Tin Tức & Sự Kiện
Chuyến đi thực tế tại Đồng Nai – Khởi nguồn sự sáng tạo văn hoá từ cộng đồng

Chuyến đi thực tế tại Đồng Nai – Khởi nguồn sự sáng tạo văn hoá từ cộng đồng

Vào ngày 10/10 vừa qua, 66 sinh viên lớp học phần Phát triển đời sống văn hoá cộng đồng 16.2 cùng với giảng viên hướng dẫn TS. Phạm Văn Luân đã có một chuyến đi thực tế tham quan các địa điểm: lò gốm Tâm Phát, lò gốm Tâm Phương, Tổ đình Long Thiền và Văn miếu Trấn Biên; Đây là hoạt động chuyên môn do khoa Quản lý Văn hoá, Nghệ thuật của trường Đại học Văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.

66 sinh viên lớp học phần “Phát triển đời sống văn hoá cộng đồng” cùng giảng viên hướng dẫn TS. Phạm Văn Luân chụp hình ở trường Đại học Văn Hoá Thành phố Hồ Chí Minh trước khi chuyến xe đi Đồng Nai khởi hành. Ảnh: Ngọc Quý.

Chuyến đi thực tế môn Phát triển đời sống văn hoá cộng đồng không chỉ đơn thuần là họat động thực hành – thực tế,  sinh viên trong khuôn khổ môn học mà còn là cơ hội giúp sinh viên thực hiện định hướng đào tạo ứng dụng của nhà trường, áp dụng phương pháp học đi đôi với hành, trải nghiệm thực tế và vận dụng những kiến thức được trang bị, học hỏi được vào thực tế, thể hiện phương châm giảng dạy lý thuyết đi đôi với trải nghiệm thực tế trong một học phần có tiềm năng “về với cộng đồng để học và khơi nguồn sáng tạo” . Chuyến đi thực tế lần này không chỉ giúp sinh viên nhận thức đúng đắn về học phần, ngành nghề … mà còn giúp phát triển những kỹ năng mềm như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, khả năng liên kết, giao lưu với cộng đồng dân cư ở địa phương. Qua đó, sinh viên chúng em còn được tiếp xúc, tham quan, tìm hiểu về văn hoá cộng đồng ở những điểm đến và rút ra được những kinh nghiệm, bài học quý giá thể hiện thông qua thực hiện bài thu hoạch sau chuyến đi. Đặc biệt với yêu cầu học ở cộng đồng, sinh viên chúng em còn đến với chuyến đi thực tế ở Đồng Nai còn là sự chuẩn bị bước đầu trong quá trình thực hiện các sản phẩm khoa học mà chính bản thân đã thu hoạch được hoặc đề xuất những ý tưởng, giải pháp, đưa ra các đề án sáng tạo thúc đẩy nghiên cứu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá, phát triển đời sống văn hoá của cộng đồng dân cư ở các địa điểm tham quan. Đây là cơ hội sinh viên chúng em kiểm chứng, cụ thể hoá kiến thức đã học từ giảng đường vào thực tiễn, tạo môi trường trau dồi lý thuyết và kỹ năng nghề nghiệp trong hiện tại và tương lai.

Về làng nghề gốm Tân Vạn trăm năm tuổi, đến với 2 lò gốm Tâm Phát, Tâm Phương ở phường Tân Vạn, chúng em được mục thị qui trình, các bước tạo ra sản phẩm gốm truyền thống hoàn toàn được làm bằng chính sức người. Dưới sự khéo léo và miệt mài của các nghệ nhân, các sản phẩm như chậu, lu, bình trang trí… được ra đời. Tại đây, chúng em được trò chuyện với các cô chú đang hành nghề, qua đó hiểu thêm về lòng yêu nghề gắn với “mùi đất nung” đòi hỏi sức khoẻ và sự tỉ mỉ qua từng công đoạn như xay đất, tạo hình cho gốm, chấm men, nung gốm,…

Khung cảnh lò gốm Tâm Phát ở phường Tân Vạn, Thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai.
Ảnh: Mỹ Dịu.
Các sinh viên đang trò chuyện với cô Thảo và tìm hiểu các quy trình tạo ra một sản phẩm gốm truyền thống. Cô Thảo hiện nay đã 50 tuổi, cô đã gắn bó với nghề chấm men màu lên gốm hơn 30 năm. Ảnh: Mỹ Dịu.
Cô Thuý – Chủ cơ sở gốm Tâm Phát (giữa khung hình), TS. Phạm Văn Luân và các thành viên lớp học phần. Ảnh: Ngọc Quý
Các thành viên nhóm 4 của học phần chụp ảnh cùng TS. Phạm Văn Luân ở lò gốm Tâm Phương. Ảnh: Ngọc Ánh.

Đến Tổ đình Long Thiền, chúng em được nghe các sư kể về lịch sử, về những thăng trầm của chùa trong hàng trăm năm qua. Đây là một trong ba ngôi chùa cổ nhất ở Biên Hoà (hai ngôi chùa còn lại là chùa Bửu Phong và chùa Đại Giác). Qua sự nhiệt tình đón tiếp và kể chuyện thu hút của sư thầy, chúng em được hiểu thêm về Phật giáo Đồng Nai và cấch mạng dân tộc qua một ngôi chùa cổ kính – Di tích lịch sử – văn hóa Quóc gia và còn được tham quan, ngắm thưởng khung cảnh yên bình của khuôn viên chùa và bờ sông Đồng Nai nên thơ.

Chùa Long Thiền được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử – văn hoá cấp quốc gia vào năm 1991. Tấm bằng được trưng bày ở trước cổng chùa.
Ảnh: Mỹ Dịu
Khuôn viên Tổ đình còn lưu lại những bảo tháp cổ. Khoảng sân rộng của chùa được trồng nhiều cây hoa để điểm tô thêm nét hoà nhã. Ảnh: Mỹ Dịu.
Bạn Minh Thi, đại diện lớp 16.2 cùng TS. Phạm Văn Luân trò chuyện với các sư thầy và nghe thầy kể về lịch sử chùa Long Thiền. Ảnh: Mỹ Dịu.
Tập thể lớp và TS. Phạm Văn Luân chụp hình cùng hai sư thầy (giữa khung hình) ở chánh điện Long Thiền Tự. Ảnh: Tuấn Ngọc.
Mặt tiền của chùa quay ra sông Đồng Nai, một khung cảnh rất nên thơ, hữu tình. Ảnh: Mỹ Dịu.

Đến với Văn miếu Trấn Biên, chúng em được tiếp đón rất nhiệt tình bởi các anh chị làm việc tại đây. Chúng em được nghe thuyết minh về Văn miếu là nơi thờ phụng các danh nhân văn hoá tiêu biểu của quốc gia và cũng là biểu tượng tinh thần ham học hỏi của dân tộc ở Nam Bộ. Ngoài ra, chúng em còn được chiêm ngưỡng quang cảnh tại Văn miếu với không gian rộng rãi, thoáng mát với những vòm mái cong vút cùng lối kiến trúc cổ. Đặc biệt, Văn miếu Trấn Biên còn tổ chức cho sinh viên chúng em tiến hành buổi lễ dâng hương tại nhà thờ chính rộng lớn – nơi thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và những bậc hiền tài của đất nước.

Tập thể sinh viên lớp học phần Phát triển đời sống văn hoá cộng đồng chụp hình kỷ niệm trước cổng Văn miếu Trấn Biên – Văn Miếu Môn. Ảnh: Tuấn Ngọc.
Đoàn chụp hình cùng chị Nga – Thuyết minh viên ở Văn miếu Trấn Biên. Với chất giọng truyền cảm, chị Nga đã truyền tải được nhiều thông tin về Văn miếu đến với chúng em. Chị chia sẻ bản thân là cựu sinh viên của trường Đại học Văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh.
Ảnh: Tuấn Ngọc.
Các bạn tập trung ở nhà thờ chính, trò chuyện cùng anh Trung – Trưởng phòng Khai thác Di tích Văn Miếu Trấn Biên. Anh cũng Học viên Cao học khóa 12 khoa Quản lý Văn hoá, nghệ thuật của trường Đại học Văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh.
Ảnh: Minh Thuận.
Bằng xếp hạng di tích quốc gia của Văn miếu Trấn Biên được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cấp cho vào năm 2016. Bằng được trưng bày ở nhà thờ chính. Ảnh: Mỹ Dịu.
Đoàn thực hiện nghi thức dâng hương lên bàn thờ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bậc tiền nhân. Ảnh: Tuấn Ngọc

Cũng nhân dịp này, đại diện khoa Quản lý Văn hoá, Nghệ thuật đã giới thiệu và tặng sách Lục Vân Tiên cho chủ tịch Uỷ ban Nhân dân phường Tân Vạn, đại diện cộng đồng di sản ở Tổ đình Long Thiền, Văn miếu Trấn Biên và đại diện ban tổ chức cũng trao tặng những món quà cảm ơn cho những địa điểm tham quan.

TS. Phạm Văn Luân tặng cuốn sách Lục Vân Tiên cho chị Trần Thị Lệ Thuỷ – chủ tịch UBND phường Tân Vạn (trái). Chị đã giúp đỡ và tạo điều kiện cho đoàn đi tham quan ở làng gốm. Ảnh: Ngọc Quý.
TS. Phạm Văn Luân tặng sách Lục Vân Tiên cho anh Trung (phải). Ảnh: Minh Thi

Một ngày đi thực tế trôi qua thật nhanh, dù chuyến đi đã khép lại nhưng chắc hẳn đây là một hành trình đáng nhớ và có lẽ đã rất nhiều thứ mở ra trong kiến thức và trong trái tim của mỗi thành viên của lớp học. Đó là những cảm xúc hân hoan, vui vẻ khi được biết và học hỏi thêm về những kiến thức mới, cũng là những sự cảm động và ngưỡng mộ khi chứng kiến những nghệ nhân làm nghề tần tảo và đầy nhiệt huyết đối với nghề làm gốm, là niềm tự hào dâng lên khi đứng trước bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Văn miếu Trấn Biên, nghe văn khấn dâng hương đầy hào hùng. Chuyến đi đã mang đến cho sinh viên chúng em rất nhiều những bài học quý giá được thầy cô, từ các anh chị tiền bối truyền đạt và dạy dỗ và chắc chắn rằng những bài học của ngày hôm ấy sẽ góp phần vào hành trang sáng tạo khởi nghiệp của chúng em ở hiện tại và tương lai sau này.

Anh Trung (thứ ba từ phải sang) nhận món quà cảm ơn từ ban tổ chức chuyến đi.
Ảnh: Minh Thi.

Mỹ Dịu – Lớp 16-2.