Tin Tức & Sự Kiện
Giới thiệu tiểu phẩm đầu tiên của Hội thi P.141 “Thầy ơi! Em đã sai … hai lần”

Giới thiệu tiểu phẩm đầu tiên của Hội thi P.141 “Thầy ơi! Em đã sai … hai lần”

5

NỘI DUNG BÀI DỰ THI: file word (kịch bản tiểu phẩm); dự kiến sẽ thực hiện băng hình Tiểu phẩm gửi dự thi.
I- Nội dung khái quát:
Tiểu phẩm xoay quanh vấn đề chấp hành nội quy nề nếp và đạo đức sống liêm chính của học sinh hiện nay. Thông điệp chính từ tiểu phẩm này, làm nổi bật lên giá trị đạo đức của mỗi lần lầm lỡ, lún sâu vào sai lầm dẫn đến tự đánh mất mình.
Qua tiểu phẩm, bài học dành cho Nam – nhân vật chính của câu chuyện và cho tất cả HS nói chung những thôi thúc nghĩ suy và hành động nhằm tạo ra môi trường rèn luyện, dạy dỗ cho người xem (HS, thanh thiếu niên nói chung) kỹ năng thực hành tiết kiệm và tu dưỡng đạo đức, biết sống liêm chính ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường của người học sinh nói riêng và tất cả chúng ta nói chung.
II- Ý tưởng:
– Góp phần tích cực và cụ thể vào việc thực hành tiết kiệm về vật chất và thời gian. Phản ánh sự xuống cấp về đạo đức của một bộ phận học sinh, giúp chúng ta kịp thời chấn chỉnh để giữ gìn bản sắc văn hóa, nhân văn, lối sống liêm khiết, chính trực của người Việt Nam.
– Tái tạo niềm tin vào sức mạnh và giá trị đích thực của giáo dục, niềm tin vào công lý, vào những giá trị sống liêm chính, cao đẹp cho mọi học sinh.
– Tìm kiếm sự trung thực, minh bạch giữa đời thực là một hành trình dài và đầy thách thức. Qua vở kịch, chúng ta sẽ thấy rõ hơn cảm nhận, những giọt nước mắt hối hận muộn màng của Nam và những bài học thực tế giàu ý nghĩa nhân văn.
III- Tổ chức thực hiện:
– Sử dụng diễn viên học sinh.
– Sân khấu, bàn ghế học sinh. 6 phần quà dành cho 6 HS có câu trả lời, giải quyết tình huống hay nhất đặt ra từ tiểu phẩm sẽ được dẫn chương trình mời nhận ngay sau khi trả lời và ý kiến quyết định của GV cùng tham dự.
– Thời lượng kịch bản 30 phút. + 15’ tương tác rút ra bài học và giao lưu với HS – GV (mời GV môn GDCD làm chuyên gia tư vấn cho các câu trả lời và quyết định việc trao giải thưởng)
Nhón thực hiện:
Vai thầy Khánh: ……
Vai cô Chi: …………
Vai Nam: …………..
Vai Ngân: ………….
Người dẫn chuyện: ……….
Khoảng 10 HS khác trong vai thành viên lớp 10G kiêm phục vụ hậu trường.

(Ảnh chỉ có tính chất minh họa)

* Gợi ý lời dẫn:
Đối với tôi, giảng dạy là một nghề nghiệp tuyệt vời có thể sánh ngang với bất kì loại hình nghệ thuật nào trên thế gian này. Tôi thực sự ấn tượng với nhận xét: “Mỗi người giáo viên có hai nhiệm vụ: truyền đạt kiến thức cho học trò mình và định hướng cho học sinh cách sử dụng kiến thức ấy sao cho phù hợp.”, theo tôi sự định hướng đó có thể là quá trình rèn luyện những giá trị sống đích thực: Sống liêm chính, sống có đạo đức!
Tôi chợt nghĩ lại và nhận ra rằng quan niệm về nghề giáo không chỉ thực hiện nhiệm vụ truyền đạt kiến thức từ thầy sang trò mà sự định hướng cho học sinh có nhận thức đúng, có hành động đúng những gì được học và ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống – đó là điều vô cùng cần thiết.
 Là người Thầy, chúng ta ý thức được rằng nhiệm vụ truyền đạt kiến thức từ thầy sang trò được xem như nghĩa vụ quan trọng hàng đầu của những ai đứng trên bục giảng, và những giáo viên lấy làm tự hào vì điều đó. Chẳng phải quá trình giảng dạy thật kì diệu đó sao, khi mà từng công thức, từng lời thơ… được khéo léo dẫn dắt qua những con đường ngôn ngữ tinh tế và cuối cùng đi sâu vào những mái đầu non nớt của học trò… Quả thực, đây là một quá trình đòi hỏi ở người thầy sự vận dụng của tất thảy những đức tính tốt đẹp nhất: sự nhẫn nại, tình yêu thương, lòng bao dung, sự nhiệt tình,… Tóm lại, mỗi “mảnh kiến thức” được truyền tải đến học sinh là một thành công về nhiều mặt của những giáo viên và nếu bạn là một giáo viên, hãy xem đây là điều đáng để tự hào nhất trong sự nghiệp giảng dạy của mình.
Câu chuyện dưới đây ở lớp tôi dạy đã nhiều năm trôi qua luôn làm cho niềm tự hào chính đáng của tôi thức dậy…

Kịch bản Tiểu phẩm  THẦY ƠI! EM ĐÃ SAI … HAI LẦN!

1- Bối cảnh 1:
– Màu chủ đạo: Nội – Sáng.
– Cảnh 1: TRONG PHÒNG HỌC – TRƯỚC GIỜ HỌC.
Hoàn cảnh diễn ra: Mười lăm phút đầu giờ, giáo viên phụ trách ĐTN (Thầy Khánh) đi kiểm tra nề nếp các lớp. Khi đi gần đến cửa lớp 10G, từ hành lang thầy Khánh đã nhìn thấy Nam (một học sinh trong lớp 10G) sử dụng điện thoại di động để nhắn tin (điều này là vi phạm nội quy nhà trường của trường THPT X). Từ hành lang, thầy Khánh không rời mắt khỏi Nam đến khi vào đến bàn giáo viên. Trong lúc thầy Khánh vào, do ngồi bàn cuối nên Nam nhanh tay lén vứt điện thoại vào sọt rác và thọc tay vào túi lấy 1000 đồng tráo thay điện thoại.
– Động:
+ Cả lớp đang nói chuyện xôn xao xen lẫn tiếng cảnh báo “Thầy Khánh kìa! Thầy Khánh tới kìa! Im – im!”. Cả lớp im phăng phắc!
+ Thầy Khánh: Nam, em lên đây thầy bảo!
+ Nam: Dạ! (Lúi cúi sọt dép vào rồi bình thản bước lên, vừa đi vừa cầm 1000đ xếp xếp, uốn uốn giả ngây)!
+ Thầy Khánh: Cái điện thoại lúc nảy em sử dụng đâu rồi?!
+ Nam: (giả ngơ ngác!) điện thoại gì thầy???!!!
+ Thầy Khánh: Thầy hỏi lại một lần nữa: Cái điện thoại lúc nảy em sử dụng đâu rồi?!
+ Nam: Em có biết gì đâu ạ!? Em cầm 1000 đồng xếp chơi mà!
+ Thầy Khánh: (Tỏ vẻ bực tức trước thái độ cố tình gian dối của học sinh mình nhưng cố kìm nén) Em khẳng định là em không có sử dụng điện thoại đúng không???
+ Nam: …… dạ! (Nhưng hơi nhỏ giọng – nhát gừng).
+ Thầy Khánh (quay xuống lớp): Lớp trưởng đâu?
+ Ngân (lớp trưởng): dạ! Có em!
+ Thầy Khánh: Bí thư đâu?
+ Trinh (bí thư): dạ có!
+ Thầy Khánh: Lớp trưởng, bí thư và cả tập thể lớp chúng ta hãy chứng kiến vụ việc này! Giải quyết xong tôi lập biên bản sau. (Nói xong, thầy Khánh quay sang Nam)
+ Thầy Khánh: Tôi hỏi lại một lần nữa: Cái điện thoại lúc nảy em sử dụng đâu rồi?!??!!!
+ Nam: (cao giọng): đã nói không có sử dụng mà hỏi hoài.
+ Thầy Khánh: (đứng dậy – chống nạnh) Nếu tôi điều tra ra và xét ra cái điện thoại của em, em tính sao?
+ Nam: Tính sao tùy!
+ Thầy Khánh: (hạ giọng, gọi chân tình) Nam! em ngoan cố lắm! Đúng ra thầy không xử lý nặng những tình huống sử dụng điện thoại. Thầy chỉ nhắc nhở thôi, nhưng … (nghẹn ngào) thầy buồn em quá! Buộc thầy phải xử lý để em và các bạn khác rút kinh nghiệm. Thứ nhất: vi phạm nội quy nhà trường là sử dụng điện thoại trong lớp học. Thứ hai: em có hành vi phi tang, gian dối không thành khẩn nhận khuyết điểm. (Vừa nói, Thầy Khánh vừa đi xuống cuối lớp cúi người tìm điện thoại và … tìm hồi lâu, thầy thấy nó trong sọt rác).
+ Thầy Khánh: (thầy Khánh giơ cao điện thoại cho cả lớp xem và đưa hướng về Nam) Giờ tính sao Nam?
+ Nam: Dạ em biết lỗi rồi! (nói nhỏ lí nhí trong miệng)
+ Thầy Khánh: (nghẹn ngào – đỏ mặt): Mời em xuống văn phòng và mời đại diện tập thể lớp là lớp trưởng cùng đi.
* Phần tương tác –  dự kiến 2 câu hỏi cho HS trực tiếp trả lời, từ đó rút ra bài học
Câu hỏi 1:- Theo bạn diễn tiến tiếp theo sẽ như thế nào? Lý giải?
Câu hỏi 2: – Nếu bạn là Nam, hãy nêu cách giải quyết của mình?
Cả lớp tranh luận trong 5’

2- Bối cảnh 2: (trong lúc chuyển cảnh thì lời thoại ngắn diễn ra) Thầy Khánh đi ngang phòng giáo viên, tiện đường nên mời đột xuất GVCN 10G dự họp.
  + Thầy Khánh: Cô Chi ơi! Mời cô dự họp đột xuất tí xíu nha cô!
  + Cô Chi: Có việc gì không thầy Khánh?
  + Thầy Khánh: À! Vụ học sinh lớp 10G vi phạm nội quy, cần phối hợp GVCN xử lý đó mà!
  + Cô Chi: họp ở đâu vậy thầy?
  + Thầy Khánh: Văn phòng Đoàn nhé cô!
  + Cô Chi: Rồi! Tôi qua liền!

Màu chủ đạo: Nội – Sáng.

– Cảnh 2: TRONG VĂN PHÒNG ĐOÀN.
  + Thầy Khánh: Mời cô Chi ngồi! em Ngân ngồi đây, Nam đứng kia!
  + Thầy Khánh: Nam, em trình bày đi!
  + Nam: (Khóc khúc khíc, hic hic) Dạ em biết lỗi rồi!
  + Cô Chi: Lỗi gì?! Em trình bày cho rõ xem nào!
  + Nam: Dạ! em sử dụng điện thoại.
  + Thầy Khánh: chỉ có vậy thôi à?
  + Nam: dạ… ! dạ … em … e…m ! Em nói dối thầy!
  + Cô Chi: (Thở dài) Mẹ cho tiền chi tiêu việc học, em dùng vào những việc vô bổ không hà! Chơi game, sử dụng điện thoại …! Nhắc hoài các giờ SHL, giờ cũng vậy. Nhà thì khó khăn, em nên tiết kiệm để tập trung cho việc học chứ. Em sử dụng vậy là lãng phí, ảnh hưởng và chi phối việc học, vi phạm nội quy và giờ nghiêm trọng hơn nữa là nói dối với thầy. Cô thật sự buồn em quá!
  + Nam: (hix hix) Thưa thầy! (hix hix) Thưa cô! Cho em xin lỗi! (hu hu hic) Trong lúc bồng bột muốn che giấu khuyết điểm, em đã cố tình đánh mất mình. Xin thầy cô tha lỗi, mai mốt (hic hic hu) hỏng dám vậy nữa!
  + Ngân: Thầy cô ơi! Bạn Nam biết lỗi rồi! Mong thầy cô xem xét nhẹ nhẹ cho bạn ấy!
+ Thầy Khánh: Nam nè! Lúc nảy thầy thật sự rất giận em! Thầy làm tới nơi tới chốn, điều tra ra cái điện thoại em mới chịu hối lỗi. Giờ có lỗi gì, em nói thầy cô với bạn nghe coi!
+ Nam: Dạ! Thầy cô cho em xin lỗi!
  Thứ nhất: em có lỗi vì chưa biết tiết kiệm.
  + Ngân: (chao mày nhìn Nam, gọi) Nam! Bạn nói gì dạ! Bạn có sao không!
  + Nam: Không, mình không sao! Mình đang rất bình tĩnh! Thưa thầy cô và bạn Ngân! Em không biết tiết kiệm tiền của ba mẹ cho em để chi vào việc học, không biết quý trọng, tiết kiệm thời gian rảnh rỗi để ôn bài, học bài.
  (Nói xong, Nam tiếp!) Thứ hai: giá trị đạo đức của em bị đánh mất trong phút chốc vì em quá nông nỗi! Em đã đánh mất mình! Hi vọng thầy cô và bạn cho em cơ hội được lấy đây làm bài học sâu sắc nhất và em xin hứa không tái phạm từ đây!
  + Ngân (hic hic): Rút khăn giấy lau nước mắt!
+ Thầy Khánh: đây, biên bản vi phạm đây! Em đọc rồi ký vào! Cô Chi và em Ngân cũng ký luôn.
  + Cô Chi: (quay sang thầy Khánh) Vụ này xử sao thầy Khánh?
  + Thầy Khánh: cô chủ nhiệm Nam, giao cho cô xử lý luôn. Bên Đoàn có đề nghị hình thức ghi trong biên bản rồi. Gian dối thì giống như VPKT, hạnh kiểm Yếu ở học kỳ này!
  + Ngân: (vẻ nũng nịu van xin) Thầy! Không xem xét nhẹ cho Nam được hả thầy!
  + Thầy Khánh: Đó là cái giá của một bài học đấy em ạ! Nhưng cái giá của nó kha khá cao! Bạn ấy đã làm, … chịu thôi! (xòe 2 tay sang 2 bên, rún vai).
* Phần tương tác –  dự kiến 2 câu hỏi cho HS trực tiếp trả lời, từ đó rút ra bài học
Câu hỏi 1:- Theo bạn đề nghị của Ngân có nên không? Lý giải?
Câu hỏi 2: – Bạn có liên hệ gì từ những bài học GDCD, lời dạy của thầy cô trong giờ chào cờ, sinh hoạt lớp với “cái giá của bài học” thầy Khánh đề cập?

 3- Bối cảnh 3: BA NĂM SAU – NĂM HỌC CUỐI CẤP CỦA NAM

Tình huống: Nam tìm gặp thầy Khánh xin xác nhận hồ sơ Đoàn viên để dự thi vào quân đội. (thầy Khánh đang ngồi trong VP Đoàn).

Cảnh 3: TRONG VĂN PHÒNG ĐOÀN
+ Nam: Dạ em chào thầy!
+ Thầy Khánh: à! (ngước sang nhìn Nam, bỏ bút xuống nói) Có gì không em!
+ Nam: Dạ! thầy cho em xin xác nhận hồ sơ Đoàn viên, để em đăng ký thi vào quân đội.
+ Thầy Khánh (chau mày): Thi quân đội à! Tốt đấy! vào đấy có cơ hội và điều kiện rèn luyện tốt lắm em ạ!
(nói xong, thầy Khánh chợt nhớ chuyện cũ, thầy quay lại nói tiếp): Ủa! năm lớp 10 em được HK gì?
+ Nam: dạ! HK I em HK Yếu. HK II HK Tốt. Cả năm Cô Chi xếp em Loại Khá. 2 năm còn lại em được loại tốt hết thầy ạ!
(Nói xong, Nam nghiêm nghị khoanh tay lại): Dạ thưa thầy! Thầy đã cho em một bài học rất bổ ích, từ đó tới giờ em luôn ghi nhớ và khắc vào tâm. Em đã có ý thức học từ đó, không lãng phí thời gian, tiền bạc, không gian dối… Môi trường này và nhờ thầy đã rèn luyện cho em trưởng thành được như hôm nay thầy ạ! Em cảm ơn thầy!
+ Thầy Khánh: Nam à! Thật sự thì thầy cũng rất đắn đo khi đề nghị xếp em HK Yếu. Nhưng chỉ có như vậy em mới thức tỉnh và hối hận. Thầy thương các em như nhau, không ghét bỏ em nào, nhưng … thương đôi lúc cũng phải “cho roi cho vọt”. Em không trách thầy chứ!
+ Nam: Dạ! Em sai, mà sai đến hai lần! Em nào dám trách thầy chứ!
+ Thầy Khánh (cầm xác nhận trên tay): Nam nè! Em và các bạn khác đều là học trò của thầy, thầy mong sao các em luôn chững chạc và thành đạt. Giờ em sắp TN ra trường rồi, thầy chỉ mong sao tụi em vững bước trên đường đời với những kiến thức, đạo đức mà thầy cô truyền đạt, tự tin, luôn là chính mình, không được đánh mất mình trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Đây, xác nhận của em đây! (rưng rưng ngước lên cao!)
+ Nam (Cầm xem xác nhận, vẻ bất ngờ): Ủa!!??? em được xếp loại Đoàn viên tốt hả thầy?
+ Thầy Khánh: Sao em? Có vấn đề gì à?
+ Nam: Em bị … vậy, thầy cũng xếp em tốt à?!
+ Thầy Khánh: Thì … bây giờ chẳng phải em đã tu dưỡng rèn luyện được tốt rồi sao??!! Chỉ mỗi lần đó thôi, nữa còn lại của năm lớp 10 và 2 năm cuối cấp, em đã tu dưỡng rèn luyện và phấn đấu rất tốt theo nhiệm vụ của người đoàn viên. Em đã thực hiện tiêu chí xây – chống đầy đủ. Lý do gì thầy xếp em không tốt chứ!!??
+ Nam (mừng rỡ, khúm núm cầm tay thầy): Dạ em cảm ơn thầy! Thầy đã thêm một lần nữa dạy cho em bài học lòng vị tha. Thầy ơi! Em rất quý trọng thầy! Em yêu thầy, thầy ạ!

* Phần tương tác –  dự kiến 2 câu hỏi cho HS trực tiếp trả lời, từ đó rút ra bài học
Câu hỏi 1:- Theo bạn cách kết thúc câu chuyện như vậy có hợp lý  không? Lý giải?
Câu hỏi 2: – Bài học sống làm người có ích theo bạn có phải chúng ta chỉ được học trên sách vở, trong trường lớp? bạn có suy nghĩ gì về những lời chỉ dạy của thầy cô trong giờ chào cờ, sinh hoạt lớp, sinh hoạt chi đoàn… ???

Học sinh trả lời, tranh luận nhau sau câu hỏi này, thầy dạy môn giáo dục CD sẽ có lời kết câu chuyện/ 1 HS nhắc lại nội dung 1 bài học GDCD có liên quan đến tiểu phẩm…

Người dự thi
Bến Tre, tháng 4/2012