Kết nối - Cơ hội hợp tác
Bảo tồn thiên nhiên và văn hóa vì sự phát triển bền vững ĐBSCL

Bảo tồn thiên nhiên và văn hóa vì sự phát triển bền vững ĐBSCL

5


r>

NSTT- Nguồn: PLHH – website tỉnh Bến Tre   

Image

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Anh Tuấn phát biểu tại Diễn đàn Bảo tồn thiên nhiên và văn hóa lần thứ 3. (Ảnh: P.L.H.H.)

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Anh Tuấn, nhấn mạnh: “Biến đổi khí hậu đã và đang tác động mọi mặt đến tự nhiên và xã hội mà nguyên nhân chính của sự nóng lên toàn cầu là do hiệu ứng nhà kính trong khí quyển tăng lên đáng kể. Theo đánh giá của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) 2007, Việt Nam sẽ là một trong năm nước trên thế giới dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu và nước biển dâng. ĐBSCL của  Việt Nam là một trong ba vùng châu thổ trên thế giới được xếp vào nhóm nguy cơ cao bị ảnh hưởng biến đổi khí hậu. Và theo kịch bản quốc gia năm 2010, đến 2075 mực nước biển dâng lên 50 cm, ĐBSCL sẽ có đến 10,55% diện tích tự nhiên bị ngập do nước biển dâng, trong đó Bến Tre là 16,49%. Với những tác nhân nêu trên, các khả năng về biến đổi khí hậu sẽ là những thách thức lớn đối với mục tiêu phát triển bền vững cho ĐBSCL”.

Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, nguyên Phó Tổng Thư ký Uỷ ban Sông Mê Công Việt Nam (VNMC), hiện là  Giám đốc Trung tâm Phát triển Bền vững Tài nguyên Nước và Thích ứng với Biến đổi Khí hậu, Hội Tưới tiêu Việt Nam (NGO), trình bày về Phát triển thủy điện trên dòng sông chính Mê Công và những tác động đến ĐBSCL. Đây là vấn đề đang được dư luận hết sức quan tâm.

Mê Công là con sông lớn nhất ở Đông Nam Châu Á, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, Trung Quốc, sông chảy qua lãnh thổ của 6 nước là Trung Quốc (tỉnh Vân Nam), Myanma, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.  

Sông Mê Công có chiều dài dòng chính là 4880 Km, diện tích lưu vực 795.000 km2 và tổng lượng dòng chảy hàng năm 475 tỉ m3. So với các lưu vực sông trên thế giới, Mê Công đứng thứ 8 về tổng lượng dòng chảy, thứ 12 về chiều dài và thứ 21 về diện tích lưu vực.

Sông Mê Công thuộc lãnh thổ Trung Quốc có độ chênh lòng sông rất lớn (trên 4000m) tạo cho phần lưu vực này có một nguồn thuỷ năng rất phong phú. Trung Quốc dự kiến xây dựng 15 bậc thang thuỷ điện với tổng công suất lắp máy lên đến 22.860 MW, tổng dung tích chứa 52,81 tỷ m3, dung tích hữu ích 29,3 tỷ m3.

Theo kế hoạch đã được chính phủ Trung Quốc thông qua, đến 2020, trên sông Lang Thương sẽ có 8 nhà máy thuỷ điện được đưa vào vận hành gồm Gongguo, Xiaowan, Manwan, Dachaoshan, Nuozhadu, Jinghong, Ganlanba và Mengsong với tổng công suất 15.000 MW và hồ chứa có dung tích khoảng trên 40 tỉ m3 nước để đáp ứng nhu cầu điện năng trong tỉnh và xuất khẩu điện sang Thái lan và các tỉnh Đông Nam Trung quốc là Quảng Đông, Quảng Tây và Quí Châu.

Đến năm 2040, Trung Quốc dự kiến xây thêm 6-7 nhà máy thuỷ điện nữa. Các trạm thuỷ điện trung bình và nhỏ cũng sẽ được xây dựng trong lưu vực sông Lang Thương để khai thác đầy đủ tiềm năng thuỷ điện, thúc đẩy phát triển công nghiệp địa phương.

Từ 2007 có thể xem là một mốc quan trọng khi các nước Lào, Thái Lan và Campuchia đồng loạt khởi động việc nghiên cứu xây dựng các công trình thuỷ điện trên dòng chính sông Mê Công. Trong một thời gian ngắn, từ tháng 3 đến tháng 10 năm 2007, Lào đã ký biên bản ghi nhớ với các nước để nghiên cứu chuẩn bị cho xây dựng hàng loạt các công trình thuỷ điện trên dòng chính. Cụ thể, tháng 3/2007 ký với công ty Mega First, Malaysia xây dựng thuỷ điện Đôn Sahong (tỉnh Chămpasak); tháng 5/2007 ký với công ty Karnchang Public Company Ltd, Thái lan xây dựng thuỷ điện Xayaboury (tỉnh Xayabouri); tháng 6/2007 ký với Sinnohdro Corporation China National Electronics, Trung Quốc  xây dựng thuỷ điện Pak Lay (tỉnh Xayaburi); tháng 8/2007 ký với công ty Datang International Power Generation Co. Ltd, Trung Quốc xây dựng thuỷ điện Pakbeang (tỉnh Oudomxay); tháng 10/2007 ký với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xây dựng thuỷ điện Luang Prabang (tỉnh Luang Prabang). 

Image

Tiến sĩ Đào Trọng Tứ trả lời phỏng vấn của báo chí. (Ảnh: P.L.H.H.)

Thái Lan đang tiến hành nghiên cứu xây dựng thuỷ điện Ban Koum. Campuchia đã ký biên bản ghi nhớ với Trung Quốc nghiên cứu thuỷ điện Sambor. Các hoạt động sôi động này đều được thực hiện qua hợp tác song phương ngoài khuôn khổ hợp tác Mê Công. Tổng công suất lắp máy từ 12.920  MW (phương án thấp) đến 21.300 MW (phương án cao), dung tích chứa không điều tiết khoảng 8 tỷ m3.

Với nguồn thủy điện dòng nhánh Mê Công: Thái Lan đã khai thác gần như toàn bộ tiềm năng thủy điện của dòng nhánh Mê Công thuộc Thái Lan, Lào đã và đang xây dựng hàng loạt các nhà máy thủy điện lớn, trung bình trên các dòng nhánh Mê Công thuộc lãnh thổ Lào, Việt Nam cũng đã đồng loạt khởi công một loạt các nhà máy thủy điện lớn trên sông Sê San và Srêpốk là sông nhánh thuộc lưu vực Mê Công.

Đối với ĐBSCL, một trong những vùng trọng điểm kinh tế của cả nước, vựa lúa lớn nhất Việt Nam, sông Mê Công có một vị trí đặc biệt quan trọng. Nói về vị trí trong lưu vực sông, ĐBSCL nằm ở cuối nguồn nước, được hưởng những lợi thế về sự mầu mỡ do phù sa sông Mê Công bồi đắp từ hàng ngàn đời nay và nhận lại toàn bộ lượng dòng chảy sông sau khi qua các nước thượng lưu.

Tuy nhiên, do nằm cuối nguồn, nước sông Mê Công đến ĐBSCL đã, đang và sẽ  chịu tác động của mọi biến động thiên nhiên và hoạt động của con người ở các quốc gia thượng lưu.

Một trong những tác động đang dấy lên sự lo ngại sâu sắc trong dư luận ở Việt Nam nói riêng và thế giới đối với tương lai của hệ sinh thái sông Mê Công nói chung và nguồn nước sông Mê Công đó là tác động do việc phát triển thủy điện từ các quốc gia trong lưu vực sông Mê Công, đặc biệt là các bậc thang thủy điện trên dòng chính…

Tại diễn đàn, nhiều báo cáo, tham luận liên quan đến các vấn đề trong lĩnh vực kinh tế (nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp), văn hóa và môi trường tự nhiên của ĐBSCL đã được trình bày với nhiều phản hồi, thảo luận của các đại biểu tham dự.

Đặc biệt, diễn đàn không chỉ thu hút sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế mà còn có sự tham gia của người dân, cán bộ tại địa phương đến giới thiệu các mô hình nông thôn mới có tính thích ứng cao như mô hình nông lâm, thủy sản và du lịch bền vững.

Ngoài ra, vấn đề thích ứng của ĐBSCL đối với biến đổi khí hậu cũng là một trong những vấn đề trọng tâm của các chủ đề thảo luận.

  (KN-STT-TH)