Tin Tức & Sự Kiện
Con đường đến với nghiên cứu khoa học của TS. Lý Xuân Chung – Đồng dịch giả Truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên, Tác giả Nguyễn Đình Chiểu – Song ngữ Việt – Hàn

Con đường đến với nghiên cứu khoa học của TS. Lý Xuân Chung – Đồng dịch giả Truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên, Tác giả Nguyễn Đình Chiểu – Song ngữ Việt – Hàn

Anh Nguyễn Trung Hiếu, đại diện nhóm Sáng tạo Trẻ Bến Tre và 
TS. Lý Xuân Chung (trái) tại Hà Nội  – Ảnh: STT

(STTBT). Truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên, Tác giả Nguyễn Đình Chiểu – Song ngữ Việt – Hàn ra đời năm 2022 nhân 200 năm ngày sinh danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Đình Chiểu có công lao rất lớn của đồng dịch giả – TS. Lý Xuân Chung. Nhân tưởng niệm 135 năm ngày mất danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, được phép của đồng dịch giả chúng tôi xin giới thiệu bài viết dưới đây (Nhan đề do chúng tôi đặt) thay lời tri ân đồng dịch giả – TS. Lý Xuân Chung và cũng là nắm tâm nhang chúng tôi được kính tưởng cụ Đồ Chiểu nhân ngày Giỗ lần thứ 135 của cụ –  ngày 24 tháng 5 năm Mậu Tý (3 tháng 7 năm 1888). 

TS. Lý Xuân Chung – Ảnh: STT

TS. Lý Xuân Chung sinh ngày 19 tháng 10 năm 1955 tại Hà Nội, gia đình thuộc dòng họ Lý nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam. Được thừa hưởng những giá trị truyền thống tốt đẹp của dòng họ cùng lòng tự tôn và ý chí phấn đấu vươn lên, TS. Lý Xuân Chung đã và đang làm rạng danh tổ tiên, dòng họ.

Lớn lên và trưởng thành trong giai đoạn đất nước đang oằn mình chịu bao tàn phá của cuộc chiến tranh chống Mỹ, cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn, việc học hành vất vả, chàng trai Lý Xuân Chung ngày ấy đã ý thức được việc học và quyết tâm theo đuổi con đường tri thức. Tốt nghiệp cấp II năm 1970, ông tham dự và thi đỗ vào Trường Chuyên Ngoại ngữ, Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, nay là Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. 

Bước vào cuộc sống tập thể, học nội trú với biết bao bỡ ngỡ nhưng cũng đầy tự tin về lý tưởng sống, Lý Xuân Chung ngày đêm vùi đầu vào sách vở, đam mê với việc học tập ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc, luyện tập viết chữ Hán. Trong suốt thời gian học tập ở Trường Chuyên ngữ và Khoa Trung văn sau đó, Lý Xuân Chung và Trần Quốc Chí được thầy cô và bạn bè khen ngợi nhiều về nét chữ đẹp. Thời gian gần đây, TS. Lý Xuân Chung đã có công lao nhất định trong việc phục hồi và phát triển thư pháp chữ Hán ở Hà Nội. Ông được nhiều nhà nghiên cứu, thư pháp khen ngợi, đánh giá cao và là một trong những thư pháp gia có tiếng ở Hà Nội. 

Tốt nghiệp Đại học rồi tốt nghiệp Cao học ngành Hán Nôm tại Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, Lý Xuân Chung về công tác tại Ủy ban Khoa học xã hội, nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hộiViệt Nam nghiên cứu các vấn đề về Trung Quốc, bắt đầu con đường nghiên cứu khoa học. Tuy mới bước chân vào lĩnh vực nghiên cứu nhưng ông đã tạo được ấn tượng với giới chuyên môn, gây dựng những mối quan hệ tốt đẹp trong nghiên cứu, học thuật, được nhiều giáo sư mời viết bài, tham gia các hội thảo. Trong thời kỳ ông làm việc ở Viện Nghiên cứu Châu Á – Thái Bình Dương, ông đã theo học và tốt nghiệp khoa Sử Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau khi Viện giải thể do nhiều lý do khác nhau, ông được phân công tác tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm (1993 – 1998)năm 1994-1997, được quỹ Korea Foundation (Quỹ Giao lưu Quốc tế Hàn Quốc) mời sang Hàn Quốc học tiếng Hàn Quốc. Từ đây, con đường nghiên cứu về lịch sử và văn hóa Việt Nam – Hàn Quốc đã mở ra. Trong 5 năm làm việc ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm ông có nhiều bài viết, nhiều công trình nghiên cứu theo hướng văn hóa cổ Việt Nam và Hàn Quốc, trong đó, đề tài Nghiên cứu thơ văn xướng họa giữa các sứ thần hai nước trong những chuyến đi sứ Trung Quốc trong lịch sử đã được ông tiếp cận và nghiên cứu văn bản. Đây là cơ sở, nền tảng trong nghiên cứu vấn đề xuất hiện trong những vần thơ, áng văn mà sứ thần hai nước đã để lại, nổi bật nhất là sự tương đồng văn hóa Việt – Hàn. Trong lĩnh vực khoa học và xã hội, ông được nhiều giáo sư Hàn Quốc tín nhiệm, mời cùng tham gia nghiên cứu văn học Hàn Quốc. Bên cạnh đó, ông đã cùng GS. Jeon Hye Kuyng biên dịch một số tác phẩm văn học Hàn Quốc và Việt Nam như cuốn Văn học sử Hàn Quốc, từ đầu công nguyên đến cuối thế kỷ XIX, Kim Ngao tân thoại; Cửu Vân mộng. Cuốn Truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên, Tác giả Nguyễn Đình Chiểu – Song ngữ Việt – Hàn năm 2022; Trong công trình này, TS. Lý Xuân Chung đã dành tình cảm rất đặc biệt đối với Bến Tre và Nguyễn Đình Chiểu nên đã cùng với GS. Jeon Hye Kuyng chuyển ngữ tác phẩm Lục Vân Tiên sang tiếng Hàn.

Bìa sách Truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên, Tác giả Nguyễn Đình Chiểu – 
Song ngữ Việt – Hàn 
– Ảnh: STT

Từ năm 1998 đến khi nghỉ hưu năm 2015, ông công tác tại Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, từng đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bắc Á, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á. Đây là thời kỳ ông chuyên tâm cho công việc nghiên cứu văn hóa Hàn Quốc, nghiên cứu mối quan hệ văn hóa Việt Hàn, đặc biệt là lĩnh vực văn học Hàn Quốc. Theo số liệu thống kê trên Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á số 5 – 2015, Đặc san kỷ niệm 20 năm thành lập tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á thì ông là người viết nhiều bài nhất và được giới nghiên cứu đánh giá cao. Tại Hội thảo Khoa học Quốc tế Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay, TS. Lý Xuân Chung đã có bài nghiên cứu Tìm hiểu vấn đề trượng nghĩa trong truyện Lục Vân Tiên và giá trị của nó đối với xã hội thời đại ngày nay được xem là công trình nghiên cứu có nhiều phát hiện mới.

TS. Lý Xuân Chung và Bộ Kỷ yếu Hội thảo KHQT Danh nhân 
Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay
 – Ảnh: STT

Người đi tìm sự giao thoa của hai nền văn hóa Việt – Hàn

Mỗi một quốc gia đều có nền văn hóa đặc thù và giao thoa là điều tất yếu trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, mọi sự tiếp nhận đều cần có sự chọn lọc và sáng tạo. Vốn bị hấp dẫn bởi những giá trị văn hóa đặc sắc của cả hai nước Việt Nam và Hàn Quốc, TS. Lý Xuân Chung đã dành tâm huyết và niềm đam mê của mình cho những công trình nghiên cứu khoa học, tìm sự giao thoa của hai nền văn hóa. Với vai trò từng là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bắc Á; Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, TS. Lý Xuân Chung đã có nhiều công trình khoa học có giá trị to lớn, góp phần tích cực đẩy mạnh quan hệ hợp tác ngoại giao Việt – Hàn ngày càng phát triển, vững bền.

Năm 1992, Việt Nam và Hàn Quốc bắt đầu thiết lập quan hệ ngoại giao, TS. Lý Xuân Chung là một trong những người đầu tiên của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội được mời sang Hàn Quốc học tập tiếng Hàn và tìm hiểu về văn hóa và đất nước con người nơi đây. Những nét văn hóa đặc trưng ở xứ sở kim chi đã thôi thúc ông tìm hiểu, khám phá và nghiên cứu không biết mệt mỏi. Hướng nghiên cứu mà TS. Lý Xuân Chung tập trung là: lịch sử và văn hóa Hàn Quốc. Đây là sự tâm đắc và đam mê của ông; Trên cơ sở nắm vững và hiểu sâu về văn hóa và lịch sử Hàn Quốc, ông đã có những tìm tòi và nghiên cứu so sánh sự khác biệt và tương đồng trong văn hóa Việt – Hàn thể hiện rõ ở những bài viết có giá trị cao. Hơn nữa ông còn tiếp tục nghiên cứu văn hóa xã hội Hàn Quốc thời hiện đại phục vụ cho công tác nghiên cứu của viện, góp phần lớn cho việc tìm hiểu đất nước, con người Hàn Quốc thời nay.

Theo hướng nghiên cứu trên, đến nay, TS. Lý Xuân Chung đã hoàn thành nghiên cứu nhiều đề tài khoa học các cấp, công bố 22 bài viết trên các tạp chí uy tín ở trong và ngoài nước, đồng thời tham gia viết sách cùng với các đồng nghiệp. Cụ thể như:

  1. Lý Xuân Chung. Tìm hiểu về cách dùng chữ Hán ở Hàn Quốc hiện nay, trong cuốn Thông báo Hán Nôm học, NXB Khoa học Xã hội, 1997.
  2. Ngô Xuân Bình – Phạm Quý Long chủ biên. Hàn Quốc trên đường phát triển, NXB Thống kê, Hà Nội, 2000.
  3. Ngô Xuân Bình chủ biên, Tìm hiểu cải cách giáo dục Hàn Quốc, NXB Khoa học Xã hội, 2002.
  4. Ngô Xuân Bình chủ biên, Nghiên cứu Hàn Quốc học (Niên giám), NXB Khoa học Xã hội, 2005.
  5. Lý Xuân Chung (2006); Hai bài thơ xướng hoạ giữa Vũ Huy Tấn với sứ thần Triều Tiên mới được phát hiện. Trong cuốn Thông báo Hán Nôm học năm 2005, tr.110 – 117.
  6. Ngô Xuân Bình – Phạm Hồng Thái (chủ biên). Tôn giáo ở Hàn Quốc và Việt Nam, nghiên cứu so sánh. Hà Nội, 2007.
  7. Hoàng Minh Lợi (chủ biên). Đối sách của các quốc gia và vùng lãnh thổ ở Đông Bắc Á về sự gia tăng quyền lực mềm. NXB Khoa học Xã hội, 2013.
  8. Lý Xuân Chung – Lý Kính Hiền, Chữ Hán thông dụng (Dành cho sinh viên học tiếng Hàn Quốc), NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2014.

Trong 5 năm gần đây, được sự phân công của Lãnh đạo Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, TS. Lý Xuân Chung còn phụ trách website http://cks.inas.gov.vn/ của Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, nhằm mục đích truyền tải tinh hoa văn hóa Hàn Quốc tới độc giả Việt Nam. Rất nhiều bài viết của ông được bạn đọc quan tâm, bởi chúng luôn chứa đựng những yếu tố đặc sắc từ nội dung đến hình thức với phong cách văn chương truyền tải dễ hiểu, dễ nhớ.

Nghiên cứu khoa học phải được nuôi dưỡng bằng niềm đam mê 

Trong tất cả công trình nghiên cứu từ trước đến nay, TS. Lý Xuân Chung tâm đắc nhất đề tài Nghiên cứu đánh giá thơ văn xướng họa của các Sứ thần Việt Nam – Hàn Quốc trong lịch sử (Luận án Tiến sĩ) được ông bảo vệ thành công tại Viện Hán – Nôm. Cũng theo TS. Lý Xuân Chung, do trước đây, chưa có quan hệ chính thức, chỉ có tiếp xúc của sứ thần hai nước ở Trung Quốc. Trên cơ sở quan hệ giao lưu giữa hai nước, TS. Chung tìm ra nguồn gốc sâu xa trong lịch sử và tìm ra quy luật, xu hướng phát triển ngày nay. Điều đáng nói, thời điểm ông tiến hành nghiên cứu đề tài này rất ít người quan tâm, thậm chí còn có nhiều người can ngăn, phản đối. Nhưng bằng niềm tin và quyết tâm tìm hiểu ngọn nguồn vấn đề, ông đã đeo bám, tìm hiểu và đã thành công một cách xứng đáng. Đề tài đã được hội đồng khoa học đánh giá rất cao và thu hút rất nhiều nhà khoa học khác quan tâm đi sâu nghiên cứu cũng như nhiều học viên, sinh viên tìm đọc sau khi các bài viết được công bố.

Nghiên cứu khoa học chưa bao giờ là con đường dễ dàng, những thành quả trên con đường này luôn phải đánh đổi bằng niềm đam mê, tâm huyết và sự nỗ lực không bao giờ mệt mỏi. Và với TS. Lý Xuân Chung cũng vậy. Là một trong những người đầu tiên nghiên cứu về nền văn hóa Hàn Quốc và cũng chính là người đi tìm giao thoa của hai nền văn hóa Việt – Hàn, TS. Lý Xuân Chung may mắn có điều kiện thực tế ở Hàn Quốc nhiều năm. Dấn thân vào thực tế, tìm hiểu nghiên cứu nên các đề tài, công trình nghiên cứu của ông đều có giá trị và ý nghĩa thực tiễn lớn.

Phải khẳng định một điều, trong 10 năm chuyên tâm học tập chữ Hán, ông có một hệ thống kiến thức từ cổ (Hán Nôm), kim (Trung văn) đồ sộ và ít người có được. Nhiều văn bản cổ – kim rất khó đều được ông đọc và dịch hoàn chỉnh… Bởi vậy, khi nhắc đến nhà khoa học Lý Xuân Chung ai cũng đều phải nể phục trước kho tàng tri thức mà ông đang sở hữu cũng như ý chí và niềm đam mê, nhiệt huyết nghiên cứu văn hóa Việt – Hàn. Bàn về đề tài này, TS. Lý Xuân Chung cho rằng: “Mỗi quốc gia có một đặc thù khác nhau và trên sự tiếp thu đó ta phải có sự sáng tạo. Nếu như Hàn Quốc đi từ phim truyền hình tới âm nhạc đại chúng rồi tới ẩm thực và một số bước sau nữa. Thì ở Việt Nam, văn hóa ẩm thực Việt lại rất mạnh và đã được các quốc gia trên thế giới ghi nhận (kể cả Hàn Quốc). Cụ thể, ở Seoul có rất nhiều quán phở Việt. Và người Hàn cũng rất thích ăn phở, nem Việt Nam”.

Với TS. Lý Xuân Chung, nghiên cứu khoa học phải xuất phát từ niềm đam mê và phải đặt lên trên vấn đề tiền bạc, vật chất. Nghĩa là khi bắt tay vào nghiên cứu không được để vật chất chi phối làm hạn chế suy nghĩ, khả năng nghiên cứu. Bởi khi nặng nề về kinh tế, mọi suy nghĩ và hành động sẽ bị cản trở, dẫn đến kết quả nghiên cứu không được như mong đợi. Và thành tựu trên con đường nghiên cứu của TS. Lý Xuân Chung chính là minh chứng cho ý chí, quyết tâm và niềm đam mê nhiệt huyết của ông. Những công trình nghiên cứu mang ý nghĩa, giá tri thực tiễn là cơ sở, nền tảng và là tài liệu quý báu cho các thế hệ sau tìm hiểu và nghiên cứu./.

(Nguồn: Đồng dịch giả cung cấp, Biên tập, bổ sung: LT)