Tin Tức & Sự Kiện
Câu chuyện từ Bến Tre gợi mở cho Hội thảo khoa học Quốc gia “Phát huy các nguồn lực văn hóa xây dựng và phát triển “Thành phố sáng tạo”

Câu chuyện từ Bến Tre gợi mở cho Hội thảo khoa học Quốc gia “Phát huy các nguồn lực văn hóa xây dựng và phát triển “Thành phố sáng tạo”

Ngày14/11/2023, tại Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM đã diễn ra Hội thảo khoa học Quốc gia “Phát huy các nguồn lực văn hóa xây dựng và phát triển “Thành phố sáng tạo” của Thành phố Hồ Chí Minh”, đây là hội thảo về “Thành phố sáng tạo” của UNESCO đầu tiên được tổ chức ở các tỉnh phía Nam do Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM và Trường Đại học Văn hóa TP HCM phối hợp tổ chức.

Ban Tổ chức, các diễn giả và chuyên gia của Hội thảo – Ảnh: KK

Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 33 bài nghiên cứu và tuyển chọn, phản biện 29 bài nghiên cứu thể hiện sự phong phú, đa dạng với cách nhìn đa chiều đưa vào kỷ yếu Hội thảo theo 3 chủ đề: 1. Lợi thế và thách thức của văn hóa TP HCM trong phát triển “Thành phố sáng tạo”: 9 bài; 2. Các nguồn lực văn hóa TP HCM để xây dựng và phát triển “Thành phố sáng tạo”: 15 bài và 3. Những giải pháp để phát huy các nguồn lực văn hóa xây dựng và phát triển “Thành phố sáng tạo” có hiệu quả trong thời gian tới: 5 bài. Tại Hội thào có 5 bài nghiên cứu được chọn trình bày nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, các quản lý, nhà thực hành công nghiệp sáng tạo: “Tổng quan về Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO” của TS. Nguyễn Thị Thu Hà – Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp văn hóa và Nghệ thuật đương đại, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam; “Xây dựng TP sáng tạo – Tiếp cận từ công nghiệp văn hóa và văn hóa sáng tạo ở TP HCM” của TS. Phạm Văn Luân – Giảng viên chính Khoa Quản lý văn hóa, Nghệ thuật, Trường Đại học Văn hóa TP HCM; “Hoạt động biểu diễn nghệ thuật sân khấu TP HCM cần chiến lược mang tầm nhìn bền vững” của Nhà báo, Đạo diễn Tăng Hoàng Thuận – Hội Sân khấu TP HCM và bài “Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở trong xây dựng TP sáng tạo” TS. Nguyễn Thị Hương – Nghiên cứu viên Phòng Nghiên cứu Văn hóa – Xã hội, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM. Các bài trình bày đã gợi mở nhiều vấn đề học thuật, tạo không khí sôi nổi tại Hội thảo.

TS. Phạm Văn Luân (đứng) đang trình bày báo cáo tại Hội thảo – Ảnh: HP

Đặc biệt trong bài nghiên cứu của mình, TS Phạm Văn Luân đã chia sẻ câu chuyện TS. Christian Manhart, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam về làm việc về “Thành phố sáng tạo” tháng 4/2023 thu hút sự chú ý của Hội thảo. Theo đó, Bến Tre xác định xây dựng “Thành phố sáng tạo” để phát huy bản sắc văn hóa của mình với chủ đề cây dừa một dấu hiệu thế giới nhận diện Bến Tre. Bến Tre đề xuất hai lĩnh vực: Văn hóa ẩm thực dừa và Nghệ thuật dân gian (thủ công mỹ nghệ dừa, nhạc cụ từ dừa,…).

TS. Christian Manhart (phải) làm việc tại nhà Dừa Bến Tre – Ảnh KK

TS. Christian Manhart đánh giá: Có rất nhiều thuận lợi cho TP Bến Tre khi gia nhập mạng lưới UCCN để đa dạng hơn nữa nguồn lực văn hóa của tỉnh. Cụ thể, về ẩm thực dừa, mỗi năm tỉnh có thể tổ chức theo từng chủ đề, không chỉ dừng lại ở 222 món ăn từ dừa đã công bố, cần tạo thêm nhiều món ăn nữa từ cây dừa. Có thể mời các đầu bếp nổi tiếng trong khu vực đến và cùng chế biến, sáng tạo những món ăn mới từ dừa, điều này càng thể hiện khát vọng của Bến Tre đem đến những điều mới mẻ hơn cho mọi người. Các sự kiện, lễ hội về dừa ở Bến Tre cần có chiến lược quảng bá rộng hơn và mang tầm quốc tế thu hút du khách. Tất cả hoạt động mang tầm quốc tế Bến Tre có được khi tham gia “Thành phố sáng tạo” của UNESCO sẽ đóng góp tích cực phát triển du lịch Bến Tre.

Theo tiến độ đến 2025, TP HCM tham gia Mạng lưới các “Thành phố Sáng tạo” của UNESCO, đây không chỉ là cơ hội để nâng cao vị thế của TP HCM trên trường quốc tế, khẳng định bản sắc và thương hiệu của một thành phố sáng tạo hàng đầu của cả nước mà còn tạo hiệu ứng kết nối lan tỏa văn hóa sáng tạo đến các tỉnh thành Nam Bộ trong đó có Bến Tre. TP HCM là “Thành phố Sáng tạo” của UNESCO sẽ phát huy được vai trò đầu tàu của TP mang tên Bác giúp các địa phương trong khu vực Nam Bộ tiếp cận các xu hướng và mô hình quản lý tiên tiến vào vận dụng trong thực tiễn, tạo mũi đột phá đổi mới sáng tạo, phát triển công nghiệp văn hóa và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về lĩnh vực sáng tạo, hình thành nên văn hóa sáng tạo ở Việt Nam.

TS. Phạm Văn Luân tặng sách Lục Vân Tiên song ngữ Việt – Hàn cho ông Phạm Bình An (trái) – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM- Ảnh: HP

Lâm Trúc

Ảnh tại sự kiện của STT

Đại biểu HT phát biểu và trao đổi bên lề HT
Bà Trần Thị Ngọc Hân, Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội phát biểu tại HT
TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc trung tâm phát triển Công nghiệp Văn hóa và Nghệ thuật đương đại, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam phát biểu tại HT
Lãnh đạo 2 cơ quan đồng tổ chức HT và diễn giả HT