Danh nhân Văn hóa Nguyễn Đình Chiểu – Điểm nhấn của một Hội thảo quốc tế
Ngày 16 tháng 12 năm 2021, tại Đại học Nghệ thuật Quảng Tây, Trung Quốc đã diễn ra Hội thảo Khoa học Quốc tế Trung Quốc – ASEAN lần thứ 2 về lý luận văn học và nghệ thuật với chủ đề “Tự tin và Đối thoại: Xây dựng Lý thuyết và Phương pháp Tiếp cận Thực hành Đổi mới Văn học và Nghệ thuật” dưới 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Hội thảo do Trường Đại học Nhân văn thuộc Đại học Nghệ thuật Quảng Tây, Hiệp hội Phê bình Văn học và Nghệ thuật Quảng Tây, Hiệp hội Viết văn Quảng Tây tổ chức. Hội thảo tập hợp các học giả, chuyên gia, nghiên cứu sinh và học viên sau Đại học Quảng Tây, Trung Quốc và các nước ASEAN nhằm mục đích tăng cường trao đổi học thuật giữa các tổ chức giáo dục về lý luận văn học và nghệ thuật và thúc đẩy sự phát triển của những tài năng trẻ trên lĩnh vực phê bình văn học, nghệ thuật. Tại Hội thảo, danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu là 1 điểm nhấn thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu, bởi đây là lần đầu tiên Nguyễn Đình Chiểu được các học giả quốc tế nghiên cứu kể từ sau khi kỳ họp thứ 41, Đại hội đồng UNESCO, đã chính thức thông qua nghị quyết 41C/15 cùng kỷ niệm 200 năm ngày sinh nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu của Việt Nam.
Tại Hội thảo GSTS. Nguyễn Chí Bền, trường ĐH Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh đã trình bày báo cáo “Đổi mới cách tiếp cận danh nhân văn hóa, trường hợp nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu” đã đưa ra những quan điểm mới trong nhìm nhận, đánh giá Nguyễn Đình Chiểu dưới góc nhìn một danh nhan văn hóa tầm thế giới sau khi được UNESCO vinh danh.
PGS.TS Phạm Lan Oanh, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam trình bày báo cáo “Bảo vệ và phát huy các di sản thuộc về danh nhân văn hóa Việt Nam được UNESCO vinh danh trong bối cảnh hiện nay” đã khẳng định Nguyễn Đình Chiểu là một nhà văn hóa, nhà thơ lớn (1822 – 1888); Là tấm gương vượt lên những khó khăn của cuộc sống và theo đuổi lý tưởng học tập suốt đời; Là thày thuốc đông y để chữa bệnh cứu người. Thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu đậm tính nhân văn, khích lệ lòng yêu nước, ca ngợi những con người sẵn sàng làm việc nghĩa, vì lợi ích cộng đồng.
TS. Phạm Văn Luân, trường Cao đẳng Bến Tre trình bày báo cáo “Truyền dạy Nói thơ Vân Tiên ở Bến Tre và Nguyễn Đình Chiểu” đã giới thiệu truyện thơ Lục Vân Tiên có sức sống kỳ lạ, vượt qua cả rào cản ngôn ngữ trường tồn với không gian và thời gian qua hình thức diễn xướng dân gian: Nói thơ Vân Tiên – một trong 7 dạng thức diễn xướng dân gian ở Bến Tre. Bằng con đường phổ biến, truyền dạy bình dân, theo lối tổ chức học tập cộng đồng, học suốt đời, Lục Vân Tiên đã vượt khỏi khuôn khổ có giới hạn của một tác phẩm văn học, không chỉ được sử dụng phổ biến trong nhà trường ở Việt Nam mà còn được truyền dạy rộng rãi trong cộng đồng ở Bến Tre.
Nói thơ Vân Tiên đã trở thành một “từ khóa”, khi nói đến truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên và người ta nói đến Nguyễn Đình Chiểu – nhà thơ đạo lý. Theo TS. Luân, Nói thơ Vân Tiên chỉ là một kênh quan trọng góp phần bảo vệ và phát huy giá trị tư tưởng, nhân cách danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, mà còn là nhịp cầu kết nối di sản văn hóa Nguyễn Đình Chiểu với phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam, du lịch danh nhân ở Việt Nam nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng.
Với 3 bài nghiên cứu (trên tổng số 87 bài báo cáo ở 6 tiểu ban, có 4 bài nghiên cứu của các học giả đến từ Việt Nam) được chịn trình bày tại phiên toàn thể của Hội thảo, chủ đề Nguyễn Đình Chiểu thực sự là điểm nhấn của một diễn đàn học thuật quốc tế được tổ chức ngay sau sự kiện UNESCO ra nghị quyết vinh danh 2 Danh nhân văn hóa của Việt Nam trong năm 2022. Hoạt động này đã giúp các học giả quốc tế hiểu thêm về Nguyễn Đình Chiểu, tạo hiệu ứng và kết nối học giả quốc tế đến với Hội thảo Khoa học Quốc tế về Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu được tỉnh Bến Tre và các Bộ, ngành Trung ương đang tích cực chuẩn bị dự kiến sẽ tổ chức vào tháng 6/2022.
Theo: Khôi Nguyên.