DA Dạy Chữ Dạy Nguời
Chuyện về người cựu trưởng ấp đấu tranh chống tiêu cực

Chuyện về người cựu trưởng ấp đấu tranh chống tiêu cực

5

Đường ấp Rạch Gừa vẫn chưa được xây dựng xong

Theo con đường đá, chúng tôi tới nhà của ông Phạm Văn Nhì – thường gọi Út Nhì, nằm gần ngã tư Rạch Gừa (ông Nhì là con trai út của Mẹ Việt Nam anh hùng Trương Thị Đăng, đã qua đời). Tại địa phương, trong nhiều năm liền, ông Nhì tham gia công tác: Công an viên phụ trách ấp, Trưởng ấp, Bí thư chi bộ ấp, nên được nhiều người biết đến. Ông Nhì cho biết: “Tôi đấu tranh là vì lợi ích chung của người dân, muốn thực hiện đúng theo Pháp lệnh 34 về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”. Quá trình đấu tranh chống tiêu cực, ông Nhì đã âm thầm thu thập chứng cứ sai phạm, mà ngay cả những đảng viên cùng sinh hoạt chung Chi bộ ấp vẫn không hay biết.

Năm 2008, thực hiện kế hoạch của UBND xã về huy động vốn đối ứng xây dựng lộ giao thông nông thôn, mỗi hộ dân đóng góp theo đầu công đất, tiền đóng góp của mỗi hộ được tính = 90.000 đồng/công đất x tổng diện tích đất x 3 năm liền, ông Nhì đã tích cực vận động và được nhân dân ấp Rạch Gừa hưởng ứng cao. Thế nhưng, trong thi công xây dựng công trình lộ ấp Rạch Gừa, xã không thực hiện đúng như kế hoạch (nhựa hóa toàn bộ 2,7km đường ấp Rạch Gừa), mà chỉ đổ đá 4×6 rồi phủ đá dăm lên trên, lại không công khai quyết toán thu – chi. Là người thực hiện nhiệm vụ huy động nhân dân, ông Nhì biết rất rõ số tiền của các hộ dân đã đóng góp. Sau khi thu thập các chứng từ, khoảng tháng 10-2008, ông Nhì yêu cầu UBND xã công khai các khoản đóng góp của người dân ấp Rạch Gừa, nhưng chỉ được trả lời theo kiểu lấy có, ông Nhì tiếp tục yêu cầu làm rõ. Năm 2011, sau 19 lần kiến nghị, UBND xã Phú Long gửi cho Chi bộ ấp Rạch Gừa bản công khai danh sách đóng góp của người dân trong ấp, nhưng vẫn còn sót nhiều tên, sai (thiếu) số tiền của người dân đóng góp, xã vẫn không giải thích được. Ngày 8-11-2011, ông Nhì trực tiếp đến Thanh tra huyện Bình Đại tố cáo vụ việc sai phạm. Sau đó, Thanh tra huyện tiến hành xác minh và chuyển hồ sơ đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện.

Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã làm rõ sai phạm của ông Võ Hồng Phong, là kế toán ngân sách xã Phú Long và các cá nhân liên quan gồm các ông: Nguyễn Văn Nghiệp (nguyên Bí thư Đảng ủy xã), Võ Thành Công và Trần Văn Tùng (nguyên Chủ tịch UBND xã). Từ năm 2008 đến tháng 11-2010, ông Phong đã nhận tại Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện 56 quyển biên lai, thu tiền trong nhân dân 850 triệu đồng (số tròn), đã nộp vào Kho bạc huyện 698 triệu đồng (số tròn), số tiền chưa nộp là 152 triệu đồng (số tròn). Phong đã sử dụng số tiền 152 triệu đồng này để chi nhiều lần, theo chỉ đạo của các ông Nghiệp, Công, Tùng vào các mục đích: chi tiếp khách, chi công việc thường xuyên của xã, chi đi đám tang, chi khác… đã dẫn đến thất thoát tiền, gây ảnh hưởng xấu trong nhân dân. Ông Võ Hồng Phong đã khắc phục hậu quả. Sau đó, trên cơ sở đề nghị của cơ quan chức năng, các đối tượng này đã bị xử lý kỷ luật về mặt Đảng và chính quyền.
Ông Phạm Văn Nhì cho biết: “Dù biết đấu tranh chống tiêu cực là rất khó, nhưng tôi vẫn quyết tâm đấu tranh tới cùng. Tôi rất mong ngành chức năng làm rõ, xử lý nghiêm những sai phạm để củng cố niềm tin của nhân dân”.

(TVN, STT TH từ H.Đức)