Tin Tức & Sự Kiện
Những trải nghiệm quý giá từ dự án “Ẩm thực thời chiến” (Food in war) và “Cocodesign”

Những trải nghiệm quý giá từ dự án “Ẩm thực thời chiến” (Food in war) và “Cocodesign”

Đầu tiên, em là Trần Thanh Toàn – sinh viên năm hai, trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, xin được gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc đến TS. Phạm Văn Luân – giảng viên trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh. Nhờ thầy đã nhiệt tình hỗ trợ, giúp đỡ, kết nối em với 02 dự án quốc tế để em được tiếp thu sâu sắc và thực tiễn nhất nhiều kiến thức, kỹ năng, góp phần nâng cao nhận thức cho bản thân em và trao cho em nhiều mối quan hệ học thuật để có thể chia sẻ cho bạn bè. Từ đó đã mở ra một trang mới, giúp em tham gia, mở rộng kiến thức học hỏi từ mọi người để chia sẻ, đóng góp cho cộng đồng. Tiếp theo, em xin chân thành cảm ơn trường Đại học Sydney, Viện Sydney Việt Nam (SVI) và trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp triển khai thực hiện hai dự án này, tạo môi trường cho các thế hệ sinh viên trẻ như em và các sinh viên được tham gia, học hỏi, góp sức trẻ của mình vào dự án.

Hình 01: Buổi tập huấn đầu tiên cùng chuyên gia, giảng viên và các bạn sinh viên
Nguồn: Nguyễn Thị Hồng Chi – Ngày 26/6/2024

Em xin gửi lời cảm ơn đến cô Jane Gavan, cô Phạm Lan Hương, cô Nguyễn Thị Hồng Chi, thầy Nguyễn Thanh Hải và các anh chị cán bộ Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh đã chia sẻ cho chúng em nhiều kiến thức giá trị, nhiều kỹ năng chuyên sâu và những trải nghiệm thực tế đầy bổ ích trong suốt quá trình tham gia hai dự án. Em rất mong có cơ hội học hỏi và hợp tác cùng với cô Jane Gavan trong tương lai và hy vọng sẽ gặp lại cô tại Thành phố Hồ Chí Minh trong lần tới cô đến thăm Việt Nam.

Trong hai dự án này, em được tập huấn kỹ lưỡng từ khóa học mang tên là “Trường Hè” (chữ dùng của chuyên gia Jane Gavan). Lớp tập huấn được sự huấn tập của TS. Jane Gavan – Nguyên Phó Trưởng khoa Giáo dục Nghệ thuật Thị giác, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Sydney, Đại học Sydney, Chuyên gia viện Sydney Việt Nam – điểm nhấn đặc biệt từ chuyên gia Jane Gavan mà em cảm nhận được ngay từ đầu là tâm huyết với Dừa – Bến Tre và sự sáng tạo trong cô, cùng các cộng sự năng động và tâm huyết là giảng viên của trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh như TS. Phạm Lan Hương – giảng viên Khoa Di sản, cùng các giảng viên Khoa Truyền thông là Ths. Nguyễn Thị Hồng Chi và Ths. Nguyễn Thanh Hải phụ trách sinh viên tham gia tập huấn của dự án và các cán bộ ở Bảo tàng. Chương trình tập huấn của dự án được diễn ra tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh – Dinh Gia Long cũ, số 114, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Lớp tập huấn đã quy tụ 31 bạn trẻ là sinh viên của trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đến từ mọi miền của tổ quốc với sức trẻ, niềm đam mê học tập, nghiên cứu, rèn luyện vì sự phát triển của bản thân và quê hương. Tôi nghĩ không chỉ riêng tôi, mà tất cả các bạn sinh viên tham gia hai dự án này sẽ cảm thấy rất vinh hạnh, rất tự hào vì đã đóng góp một phần trí lực cho dự án. Bởi đây là Dự án rất đặc biệt vì có sự đồng phối hợp của nhiều đơn vị và còn là dự án đầu tiên, chưa có tiền lệ trước đây, được xây dựng và triển khai với sự tham gia của các bên lên quan về học thuật, bảo tàng và cả cộng đồng.

Lần đầu tiên dự án được triển khai đã đặt ra nhiều thách thức cho những “nhà nghiên cứu trẻ” (chữ dùng của TS. Jane Gavan) như chúng tôi và làm tôi hoài nghi: – Liệu tôi có tham gia được các hoạt động của Dự án không? Sau khi đã trải qua khóa tập huấn từ cô Jane Gavan và cộng sự, tôi đã bị thuyết phục hoàn toàn từ Dự án này. Trong suốt khóa tập huấn, tôi đã được trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng cần thiết phục vụ dự án, đã có những trải nghiệm thực tế như tham quan bảo tàng, cọ xát thực tế từ các cuộc phỏng vấn sâu để thu thập dữ liệu… Thông qua các hình thức học tập đa dạng như làm việc nhóm, đặt câu hỏi, cách truyền đạt, huấn luyện đầy nhiệt huyết của cô Jane Gavan đã tiếp thêm động lực cho tôi hoàn thành khóa tập huấn cho dự án tưởng chừng không thể thực hiện được..

Những kỹ năng cần thiết như cách tiếp cận cộng đồng; cách đặt câu hỏi phỏng vấn; cách khơi gợi câu chuyện và ghi chú; chụp ảnh;… và các kiến thức về nguồn gốc thiết kế nên Dự án, phẩm chất đạo đức và liêm chính cần có trong quá trình phỏng vấn…. Tất cả, tôi đã được học tập và trải nghiệm trong khóa tập huấn này. Sau khóa tập huấn, nhóm sinh viên chúng tôi bắt đầu vào nhiệm vụ như một “nhà báo công dân” là thu thập tiền kỳ dữ liệu, câu chuyện văn hóa về Dừa và ẩm thực trong thời chiến giai đoạn 1954 – 1975 qua hình thức phỏng vấn sâu.

Hình 02: Chuyên gia, giảng viên và sinh viên tham gia lớp khóa tập huấn –
Nguồn: Nguyễn Thị Hồng Chi, Ngày 26/6/2024

Là một sinh viên ngành Quản lý Văn hóa tôi thực sự cảm thấy thích thú và được truyền cảm hứng cho bản thân thông qua hai dự án: “Ẩm thực thời chiến (Food in war)” và “Cocodesign: Văn hóa, Cộng đồng và Đổi mới (CoCoDesign: Cultures, Communities, and Innovations)”. Hai dự án này là sản phẩm hợp tác thực hiện giữa các đơn vị với nhau. Đối với dự án “Ẩm thực thời chiến” là sự hợp tác của 03 đơn vị Viện Đại học Sydney Việt Nam; trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh và Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Nội dung của Dự án tập trung tìm hiểu, giới thiệu đặc điểm và những câu chuyện ẩm thực của con người trong thời kỳ chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 1954 – 1975. Mục đích của dự án là góp phần mang lại những hiểu biết mới mẻ và một góc nhìn khác về chiến tranh. Còn với dự án “Cocodesign: Văn hóa, Cộng đồng và Đổi mới (CoCoDesign: Cultures, Communities, and Innovations)” ra đời với sứ mệnh góp phần mang lại những đổi mới và ứng dụng văn hóa từ Dừa trong đời sống hiện nay thông qua việc tập trung nghiên cứu, giới thiệu giá trị và những câu chuyện văn hóa của cây Dừa ở miền Nam Việt Nam. Dự án này cũng được hợp tác thực hiện giữa 03 đơn vị Viện Đại học Sydney Việt Nam; trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh và Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh.

Hình 03: Cô Jane Gavan, Cô Phạm Lan Hương và thầy Phạm Văn Luân trong một hoạt động chuẩn bị cho hai Dự án từ tháng 8/2023. Nguồn: Tư liệu

Với hai dự án này, TS. Jane Gavan kỳ vọng sẽ mang lại cho Bảo tàng sự năng động, phát huy giá trị thiết chế Bảo tàng, thu hút nhiều đối tượng đến với Bảo tàng bằng những ý tưởng, giải pháp trưng bày với nhiều góc nhìn trẻ từ nhóm sinh viên chúng tôi. Đồng thời thông qua hai dự án, sinh viên chúng tôi sẽ tô đậm hơn dấu ấn cá nhân trong từng sản phẩm sáng tạo từ quá trình tham gia lớp tập huấn cũng như là việc thực hiện phỏng vấn sâu cộng đồng.

Sau một thời gian, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của mình trong dự án với tư cách một “nhà nghiên cứu” đã thực hiện được các cuộc phỏng vấn sâu những người dân trong cộng đồng. Tôi đã ứng dụng được những kiến thức và kỹ năng mà TS. Jane Gavan và các cộng sự tập huấn cho cuộc phỏng vấn sâu cộng đồng của mình. Trong đó, để làm cơ sở dữ liệu cho dự án cũng như đảm bảo quyền hạn cho người trả lời phỏng vấn, trong quá trình trang bị kiến thức và kỹ năng cho dự án, Ban tổ chức dự án đã cung cấp cho nhóm sinh viên chúng tôi mẫu “Bản đồng thuận tham gia dự án”. Trong mẫu này, có những nội dung về dự án, thông tin cá nhân cơ bản và quyền hạn của hai bên…. Chúng tôi phải đề nghị người trả lời phỏng vấn đồng ý và cung cấp những hạng mục thông tin có trong mẫu này trước khi thực hiện cuộc phỏng vấn. Bước cuối cùng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ là nhóm sinh viên chúng tôi xử lí dữ liệu đã thu thập được theo mẫu dự án cung cấp

Nhiều kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm đã được tích lũy trong quá trình thực hiện hai dự án, nhóm sinh viên chúng tôi đã được nhận lời cảm ơn chân thành đến từ TS. Jane Gavan như sau: “Tôi xin chân thành cảm ơn bạn vì sự nỗ lực và cống hiến xuất sắc trong suốt kỳ thực tập Dự án CoCoDesign và Food in War vào tháng 7 năm 2024. Những đóng góp của bạn, từ việc nghiên cứu tỉ mỉ đến sự tham gia sâu sắc với các cộng đồng địa phương, đã giúp dự án tiến xa hơn trong việc đạt được các mục tiêu đề ra”. Cô chia sẻ tiếp: “Tôi rất vui khi được chứng kiến sự phát triển và tiến bộ của bạn trong suốt kỳ thực tập, và tôi vô cùng trân trọng sự cam kết của bạn trong việc bảo tồn và ghi chép di sản văn hóa. Sự siêng năng, chuyên nghiệp và nhạy bén về văn hóa của bạn không chỉ góp phần to lớn cho dự án mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự nghiệp tương lai của bạn”. Ngoài ra, nhóm sinh viên chúng tôi còn được gửi chứng chỉ hoàn thành dự án từ TS. Jane Gavan – Nguyên Phó Trưởng khoa Giáo dục Nghệ thuật Thị giác, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Sydney, Đại học Sydney, Chuyên gia viện Sydney Việt Nam. Tôi đã được vinh dự trao tặng chứng chỉ quốc tế từ người thầy đã dẫn dắt, động viên tôi tham gia dự án là TS. Phạm Văn Luân.

Sau quá trình tham gia Dự án với nhiều trải nghiệm quý giá, tôi tự đúc rút được 03 chữ “E”. Chữ “E” thứ nhất là Education (giáo dục), tôi đã được giáo dục về các phương pháp tiếp cận người dân để phỏng vấn, phương pháp phỏng vấn, cách thiết kế nội dung phỏng vấn … những kiến thức và kỹ năng cần thiết không chỉ cho dự án mà còn cho cả công trình nghiên cứu khoa học trong tương lai. Đây sẽ là hành trang cho tôi mang theo trong suốt quá trình học tập, nghiên cứu ở giảng đường Đại học, là tiền đề cho những đề tài khoa học của mình sau này..

Ngoài ra, Dự án còn đem đến cho tôi những kiến thức mới về ẩm thực trong chiến tranh, những hi sinh mất mát của người dân Việt Nam trong chiến tranh; hiểu thêm được những cách thức mà người chiến sĩ cách mạng mạng vượt qua những khó khăn về chuyện ăn uống để chiến đấu, những câu chuyện văn hóa về Dừa và xứ Dừa Bến Tre (nơi cô Jane đã dành tâm huyết qua nhiều chuyến thực địa, điền dã), biết nhiều hơn về những công dụng của Dừa trong các lĩnh vực đời sống, hiểu được thêm về chất lượng của các sản phẩm từ thiên nhiên như Dừa…

Hình 08: Cô Jane trong một chuyến điền dã ở Bến Tre, tháng 9/2023 – Nguồn: STT Bến Tre

Hình 08: Cô Jane Gavan và thầy Phạm Văn Luân tại Lễ ra mắt Viện Sydney Việt Nam, Nguồn: Tư liệu; Ngày: 21/06/2024

Khi được mở rộng kiến thức về chủ đề ẩm thực trong thời chiến, ngoài cảm nhận được sự thiếu thốn, cơ cực trong từng bữa ăn thời chiến, nhưng không phải lo nghĩ về độ an toàn thực phẩm, độ sạch. Khác với ngày nay, độ an toàn của thực phẩm trong bữa ăn đã không còn như xưa: tuy ẩm thực hiện nay đa dạng, dễ có được thức ăn ngon hơn xưa nhưng chúng ta luôn quan ngại tình trạng chất bảo quản, hóa chất độc hại… đe dọa cuộc sống của con người ngay trong thời bình! Tham gia các hoạt động của 2 Dự án, tôi càng cảm nhận được: – Ẩm thực thời chiến tuy nghèo ngàn, không đa dạng nhưng giàu tính nhân văn, tuy bữa cơm còn đạm bạc, có khi thay cơm bằng đòn bánh tét, củ khoai… nhưng độ an toàn thực phẩm được đảm bảo. Chính vì vậy, với các chiến sĩ, bộ đội, người dân phục vụ cách mạng, ẩm thực không chỉ để chống đói, mà còn để chống giặc, bảo vệ đất nước.

Một điều nữa tôi học được khi trực tiếp đến với cộng đồng thực hiện dự án, có những giá trị tinh thần như các câu chuyện văn hóa về Dừa, về ẩm thực thời chiến tranh nói riêng và câu chuyện về văn hóa Dừa từ nhiều góc nhìn nói chung… tất cả tuy chỉ được truyền miệng, lưu giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác, nhưng vẫn giữ được nét đặc sắc của văn hóa Dừa từ đối tượng được nhắc trong từng câu chuyện, ký ức….

Là một người trẻ, tôi thấy rằng hai dự án này ra đời là rất cần thiết khi lưu giữ, tiếp nối những giá trị văn hóa tinh thần và vật chất đó. Có những câu chuyện, những ký ức lịch sử và những món đồ vật trở thành chứng nhân lịch sử, là điều mà nhân vật luôn đau đáu khi nhớ về… Đáng tiếc, đa số các bạn trẻ ngày nay lại thờ ơ, không xem trọng, phớt lờ những điều rất đáng được nâng niu, gìn giữ ấy. Theo tôi, thực trạng này cần sớm được quan tâm cải thiện, chúng ta phải làm sao gìn giữ hồn cốt văn hóa dân tộc, thể hiện sự tôn trọng những giá trị văn hóa – lịch sử ở từng cộng đồng từ những câu chuyện, những ký ức lịch sử đã đem lại cuộc sống cho chúng ta hôm nay… Chữ “E” thứ hai là “Enrich” (làm giàu), tôi giàu về kiến thức, về kỹ năng, về mối quan hệ,….Thể hiện ở quá trình mà tôi học hỏi, tiếp thu và hoàn thành nhiệm vụ của hai dự án, đặc biệt thể hiện ở giấy chứng nhận hoàn thành nhiệm vụ dự án được gửi từ cô Jane Gavan. Và chữ “E” thứ ba là “Entertainment” (giải trí), tôi được giao lưu, nói chuyện với các bạn mới, những người thầy cô mới, nghe được những câu chuyện văn hóa về Dừa, về Bến Tre và ẩm thực trong chiến tranh thật thú vị. Càng chiêm nghiệm về dự án, tôi thấy được điều cần cải thiện ở các Bảo tàng Việt Nam là hiện chỉ mới dừng lại ở việc truyền tải thông điệp một chiều, thiếu gợi mở những không gian tương tác, những ký ức lịch sử từ hiện vật.

Ví dụ như Bảo tàng Chiến tích chiến tranh, hiện nay hầu như đa phần trưng bày những dấu tích của thời binh lửa, không có những thông điệp hướng đến tương lai tốt đẹp, giá trị của hòa bình như thế nào… Khi du khách đến chỉ thấy hiện hữu trước mắt nỗi đau thương, mất mát của chiến tranh – tên của bảo tàng đã một phần thể hiện một ký ức lịch sử đã đi vào quá khứ, không tiếp cận, chuyển tải mạnh mẽ thông điệp trong bối cảnh mới là phải yêu quý hòa bình như mục đích tót đẹp khi lưu giữ những chứng tích đó…

Được biết, từ hiệu ứng Dự án này, trong tháng 7/2024 Bà Tổng lãnh sự và Quyền Lãnh sự (Kinh tế) Tổng lãnh sự quán Australian tại Tp. Hồ Chí Minh đã có 2 cuộc gặp làm việc với TS. Phạm Văn Luân và Chủ tịch Hiệp Hội Dừa Việt Nam, Tổng thư ký Ban Liên lạc Đồng hương Bến Tre tại Thành phố Hồ Chí Minh để chuẩn bị cho 1 chuyến công tác đến Bến Trec nhằm thúc đẩy hợp tác, phát triển các cộng đồng Dừa Bến Tre.

Hình 09: Các thành viên trong cuộc làm việc ngày 26/7/2024với bà Tổng Lãnh sự Australian (thứ 3 từ phải). Nguồn: Ban LLĐH BT
Hình 10: TS. Phạm Văn Luân tặng sách Lục Vân Tiêng song ngữ Việt – Hàn cho Bà Sarah Hooper- Tổng Lãnh sự  Australian. Nguồn: Ban LLĐH BT
Hình 11: TS. Phạm Văn Luân tặng Tạp chí Văn hóa & Nguồn lực cho bà Jessica Stevens Quyền Lãnh sự  Australian (Kinh tế) trong cuộc làm việc ngày 26/7/2024. Nguồn: Ban LLĐH BT
Hình 12: TS. Phạm Văn Luân và Bà Sarah Hooper- Tổng Lãnh sự  Australian Tạo Khu Du lịch Suối Tiên ngày 6/7/2024. Nguồn: TL.

Trần Thanh Toàn