còn được gặp gỡ NCS Nguyễn Thị Huỳnh Giao, GV trường ĐH Nguyễn Tất Thành, nhìn chị rất trẻ nhưng về sự nghiệp học vấn của chị em thật sự rất ngưỡng mộ, chị cũng giao lưu trò chuyện cùng với hai thầy.
Tiếp theo phần giao lưu chụp ảnh tại đây em đã được gặp gỡ các cô chú hiện đang là những nhà khoa học, là những nhà nghiên cứu trong lĩnh vực về văn hóa, tôn giáo. Các cô chú vui vẻ, nhiệt tình chia sẻ những kiến thức khoa học nhưng cũng đầy thực tiễn giúp em am hiểu nhiều hơn về lĩnh vực mà em đang theo học và giúp em có thêm nhiều kiến thức thực tiễn để phát triển trong tương lai
Sau giải lao và tiếp tục cuộc Hội thảo, y các nhà khoa học đưa ra ý kiến trình lên Hội thảo, tại đây em được nghe ý kiến của bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Phước chỉ ra rất hay đó là: “Hầu hết phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số chưa được tự tin, còn e dè, việc quan tâm đến các trẻ em học sinh đặc biệt là nữ giới thì cần chú trọng nhiều hơn để tạo sân chơi lành mạnh cho các em, giao lưu văn hóa, tự tin trước đám đông để khẳng định mình cũng như là góp phần trong việc bình đẳng giới hiện nay. Tại Hội thảo, TS.Dương Hoàng Lộc, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Tôn giáo và Đạo Đức, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phát biểu nhấn mạnh: “Việc hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số cần quan tâm nhiều hơn đến vấn đề văn hóa và tôn giáo của người dân Nam Bộ. Từ đó mới góp phần có những chính sách hỗ trợ phù hợp, các chính sách đưa ra phải thực sự nâng cao đời sống kinh tế, xã hội của nhân dân, giúp bà con vùng dân tộc thiểu số tiếp cận với văn minh hiện nay sẽ góp phần giải quyết các vướng mắc”, ngoài ra còn nhiều ý kiến khác nhau đến từ nhiều đơn vị khác.
Kết thúc phiên thứ nhất em cùng với các thầy cô dùng cơm trưa do BTC chuẩn bị, trong bữa ăn em cũng được học rất nhiều thứ từ các thầy cô chia sẻ, giới thiệu về những dự án sắp tới trong tương lai, góp phần làm động lực để em tiếp tục quan tâm và tham gia nhiều hơn các cơ hội do Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức như Hội thảo lần này.
Sau cùng, em xin chân thành cảm ơn các nhà nghiên cứu, các chuyên gia đã đến chia sẻ cho em những kiến thức bổ ích, cảm ơn Ban tổ chức chương trình đã tổ chức Hội thảo Khoa học có ý nghĩa rất lớn, là một trong những hoạt động quan trọng nằm trong khuôn khổ dự án 8 thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào Dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030
Trong phiên làm việc chiều ngày 12/9 của Hội thảo, TS. Phạm Văn Luân đã có buổi trao đổi, giới thiệu dự án “Truyền dạy đạo lý qua nói thơ Vân Tiên” và tặng sách Lục Vân Tiên song ngữ Việt – Hàn cho bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, Giám đốc Phân hiệu Phụ nữ Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh
Lần đầu tiên được trải nghiệm một hoạt động học thuật lớn, một Hội thảo Khoa học Quốc gia, em có nhiều ấn tượng tốt đẹp và tích cực, em hi vọng sẽ có cơ hội tham gia những chương trình có ý nghĩa như thế này nữa trong thời gian sắp tới.
Hải Đăng