Bài viết của “bàn tròn SVNCKH về Môi trường và sân chim Vàm Hồ”
BẢO VỆ SÂN CHIM VÀM HỒ BẰNG KÊNH GIÁO DỤC VÀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Khi bắt tay làm đề tài khoa học về sân chim Vàm Hồ, em phải ngay lập tức gõ vào goole vì hỏi mãi vẫn không nghe có mấy ai chọn vùng đất này để nghiên cứu… Em cứ tưởng mình thiếu thông tin, đối với một vùng đất giàu tiềm năng cả tự nhiên và xã hội vốn là mảnh đất màu mỡ cho giới nghiên cứu thì làm gì có chuyện ít người biết đến!!!
Và điều đó lại là sự thật! may mắn cho em, khi truy cập mạng internet đã tiếp cận trưởng Nhóm Sáng tạo Trẻ, trường CĐ Bến Tre, trưởng ban điều hành “Dự án sổ tay bảo vệ sân chom Vàm Hồ” và nhận được những thông tin không lấy làm phấn khởi… vì cho đến nay số công trình, đề tài nghiên cứu về sân chim vàm Hồ chỉ tính trên đầu ngón tay !
Điều đáng bận tâm là cách nay 14 năm, từ ngày 29-12-1997, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre đã ra Quyết định số 2409/QĐ-UB thành lập Khu bảo tồn sân chim Vàm Hồ với tổng diện tích (khu I và II) 67,6 ha… Thế nhưng cho đến nay, những hoạt động nghiên cứu cần thiết để đưa sân chim Vàm Hồ trở thành Khu bảo tồn theo luật định vẫn chưa có gì đáng kể ngoài đề án của sở KH-CN Bến Tre năm 1998 được UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư xây dựng “khu bảo tồn sân chim Vàm Hồ” ngày 21-12-1998 theo Quyết định số 2179/QĐ-UB, đáng tiếc là không biết vì lý do gì, tất cả chỉ “nằm trên giấy tờ”…mãi cho đến nay!
Theo khảo sát của em, cho đến nay ngoài đề tài nghiên cứu về tiềm năng phát triển du lịch của sân chim Vàm Hồ năm 2009 của nhóm SV khoa KH XH – NV, trường CĐ Bến Tre, đề tài của SV Trần Hoàng Nhân, ĐHNL Tp Hồ Chí Minh về quy hoạch rừng năm 2010. Đề án “Sổ tay bảo vệ sân chim Vàm Hồ” của Nhóm Sáng tạo Trẻ, do Ths Phạm Văn Luân chủ trì nghiên cứu, bảo vệ thành công và được tài trợ vốn thực hiện theo chủ đề “truyền thông bảo vệ động vật hoang dã” của Nhóm Cabaret vào tháng 9 năm 2010. Được truyền cảm hứng nghiên cứu từ dự án bảo vệ sân chim Vàm Hồ, bước vào năm 2011 phong trào NCKH về sân chom này đã phát triển với 2 đề tài được kết nối từ dự án bảo vệ sân chim Vàm Hồ của các bạn SV khoa KH XH-NV, khoa Sư phạm, khoa Công nghệ thông tin trường CĐ Bến Tre đang sinh hoạt trong Nhóm Sáng tạo Trẻ; Đề tài của SV Phan Thanh Âu, trường ĐH Văn Hiến, Tp Hồ Chí Minh “Đánh giá tiềm năng tài nguyên DLST và xu hướng phát triển DLST sân chim Vàm Hồ”.
Sân chimĐây là những dẫn chứng sinh động cho thấy, Vàm Hồ là địa điểm lý tưởng cho các hoạt động giáo dục và nghiên cứu khoa học về bảo vệ môi trường của HSSV không chỉ của Bến Tre mà cả các tỉnh lân cận. Đặc biệt, đối với thành phố Hồ Chí Minh là nơi tập trung một lực lượng đông đảo sinh viên từ mọi miền đất nước đang theo học một số chuyên nghành liên quan về môi trường, sinh thái, du lịch…chính vì vậy nhu cầu về nghiên cứu học tập tại sân chim Vàm Hồ là rất lớn.
Tuy nhiên, qua trao đổi với lớp đàn anh đi trước, và ngay bản thân chúng em khi đặt vấn đề nghiên cứu ở sân chim Vàm Hồ không khỏi ngỡ ngàng vì chưa có nhịp cầu và môi trường thật sự tương thích với hoạt động NCKH; chúng em rất thông cảm và hiểu được phần nào những qui định hiện thời của ban quản lý sân chim và UBND xã Tân Mỹ; vì đây là khu bảo tồn nên việc nghiên cứu, học tập cũng cần phải có sự giới hạn để đảm bảo không làm ảnh hưởng đến đời sống tự nhiên của các loài động, thực vật. thế nhưng những qui định đó cần được thực hiện một cách thân thiện, minh bạch và tương thích với những yêu cầu cần thiết của hoạt động NCKH; chúng em là SV, từ Tp Hồ Chí Minh xuống, đi lại đã khó khăn, thông tin liên lạc rất hạn chế, chính quyền địa phương lại lúc nào cũng có công việc của mình… nên điều chắc chắn không tránh khỏi là sự bị động trong khâu liên hệ, tạo điều kiện và hướng dẫn SV tiến hành công tác nghiên cứu tại sân chim.
Xuất phát từ thực tế này, chúng em xin đưa ra những kiến nghị với địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho giới nghiên cứu về sân chim Vàm Hồ
1- Cần có những qui định chính thức, công bố công khai các thủ tục, trình tự khi đến nghiên cứu sân chim; cụ thể như là: giới hạn khu vực nghiên cứu, số lượng người đến nghiên cứu trong một ngày…những qui định này một mặt cần được thể hiện trên 1 website để giới nghiên cứu nắm được từ xa, một mặt cần niêm yết công khai ở UBND xã, trên các biển chỉ dẫn ở đường vào xã và UBND xã cần bố trí một cán bộ kiêm nhiệm công tác tiếp nhận, xử lý thông tin đáp ứng nhu cầu đến học tập, nghiên cứu của các đói tượng trong và ngoài tỉnh.. có như vậy người nghiên cứu mới không ngỡ ngàng khi đặt chân đến Vàm Hồ vì những thủ tục phép tắc !
2- Ngành chức năng, chính quyền địa phương cần có một tổ chức đứng ra làm đầu mối thúc đẩy các hình thức theo dõi, hỗ trợ, động viên giới nghiên cứu khoa học, thầy cô giáo, học sinh sinh viên, giới sáng tác văn học nghệ thuật đến với sân chim. Ví dụ như: hợp tác đưa kết quả nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn nhằm bảo tồn, phát triển sân chim; Tập hợp ấn hành những tác phẩm, công trình nghiên cứu về sân chim hàng năm; Tổ chức liên hoan gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, thông tin NCKH, hợp tác phát triển về sân chim …
3- Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công tác NCKH, xúc tiến các hoạt động hợp tác không chỉ là nhu cầu của cư dân trong vùng, mà còn trong cả nước và nước ngoài nhằm đưa sân chim Vàm Hồ phát triển, tỉnh Bến Tre cần tập trung xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ cho nhu cầu giới nghiên cứu về sân chim Vàm Hồ; dĩ nhiên là trong giới hạn cho phép, không làm ảnh hưởng đến các loài động thực vật, kết hợp giữa nghiên cứu, hợp tác khai thác và tái tạo.
4- Thành lập chi nhánh thúc đẩy nghiên cứu, hợp tác bảo tồn, phát triển sân chim Vàm Hồ ở các khu vực trung tâm của giới nghiên cứu, học giả, văn nghệ sĩ có tiềm năng nghiên cứu cao như thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ, Biên Hòa…để giới nghiên cứu có thể liên hệ dễ dàng, thuận tiện. Đây là chiến lược không chỉ nhằm khuyến khích nghiên cứu, hợp tác bảo tồn sân chim mà còn mở rộng thị trường du lịch ngày một rộng lớn, mang tính chiến lược, giúp cho khu du lịch tồn tại và ngày một phát triển.
5- Cần sớm nghiên cứu thực hiện những ấn phẩm, tài liệu khoa học, giáo dục về bảo vệ môi trường và động vật hoang dã từ sân chim Vàm Hồ ở các dạng như tranh ảnh, sách giáo khoa, CDR, website, tủ sách sân chim Vàm Hồ và nghiên cứu cả khả năng xây dựng Trung tâm hoặc Vườn nghiên cứu, bảo tồn động vật hoang dã ở sân chim Vàm Hồ để xác lập được vị thế của một khu bảo tồn đã khai sinh từ 14 năm qua – vườn ươm ý tưởng sáng tạo, nơi gieo mầm nghiên cứu khoa học môi trường của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long!
Khu bảo tồn sinh thái Vàm Hồ là vốn quý của Bến Tre không chỉ ở lãnh vực du lịch mà nó còn thể hiện sinh động trên lĩnh vực nghiên cứu khoa học và sáng tạo, đây sẽ là nơi ươm mầm cho môi trường sống hài hòa giữa thiên nhiên và con người trên đất cù lao xứ dừa thân yêu.