Định hướng cho một cơ chế phối hợp khai thác, sử dụng hiệu quả tham vấn tâm lý học học đường – Góc nhìn từ dự án PARAFF/C1-082
Cơ chế đó, theo chúng tôi chỉ có thể có được khi chúng ta quan tâm thực hiện những việc làm quan trong dưới đây:
– Thứ nhất, cần quán triệt quan điểm chỉ đạo một cách nhất quán về vấn đề gắn kết giữa hoạt động chuyên môn của nhà trường với tham vấn tâm lý học học đường dựa trên nguyên lý giáo dục “Học đi đôi với hành, nhà trường gắn liền với xã hội”; bởi hiện nay không phải chúng ta đã có sự đồng thuận cao khi bàn cãi về chuyện “thương mại hoá nhà trường”. Nếu chưa dứt khoát được quan điểm “đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội” thì rất khó nói đến chuyện gắn kết giữa nhà trường và các ngành chức năng thực hiện tham vấn tâm lý học học đường; càng khó vươn tới thực hiện xã hội học tập và xây dựng nền kinh tế tri thức dựa trên nền tảng chất lượng đào tạo và năng lực tham vấn tâm lý học học đường.
– Thứ hai, về nguyên tắc trường ĐH-CĐ cũng phải có chủ trương khuyến khích HSSV tham vấn tâm lý học học đường, cần thiết kế xây dựng và thực hành vận hành mô hình tham vấn tâm lý học học đường. Từ hiệu ứng của những chương trình, dự án PARAFF, nhà trường cần xác định HSSV và tham vấn tâm lý học học đường là đối tượng, là lĩnh vực quan trọng trong quá trình đào tạo, nghiên cứu khoa học, sáng tạo phục vụ cộng đồng; từ đó tập trung tăng cường xây dựng các chương trình đào tạo nhân viên tâm lý học học đường, tạo tiền đề gia tăng năng lực tham vấn tâm lý học học đường cho giới trẻ theo định hướng chất lượng cao, thông qua liên kết với các trường uy tín cả trong và ngoài nước nâng cao chất lượng đào tạo nhân viên, xây dựng phòng tham vấn tâm lý học học đường, tạo tiền để khai thác sử dụng tốt tham vấn tâm lý học học đường. Như vậy, qui hoạch ngành, nghề, loại hình đào tạo chuyên ngành tham vấn tâm lý học học đường, định hướng khai thác, sử dụng tham vấn tâm lý học học đường của trường phải rất linh hoạt và tương thích với xu thế, qui mô phát triển của xã hội, gắn kết với các chương trình, dự án PARAFF. Theo đó vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường sẽ được nâng lên ngang tầm sứ mệnh được giao. Muốn thực hiện nguyên tắc này, cần có một qui hoạch chiến lược nâng cao chất lượng đào tạo tham vấn tâm lý học học đường từ tầm quốc tế đến quốc gia đến khu vực, vùng và tỉnh, thành…. Không thể để tình trạng “mạnh ai nấy chạy” như hiện nay.
– Thứ ba, việc hướng hoạt động của trường ĐH – CĐ ra cộng đồng thông qua tiếp cận tham vấn tâm lý học học đường, xác lập đây là kênh thông tin, là môi trường hữu hiệu nhất để xây dựng và thực hành văn hóa học đường và duy trì sự gắn kết giữa nhà trường và cộng đồng. Nhà trường nào có năng lực tham vấn tâm lý học học đường tốt, biết hướng về cộng đồng, qui tụ sức mạnh của cộng đồng tham gia giáo dục, xây dựng lối sống mới nhân bản, nhân văn, hòa bình, hữu nghị và hợp tác phát triển bền vững, thì nhà trường đó có bản lĩnh, tiềm năng đồng hành với cộng đồng; từ đó có thể huy động nguồn lực tham gia thiết kế, xây dựng chương trình đào tạo, tham gia giảng dạy, đào tạo, hướng dẫn thực hành, nghiên cứu tham vấn tâm lý học học đường, hỗ trợ HSSV sử dụng tham vấn tâm lý học học đường hiệu quả … Với sự góp ý, tham gia xây dựng chương trình đào tạo nhân viên và hoạt động tham vấn tâm lý học học đường từ cộng đồng, nhà trường sẽ đánh giá, kiểm định chất lượng đào tạo một cách chính xác hơn.
Thứ tư, trên cơ sở ba định hướng nêu trên, nhà nước cần có chủ trương và khuyến khích mở trường, khoa, lớp đạo tạo chính qui, đào tạo lại, hướng đến mô hình nâng cao chất lượng đào tạo ngành tham vấn tâm lý học học đường, xem đây là lực lượng nòng cốt giúp nhà trường đào tạo hiệu quả, đáp ứng nhu cầu xã hội được thực hiện liên thông, liên tục từ bậc mầm non, phổ thông đến ĐH… gắn liền nhà trường và xã hội theo đúng nguyên lý giáo dục. Có thể khẳng định, đây chính là đỉnh cao của mô hình phối hợp nâng cao chất lượng đào tạo thông qua tham vấn tâm lý học học đường, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển tham vấn tâm lý học học đường hiệu quả.
– Cần nghiên cứu các mô hình phân bổ nguồn vốn đầu tư nước ngoài, phân bổ các dự án phát triển cộng đồng theo hướng thực sự tạo điều kiện, khuyến khích xây dựng và phát triển chiến lược nâng cao chất lượng đào tạo, thúc đẩy sử dụng hiệu quả tham vấn tâm lý học học đường. Tránh cách làm manh mún, nhỏ lẻ trong lĩnh vực tham vấn tâm lý học học đường kiểu hình thức “thời vụ” như hiện nay.
– Thứ năm, như chúng ta đã biết, theo qui luật cạnh tranh khốc liệt của thương trường ngày nay, yêu cầu của xã hội về sản phẩm mà các trường đào tạo và hoạt động tham vấn tâm lý học học đường sẽ ngày càng khắt khe; do đó, hoàn toàn yên tâm khi dựa trên những thông số hài lòng của xã hội đối với HSSV khi được tham vấn tâm lý học học đường bởi một mạng lưới nhân viên lành nghề và phòng thực hành tâm lý học học đường chuyên nghiệp; có thể xem đây là một phương thức đánh giá, xếp hạng thuyết phục và có giá trị thực tiễn đối với cuộc vận động “chống bệnh thành tích trong giáo dục hiện nay”.
Vấn đề khai thác, sử dụng biện pháp tham vấn tâm lý học học đường hiện nay vừa là thời cơ, vừa là một thách thức to lớn đối với quá trình nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường ĐH – CĐ, bởi hơn ai hết các trường hiểu rất rõ chỉ có bằng con đường này chất lượng giáo dục & đào tạo mới được cải thiện thực chất, nhà trường mới tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, cũng không vì chạy đua đáp ứng nhu cầu xã hội một cách “đối phó”, thực hiện phong trào “tham vấn tâm lý học học đường” một cách máy móc, hình thức, thiếu cân nhắc, tính toán, chuẩn bị tốt mô hình, phương thức họat động và đặc biệt coi trọng việc tìm ra những cơ chế, giải pháp cần thiết cho mô hình tham vấn tâm lý học học đường được hình thành và phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam.
Thiết nghĩ, cơ chế phối hợp giúp học sinh sinh viên khai thác, sử dụng hiệu quả mô hình hoạt động tham vấn tâm lý học học đường chỉ có thể được xác lập trên cơ sở ngành Giáo dục & Đào tạo và các bộ, ngành trung ương, các địa phương có chủ trương mạnh mẽ giúp các trường ĐH – CĐ nghiên cứu, xây dựng các chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế thông qua các chương trình, dự án cụ thể, thiết thực như chương trình PARAFF… thúc đẩy nâng cao chất lượng công tác phối hợp giúp HSSV tiếp cận và hưởng lợi từ hoạt động tham vấn tâm lý học học đường. Do đó, các trường ĐH – CĐ cần được các cơ quan chức năng, cộng đồng, các nhà tài trợ cả trong và ngoài nước ủng hộ về mọi mặt để tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị bàn thảo sâu hơn chương trình phối hợp giúp HSSV khai thác, sử dụng hiệu quả tham vấn tâm lý học học đường, nâng cao chất lượng đào tạo ngành tham vấn tâm lý học học đường. Đây là những hoạt động thiết thực đem lại niềm tin của xã hội đối với giáo dục, nhà giáo, nhà trường, trong bối cảnh hiện nay.
Bến Tre, tháng 5/2014
Trần Tiên