CÂY THIÊN TUẾ ĐÌNH PHÚ NHUẬN, THÀNH PHỐ BẾN TRE ĐƯỢC CÔNG NHẬN LÀ CÂY DI SẢN VIỆT NAM
Ngày 13/9/2024, tại Hà Nội Hội đồng Cây Di sản Việt Nam đã họp phiên toàn thể xét duyệt Hồ sơ cây Di sản Việt Nam, tại cuộc họp này, Hội đồng đã thông qua Hồ sơ và kết luận Cây Thiên tuế tại Đình Phú Nhuận, ấp 2, xã Phú Nhuận, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre đã đủ các tiêu chí cây Di sản Việt Nam. Ngày 17/9/2024 TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã ký Công văn số 297/HMTg Thông báo tình hình xét duyệt Hồ sơ cây Di sản Việt Nam đến UBND Tp. Bến Tre, UBND xã Phú Nhận và Ban Quản lý Đình Phú Nhuận, theo đó Hội Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã thông báo chính thức Cây Thiên tuế tại Đình Phú Nhuận, là cây Di sản Việt Nam. Đây không chỉ là tin vui lớn đối với chính quyền và nhân dân xã Phú Nhuận mà còn là niềm vui mừng của Thành phố Bến Tre vì đây là cây Di sản thứ hai của Thành phố, sau 10 năm lần đầu tiên tỉnh Bến Tre và Thành phố Bến Tre có cây Di sản Việt Nam (Cội Bạch Mai, Đình Phú Tự, xã Phú Hưng).
Đại diện Chi hội Sáng tạo Trẻ, trường ĐH Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh và Phòng Văn hóa Thông tin Tp. Bến Tre trong chuyến khảo sát xây dựng Hồ sơ Cây Di sản ở Đình Phú Nhuận – Ảnh: nhóm Sáng tạo Trẻ Bến Tre
Theo Hồ sơ Cây Thiên tuế Đình Phú Nhuận do Chi hội Sáng tạo Trẻ, Hội Di sản Văn hóa tỉnh Bến Tre, trường ĐH Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh và nhóm Sáng tạo Trẻ Bến Tre do nhà nghiên cứu Đỗ Văn Công phụ trách phối hợp xây dựng đã được phê duyệt, cây Thiên tuế Đình Phú Nhuận khoảng 200 tuổi, có chu vi thân cây tại độ cao cách mặt đất 1,3 m là 3,2 m; đường kính 1 m; chiều cao 6 m; tán rộng 6 m. Về đặc điểm hình thái cây Thiên tuế Dình Phú Nhuận có thân cây đứng, từ gốc cao đến 2 m chỉ một thân, từ hơn 2 m chia làm 2 tược (bánh vè), từ 2 tược phân chia 10 ngọn, cây hơi nghiêng, hướng nghiêng phía Tây- Bắc 1500; có 2 bánh vè lớn, chu vi bánh vè 0,5 – 0,8 m. Hiện trạng của cây phát triển xanh tốt, không sâu bệnh, không có cây ký sinh và nấm ký sinh. Cây Thiên tuế Đình Phú Nhuậncó nhiều giá trị về văn hóa – lịch sử: gắn liền với Đình Phú Nhuậnthuộc ấp 2, xã Phú Nhuận, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre. Trong suốt quá trình lịch sử, từ những bậc tiền nhân có công khẩn hoang, lập ấp ở vùng đất này, đến nay nhiều thế hệ con cháu tiếp bước truyền thống yêu nước, đoàn kết xây dựng và bảo vệ quê hương.
Hồ sơ Cây Thiên tuế Đình Phú Nhuận trước ngày gửi ra Hà Nội (trái) và hoạt động khảo sát Cây Thiên tuế (phải). – Ảnh: nhóm Sáng tạo Trẻ Bến Tre
Đình Phú Nhuận là di tích lịch sử – văn hoá cấp tỉnh theo Quyết định số 1454/QĐ-UBND ngày 27/6/2016 của UBND tỉnh Bến Tre. Việc công nhận Cây Thiên tuế Đình Phú Nhuận là Cây Di sản sẽ tạo điều kiện bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích cấp Tỉnh, góp phần giáo dục cho các thế hệ hôm nay và mai sau biết tri ân các bậc tiền nhân đã có công khai khẩn vùng đất Phú Nhuận, Tp. Bến Tre… Qua đó tạo thêm điểm du lịch phục vụ du khách trong và ngoài tỉnh, góp phần phát triển du lịch bền vững của tỉnh nhà. Đặc biệt là giới thiệu nét độc đáo của cây Thiên tuế độc bản (tương tự Cội Bạch Mai, Đình Phú Tự, xã Phú Hưng) sống hàng trăm năm đã gắn liền với ngôi Đình, 10 ngọn nở hoa thơm ngát cả một vùng khi vào mùa trổ bông.
Phú Nhuận là 1 trong 3 xã phía Nam của thành phố Bến Tre được chọn để phát triển du lịch, với những tiền đề sẵn có như các điểm du lịch sinh thái Lan Vương, các homestay, điểm dừng chân,… đã và đang thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh kể cả khách du lịch nước ngoài. Khi cây Thiên tuế Đình Phú Nhuận được công nhận là cây Di sản sẽ tạo sức lan toả rộng hơn cho sự kết nối du lịch giữa các điểm tại địa phương, tạo tiền đề để các cơ sở tạo các tour tuyến kết nối du lịch sinh thái, tín ngưỡng dân gian và tâm linh,…
Được biết tỉnh Bến Tre đến nay có 6 cây Di sản Việt Nam (Ba Tri 2 cây, Tp. Bến Tre 2 cây, huyện Mỏ Cày Nam 1 cây và và huyện Bình Đại 1 cây), điểm đặc biệt là hồ sơ Cây Thiên tuế Đình Phú Nhuận do chuẩn bị đầy đủ và có sự đầu tư công sức, phối hợp sưu tra tư liệu, điền dã đối sánh thực địa xác định độ tuổi (ở các tỉnh Gia Lai, Tiền Giang và các huyện Ba Tri, Chợ Lách và Châu Thành, tỉnh Bến Tre), viết hồ sơ tốt nên chỉ trình một lần được phê duyệt không phải bổ sung, giải trình. Việc xây dựng hồ sơ cây Di sản Việt Nam đối với cây Thiên tuế Đình Phú Nhuận nằm trong Chương trình “Bảo tồn di tích Bến Tre theo bóng cây Di sản Việt Nam” do nhóm giảng viên, sinh viên khoa Quản lý Văn hóa nghệ thuật, trường ĐH văn hóa Tp. Hồ Chí Minh, nhóm Sáng tạo Trẻ Bến Tre và Chi hội Sáng tạo Trẻ, Hội Di sản Văn hóa tỉnh Bến Tre thực hiện từ năm 2021 đến nay. Dự kiến trong thời gian tới, Thành phố Bến Tre sẽ tổ chức đóng Bằng công nhận Cây Thiên tuế tại Đình Phú Nhuận là cây Di sản Việt Nam gắn với sự kiện kỷ niệm 10 năm Thành phố Bến Tre có cây Di sản Việt Nam – Cội Bạch Mai, Đình Phú Tự, xã Phú Hưng.
Khôi Nguyên