Tin Tức & Sự Kiện
Âm vang “Tiếng nói từ sông Mekong” phần 2

Âm vang “Tiếng nói từ sông Mekong” phần 2

Lời đầu tiên, em xin gửi lời cảm ơn chân thành đến TS. Phạm Văn Luân, cố vấn học tập của lớp Quản lý hoạt động văn hóa xã hội 17.1B. Nhờ có thầy mà lần đầu tiên em được tiếp cận một chương trình trực tiếp mang tính học thuật với sự góp mặt của nhiều chuyên gia có trình độ chuyên môn cao, đặc biệt qua thầy em được vinh dự tiếp xúc, học hỏi với Giáo sư Chung Hoàng Chương – thầy của TS. Phạm Văn Luân.  Là 1 sinh viên ngành Quản lý văn hóa, thành viên CLB SV Nghiên cứu khoa học khoa Quản lý Văn hóa, nghệ thuật, trường ĐH Văn hóa TP. HCM em nhận thấy bản thân cần có trách nhiệm cũng như ý thức phải tìm hiểu nhiều hơn, sâu hơn về ngành học mà mình đã chọn và thầy đã cho em cơ hội đó.

Tác giả bài viết và Giáo sư Chung Hoàng Chương (phải). Nguồn: TG.

Chương trình Tiếp chuyện và lắng nghe “Tiếng nói từ sông Mekong” phần 2 được tổ chức bởi nhóm Vầng Trăng Tri Thức vào lúc 8h30 ngày 30/09/2023 tại Nhã Nam book n’ coffee đường D5, quận Bình Thạnh, TP. HCM. Chương trình được sự góp mặt của Giáo sư Chung Hoàng Chương, Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng và Nhà báo Lương Minh.

Tập thể diễn giả, thành viên ban tổ chức và khách tham dự chương trình.  
     Nguồn: Nhóm Vầng Trăng Tri Thức

Không gian tổ chức chương trình tuy giản dị mà ấm cúng, yên tĩnh trên nền nhạc dân ca Nam Bộ, tất cả làm cho bầu không khí của buổi giao lưu luôn gần gũi và thoải mái hơn. Nội dung chương trình với 3 phần chính: Tiếng nói từ những ngôi chợ, Tiếng nói từ giọng hát, lời ru Tiếng nói từ nước.

Ở phần đầu khi nói về Tiếng nói từ những ngôi chợ, Nhà báo Lương Minh nhận xét rằng: “Tất cả những ngôi chợ ở miền Tây đều nằm ngay trục thuận lợi cho đường đường sông, nhưng ngày nay gần sông không còn là ưu thế nữa. Ngày nay, chợ phải mọc ở gần đường. Có nhiều ngôi chợ chết đi vì nhiều chợ mới mọc tự phát nằm ở trên đường” đã phản ánh về tình hình thực tế những ngôi chợ ở miền Tây hiện nay, và “Không có một chuyến du lịch nào mà khách du lịch không yêu cầu ghé chợ để họ mua những đặc sản lạ ở địa phương đó” đã nói lên tầm quan trọng của những ngôi chợ trong phát triển du lịch địa phương.

Nhà báo Lương Minh chia sẻ. Nguồn: TG

Hiện nay, có những ngôi chợ độc lạ mọc lên ở miền Tây như: chợ Chanh Lương Quới, chợ Bò Quang Phú, chợ Chuột, chợ Mây,… thu hút rất nhiều khách du lịch. Khi đi sâu hơn về vai trò của chợ trong đời sống của người dân, Nhà báo Lương Minh cho rằng chợ là nơi hội tụ của tình cảm, mối quan hệ giữa con người. Văn hóa chợ thể hiện tình người trong hành động người bán và người mua hỏi han, quan tâm nhau, dễ dàng cho khất nợ. Đó là lí do mà chợ vẫn còn tồn tại trong thời đại dù đã xuất hiện những siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại. Theo Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, chợ được hình thành từ những nhu cầu thiết thực và do tính tự phát của cộng đồng, gắn liền với lịch sử hình thành một vùng đất. Chợ phải do người dân lập nên, chợ do người dân buôn bán tự phát luôn phát triển hơn chợ do Nhà nước xây dựng nên. Lí do là vì chợ do Nhà nước xây dựng thiếu yếu tố thực tế, không sát với nhu cầu sống thường ngày của người dân. Qua đó, Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng đã chỉ ra hạn chế trong hoạt động bảo tồn, phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống hiện nay của các cơ quan chức năng và nhiều tổ chức tư nhân với thiện ý xuất phát từ hoài niệm quá khứ không thay đổi theo thời đại là không phù hợp, vì văn hóa luôn thay đổi và chúng ta cũng phải thay đổi. Phải tạo nên những tiền đề mới để phát triển văn hóa truyền thống thích nghi với thời đại mới, đó mới là “biến pháp” đúng chứ không thể khăng khăng giữ lấy cái cũ.

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng (phải) chia sẻ. Nguồn: TG

Khi nói đến phần Tiếng nói từ giọng hát, lời ru Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng cho biết: những hạt giống văn hóa đầu tiên của vùng đất Nam Bộ là những hạt giống Thuận Quảng, là hai vùng Thuận Hóa và Ngũ Quảng. Do đó, có thể thấy nét đặc trưng của văn hóa này trong các thể loại dân ca Nam Bộ, đặc biệt là hát ru, vì hát ru là thể loại dân ca ít thay đổi nhất. Các thể loại khác như hò, hát, lí, vè,.. khi sáng tác có tính ngẫu hứng. Trong khi đó, hát ru được truyền bá trong những gia đình truyền thống. Tuy nhiên, hiện nay, do sự hình thành của các gia đình hạt nhân mà các điệu hát ru cũng không còn được truyền bá liền mạch từ đời này sang đời khác như trước kia nữa. Điều này đã đặt ra vấn đề cho những người làm công tác văn hóa về việc bảo tồn các làn điệu dân ca của dân tộc. Ngoài ra, văn hóa sông nước lâu đời cũng để lại ảnh hưởng trong cách dùng từ của người dân như: xe đò, quá giang,…

Giáo sư Chung Hoàng Chương chia sẻ về Tiếng nói từ nước. Nguồn: TG

Cuối cùng là phần Tiếng nói từ nước của Giáo sư Chung Hoàng Chương, Là người có gần 20 năm lặn lội, gắn bó với dòng sông, con nước đồng bằng MeKong, có ít nhất 2 buổi chia sẻ về chủ đề đặc biệt này…

Triển lãm ảnh về sông Mekong của Giáo sư Chung Hoàng Chương, tháng 5/2023. Nguồn: STT
Tiếng nói từ sông Mekong” phần 1 của Giáo sư Chung Hoàng Chương, tháng 9/2023. Nguồn: STT
Giáo sư Chung Hoàng Chương chia sẻ về cuộc nói chuyện khoa học tại trường ĐH Văn hóa TP. HCM với GS. Pascal Bourdeaux, tháng 6/2022. Nguồn: PVL

Trong buổi chia sẻ “Tiếng nói từ sông Mekong” phần 2,  Giáo sư đã giới thiệu về văn hóa nước bằng những tên gọi khác nhau như văn hóa nổi, văn hóa thương hồ, văn minh miệt vườn và các mà người dân vùng Nam bộ thích nghi, dung hòa, sống với 3 loại nước: nước mặn, nước ngọt, nước lợ ở đây. Sự thích nghi của người dân thể hiện trong những nét văn hóa sống như di chuyển bằng ghe, thuyền; đi cầu dây, cầu khỉ; dùng dừa nước lợp nhà; canh tác luân canh theo nhịp độ của nước, sử dụng mô hình thuận thiên “con tôm ôm cây lúa” ; phát triển du lịch trên nước… Giáo sư cho rằng “Nước luôn phát biểu và không bao giờ yên lặng”, từ tiếng sông, tiếng sóng, tiếng chèo thuyền, dòng nước nơi đây là nguồn sống của người dân, là khởi nguồn của nền văn hóa sông Mekong. Từ đó, Giáo sư đặt ra vấn đề về việc khai thái hiệu quả nguồn tài nguyên nước và bờ biển của nước ta. Nước đã cho ta rất nhiều lợi thế về ngư trường, dầu khí, du lịch, giao thông vận tải, hệ sinh thái, điện gió, thủy điện. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều tiềm năng quan trọng còn bị lãng quên như vấn đề phát triển du lịch, phát triển đánh bắt cá xa bờ nhằm sử dụng hiệu quả vùng biển rộng lớn nước ta và thể hiện chủ quyền lãnh thổ. Còn một vấn đề nữa được đặt ra đó là vấn đề bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển và cửa biển. Ngày nay, Nhà nước đã thực hiện các chương trình phục hồi như trồng cây mắm, cây đước,… tuy nhiên vẫn cần nâng cao ý thức người dân trong việc giữ gìn hệ sinh thái.

Sau khi được nghe các diễn giả giàu kinh nghiệm phát biểu và ý kiến thảo luận của khách mời tham dự chương trình, em rút ra nhiều bài học kinh nghiệm và học hỏi thêm được nhiều kiến thức mới. Chỉ từ một vấn đề nước, các thầy đã vẽ ra một bức tranh nền văn minh sông nước Mekong, nhấn mạnh tầm quan trọng của nước đối với mọi mặt của đời sống. Phần khiến em ấn tượng nhất chính là lời của Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng nói về vấn đề khôi phục văn hóa truyền thống vì gắn liền với ngành Quản lý văn hóa mà em đang theo học. Qua phát biểu của thầy, em nhận diện được những bất cập trong bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống hiện nay khi quá rập khuôn, đi theo những lề lối, suy nghĩ cứng nhắc trong khi văn hóa luôn thay đổi và phát triển theo thời đại. Em nhận thức được mọi vấn đề luôn có hai mặt, ngành Quản lý văn hóa không chỉ quan tâm ngăn chặn những hiện tượng văn hóa mới lệch lạc, giữ gìn những nếp cũ một cách “máy móc” mà phải phát huy, trên cơ sở lý thuyết “sáng tạo truyền thống”, đặt ra những tiền đề mới để cái cũ dung hòa với cái mới, theo kịp đúng thời đại, phát triển nền văn hóa truyền thống trong thời đại mới đậm đà bản sắc dân tộc.

Sau cùng, em xin dành lời cảm ơn chân thành đến Giáo sư Chung Hoàng Chương, Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, Nhà báo Lương Minh đã đến và chia sẻ những kiến thức bổ ích, cảm ơn nhóm Vầng Trăng Tri Thức đã tổ chức một chương trình tuyệt vời. Em hi vọng trong tương lai chúng em sẽ có cơ hội tham gia những chương trình ý nghĩa như thế này nhiều hơn nữa.

Họ và tên: Phan Hoàng Minh Anh

MSSV: D22QL150

Lớp: 22DQL2, CLB SV Nghiên cứu Khoa học, khoa QLVHNT,

Trường ĐH Văn hóa TP.HCM