Tin Tức & Sự Kiện
CHUYẾN TRẢI NGHIỆM THỰC TẾ TẠI THÁP CHĂM PÔ SAH INƯ CỦA SINH VIÊN KHOA QUẢN LÝ VĂN HÓA, NGHỆ THUẬT

CHUYẾN TRẢI NGHIỆM THỰC TẾ TẠI THÁP CHĂM PÔ SAH INƯ CỦA SINH VIÊN KHOA QUẢN LÝ VĂN HÓA, NGHỆ THUẬT

         Sáng ngày 19/6/2024, nhóm sinh viên Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật đã có dịp đến tham quan và tìm hiểu tại tháp Chăm Pô Sah Inư. Đây được coi là công trình chứa nhiều tinh hoa kiến trúc của người Chăm cổ nhất từ trước đến nay. Trong thời kỳ phát triển hưng thịnh của mình, vương quốc Chăm-pa đã để lại cho hậu thế nhiều công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật, trở thành những di sản vô giá ngày nay, trong đó có tháp Chăm Pô Sah Inư.

Hình 02: Sơ đồ tuyến đi tham quan di tích Tháp Chăm Pô Sah Inư. Nguồn: Gia Huy

Tháp Chăm Pô Sah Inư được xây dựng từ thế kỷ IX với phong cách Hòa Lai – là một trong số nhiều phong cách nghệ thuật cổ của Chăm-pa được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1991. Với những đường nét nghệ thuật kiến trúc truyền thống tinh tế và độc đáo, dấu ấn thời kỳ phát triển hưng thịnh của vương quốc Chăm-pa vẫn còn được lưu giữ rõ nét trên công trình kiến trúc tiêu biểu này. Ngày nay, cụm Tháp Pô Sah Inư cổ vẫn còn được lưu giữ khá nguyên vẹn và nổi bật nhất trong số các di tích còn sót lại của người Chăm ở Bình Thuận. Nhóm đền Tháp Chăm Pô Sah Inư đã được nhà nước xếp hạng di tích Quốc gia tại Quyết định 1371/QĐ ngày 03 tháng 8 năm 1991.

Hình 03: Tháp Chăm thứ nhất.  Nguồn: Gia Huy
Hình 04: Nhóm Tháp Chăm thứ hai. Nguồn: Gia Huy
Hình 05: Bàn thờ cúng bên trong Tháp. Nguồn: Gia Huy

Không những được tham quan những kiến trúc vĩ đại, nhóm sinh viên chúng tôi còn có dịp được thưởng thức lễ hội Dân Gian Chăm Pô Sah Inư trực tiếp tại đây. Lễ hội diễn ra thu hút rất đông người dân địa phương và khách đến tham quan đến thưởng thức. Tuy chỉ với các dụng cụ biểu diễn bình thường nhưng các nghệ nhân đã trình diễn rất ấn tượng trong bộ trang phục truyền thống của mình.

Hình 06: Chương trình nghệ thuật Dân gian Chăm – Pô Sah Inư huyền thoại. Nguồn: Gia Huy
Hình 07: Nghệ nhân biểu diễn. Nguồn: Gia Huy

Đối với bản thân là sinh viên chuyên ngành Quản lý hoạt động văn hóa, xã hội, thì tôi có nhận thức sâu sắc về việc gìn giữ và bảo tồn di tích đó. Chỉ có như vậy thì những di tích ấy mới đọng lại trong tiềm thức của người dân địa phương và du khách tham quan. Bên cạnh đó, khu di tích này còn tạo ra việc làm, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, góp phần phát triển và quảng bá du lịch Việt Nam. Theo báo cáo của Bảo tàng tỉnh, tính từ 15/5 – 15/6, di tích tháp Pô Sah Inư đã đón 21.000 lượt khách tham quan, trong đó có 389 lượt khách nước ngoài, tăng gần 5.000 khách so năm 2022. Lũy kế, trong 6 tháng đầu năm 2023, di tích tháp Pô Sah Inư đón gần 87.000 lượt khách. Hiện giá vé vào tham quan di tích vẫn là 15.000 đồng đối với người lớn và 7.000 đồng đối với trẻ em từ 6 đến 12 tuổi.

Tuy thời gian tìm hiểu, tham quan thực tế tại Tháp Chăm Pô Sah Inư chưa thực sự nhiều, nhưng cũng đủ cho nhóm sinh viên chúng tôi có được những kiến thức thực tế, những trải nghiệm đáng nhớ, đặc biệt là được gặp và tiếp xúc với những con người, công trình vĩ đại như thế này. Chúng tôi cũng nhận thức được rằng, chỉ có thể nắm vững và nắm bắt kịp thời sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật mới kế thừa và phát huy những gì mà thế hệ cha ông đã để lại

Tin: Gia Huy