Tin Tức & Sự Kiện
CÂY ME THẦN ĐÌNH TÂN HƯNG VÀ TƯ TƯỞNG BẢO TỒN –PHÁT HUY DÒNG KÝ ỨC TU LIỆU THEO BÓNG CÂY DI SẢN

CÂY ME THẦN ĐÌNH TÂN HƯNG VÀ TƯ TƯỞNG BẢO TỒN –PHÁT HUY DÒNG KÝ ỨC TU LIỆU THEO BÓNG CÂY DI SẢN

Bài và ảnh: MINH HOÀNG- STT Biên tập)

 Theo ông Phan Văn Nhu (cư trú ấp Tân Khai, xã Tân Hưng): Ông cố của ông Nhu sinh năm 1839 kể lại với ông nội ông như sau:

Cây me đình Tân Hưng đã to lớn tại con giồng (hiện nay là ấp Tân Khai, xã Tân Hưng, huyện Ba Tri): Thành lập đình gần mười năm, đến năm Nhâm Tý (1852) vua Tự Đức – đệ ngũ niên sắc phong đình Tân Hưng, lúc nầy tuổi cây me khoảng hơn 40 năm.

Dưới thời Pháp thuộc, cây me này là nhân chứng cho tội ác giặc Pháp ở NHÀ VIỆC (trụ sở làm việc) phía trước đình làng. Lính Pháp đã bắt những người có liên can đến Việt Minh, chậm nộp thuế thân hoặc tội phạm hình sự vào “Đóng trăng” (trói người đứng dựa cột cờ) cả ngày hoặc nhiều ngày. Hiện nay những tảng đá xanh xây dựng xung quanh nền NHÀ VIỆC vẫn còn nguyên vẹn (UBND xây dựng trụ sở làm việc trên nền này).

Đặc biệt, với độ tuổi trên 200 năn, là một chứng nhân lịch sử ở vùng đất Ba Tri địa linh nhân kiệt, người dân Tân Hưng và cả vùng Ba Tri, Bến Tre đã kính cẩn suy tôn cây me cổ thụ đình Tân Hưng một thời là Cây Me Thần với tất cả sự linh thiêng của một cây cổ thụ có chu vi 4,55 mét, cao 16 mét. Hiện nay thân cây đoạn gần mặt đất đã bị mụt ruỗng. Cây Me Thần đã “Cải tử hoàn sinh”. Năm 2011, cây me bị hư giữa thân (bọng ruột), hư một lỗ nhỏ ngoài bìa thân cây, giữa thân cây đã mọc rễ chui xuống đất. Đến năm 2021 thân cây bị hư (0,84 x 2,5 m) từ mặt đất trở lên 2,5 mét, nhiều rễ cắm xuống đất đã lớn nên lá vẫn xanh tốt. Hằng năm, cây me đều ra hoa kết trái bình thường như những cây me khác, nhưng tỷ lệ đậu trái chỉ khoảng 20%.

Chính quyền xã Tân Hưng bảo vệ và chăm sóc cây me thần – Đã xây dựng giàn đỡ gồm sáu trụ cột cao 5,5 mét – Cho cây me đứng vững trong những cơn bão lũ và bón phân theo đúng qui định của kỹ sư trồng trồng trọt hướng dẫn.

Cây me thần cổ thụ là một biểu tượng lịch sử gắn liền với đình Tân Hưng, là ký ức của người dân xã Tân Hưng và các xã lân cận về một thời mở đất khai hoang, lập làng Tân Hưng xưa. Cây me cần được bảo vệ, chăm sóc như một chứng nhân lịch sử cho quá trình hình thành và phát triển xã Tân Hưng và có giá trị lịch sử đặc biệt khi kết nối với huyện thoại dân gian đã thành tín ngưỡng – Ông Yến trị hổ ở Tân Hưng. Đây là tiền đề quan trọng giúp xã Tân Hưng, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre nghiên cứu, đầu tư phát triển du lịch sinh thái văn hóa trong bối cảnh Bến Tre đang thực hiện Đề án Bến Tre Xanh và chủ trương phát triển về hướng biển của lãnh đạo tỉnh.

Ngày 21 tháng 6 năm 2021, Hội đồng Cây di sản Việt Nam, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã thống nhất chủ trương ra quyết định công nhận CÂY ME ĐÌNH TÂN HƯNG CÂY DI SẢN VIỆT NAM, đây là cây Di sản Việt Nam thứ 5 ở Bến Tre tính thời điểm hiện nay. Từ sau khi địa phương phối hợp Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam tổ chức Lễ công bố chính thức và gắn biển Cây di sản Việt Nam cho cây Me Tân Hưng vào dịp Quốc giỗ – mùng 10 tháng ba (al) năm 2021, như có một “phép thần” cây me đìnnh Tân Hưng được chăm sóc và tươi tốt lạ thường, không gian sinh thái – tâm linh từ cây Di sản Việt Nam được định hình góp phần lan tỏa tinh thần bảo vệ quê hương xanh tươi, phát triển bền vững theo bóng cây Di sản Việt Nam  ./.

Hình ảnh về sự kiện hôm qua –hôm nay – những ký ức đẹp về Cây Di sản Việt Nam ở quê hương Cụ Đồ, ảnh TL STT và TMH.