Bến Tre – Chuyến đi Thực tế với dấu ấn Học ở cộng đồng
Chuyến đi Thực tế ở Bến Tre ngày 7/10 vừa qua càng làm cho em thấm thía lời khuyên “Bạn sẽ chẳng bao giờ hối hận bởi những trải nghiệm rút ra trên hành trình bạn đã đi…”!
Trong ngày 07/10/2023, khoa Quản lý Văn hoá, Nghệ thuật, trường ĐH Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh đã tổ chức cho 120 sinh viên lớp Đại học Quản lý văn hoá 16.1, 16.2, 17.1 A, 17.1B, 17.2, 17.3 cùng 2 giảng viên phụ trách học phần Phát triển đời sống văn hóa cộng đồng và Nhập môn quản lý di sản, Tín ngưỡng và Tôn giáo Việt Nam tham gia chuyến đi thực tế bộ môn tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bến Tre, chùa An Linh; Lăng Ông Nam Hải và Di tích lịch sử Công viên nghĩa trang đường Hồ Chí Minh trên biển, huyện Thạnh Phú.
Đây là chuyến đi kết hợp giữa các lớp Đại học Quản lý văn hoá năm thứ 2 và thứ 3 nhằm giúp sinh viên nhận thức đúng đắn về ngành nghề qua phương pháp học tập trải nghiệm; đồng thời nâng cao kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp…, thúc đẩy tinh thần đoàn kết giữa sinh viên và cộng đồng dân cư nơi đến thực tế. Trong chuyến đi này sinh viên còn có môi trường thực hành khảo sát, tìm hiểu về văn hoá cộng đồng ở địa phương, qua đó có cơ hội tiếp thu được những bài học và kinh nghiệm, thu thập dữ liệu có giá trị trong việc kết hợp học lý thuyết và thực hành, chuẩn bị tiền thực hiện các sản phẩm khoa học thu hoạch sau chuyến đi; thu thập dữ liệu tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học như hợp tác viết tin, bài, đề xuất các ý tưởng, giải pháp chương trình, dự án sáng tạo trong nghiên cứu bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa – lịch sử ở các điểm đến: Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bến Tre, Chùa An Linh; Lăng Ông Nam Hải và Di tích lịch sử Công viên nghĩa trang đường Hồ Chí Minh trên biển.…
Dịp này đại diện khoa Quản lý Văn hoá, Nghệ thuật đã giới thiệu và tặng Tạp chí Văn hóa và Nguồn lực trường ĐH Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh, sách Lục Vân Tiên cho đại diện cộng đồng di sản ở Chùa An Linh; Lăng Ông Nam Hải và Ban Quản lý Di tích lịch sử Công viên nghĩa trang đường Hồ Chí Minh trên biển – Ban Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao & Du lịch huyện Thạnh Phú.
Qua chuyến đi Thực tế với nhiều dấu ấn Học ở cộng đồng đã tạo cho chúng em có cơ hội được tìm hiểu khám phá vùng đất mới, con người mới, nơi có nét văn hóa tín tôn giáo và cách mạng tại chùa An Linh, ấp An Hòa, xã An Nhơn – Di tích LS-VH cấp Tỉnh .
Đặc biệt là nét đẹp của cộng đồng người dân sống tại Lăng Ông Nam Hải và Khu di tích lịch sử công viên nghĩa trang đường Hồ Chí Minh trên biển, xã Thạnh Phong và Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú. Đất và người nơi đây mang nhiều nét độc đáo riêng khoảnh khắc được chìm vào không gian văn hoá tín ngưỡng, và tìm hiểu nét đẹp về cộng đồng bà con vùng biển càng giúp ta hiểu rõ hơn về văn hoá của người dân vùng biển Bến Tre anh hùng từ góc nhìn tâm linh cũng như nét đẹp lao động sáng tạo trong thời kỳ đổi mới, xây dựng quê hương hiện nay. Tất cả đã tạo nên nguồn tài nguyên nhân văn văn và tự nhiên phong phú giúp vùng đất đầu sóng, ngọn gió năm xưa ngày này có nhiều tiềm năng du lịch to lớn và phong phú.
Trên hết chúng em rất cảm ơn sự hỗ trợ nhiệt tình đến từ cô Nguyễn Thị Phà Ca và thầy Phạm Văn Luân, hai thầy cô đã hỗ trợ cho chúng em hết sức nhiệt tình và đầy tâm huyết trong xuyên suốt chuyến đi thực tế đầy ý nghĩa. Chúng em cũng xin gửi lời cảm ơn chân thành đến với Quý Sư cô ở Chùa An Linh đã cho chúng em có cơ hội được giao lưu cùng các phật tử, nghe giảng về lịch sử hình thành ngôi chùa, hơn thế nữa chúng em đã được thưởng thức bữa cơm chay của các cô chú nơi đây mời.
Và đặc biệt là Đại úy Huỳnh Phước Hải hay còn gọi với tên thân mật là Ông Sáu (năm nay đã 83 tuổi) nhân chứng sống của Đoàn tàu Không số và Thầy Tiến người đã đưa ông Sáu đến với chúng em với những câu chuyện đầy ấn tượng về chiến công của đoàn tàu Không số mà Ông đã tham gia…. Chị Kim Chi, Cán bộ Trung tâm VHTT&DL huyện đã tận tình cung cấp thông tin, tư liệu, kết nối đoàn với khu điện gió Thạnh Hải… Chị Khánh Như, Thuyết minh viên Bảo tàng Bến Tre tại Khu di tích lịch sử công viên nghĩa trang đường Hồ Chí Minh trên biển và Lăng Ông Nam Hải và đã có những chia sẻ hết sức bổ ích, cung cấp lượng lớn thông tin cần thiết cho chúng em có cái nhìn chân thật nhất về cộng đồng nơi đây, từ đó có những suy nghĩ về những giải pháp, ý tưởng sáng tạo đưa vùng biển gian khó năm xưa phát triển ngày càng giàu đẹp, xứng danh là nơi đặt biểu tượng của đường Hồ Chí Minh trên biển – con đường huyền thoại có một không hai trên thế giới.
Chuyến đi đã kết thúc nhưng những bài học những giá trị về con người, cộng đồng ở Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bến Tre, chùa An Linh; Lăng Ông Nam Hải và Di tích lịch sử Công viên nghĩa trang đường Hồ Chí Minh trên biển vẫn còn mãi trong chúng em. Chuyến đi đã mang về cho bản thân chúng em rất nhiều những bài học. Những bài học đó được truyền đạt từ thầy cô, từ các bậc cha chú đi trước, từ các anh chị quản lý, từ các bạn đồng nghiệp đồng hành, đồng thời cũng có những bài học chúng em tự vỡ ra nhờ những quan sát và thực hành của chính mình. Không chỉ những kiến thức chuyên môn, chúng em còn học được những thứ rất “đời”. Có khi đơn giản là sự quan tâm giúp đỡ lẫn nhau, tinh thần làm việc có trách nhiệm, tính kỉ cương, kỉ luật, làm gì cũng nghĩ đến hậu quả và nghĩ đến người khác.
Khả Lâm – 16.1